Chưa được phân loại

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 sẽ đi vào lịch sử như một nhà cải cách vĩ đại

Đức Bênêđíctô XVI ngày 19 tháng Tư 2005

Nhân kỷ niệm 11 năm ngày Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 được bầu vào ngôi Giáo Hoàng (19/04/2005), John Allen, ký giả lão thành về những đề tài liên quan đến Vatican khẳng định rằng các quan sát viên dễ dàng đồng thuận với nhau là Đức Bênêđíctô 16 là một vị Giáo Hoàng giảng dạy tuyệt vời.

Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông, thế tục và cả Công Giáo, thường lặp đi lặp lại những chỉ trích liên quan đến việc cai quản Giáo Hội của ngài. Tiêu biểu là:

1) Việc bổ nhiệm Đức Cha Stanisław Wielgus, là người đã có một mối quan hệ không rõ ràng với mật vụ cộng sản thời Xô Viết, vào ngày 6 tháng 12 năm 2006. Một tháng sau, ngày 6 tháng Giêng 2007, Tòa Thánh lại phải buộc vị tân Tổng Giám Mục thủ đô Balan từ chức đột ngột.

2) Một bổ nhiệm kỳ lạ tương tự vào ngày 31 tháng Giêng năm 2009 cho cha Gerhard Maria Wagner vào chức vụ Giám Mục Phụ Tá tổng giáo phận Linz. Cha Wagner “nổi tiếng” trên diễn đàn thế giới từ năm 2005 với tuyên bố cho rằng cơn bão Katrina là một sự trừng phạt của Thiên Chúa vì tội lỗi của người dân New Orleans. Giữa trận cuồng phong của các phương tiện truyền thông, chỉ nửa tháng sau khi được bổ nhiệm, Đức Tân Giám Mục phải từ chức đột ngột vào ngày 15 tháng Hai 2009.

3) Hai bổ nhiệm kỳ lạ này dẫu sao vẫn còn “có thuốc chữa”. Vụ bổ nhiệm thê thảm nhất đến nay vẫn “không có thuốc chữa” là vụ bổ nhiệm Lý Sơn (李山)làm Giám Mục Bắc Kinh, bất chấp những phản đối của Đức Hồng Y Trần Nhật Quân, lúc đó là Giám Mục Hương Cảng. Trong cuộc họp báo tại Pieve di Cadore, Bắc Italia, hôm 18 tháng 7, 2007, Đức Hồng Y Tarcisio Bertonne, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, nồng nhiệt ca ngợi Lý Sơn là “rất tốt, hết sức phù hợp” và “Điều này đối với chúng tôi có lẽ là một dấu chỉ tích cực”.

4) Tiếp theo là câu chuyện tha vạ tuyệt thông cho bốn vị giám mục của Huynh Đoàn Thánh Piô X vào năm 2009, trong đó có giám mục Richard Williamson. Tháng 11 năm 2008, giám mục Richard Williamson có một cuộc phỏng vấn với Đài Truyền Hình Thụy Điển trong đó ông phủ nhận những con số thống kê thường được chấp nhận rộng rãi trên thế giới về số người Do Thái bị giết trong cuộc diệt chủng do Đức Quốc Xã tiến hành trong thế chiến thứ Hai. Richard Williamson phủ nhận con số 6 triệu người Do Thái bị giết và cho rằng chỉ cùng lắm là 200,000 đến 300,000 người Do Thái chết trong các trại tập trung của Đức và chẳng hề có chuyện Đức Quốc Xã giết người hàng loạt bằng những phòng hơi ngạt. Đài Truyền Hình Thụy Điển đã quyết định không phát cuộc phỏng vấn này. Nhưng đúng ngày 21 tháng Giêng 2009 khi Tòa Thánh loan báo tha vạ tuyệt thông cho bốn vị giám mục của Huynh Đoàn Thánh Piô X thì họ phát lên. Câu chuyện này gây không ít đau buồn cho Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 vì những hiểu lầm sau đó. Các phương tiện truyền thông lặp đi lặp lại câu chuyện này trong một thời gian dài, nhấn mạnh rằng Đức Bênêđíctô thứ 16 không chỉ là một người Đức mà còn là một lính Đức trong quân đội Quốc Xã của Hitler. Trong trận cuồng nộ của những vu cáo chống lại ngài, Đức Bênêđíctô thứ 16 đã phải đích thân viết một lá thư cho tất cả các Giám Mục trên thế giới.

Bên cạnh đó còn có vụ bê bối Vatileaks trong hai năm 2011-12, và những lệnh lạc khó hiểu của Đức Hồng Y Tarcisio Bertonne..

Đức Hồng Y George Pell của Úc, nay là Tổng Trưởng Bộ Kinh Tế, là một trong số những người kêu gọi việc cải tổ sâu rộng giáo triều Rôma ba năm trước đây.

Phát biểu ngay sau khi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 tuyên bố thoái vị vào ngày 11 tháng Hai, 2013, Đức Hồng Y nói:

“Tôi nghĩ rằng việc quản trị của Tòa Thánh đã được thực hiện bởi hầu hết những người xung quanh Đức Giáo Hoàng, và không phải lúc nào công việc cũng được thực hiện xuất sắc. Tôi không nói điều gì mới đâu. Người ta đã nói nhiều về điều này.”

Tuy nhiên, đánh dấu kỷ niệm 11 năm ngày Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 được bầu vào ngôi Giáo Hoàng vào ngày 19 tháng Tư năm 2005, ký giả John Allen khẳng định rằng về lâu dài, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 sẽ được đánh giá không phải trên những thất bại của ngài nhưng là trên quá trình cải cách lịch sử mà ngài đã khởi động.

Nhiều thế kỷ sau, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 sẽ được nhớ đến như một “nhà đại cải cách”. Sau đây là ba lý do tại sao.

Tài chính phân minh

Mặc dù, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đưa ra một chương trình đầy tham vọng về cải cách tài chính, điều quan trọng ta phải nhớ rằng cải tổ tài chính tại giáo triều Rôma cho phù hợp với những tiêu chuẩn của thế kỷ 21 đã thực sự bắt đầu dưới thời Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16.

Động thái quan trọng nhất Đức Bênêđictô đã thực hiện, lần đầu tiên, là chấp nhận việc để cho các cơ quan thế tục độc lập xem xét hệ thống tài chính của Vatican. Cụ thể là cơ quan Moneyval, là tổ chức phòng chống rửa tiền của Liên Hiệp Âu Châu. Đó là lần đầu tiên Vatican mở tung các hệ thống tài chính và pháp lý cho sự xem xét đánh giá độc lập của bên ngoài, với kết quả được công bố công khai trước dư luận thế giới.

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 cũng là vị giáo hoàng đầu tiên hình thành một đơn vị giám sát tài chính mới bên trong Vatican, đó là Cơ quan Thông tin Tài chính, và đã thuê một chuyên gia nghiêm túc để lãnh đạo cơ quan này là một luật sư Thụy Sĩ tên là René Brülhart, người trong 10 năm trước đó đã lãnh đạo nỗ lực chống rửa tiền tại quốc nhỏ bé Liechtenstein ở châu Âu.

Những nỗ lực chống lạm dụng tính dục

Khi vụ bê bối lạm dụng tính dục tại Hoa Kỳ nổ ra vào năm 2002, phản ứng tại Vatican có thể được chia một cách lỏng lẻo thành hai phái, tạm gọi là phái các “nhà cải cách” và phái “những người phủ nhận” trong cuộc tranh luận là liệu chuyện này có phải chỉ là một cuộc khủng hoảng lớn xuất phát từ một sự điên cuồng tấn công của các phương tiện truyền thông và được lèo lái bởi các luật sư đang hăm hở săn tìm các khoản tiền bồi thường kếch sù, hay nó là một bệnh ung thư thực sự cần phải được ráo riết chạy chữa? Xa hơn, liệu Giáo Hội có nên hợp tác với chính quyền dân sự, và từ bỏ quyền tự chủ mà Giáo Hội đã chiến đấu qua nhiều thế kỷ để bảo vệ? Cũng vậy, liệu Giáo Hội có sẵn sàng áp dụng các phương pháp tâm lý học thế tục trong việc sàng lọc các ứng viên cho chức linh mục? Và liệu cuộc khủng hoảng này thực sự là một hiện tượng toàn cầu, hay nó chỉ là kết quả của một “cuộc khủng hoảng luân lý” giới hạn trong phạm vi các nước phương Tây?

John Allen cho rằng khi vụ bê bối tại Mỹ nổ ra dưới thời Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, phái “những người phủ nhận” chiếm đa số tại Vatican và các nhà cải cách chỉ là một thiểu số. Đến cuối triều giáo hoàng của Đức Bênêđíctô thứ 16, tình hình đã đảo ngược hoàn toàn.

Khi còn ở Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger đã thúc đẩy các quy định mới để loại bỏ các linh mục lạm dụng trong những năm dưới thời Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Sau đó, trong tư cách là Giáo Hoàng, ngài đã viết những quy tắc này thành luật.

Chính Đức Ratzinger là người đã tung vị Công Tố hàng đầu của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, lúc bấy giờ, là Đức Cha Charles Scicluna, vào cuộc điều tra linh mục Marcial Maciel Degollado, người Mễ Tây Cơ, bất chấp mạng lưới mạnh mẽ những người ủng hộ linh mục này tại Vatican, và chính ngài năm 2006, đã truyền cho cha Maciel phải lui vào một đời sống “cầu nguyện và sám hối”.

Sau đó, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 là vị giáo hoàng đầu tiên gặp các nạn nhân lạm dụng tình dục, và là vị giáo hoàng đầu tiên đích thân xin lỗi các nạn nhân. Ngài cũng là vị giáo hoàng đầu tiên dành toàn bộ một tài liệu cho cuộc khủng hoảng lạm dụng trong lá thư năm 2010 gởi cho người Công Giáo Ái Nhĩ Lan.

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 cũng huyền chức gần 400 linh mục trong hai năm 2011 và 2012 vì những lý do liên quan đến lạm dụng tình dục. Như vậy, 1 phần 1,000 các linh mục Công Giáo trên thế giới đã bị loại ra khỏi hệ thống chỉ trong hai năm!

Một vị Giáo Hoàng đơn sơ và khiêm nhường

Mặc dù thật là chính đáng khi ca tụng Đức Thánh Cha Phanxicô vì sự khiêm tốn và giản dị của ngài, nhưng sự thật là Đức Thánh Cha Bênêđictô 16 đã đóng góp đáng kể vào sự “đơn sơ hóa, và nhân bản hóa” ngôi giáo hoàng trước khi Đức Thánh Cha Phanxicô lên ngôi.

Dưới đây là một ví dụ. Ngay sau khi đắc cử, Đức Thánh Cha Phanxicô trở lại Casa del Clero ở Rôma, nơi ngài đã cư trú trước khi tham dự mật nghị để lấy hành lý của mình và trả hóa đơn của riêng mình. Đây là một câu chuyện đã trở thành một phần trong hình ảnh bình dân của ngài. Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 cũng đã làm nhiều điều tương tự cách đây 11 năm, khi ngài trở về căn phòng của mình để thu xếp hành trang và sau đó đi xung quanh để cảm ơn các nữ tu sống trong tòa nhà như những người láng giềng tốt. Nói cách khác, Đức Thánh Cha Bênêđíctô cũng có tất cả sự khiêm tốn như là người kế nhiệm ngài ngay cả khi điều đó không phải luôn luôn rõ ràng từ cảm nhận của công chúng.

Đức Thánh Cha Bênêđíctô cũng nhân bản ngôi giáo hoàng với khả năng biết thừa nhận lỗi lầm và yêu cầu giúp đỡ.

Lá thư năm 2009 của ngài gởi cho các giám mục thế giới, liên quan đến vụ Richard Williamson, là một trong những lá thư cảm động, được viết bởi chính tay một vị Giáo Hoàng, trong đó Đức Bênêđíctô thẳng thắn thừa nhận rằng ngài và nhóm của ngài tại Vatican đã thất bại – không phải trên bản chất của các quyết định, nhưng trên cách thế hành xử và truyền đạt các quyết định ấy.

Cuối cùng, tất nhiên, có một thực tế không ai chối cãi được về sự khiêm nhường tuyệt vời nhất của ngài khi quyết định thoái vị ngày 11 tháng Hai, 2013.

“Các Hiền Huynh thân mến,

Tôi đã triệu tập các Hiền Huynh đến Công Nghị này, không chỉ để bàn về ba án phong Thánh nhưng còn là để trao đổi với các Hiền Huynh một quyết định rất quan trọng đối với đời sống của Giáo Hội. Sau nhiều lần tự vấn lương tâm trước mặt Chúa, tôi đã đi đến sự xác tín rằng năng lực của tôi, do tuổi cao, không còn phù hợp để cáng đáng đầy đủ sứ vụ Giáo Hoàng. Tôi biết rằng sứ vụ này, do bản tính siêu nhiên của nó, phải được thực hiện không chỉ bằng lời nói và việc làm, nhưng phải đi kèm với không ít những lời cầu nguyện và đau khổ. Tuy nhiên, trước một thế giới với quá nhiều những thay đổi nhanh chóng và đang rúng động bởi những vấn nạn liên quan sâu sắc đến đời sống đức tin; để có thể lèo lái con thuyền của Thánh Phêrô và rao giảng Tin Mừng, cả năng lực của trí óc lẫn thể xác đều là cần thiết. Năng lực của tôi trong vài tháng qua, đã xấu đi đến mức mà tôi phải thừa nhận sự bất lực của tôi không thể đáp ứng đầy đủ sứ vụ được giao phó cho mình. Vì lý do này, và cũng nhận thức được mức độ nghiêm trọng của hành động này, với hoàn toàn tự do, tôi tuyên bố thoái vị khỏi sứ vụ của Giám Mục Roma, Người kế vị Thánh Phêrô, đã được giao phó cho tôi bởi các Hồng Y ngày 19 Tháng Tư năm 2005. Như thế, kể từ 20 giờ ngày 28 Tháng Hai năm 2013, Ngai Tòa Thánh Phêrô, sẽ được bỏ trống và một Mật Nghị Hồng Y sẽ được triệu tập để bầu vị Giáo Hoàng bởi những vị có thẩm quyền.

Các Hiền Huynh thân mến,

Tôi chân thành cảm ơn tất cả anh em vì tình yêu và những công việc mà anh em đã ủng hộ tôi trong sứ vụ của mình và xin tha thứ cho tất cả các khiếm khuyết của tôi. Và bây giờ, chúng ta hãy ủy thác Giáo Hội cho sự chăm sóc của vị Mục Tử tối cao của chúng ta, là Chúa Giêsu Kitô, và khẩn cầu Mẹ Maria chí thánh của Ngài trợ giúp các Hồng Y Giáo Phụ với lòng ưu ái từ mẫu của Mẹ trong việc bầu Đức Tân Giáo Hoàng. Liên quan đến bản thân mình, tôi cũng muốn tận tụy phục vụ Giáo Hội Thánh của Thiên Chúa trong tương lai thông qua một cuộc sống tận hiến cho việc chuyên tâm cầu nguyện.”

Chắc chắn, những người đời sau sẽ nhớ đến Đức Bênêđíctô thứ 16 như một nhà cải cách vĩ đại về nhiều phương diện.

Đặng Tự Do

vietcatholic.org

Bài viết liên quan