Hôm 8 tháng Giêng, Đức Hồng Y Walter Kasper đã dành cho chương trình “Báo cáo München” của Đài Truyền Hình Quốc Gia Đức ARD một cuộc phỏng vấn trong đó ngài cảnh báo rằng nhiều người chống đối Đức Thánh Cha Phanxicô đang muốn lợi dụng tai tiếng lạm dụng tính dục để kết thúc triều đại Giáo Hoàng của ngài càng sớm càng tốt.
Ban Biên Tập của tờ Crux do ký giả lão thành John Allen làm chủ biên có bài tường trình sau về cuộc phỏng vấn này. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem ở đây: German prelate says papal enemies want ‘a new conclave’ – (Giám Mục Đức nói những kẻ thù của Đức Giáo Hoàng muốn có ‘một mật nghị bầu Giáo Hoàng mới’). Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Một vị giám mục Đức thường được xem là một trong những đồng minh thân cận nhất của Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng cuộc khủng hoảng lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ hiện đang được các đối thủ của Đức Giáo Hoàng sử dụng như một cơ sở để kết thúc triều Giáo Hoàng của Đức Phanxicô, và bầu lên một vị Giáo Hoàng mới phù hợp với chương trình nghị sự của họ.
“Có những người chỉ đơn giản là không thích triều Giáo Hoàng này. Họ muốn kết thúc nó càng sớm càng tốt, để, có thể nói, là triệu tập một mật nghị bầu Giáo Hoàng mới. Họ cũng muốn mật nghị này diễn ra theo ý của họ, để có một kết quả phù hợp với ý tưởng của họ”, Đức Hồng Y Walter Kasper, người Đức, đã nói như trên trong một cuộc phỏng vấn gần đây.
Đức Hồng Y Kasper, là chủ tịch danh dự của Hội đồng Giáo hoàng về Cổ vũ Đại kết Kitô giáo, đã nói về Đức Phanxicô và cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục giáo sĩ hiện nay trong chương trình “Báo cáo München” gần đây, do đài truyền hình quốc gia ARD của Đức phát sóng.
Trong chương trình này, cũng có các cuộc phỏng vấn với Đức Hồng Y Raymond Burke, người Mỹ, và một nạn nhân bị lạm dụng là Marie Collins, người Ái Nhĩ Lan. Đức Hồng Y Kasper lập luận rằng có một số nhóm trong Giáo hội đang lợi dụng cuộc khủng hoảng lạm dụng tính dục như một cơ sở để kết thúc triều Giáo Hoàng của Đức Phanxicô.
Đức Hồng Y Burke là một trong bốn vị Hồng Y đã viết và công bố 5 “dubia” – tức là 5 điểm hồ nghi cần làm sáng tỏ – về Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục do Đức Phanxicô công bố vào năm 2016. Tông Huấn Amoris Laetitia, đã mở ra một cánh cửa thận trọng cho người Công Giáo ly dị và tái hôn được rước lễ.
Vào thời điểm đó, nhiều người lập luận rằng tài liệu này gây nhầm lẫn, mơ hồ và khó diễn giải. Dù cuộc thảo luận đã dịu lại trong ba năm qua, căng thẳng vẫn chưa hoàn toàn tan biến.
Tuy nhiên, bên cạnh các vấn đề về tín lý, lại cũng đã có những tranh luận về tính khí và phong cách cai trị của Đức Phanxicô, như được mô tả trong cuốn sách vào năm 2017 của Henry Sire. Cuốn “The Dictator Pope” (vị Giáo Hoàng Độc tài), trích dẫn các nguồn bên trong nội bộ Vatican, đã vẽ nên một bức tranh tiêu cực về Đức Phanxicô, mô tả ngài như một người dễ mất bình tĩnh, sử dụng ngôn ngữ cộc cằn và muốn khống chế.
Ngày 26 tháng 8 năm 2018, trong một bức thư được tung ra vào ngày cuối cùng chuyến tông du của Đức Phanxicô đến Dublin nhân dịp Cuộc gặp gỡ các gia đình thế giới, Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò, người từng là Sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ từ năm 2011 đến năm 2016, đã buộc tội Đức Phanxicô bỏ qua cáo buộc về những hành vi sai trái của cựu Hồng Y Theodore McCarrick, hiện đang bị điều tra vì ba cáo buộc lạm dụng trẻ vị thành niên; và kêu gọi Đức Giáo Hoàng từ chức.
Ngay sau đó, cố nhiên là có nhiều người muốn xác minh các tố cáo của Đức Tổng Giám Mục Viganò. Tuy nhiên, cũng có nhiều người đặt câu hỏi về ý định của bức thư, vì nó đã được công bố vào cuối chuyến đi đầy sóng gió của Đức Thánh Cha Phanxicô, tại một nơi ngài đang phải đối mặt với những áp lực to lớn đối với việc giải quyết cuộc khủng hoảng lạm dụng ở Ái Nhĩ Lan, sau một mùa hè khó khăn với những tai tiếng lạm dụng tính dục ở Mỹ từ việc công bố báo cáo của bồi thẩm đoàn Pennsylvania, và những tiết lộ về các cáo buộc lạm dụng và các hành vi sai trái của McCarrick.
Lá thư của Đức Tổng Giám Mục Viganò là một pha trộn rất lạ lùng giữa sự phẫn nộ chính đáng, những sự kiện có vẻ khó bác bỏ, ẩn ý cá nhân và những hàm ý có tính ý thức hệ, trong khi nêu ra cái gọi là “hành lang vận động đồng tính” bên trong Vatican. Lá thư ấy đã thành công trong việc làm mất uy tín Đức Phanxicô trong lòng một số người Công Giáo tại Hoa Kỳ.
Trong những lời bình luận của mình trong chương trình của đài truyền hình ARD, Đức Hồng Y Kasper cho biết các đối thủ của Đức Giáo Hoàng đang sử dụng một chiến lược “không thích đáng” khi biến cuộc thảo luận về vấn đề lạm dụng thành một cuộc thảo luận về “Đức Giáo Hoàng Phanxicô”, đến mức mà Đức Hồng Y gọi đó là “một sự lạm dụng [tai tiếng] lạm dụng”.
Theo nhận xét của Đức Hồng Y Kapser: “Điều này chuyển hướng sự chú ý của chúng ta đối với vấn đề thực sự, và đây là phần rất xấu xa của nó”. Ngài nói thêm rằng biến cuộc thảo luận thành một vấn đề về triều giáo hoàng của Đức Phanxicô “đang làm chúng ta phân tâm”, mất tập trung vào những vấn đề quan trọng hơn, như sự phát triển tốt hơn các “phương tiện phòng ngừa” khi đề cập đến việc làm sao bảo vệ trẻ vị thành niên khỏi bị lạm dụng.
Đặng Tự Do