Trong một bài diễn văn tại một hội nghị tại Đức nhân kỷ niệm 10 năm (2007-2017) tự sắc Summorum Pontificum của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 về việc sử dụng các hình thức Phụng Vụ trước cuộc cải cách của Công Đồng Chung Vatican II, Đức Hồng Y Robert Sarah, Tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, đã đưa ra một đánh giá thẳng thừng về “thảm hoạ, sự tàn phá và sự phân ly mà những người đề cao một thứ phụng vụ sống động và hiện đại đang gây ra.”
Đức Hồng Y Sarah nhắc nhở cử tọa rằng khi công bố tự sắc Summorum Pontificum, mở rộng việc tiếp cận phụng vụ truyền thống Latinh, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã bày tỏ hy vọng rằng hai hình thức nghi lễ Rôma này sẽ làm phong phú thêm cho nhau. Theo Đức Hồng Y, việc làm giàu đó là điều cần thiết trước tình trạng nghèo nàn của Phụng Vụ Công Giáo ngày nay.
Đức Hồng Y nói:
“Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng của đức tin, không chỉ giới hạn trong số các tín hữu Kitô mà còn, và đặc biệt là nghiêm trọng trong số nhiều linh mục và giám mục, đã làm cho chúng ta không thể hiểu được phụng vụ Thánh Thể như một lễ tế hy sinh, như một hành động được thực hiện một lần và cho tất cả bởi Chúa Giêsu Kitô, như một hy lễ xuyên suốt trong toàn thể Giáo Hội, qua các thời đại, ở mọi nơi, xuyên suốt qua các quốc gia và các dân tộc khác nhau. Ngày nay, thường có một khuynh hướng bỉ báng là hạ giảm Thánh lễ xuống thành một bữa ăn đơn giản chung với nhau, việc cử hành xảy ra như một bữa tiệc ấm ớ, nhằm cử mừng chính cái cộng đoàn ấy, hoặc thậm chí còn tồi tệ hơn, người ta muốn chuyển hướng kinh khủng sang một cuộc sống không còn ý nghĩa hoặc là người ta sợ phải gặp mặt Thiên Chúa mặt đối mặt, bởi vì ánh mắt của Ngài mạc khải và bắt buộc chúng ta phải nhìn ra sự thật một cách kiên quyết vào những khốn nạn trong đời sống nội tâm của chúng ta.”
Đức Hồng Y Sarah bày tỏ âu lo rằng:
“Ngày nay, có một số lượng đáng kể các nhà lãnh đạo Giáo Hội đã đánh giá thấp cuộc khủng hoảng nghiêm trọng mà Giáo Hội đang trải qua: đó là chủ nghĩa tương đối trong giáo huấn về đạo lý, luân lí và kỷ luật, những lạm dụng nghiêm trọng, hủy hoại và giản dị Phụng Vụ Thánh.”
Ngài nói rằng thời kỳ sau Công Đồng Vatican II là một “mùa xuân” cho Giáo Hội, nhưng ngày nay các nhà quan sát khôn ngoan nhận ra rằng đáng buồn thay đang có một khuynh hướng “khước từ di sản hàng thế kỷ của Giáo Hội”.
Trong một nhận xét rất cay đắng, Đức Hồng Y nói: “Các nhà chính trị Châu Âu bị khiển trách vì bỏ rơi hoặc chối bỏ nguồn gốc Kitô giáo của nó. Nhưng người đầu tiên đã bỏ rơi căn cội Kitô và quá khứ của mình chính là Giáo Hội Công Giáo sau công đồng.”
Đặng Tự Do