Hôm nay, nhắc lại ngày Đức Mẹ đi viếng Bà thánh Isave, ngay sau khi Mẹ cưu mang Chúa Cứu Thế. Mầu nhiệm Đức Mẹ đi viếng Bà thánh Isave đã được Đông phương mừng kính từ lâu đời trước. Bên Tây phương lần đầu thấy nghi lễ này trong qui chế của nhà thờ Mans năm 1247. Các tu sĩ dòng Phanxicô bắt đầu mừng lễ từ năm 1263.
Khi Giáo hội bên Tây phương bị phân rẽ trầm trọng và bị thử thách nặng nề, ý tưởng của Đức giáo hoàng hướng về Đức Maria Mẹ Thiên Chúa đến thăm viếng và mang lại cho gia đình Giacaria bao nhiêu là niềm an ủi, Giáo hội cũng đang cần đến sự an bình hiệp nhất và sức mạnh. Cảm biết nhu cầu của Giáo hội và tin tưởng vào Đức Maria. Ngày 06 tháng 4 năm 1389, Đức Urbariô VI đã ra một sắc lệnh. Và ngày 09 tháng năm ấy, Đức Bônifaciô XI ban bố việc mừng lễ Đức Mẹ đi thăm viếng.
Việc thiết lập mừng lễ phát xuất từ cuộc phân rẽ, đã được hội đồng Bale xác quyết để kỷ niệm việc Giáo hội được bình an trở lại. Đức Piô IX đã nâng lên bậc lễ kính ngày 31.5.1850, để kỷ niệm việc giải phóng thành Roma Gaete trở về của Ngài. Biến cố này đã xảy ra năm trước, trùng vào đúng ngày lễ Đức Mẹ đi thăm viếng.
Mừng kính mầu nhiệm Đức Mẹ đi viếng bà thánh Isave Đức Phaolô VI viết: “Lễ thăm viếng nhắc lại sự kiện Maria cưu mang Chúa Con đến thăm và giúp đỡ bà Isave, đồng thời công bố lòng nhân hậu của Thiên Chúa Cứu chuộc” (Marilis Cultus, số 7). Sự kiện Đức Mẹ đi thăm bà thánh Isave đã khởi sự từ lời loan báo của sứ thần Gabriel trong buổi truyền tin như để xác quyết về quyền năng của Thiên Chúa: “Kìa Isave trong hàng thân thích của Người cũng đã mang thai trong lúc tuổi già, cái thai này đã sáu tháng, nơi một kẻ đã từng mang tiếng là son sẻ hiếm hoi” (Lc 1,36)
Lúc truyền tin cho Mẹ Maria, sứ thần Gabriel đã báo cho Mẹ biết: Isave, người chị họ đã mang thai được 6 tháng: tuy bà đã lớn tuổi và mang tiếng là son sẻ hiếm hoi, vì không có việc gì mà Thiên Chúa không làm được. Sứ thần có ý loan tin đó để cho Mẹ thấy quyền năng cao cả vô cùng của Thiên Chúa. Đồng thời để củng cố thêm niềm tin cho ngài. Nghe tin đó, Mẹ Maria vội vã lên đường đi thăm người chị có phước, vì được Chúa yêu thương cho đứa con an ủi lúc tuổi già. Cuộc thăm viếng này không những nói lên tâm tình bác ái yêu thương của Mẹ, mà còn để chia sẻ niềm vui của hai người mẹ. Với niềm vui riêng và nhất là sự thúc đẩy của đức bác ái, Maria đã lên đường thăm viếng người bà con may mắn của mình..
Thánh kinh tiếp tục kể lại cuộc thăm viếng này: “Chỗi dậy, Maria đon đả đi lên miền sơn cước, đến một thành xứ Giudêa, bà vào nhà Giacaria và chào Isave. Và xảy ra là thoạt nghe lời Maria chào thì hài nhi nhảy mừng trong dạ mẹ”, vì niềm vui luôn cần được chia sẻ, để Mẹ mang Chúa Cứu Thế, mang bình an hạnh phúc cho gia đình Giacaria, đồng thời để hai người mẹ được dịp ca ngợi tình thương vô biên của Thiên Chúa.
Chính vì những lý do cao đẹp đó mà Mẹ Maria đon đả vội vả, không quản ngại đường xá khó khăn cách trở. Và này, hai người mẹ vừa gặp nhau thì đức con trong dạ Isave liền nhảy mừng, bà được Thánh Thần thúc đẩy đã vang lời chúc tụng Mẹ Thiên Chúa: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ. Và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được phúc này là Thân Mẫu Chúa đến với tôi ? Vì này, tai tôi vừa nghe tiếng em chào thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1,42-45).
Và khi đó, Chúa Giêsu thi hành sứ mạng của Người trước khi sinh ra: Người đã thánh hóa Gioan Tẩy Giả ngay lúc còn trong bụng mẹ. Và Gioan cũng đã thực hiện sứ vụ tiền hô của mình khi nhảy mừng Đấng Cứu Thế. Và Đức Maria, nhờ Thánh Thần tác động, đã cất lên bài ca cảm tạ hồng ân Chúa, với những lời lẽ vô cùng cao quý. Những lời lẽ mà Hội Thánh luôn dùng để ngợi khen Chúa: “linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa. Thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi…”
Thánh Bêđa đã quảng cáo bài ca cảm tạ của Mẹ Maria như sau: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa. Thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi”. Đức Mẹ dùng những lời ấy, trước hết là để tuyên dương các ơn Chúa đã ban cho Mẹ cách đặc biệt. Rồi sau đó, mới kể đến các ơn chung Chúa không ngớt làm cho tất cả nhân loại…
“Đấng toàn năng đà làm cho tôi biết bao điều cao cả. Danh Người thật chí thánh chí tôn”. Do đó, Ngài không gán cho mình một công trạng nào. Mọi sự cao cả của mình, Ngài quy về Chúa, Đấng mà bản tính là quyền năng và cao cả, nhưng quen làm cho các tín hữu của Người từ những kẻ bé mọn và yếu đuối, nên cao cả và mạnh mẽ.
Và Mẹ có lý khi thêm: “Danh Người thật chí thánh chí tôn”. Để khuyên những ai nghe Mẹ nói, và thậm chí cả những ai mà các lời của Mẹ sẽ vọng tới tai, hãy chạy đến tin tưởng và cầu khẩn danh Chúa, vì chính họ cũng có thể được dự phần ơn thánh hoá đời đời và ơn cứu độ chân thật. Như lời ngôn sứ đã nói: Ai cầu khẩn Danh Chúa, sẽ được cứu rỗi. Đó chính là Danh mà trên kia Mẹ đã nói:”Thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi”.
Trong thông điệp về lòng tôn sùng Đức Maria, Đức giáo hoàng Phaolô VI đã ghi rằng: “Công bố lòng nhân hậu của Thiên Chúa cứu chuộc”. Thực vậy, lời kinh Magnificat của Mẹ đã là lời công bố tuyệt hảo những hồng ân của lòng nhân hậu Chúa. Nhưng riêng các diễn biến xảy ra, việc này cũng cho thấy lòng nhân hậu của Chúa thế nào. Nghe lời Đức Maria chào, hài nhi trong lòng đà được ơn thánh hóa, được nâng lên hàng phẩm chức cao vượt các tiên tri do ơn được tiền dự vào công việc cứu chuộc. Con trẻ đã nhận biết Đấng đến thăm mình và bày tỏ bằng sự nhảy mừng, tình yêu và niềm kính trọng đối với sự hiện diện của Thiên Chúa. Ngoài ra Mẹ Maria đã được Chúa dùng làm dụng cụ chuyển thông ơn phúc của Thiên Chúa, như muốn chỉ cho chúng ta thấy rằng mẹ thực sự là máng thông chuyển ơn và chúng ta có thể tin tưởng chạy đến sự cầu bầu của Mẹ.
Thật chỉ một cuộc thăm viếng mà đã đem lại cho chúng ta biết bao bài học thiêng liêng cao quý!…
Lạy Cha là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, khi Thánh Mẫu Maria vừa mang thai. Chúa Giêsu, Cha đã soi sáng cho Thánh Mẫu đi thăm viếng bà Isave. Xin cho chúng con hằng mau mắn nghe theo Chúa Thánh Thần hướng dẫn, để được cùng Đức Maria ngợi khen Chúa muôn đời. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.