Giáo Hội Iraq: lịch sử, phát triển và truyền giáo từ đâu cho tới ngày nay
Ngày 17 tháng 2 vừa qua ĐHY Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ Truyền Giáo, đã tham dự Đại hội về “các hậu quả tôn giáo của việc di cư trong các xã hội âu châu”, triệu tập tại đại học Budapest thủ đô Hungaria. ĐHY đã thuyết trình về đề tài “Giáo Hội tại Iraq: lịch sử, phát triển và truyền giáo từ đầu cho tới ngày nay”. Đây cũng là đề tựa cuốn sách của ĐHY đang được dịch sang các thư tiếng Anh, Tây Ban Nha và A rập.
Sau đây là nội dung bài thuyết trình của ĐHY. Mở đầu bài nói chuyện ĐHY khẳng định rằng các xã hội âu châu đã không bao giờ là “một” trong quá khứ, trong hiện tại và trong tương lai. Đúng hơn Âu châu giống như một cái thùng chứa, trong đó lịch sử đã cho chúng ta thấy các biến cố của quá khứ, các dân tộc, tiếng nói, văn hoá khác nhau, các xung khắc, các chế phục, các biên giới được vạch ra, bị cắt thành các miếng nhỏ, rồi được vẽ lại.
Có ba yếu tố khiến cho Âu châu được hiệp nhất, mặc dù có sự khác biệt. Thứ nhất là tôn giáo: nó cũng thường là nguồn gốc gây ra các xung khắc và chia rẽ. Thứ hai là ý niệm về quyền lợi gắn liền với bản vị con người, được phát triển trong bối cảnh của tư tưởng thời hậu phục hưng. Yếu tố thứ ba hấp dẫn, vì đôi khi nó khơi dậy sự khâm phục và ganh đua, và trong nhiều dịp khác sự ghen tương. Chắc chắn rất thường khi nó là “khúc xương” người ta tranh giành nhau. Tôi muốn nói tới vẻ đẹp và nghệ thuật. Ba yếu tố: tôn giáo, các quyền con người và nghệ thuật đã tạo thành các dân tộc, các quốc gia và các tử tưởng tại Âu châu một cách không thể tẩy xoá được.
Các xã hội âu châu tân tiến và hậu tân tiến ngày nay đã cắt chặt mình khỏi ba gốc rễ này, giờ đây đang tìm kiếm căn tính của mình một cách vô ích. Điều này có thể thực sự xảy ra không? Bên trong tình trạng khủng hoảng của xã hội hiện nay được coi như “lỏng lẻo”, mà lại vẫn có thể dựng lên các hàng rào ngăn cách, bẻ gẫy chúng, và đề ra một loại phản kháng như là việc bảo vệ chống lại sự khác biệt, gây sợ hãi, khó chịu và bất an hay sao? Làm sao sự hấp dẫn của ước mong kín ẩn và sâu thẳm của con người muốn hạnh phúc và sống trong bình an lại có thể bị lặng xuống đến độ khiến chúng ta trở thành người xa lạ và dửng dưng với những người đang trốn chạy chiến tranh, tìm sự cứu thoát hay không có công ăn việc làm?
Khi thấy các xã hội âu châu của chúng ta trở thành niềm hy vọng và giấc mơ của các đám đông dân chúng đến từ Afghanistan, Pakistan, Syria, Iraq, Kurdistan, Palestina và vùng Phi châu nam sa mạc Sahara, tôi tự hỏi: những người này, đa số là các dân tộc tuyên xưng niềm tin vào Hồi giáo, các dân tộc bị đau khổ vì các cuộc nội chiến, các dân tộc không có công ăn việc làm hay viễn tượng thực sự nào cho một cuộc sống tốt đẹp hơn, tại sao họ lại đến Âu châu hay tìm qua Hoa Kỳ, Canda hoặc Australia? Tại sao họ không di cư sang các vùng mà họ có thể chia sẻ các quan điểm chính trị, tôn giáo và ngôn ngữ giống họ; các vùng phong phú dầu hoả và ngày nay được coi là các xã hội giầu sụ? Đương nhiên là con người không chỉ sống vì cơm bánh mà thôi!
Các xã hội âu châu hấp dẫn, bởi vì được xây dựng trên nguyên tắc nhân chủng học về bản vị con người, về các lý tưởng tự do, huynh đệ và bình đẳng hồi hậu bán thế kỷ XVII, trong đó tôn giáo không còn là yếu tố gây chiến tranh nữa, cũng như không có vai trò bắt buộc nào. Các xã hội âu châu đã thắng vượt được hôn nhân nguy hiểm giữa tôn giáo và chính trị, và giờ đây thường xuyên chạy đến với hệ thống bầu cử chính trị, trong đó người dân đuợc tự do thành lập gia nhập hiệp hội, mà không sợ bị đàn áp hay bạo hành. Chính vì các lý do này mà các xã hội âu châu xem ra cống hiến cho các dân tộc di cư này một cuộc sống hấp dẫn hơn với các bảo đảm tự do, không giống các xã hội thần quyền, mà họ không còn tin tưởng nữa.
Tiếp tục bài thuyết trình ĐHY Filoni cho biết ngài đã sống nhiều năm bên vùng Trung Đông và nhận thấy rằng đối với nhiều người tiếng kêu mời tiếp đón và miền Tây tự do thực sự trở thành điều không thể cưỡng lại được. Người trẻ đang trốn chạy các xã hội thần quyền thống trị. Đàng khác, nếu các xã hội âu châu nằm trong tay các chế độ độc tài thuộc đủ mọi loại, thì liệu chúng có cùng sức hấp dẫn nhu thế không? Chúng có tiếp tục là đích điểm để đạt tới không, cả khi người ta liều mất mạng sống?
Tuy nhiên, lý do cốt nõi gây ra cuộc xuất hành của các dân tộc vùng Trung Đông, có các chiều kích của cuộc xuất hành trong Thánh Kinh, đó là việc thiếu hoà bình. Mọi người đều có quyền sống trong an bình, là khát vọng lớn nhất trong các khát vọng. Mọi cuộc di cư lớn đều bắt đầu với chiến tranh. Có thể nào quyền được sống trong hoà bình bị khước từ hay sao? Các quyền tự do và hoà bình đã không hiện diện trong con tim của người dân Hungari cách đây 30 năm sao?
Tìm kiếm hoà bình giống như một trò chơi chung, trong đó hoà bình là hình ảnh chính lảng tránh cần được khám phá ra. Nhưng hình ấy nếu nó được hiểu một cách tốt đẹp, cần được giải thoát khỏi các hàm hồ, thí dụ người Latinh xưa kia nói: “Nếu bạn muốn hoà bình hãy sửa soạn chiến tranh”. Nhiều người khác thì nghĩ rằng hoà bình cần được chiếm hữu bằng cách loại bỏ sự khác biệt, làm như thể nó là nguồn gốc của sự bất ổn. Người khác nữa thì nghĩ tới hoà bình trong các phạm trù của việc khước từ các quyền dân sự và tôn giáo của người khác. Người ta lại còn cho rằng hoà bình có thể đạt được bằng cách làm cho mọi khả năng cá nhân suy tư khác nhau chảy vào một đầu óc giàn dựng.
Tất cả những điều trên đây dẫn tôi tới việc trình bầy về Giáo Hội tại Iraq, là một cộng đoàn kitô cổ xưa vì trong 2.000 năm đã sống trong vùng đất Lưỡng Hà. Trong vùng này cách đây 100 năm số người kitô chiếm 15% tổng số dân. Ngày nay giảm xuống chỉ còn 1 hay 2%. Từ thời kỳ xảy ra cuộc diệt chủng người Armeni khiến cho 1,2 triệu người chết và tàn sát 250.000 người Canđê, Armeni và Siri, cả công giáo lẫn chính thống, khiến cho người dân trong vùng bắt đầu xuất cư. Ngày nay các cuộc di cư ồ ạt này đã gia tăng mạnh mẽ, vì chiến tranh, kỳ thị, thiếu cuộc chung sống hoà bình và thiếu công ăn việc làm. Tôi đã viết cuốn sách này để lôi kéo sự chú ý trên lịch sử hay đẹp của Giáo Hội Cổ Đông Phương, được biết tới như Giáo Hội Canđê. Tôi nghĩ nó cần thiết, vì tôi đã không tìm thấy lịch sử trọn vẹn của Giáo Hội này, từ đầu cho tới nay. Thật ra tựa đề cuốn sách nói lên điều ấy: “Giáo Hội tại Iraq: lịch sử, phát triển và truyền giáo từ đầu cho tới nay”.
Tôi nghĩ việc hiểu biết lịch sử của Kitô giáo tại vùng Trung Đông – ngày nay là Iraq – không phải là một sự lười biếng văn hóa thái quá, nhưng đúng hơn là một tiếp cận cho phép hiểu biết các ly do và các biến cố thê thảm của vùng này, và đánh giá cuộc sống và văn hóa của nó, cũng như các chứng tá đức tin và các lý do đàng sau sự gắn bó của các kitô hữu với vùng đất này, cũng như sự thù ghét của các kẻ thù nghịch với họ. Đồng thời người ta cũng hiểu tâm hồn cao quý của dân tộc này đã được tôi luyện bởi hai thực tại nền tảng: thứ nhât họ là một thiểu số: sự kiện này làm nảy sinh ra các mối dây gắn bó với các giá trị riêng của họ, với gốc gác và nền văn hóa của họ; và là những người thừa tự của các vị tử đạo và các vị tuyên tín, là những người mang các giá trị nội tại với đức tin của cha ông, mà không ai khác có thể khoe khoang trong cùng một cách thức.
Bất cứ ai đã sống giữa dân tộc này hay đã đọc và hiểu biết họ không thể không yêu thương họ, vì sự hiểu biết gắn bó và làm cho người ta có thể chia sẻ và tham gia. Lịch sử là một chiến thắng trên sự ngu dốt, trên chủ nghĩa ngu dân và bất khoan nhượng. Nó thăng tiến sự kính trọng và là một kích thích đừng lập lại các sai lầm quá khứ. Chính vì các lý do đó mà tôi nghĩ rằng việc viết ra lịch sử này là điều ích lợi.
Lịch sử cho phép người ta hiểu rằng các cộng đoàn sống sót sau hàng thế kỷ bị áp chế, phải trả thuế khóa nặng nề, chịu đựng các vụ hôn nhân được giàn xếp trước, các cấm đoán, kỳ thị thù ghét, bất khoan nhượng, ghen tương và sau cùng cả các bách hại nữa! Không chỉ chống cự lại tất cả những thứ đó, các kitô hữu đã có thể sống còn mà không nhượng bộ bất cứ gì liên quan tới đức tin, vì khả năng kiên trì không thể tưởng tượng nổi của họ, cũng như vì khả năng thích ứng trên bình diện thực tiễn và văn hóa. Khi Chúa trở lại, Ngài sẽ có còn tìm thấy đức tin trên trái đất này không?
Cuốn sách này hiện có bằng tiếng Ý, nhưng sẽ được dịch ra tiếng Anh, Tây Ban Nha cũng như A rập, hy vọng cống hiến một sự hiểu biết tốt đẹp hơn liên quan tới sự sinh ra, biến chuyển và phát triển của cộng đoàn kitô tại Mêdôpôtamia. Nhưng nó cũng hy vọng cho thấy vẻ đẹp, các cuộc khủng hoảng và nhục nhã nó đã phải gánh chịu. Trong bối cảnh xã hội chính trị chúng giải thích sự cương quyết và chứng tá đức tin trước và trong cuộc bách hại hiện nay. Cộng đoàn kitô này, giống như một cộng đoàn kitô thời các tông đồ, đem theo mình kinh nghiệm của hai mươi mốt thế kỷ của tình yêu đối với Chúa Kitô và Giáo Hội Ngài; một cộng đoàn sẵn sàng từ bỏ mọi sự hơn là cúi xuống đầu hàng các kẻ chiến thắng vây quanh. Đây là một Giáo Hội anh hùng, như ĐTC Biển Đức XVI và ĐTC Phanxicô đã định nghĩa. Không có họ, nghĩa là với họ – tôi đang nghĩ tới tất cả các Giáo Hội của vùng Trung Đông đang mang cùng một danh hiệu – vùng này sẽ không còn như thế nữa. Hơn nữa tôi không thể không nghĩ tới các chủng tộc và các thiểu số tôn giáo khác, thường bị bách hại và khổ đau trong vùng này. Ở đây chúng ta có một bức khảm đá mầu của các quốc gia, các tôn giáo và các niềm tin, mà không có chúng vùng đất này sẽ bị tàn phá vĩnh viễn. Đây là sự kiện được thừa nhận bởi cả các chính quyền hồi giáo, cũng như người dân thường, như họ đã lập lại với tôi nhiều lần. Và đây là một điều tích cực. Tuy nhiên, phải nói thêm rằng cần tạo dễ dãi cho sự tiếp tục và cuộc sống của các nhóm thiểu số trong vùng này.
Hồi tháng 8 năm 2014 khi ĐTC Phanxicô gửi tôi qua Iraq như đặc sứ của ngài để quan sát, gặp gỡ, nói chuyện, ôm hôn, cầu nguyện và liên đới với các nạn nhân khổ đau vì khuynh hướng cuồng tín của Nhà nước hồi IS, tôi đã vô cùng cảm kích và xúc động.
Cuốn sách này đuợc viết để làm chứng cho các nạn nhân này mà tôi đã gặp bên Iraq – kitô cũng như không kitô, nam giới, phụ nữ – để nói với họ: “Xin cám ơn lòng can đảm của anh chị em” Cũng xin cám ơn những người đã xoa dịu các sợ hãi và âu lo của họ với tình yêu thương và lòng hy sinh. Ước chi lòng can đảm và niềm hy vọng của họ không bao giờ sụp đổ!
Tiếp đến ĐHY Filoni đã giới thiệu nội dung cuốn sách. Sách dài 255 trang gồm 5 chương. Chương I trình bầy cộng đoàn kitô cổ xưa từ khi rao giảng Tin Mừng cho tới khi Giáo Hội bên Đông thành hình; các lạc giáo, việc tách rời và cô lập hoá của Giáo Hội Đông Phương. Chương II trình bầy Giáo Hội Đông Phương qua các thời đại: A rập (637-1259); Mông Cổ (1258-1410); và Thổ Nhĩ Kỳ (1410-1508). Chương III trình bầy Giáo Hội Latinh bên Mêdôpôtamia. Chương IV trình bầy các biến cố thế kỷ XX: các biến động địa lý và dân số, sự chào đời của Iraq. Chương V nói về các liên lạc giữa Toà Thánh và Iraq.
Kết luận, chúng ta đừng quên rằng lịch sử của vùng đất này là một quấn quít các con ngưòi và các biến cố. Hiên tại của nó không thể coi thường quá khứ. Vài khiá cạnh xem ra được lập đi lập lại: nhiều cuộc xâm lăng của Mêdôpôtamia, các cuộc chiến kinh khủng khiến nó đẫm máu, các chế độ chuyên chế cưỡng hiếp nó, và lòng tham lam nghiến ngấu nó. Các lớn lao và bần cũng, các tàn phá và cuớp bóc, bắt cóc và tống tiến, tình yêu và cái chết, tất cả đều đã hiện diện ở đây từ thời không thể nhớ được nữa. Thánh Kinh kể lại nó, các đổ nát nói lên điều đó, và các trận bão cát kêu lên điều ấy, sách vở tài liệu và sử biên ngày nay ghi chép nó. Câu hỏi cuối cùng của tôi đó là: sẽ vẫn còn có một tương lại tốt đẹp hay không cho đất nước này, cho người dân của nó, kể cả các kitô hữu?
(SD 17-2-2016)
Linh Tiến Khải