Hàn Lâm viện Tòa Thánh về Sự sống phát hành một tài liệu về những bài học mà gia đình nhân loại có thể học được từ đại dịch Covid-19, và kêu gọi mọi người phát triển một luân lý đứng trước rủi ro, trong đó mọi người có trách nhiệm và liên đới để bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội.
Ngày 22/07/2020, Hàn Lâm viện về Sự sống của Tòa Thánh đã ban hành tài liệu với tựa đề “Cộng đồng nhân loại trong thời đại dịch. Những suy tư ‘ngược dòng’ về sự sống”, suy tư về những hậu quả của khủng hoảng y tế do virus corona gây ra.
Những bài học từ đại dịch
Tài liệu bắt đầu với câu hỏi: Chúng ta đã học được những bài học nào từ đại dịch? Câu trả lời đó là “bài học về sự mỏng dòn yếu đuối” của tất cả mọi người, đặc biệt những người bệnh trong các bệnh viện, các tù nhân trong các nhà tù, những người tị nạn tại các trại tị nạn.
Những bài học khác nữa là ý thức rằng sự sống là một quà tặng; đại dịch làm cho chúng ta hiểu rằng tất cả nối kết với nhau và “sự khai thác hủy hoại đất đai” và các lựa chọn kinh tế dựa trên sự tham lam và tiêu thụ quá mức cũng có hậu quả đối với sự lây lan của virus.
Sự lệ thuộc lẫn nhau và sự dễ bị tổn thương chung của mọi người
Tài liệu nhắc lại cần chú ý nhiều hơn đến “sự lệ thuộc lẫn nhau và sự dễ bị tổn thương chung của mọi người”, bởi vì trong khi “các quốc gia đóng cửa biên giới”, một số thậm chí hoài nghi lẫn nhau, “virus không công nhận biên giới”. Do đó, Hàn Lâm viện Tòa Thánh kêu gọi “tổng hợp các nỗ lực” để chia sẻ thông tin, cung cấp viện trợ và phân bổ nguồn lực. Đặc biệt cũng phải chú ý đến việc phát triển các phương pháp điều trị và vắc-xin: trong lĩnh vực này, trên thực tế, “sự thiếu phối hợp và hợp tác” là một trở ngại trong việc điều trị Covid-19.
Luân lý đứng trước rủi ro: trách nhiệm, hợp tác và liên đới
Tài liệu của Tòa Thánh khẳng định trước hết tầm quan trọng của “luân lý đứng trước rủi ro nguy hiểm”, trong đó liên quan đến trách nhiệm cụ thể đối với những người mà sức khỏe, tính mạng và nhân phẩm gặp những mối nguy hiểm lớn nhất. Tiếp đến, Tòa Thánh kêu gọi “những nỗ lực toàn cầu và hợp tác quốc tế” để việc “tiếp cận với các loại thuốc thiết yếu và chăm sóc sức khỏe” được công nhận là “quyền phổ quát của con người”. Cuối cùng, Hàn Lâm viện Tòa Thánh mong muốn cổ võ sự liên đới có trách nhiệm, biết nhận ra phẩm giá bình đẳng của mỗi người, đặc biệt là những người khốn khổ. Tài liệu kết thúc với lời mời có “thái độ hy vọng”: “Đã đến lúc để tưởng tượng và thực hiện một dự án cùng chung sống của con người, cho phép một tương lai tốt hơn” cho tất cả mọi người. (CSR_5360_2020)
Nguồn: Vaticannews Tiếng Việt