Chưa được phân loại

hạnh các thánh ngày 26.5

THÁNH PHILIPPHÊ NÊRI

Linh mục

Thánh Philipphê Neri sinh năm 1515 tại Firenza, nước Ỷ, tính tình tốt lành nên được gọi là “Bon Pippo”. Mẹ mất sớm, thánh nhân được người dì yêu thương dạy dỗ.image001

Và sau đó, một cha dòng Đa minh nhận lãnh giáo huấn. Nên ngay từ nhỏ, Ngài đã hấp thụ được một đức tin mạnh mẽ và một lòng đạo đức sâu xa.

Tính tình rất phóng khoáng, vui tươi; mọi người đều quý mến. Ngài có người cậu ở Naples, không có con nối dòng, muốn đem ngài về nuôi và cho thừa hưởng gia tài. Nhưng ngài từ chối vì thấy mình không có ơn gọi sống ngoài đời. Ngài muốn hiến dâng đời mình cho Chúa, phụng sự Chúa và phục vụ các linh hồn. Ngài đến Rôma như một kẻ phiêu lưu tìm Chúa, đúng lúc Roma vừa tỉnh dậy khỏi cơn ác mộng đã giáng xuống thành phố cùng với cướp phá của Đế quốc Đức. Ngài xin vào chủng viện. Hằng ngày lo trau dồi trí tuệ, học môn thần học và tu đức. Sống nghèo khó chay tịnh và cầu nguyện trong âm thầm cô tịch.

Năm lên 37 tuổi, thánh nhân chịu chức linh mục. Và từ đó, ngài tận tình hiến thân phục vụ các linh hồn. Đặc biệt, ngài lo giáo dục giới trẻ. Với tính vui tươi sẵn có, ngài thu hút được tuổi trẻ. Ngài đi khắp nơi, tụ họp chúng lại, hòa mình vui chơi ca hát với chúng, để rồi hướng dẫn chúng trên đàng đạo đức, luân lý, giúp chúng tránh khỏi tính xấu tội lỗi, ngài chẳng bao giờ phàn nàn về tính hiếu động của họ. Ngài thường xuyên bảo: “Các con cứ ca hát vui chơi thỏa thích. Nhưng đừng bao giờ làm mất lòng Chúa. Luôn luôn sống lành mạnh, thánh thiện”.

Philipphê Neri còn phục vụ trong các nhà thương, thăm nhà tù, lo lắng cho khách hành hương nghèo, dạy giáo lý cho các trẻ em. Ngài cũng khởi xuất một số sáng kiến bất thường khiến cho giáo triều phải bận tâm, chẳng hạn như cuộc hành hương tới 7 nhà thờ để đua tranh với đại hội giả trang trong mùa chay (Carnaval). Tất cả những hoạt động đó đều được sinh hoạt trong bầu khí vui tươi, ví Philipphê là vị thánh của niềm vui. Ngài muốn cho niềm vui đó toả lan khắp nơi. Theo ngài, vui vừa là thành quả của tình thương yêu, vừa là đường đưa tới tình yêu.

Khi đến Roma, ngài gặp một Giáo hội cũng như một thành phố lãnh đạm về đạo. Ngài sống 60 năm ở giữ cảnh ấy, không lên án, không chỉ trích chỉ dùng gương sáng biến đổi dân và trở nên nhà cải cách thành phố ngàn đời.

Thánh nhân còn có công trong việc thành lập các ban thánh nhạc, và lối ca nhạc gọi là Oratorium đây là lối ca nhạc thịnh hành vào thời của Haendel, JB. Bach..thể loại nhạc tôn giáo dựa vào các câu Thánh Kinh có đơn ca, hợp ca và dàn nhạc…. Ngài nhờ nhạc sĩ Paletrini phổ nhạc các thánh thi, thánh vịnh và cho ca hát ngợi khen Chúa.

Ngài còn tổ chức hiệp hội các linh mục triều, cũng gọi là Oratoire, sống chung để giúp nhau thánh hóa và làm việc mục vụ. Đây là khởi điểm của Hội Dòng Giảng thuyết do ngài sáng lập. Năm 1575, Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XIII thấy Hiệp Hội của ngài đem lại nhiều lợi ích cho Hội thánh, nên đã cho một ngôi nhà thờ cũ để ngài tái thiết và thành lập Dòng linh mục giảng thuyết. Đây là nhà mẹ của hội dòng do ngài sáng lập.

Hội dòng không có lời khấn nào đặc biệt, nhưng sống liên kết với nhau trong tình huynh đệ, với mục đích giúp nhau cầu nguyện, giảng dạy, làm việc tông đồ và cử hành các bí tích phục vụ các linh hồn. Một trong các đồ đệ sau này của thánh nhân là Đức Hồng y Henri Newman, từ Anh giáo trở lại, lập tu hội Oratoire ở Anh quốc.

Gần cuối đời, Philipphê thường dâng lễ riêng với một cậu giúp lễ, nhưng trước khi rước lễ, cậu bé thường biến mất để Philipphê một mình kết hiệp với Chúa và trở lại khi thánh lễ gần xong.

Thánh nhân sống suốt 15 đời giáo hoàng, ngài đã ngã bệnh và qua đời tại Rôma, ngày 26.5.1595 lúc 80 tuổi.

Lạy Chúa, Chúa nâng lên hàng chư thánh hiển vinh tất cả những ai trung thành phụng sự Chúa. Xin cử Thánh Thần đến đốt lửa yêu mến trong lòng chúng con, như xưa Ngài đã hun đúc tâm hồn Thánh Philipphê Neri một cách lạ lùng. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

THÁNH GIOAN ĐOÀN TRINH HOAN

Linh mục tử đạo.

Đức Kitô đã chết để cứu độ nhân loại, thánh Gioan Đoàn Trinh Hoan đã ý thức cuộc tử đạo là cách noi gương Chúa tuyệt hảo nhất, ngài đã tự nguyện đón nhận nó. Cha Gioan Đoàn Trinh Hoan bị bắt đêm mùng ba tháng giêng năm 1861, dịp lễ Hiển Linh, dưới thời vua Tự Đức cấm đạo. Mặc dù bị tù ngục tra tấn khổ sở, cha vẫn nhiệt thành giúp đỡ các tín hữu bị giam cầm, như lúc chưa bị bất. Thật cảm động trước hình ảnh một vị linh mục già, mình mang xiềng xích gông cùm, cực nhọc lần bước đến với từng người giáo hữu sắp bị giết vì đạo, để an ủi, khích lệ vả ban bí tích cho họ. Trong suốt 5 tháng bị giam cầm, cha luôn làm như thế, cho đến ngày ra pháp trường lãnh nhận triền thiên tử đạo.image003

Gioan Đoàn Trinh Hoan sinh năm 1798, tại họ Kim Long, Phú Xuân, Huế, trong một gia đình đạo hạnh, cần mẫn siêng năng. Nhờ ảnh hưởng đạo đức của Cha mẹ, cậu đã muốn dâng mình cho Chúa ngay từ nhỏ.

Được sự giúp đỡ, hướng dẫn của người cậu là cha Kiệt, cậu đã gia nhập chủng viện vả được gởi đi du học ở Pênăng ở Mã Lai, để tu luyện làm linh mục.

Học xong thần học thầy Gioan về nước, và năm 1836 được lãnh nhận chức linh mục tại Sàigòn.

Từ ngày thụ phong linh mục, cha Gioan hết lòng phụng sự Chúa và nhiệt thành phục vụ Giáo hội. Trong 26 năm linh mục, Cha đem hết tài năng sức lực lo cho các tín hữu và rao giảng Tin Mừng cho lương dân. Thấy Cha hăng say hoạt động tông đồ, Đức Cha sai cha đi giúp nhiều họ đạo, như Kẻ San, Bảy Trời, Mỹ Hương….Tới đâu, cha cũng phục vụ đắc lực và kết quả khả quan. Cha có biệt tài ăn nói rất duyên dáng nên mọi người đều có cảm tình và quý mến.

Ngoài việc phục vụ, cha còn tận tâm cổ động ơn thiên triệu, đào tạo thầy giảng, huấn luyện thanh thiếu niên và gởi vào chủng viện học tập làm linh mục, vì cha thầy công việc giảng đạo hết sức khẩn thiết và lớn lao mà không có đủ người đảm nhận. Đúng như lời Chúa Giêsu nói: Lúa chín đầy đồng, thợ gặt thì ít”. Là một linh mục nhiệt tâm với nước Chúa, cha không thể không băn khoăn lo lắng cho có nhiều thợ gặt trong cánh đồng truyền giáo. Đó cũng là nỗi bức xúc của những ai có lòng đạo đức kính mến Chúa.

Để chuẩn bị mừng lễ Hiển Linh, đầu năm 1861, cha đến họ đạo Sao Bùn, ở trọ nhà ông trùm Phượng, để thăm viếng, giải tội và dâng thánh lễ cho giáo dân. Các quan ở đây biết tin cha đến, đang đêm họ cho binh lính đến bao vây nhà ông trùm bắt cha. Cha vội vàng chạy ra sông tìm đường trốn. Không ngờ vừa đến nơi thì thấy có một toán quân ở đó. Thế là cha bị bắt giải về Đồng Hới. Lúc đó cha đã 63 tuổi.

Trong thời gian 5 tháng giam cầm ở đây, nhiều lần cha bị đưa ra tra tấn đánh đập rất dã man. Có những lần bị binh lấy kềm sắt nung đỏ kẹp vào bắp thịt, buộc cha bước qua Thánh Giá và khai tên những người có đạo. Nhưng cha cương quyết giữ vững đức tin và nhất định không khai báo, và dầu bị hình khổ đau đớn khổ nhọc, cha cũng rán sức giúp đỡ các tín hữu cùng cảnh tù ngục những người bị chiến dịch bắt đạo tháng 10.1859, đã gom nhiều chức sắc trong các giáo xứ. Vì nhà vua trù tính kế hoạch làm áp lực với quân Pháp để họ triệt thoái các tàu ở cửa Hàn. Nhờ tài xã giao lịch thiệp cha Hoan đã chiếm được thiện cảm của đám lính canh, hằng ngày cha dùng nhiều thời giờ để an ủi, khích lệ các tín hữu trung thành bền đỗ theo Chúa, và giải tội cho họ. Mỗi khi nhận được Mình Thánh Chúa do các linh mục ở ngoài gởi vào, cha đều phân chia cho họ. Nhờ đó họ được sức mạnh can đảm hy sinh vi Chúa.

Ngày 25 tháng 5 năm 1861, cha nhận được bản án trảm quyết. Đêm đó cha thức suốt để thăm viếng khích lệ các bạn tù. Ngài nói: “Giờ cuối cùng của tôi không còn xa. Phần anh em, những người con yêu quí, anh em còn lại trên trần gian đau khổ này, anh em hãy trung tín đến cùng. Xin anh em cầu nguyện cho tôi hoàn thành ý Chúa cho trọn”. Và sáng hôm sau cha được dẫn ra pháp trường, khi nghe đọc bản án, cha nói: “con tạ ơn Chúa vì Ngài cho con được phước đổ máu vì danh Chúa”.

Quan hỏi cha có muốn trói vào cột không, ngài đáp: “không cần, tôi sẽ quỳ yên không nhúc nhích. Nếu tôi không tự nguyện nhận cái chết, tôi đã chẳng đến đây. Xin cho tôi vài phút để cầu nguyện”. Sau đó cha ngước mắt lên trời tạ ơn Chúa, giơ tay giải tội cho ông Phượng và ra dấu sẵn sàng.

Khi cha cởi áo thấy 2 mảnh “áo Đức Bà” cha đeo phất phới trước ngực, một người lính tưởng là thứ gì quí giá thì xin nhưng cha nói: “cái này tôi không thể cho ai được. Đây là hình ảnh của Đức Nữ Vương và là Bà Chúa của tôi”

Viên lý hình thấy thái độ dũng cảm của cha, biết cha vô tội nên nhờ lý hình khác. Anh lý hình không quen đã phải chém đến 3 nhát, sau đó dùng gươm cứa đứt miếng da còn sót lại.

Đức Thánh Cha Piô X phong Chân phước cho cha ngày 2.5.1909. Và ngày 19.6.1988, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã suy tôn cha lên Hiển thánh.

Noi gương thánh Gioan Đoàn Trinh Hoan tử đạo, hằng ngày hy sinh chịu khó rao giảng đạo Chúa, trong hoàn cảnh thuận tiện cũng như lúc khó khăn, bằng lời cầu nguyện, việc hy sinh và gương sáng đời sống.

THÁNH MATHÊU NGUYỄN VĂN PHƯỢNG

              Trùm họ tử đạo

Lúc lý hình sắp chém đầu thánh nhân, hai người con trai và người con gái là chị Thủ đã chạy ra ôm chằm lấy ông thương khóc thảm khiết. Những người có mặt chứng kiến thảm cảnh đó ai cũng bùi ngùi cảm động, không thể cầm được nước mắt. Thật là một cảnh chia ly vĩnh biệt rất đau đớn….. Nhưng ông trùm đã can đảm giã từ các con, sẵn sàng hy sinh tình phụ tử thân thương vì lòng kính mến Chúa, để tôn vinh Danh Thánh Chúa… Ông nói với các con: “Các con của cha ơi đừng khóc đừng buồn làm chi. Cha đã gặp vận hội may mắn. Anh em chúng con hãy sống thuận hoà, yêu thương đùm bọc lẫn nhau”.image005

Hẳn ông không quên lời Chúa dạy: “Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10, 37). Theo lời Chúa phán trên, thánh Mathêu Phượng thật xứng đáng với Chúa, xứng đáng làm môn đệ Chúa, xứng đáng nhận triều thiên tử đạo. Thánh nhân đã sẵn sàng hy sinh vĩnh viễn con cái để chịu chết vì Chúa..

Mathêu Phượng sinh khoảng năm 1808, tại Kẻ Lái, tỉnh Quảng Bình. Cha mẹ là người đạo đức sốt sắng, nên cậu nhờ ảnh hưởng của gia đình mà có lòng đạo sâu xa. Cậu rất mến mộ học hỏi giáo lý, siêng năng tham dự thánh lễ, xưng tội rước lệ. Nhưng khi mới lên 10 tuổi, cậu phải mồ côi cha và hai năm sau mồ côi luôn cả mẹ…

Cảnh đứa con mới mười mấy tuổi đã mồ côi cha mẹ thật thảm thương! Nhưng cậu Phượng không ngã lòng. Cậu vẫn tin tưởng Chúa, trông cậy Chua, biết rằng không bao giờ Chúa bỏ cậu. Chim chóc ngoài trời kia Chúa còn không để chết đói, huống gì cậu là con của Chúa. Cậu quyết tâm lo tự lập sinh sống.

Cậu xin học nghề thuốc với một thầy lang tên là Nhu. Ông là người ngoại đạo nhưng rất có lòng nhân hậu. Thấy cậu mồ côi ông thương giúp, dạy dỗ chỉ bảo tận tình, cho anh nhiều bài thuốc quí.

Sau khi học nghề thuốc, cậu Phượng đến ở giúp việc cha Điểm. Năm cậu 22 tuổi, cha cưới vợ cho cậu ở xứ Sáo Bùn; từ đó cậu về sống theo quê vợ, và chuyển sang nghề buôn bán. Vợ chồng làm ăn ngày một tấn phát sung túc và sinh được tám người con trong đó có cô Thủ dâng mình cho Chúa trong dòng Mến Thánh Giá. Mặc dầu bận lo buôn bán, ông vẫn luôn chăm sóc, giáo dục con cái hết sức chu đáo. Đặc biệt ông dạy con bằng gương sáng đời sống hằng ngày. Muốn con cái làm việc gì tốt lành, ông làm trước để chúng noi theo. Nhờ đó, các con ông đều sống đạo đức lương thiện.

Dưới thời vua Minh Mạng cấm đạo, ông là một trong những người hoạt động tông đồ nhiệt thành nhất trong họ đạo Sáo Bùn, nên được giáo dân chọn làm trùm họ. Trong lúc thiếu vắng linh mục, ông dạy đạo và rửa tội cho trẻ em cũng như người lớn, ông khích lệ đồng đạo sốt sắng thờ phượng Chúa, ông khuyên bảo người lương gia nhập đạo Chúa. Mỗi khi có linh mục đến ông tiếp đón về nhà, tận tình phục vụ, che chở. Nhiều người e ngại nhưng ông chỉ mỉm cười và tiếp tục làm việc bác ái như trước.

Đầu năm 1861, khi cha Gioan Đoàn Trinh Hoan đến họ Sáo Bùn, giúp giáo dân chuẩn bị mừng lễ Hiển Linh, ông rước cha về, tiếp đãi nồng hậu như các cha khác. Chẳng may đêm đó quân lính đến bao vây nhà ông tìm bắt cha. Cha chạy trốn ra bờ sông nhưng bị bắt. Họ cũng bắt luôn ông và bảy giáo hữu khác, giải về Đồng Hới.

Ở Đồng Hới, nhiều lần bị đưa ra tra tấn đánh đập, buộc ông chối Chúa bỏ đạo, nhưng ông cương quyết không bỏ Chúa. Trong số các quan án, có viên lục sự trẻ tuổi đem lòng yêu mến con gái ông, hứa: “Nếu gả con gái cho tôi, tôi hứa sẽ hết sức lo cho ông được tự do”. Ông đáp: “không được đâu trừ phi là chính anh theo đạo. Tôi không gả con gái tôi cho người ngoại đạo, dù anh là ông ký hay quan đi nữa, tôi sợ nó không giữ mãi được đức tin. Nếu vì lý do đó mà phải chết tôi sẵn sàng”.

Ngày 25.5.1861 bản án của triều đình đã về tới Đồng Hới. Ông Phượng vui vẻ đi chào từ biệt các bạn tù để hôm sau cùng với cha Hoan ra pháp trường.

Thế là ngày 26.5.1861, ông được đưa ra pháp trường lãnh nhận triều thiên tử đạo. Một người cầm bản án đi phía trước: “người này tên Nguyễn văn Đắc,-tức Phượng, là tín đồ Giatô, kẻ dám đang tâm bao che cho đạo trưởng Hoan. Vi phạm luật nhà nước là một trọng tội. Phải đem xử trảm tức khắc”. Những người con thân yêu của ông đến tiễn biệt ông trong nước mắt nhưng ông can đảm an ủi họ: Sau đó Iý hình đuổi tất cả ra xa. Ngay khi tiếng chiêng đầu nổi lên, đầu vị tử đạo đã rơi xuống và linh hồn vị anh hùng đức tin về hưởng nhan Thiên Chúa muôn đời.

Đức Thánh Cha PiôX phong Chân phước cho ông ngày 2.5.1909. Và ngày 19.6.1988 Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã suy tôn ông lên bậc Hiển thánh.

image007

Bài viết liên quan