Đọc đoạn Tin Mừng theo Thánh sử Mt 9: 1-8 hay Mc 2: 1-12; Lc 5: 17-26 chúng ta bắt gặp hình ảnh Chúa Giêsu chữa lành một người bất toại. Xung quanh sự kiện này gợi cho chúng ta rất nhiều điều để suy gẫm và rút ra bài học cho mình trong đời sống cộng đoàn, giáo họ, giáo xứ.
Cụ thể, Tin Mừng theo Thánh sử Mátthêu nói như sau: “1 Đức Giêsu xuống thuyền, băng qua hồ, trở về thành của mình. 2 Người ta liền khiêng đến cho Người một kẻ bại liệt nằm trên giường. Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giêsu bảo người bại liệt: “Này con, cứ yên tâm, con đã được tha tội rồi!” 3 Có mấy kinh sư nghĩ bụng rằng: “Ông này nói phạm thượng”.4 Nhưng Đức Giêsu biết ý nghĩ của họ, liền nói: “Sao các ông lại nghĩ xấu trong bụng như vậy? 5 Trong hai điều: một là bảo: “Con đã được tha tội rồi”, hai là bảo: “Đứng dậy mà đi”, điều nào dễ hơn? 6 Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội – bấy giờ Đức Giêsu bảo người bại liệt: “Đứng dậy, vác giường đi về nhà!” 7 Người bại liệt đứng dậy, đi về nhà. 8 Thấy vậy, dân chúng sợ hãi và tôn vinh Thiên Chúa đã ban cho loài người được quyền năng như thế” (Mt 9: 1-8). Từ đoạn Tin Mừng này cho chúng ta nhận thấy:
Thứ nhất: Anh bất toại này, trước đó chưa bị bất toại chắc anh cũng tốt với mọi người lắm! Hay trong cung cách ăn ở, anh cũng đối xử tử tế với mọi người, với làng xóm lắm! Vì thế khi anh không may bị chứng tật như vậy thì mọi người đã thương cảm tình cảnh của anh nên đã giúp anh, đưa anh đến với Chúa để mong được Chúa chữa lành cho anh. Hơn nữa, họ rất vất vả để đưa anh đến được với Chúa. Bởi vì theo Thánh sử Luca và Máccô mô tả thì họ phải dỡ mái nhà mới đưa anh ta xuống được nơi Chúa Giêsu đang đứng vì dân chúng quá đông. Thánh sử Máccô viết rất rõ như sau: “Họ mới dỡ mái nhà, ngay trên chỗ Người ngồi, làm thành một lỗ hổng, rồi thả người bại liệt nằm trên chõng xuống” (Mc 2: 4).
Thứ hai: Anh này bị bất toại tức là anh bất lực trong việc tự đi lại, trong việc đến với người khác và đến với Chúa để xin Chúa chữa lành.
Thứ ba: “Thấy họ có lòng tin như vậy…”. Nghĩa là Chúa nhận thấy lòng tin của cả nhóm chứ không phải chỉ riêng người bại liệt.
Qua ba vấn đề được rút ra từ đoạn Tin Mừng cũng cho chúng ta ba bài học như sau:
Thứ nhất: Hiểu một cách nào đó, tất cả chúng ta đều là kẻ bất toại, kẻ bại liệt. Lúc này hay lúc khác chúng ta phạm những lỗi lầm này hay phạm phải một tội nào đó, khi đó, chúng ta trở thành kẻ bại liệt. Bởi vì khi đó, chúng ta mất đi mối tương quan với chính mình với anh em, mất đi mối tương quan với Giáo Hội và mất đi mối tương quan với Chúa. Vì thế, chúng ta rất cần gặp gỡ Chúa để được Chúa “chữa lành” như anh bất toại trong đoạn Tin Mừng vậy. Vì khi được chữa lành rồi, chúng ta mới có thể tự mình đi lại được. Nghĩa là chúng ta tự đến với anh em được, tự đến nhà thờ nhà nguyện để gặp gỡ Chúa được.
Thứ hai: Chúng ta không thể đến với Chúa một mình mà chúng ta đến với Chúa trong ơn gọi của một cộng đoàn, của Giáo Hội. Trong đời sống đạo, không chỉ “tôi tin” mà còn “chúng tôi tin” nữa. Vì thế, chúng ta cần dìu nhau, giúp nhau đến với Chúa. Làm được như thế là chúng ta đang sống tình bác ái, sống tình liên đới và hiệp thông. Hình ảnh đẹp nhất mà nhiều gia đình Việt vẫn hay làm, đó là mỗi buổi tối trước khi đi ngủ và sáng trước khi thức dậy, cả nhà quây quần bên nhau để đọc kinh cầu nguyện chung. Những thói quen như thế rất tốt, rất cần gìn giữ và phát huy.
Thứ ba: Trong đời sống đạo, chúng ta hãy biết dắt nhau, dìu nhau đến với Chúa. Điều này không chỉ gói gọn trong gia đình mà cần mở rộng ra trong khu xóm, trong giáo họ, giáo xứ và trong cả cộng đoàn dòng tu, để tất cả tạo nên một cộng đoàn sống đức tin. Chúng ta cần “SỐNG ĐẠO” chứ đừng “GIỮ ĐẠO”. “GIỮ ĐẠO”, chúng ta chỉ giữ cho riêng mình thôi, điều đó chưa đủ và ích kỷ. “SỐNG ĐẠO” là chúng ta không những sống cho chính mình mà còn sống với anh em, cho anh em và vì anh em nữa.
Lạy Chúa, xin Chúa gia tăng thêm đức tin cho chúng con. Xin Chúa đoái thương chữa lành căn bệnh bại liệt, bất toại tâm hồn cho chúng con, để chúng con biết sống bác ái, sống tình liên đới và hiệp thông với nhau. Amen.
Pr. Nguyễn Văn Chiến