Chưa được phân loại

MÁU CÁC THÁNH TỬ ĐẠO NÓI GÌ VỚI CHÚNG TA?

MÁU CÁC THÁNH TỬ ĐẠO NÓI GÌ VỚI CHÚNG TA?

Hằng năm, cứ vào trung tuần tháng 11 Dương lịch, Giáo Hội long trọng mừng kính trọng thể Lễ Các  Thánh Tử Đạo Việt Nam. Đây là dịp để chúng ta tỏ bày niềm tự hào và lòng biết ơn sâu sắc đối với các vị cha ông tổ tiên đã anh dũng hi sinh, quên mình vì Tin Mừng và cho đạo thánh Chúa.

download

Theo sử liệu, từ khi đạo Công giáo được truyền bá vào đất nước chúng ta, tức khoảng từ giữa thế kỉ XVII. Trong khoảng gần 300 năm đầu (1638-1886), Giáo Hội đã trải qua nhiều cuộc bách hại đẫm máu qua các thời và các đời vua chúa. Từ đời Trịnh – Nguyễn cho đến thời Văn Thân. Trong suốt 3 thế kỉ đó, tính ra có trên 100 ngàn anh hùng tử đạo, thuộc nhiều thế hệ, già trẻ, trai gái, đủ các thành phần trong Giáo Hội Việt Nam. Tuy nhiên, mới chỉ có 117 vị được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II long trọng suy tôn các ngài lên hàng Hiển Thánh vào ngày 19–06–1988. Điều đó cho chúng ta thấy, không chỉ người công giáo Việt Nam mà cả Giáo Hội Công Giáo trên toàn thế giới cùng tôn kính và noi gương các ngài.

Phần chúng ta, những người công giáo Việt Nam, là con cháu của các ngài, máu các thánh tử đạo đó nói gì với chúng ta?

Với truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam: “Ăn quả  nhớ kẻ trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn”…, là con cháu của các ngài, chúng ta được thừa hưởng một gia sản Đức tin phong phú, nhờ đó mà có Giáo Hội tốt đẹp như ngày hôm nay. Chúng ta không thể quên được và không cho phép chúng ta quên dòng máu cha ông tổ tiên đổ ra. Bởi vì “Máu các thánh tử đạo là hạt giống phát sinh các tín hữu” (Tê-ru-liên). Vì thế, nhớ đến công nghiệp to lớn của các ngài mà ra sức đền đáp và sống cho cân xứng, ra công phát triển di sản đức tin quý báu mà cha ông để lại. Không ai soi gương mà lại không có ý chỉnh sửa mình. Soi mình vào lòng can đảm, đời sống đức tin của cha ông tổ tiên, con cháu ngày hôm nay cũng cần nhìn lại mình, chỉnh sữa mình để nên giống cha ông tổ tiên mình hơn. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở sự rung động, mong muốn thôi, thì chưa đủ. Vậy máu các thánh tử đạo nói gì với chúng ta nữa?

Máu các thánh tử đạo nói lên niềm tin mãnh liệt sâu xa và lòng trung thành sắt son của cha ông với đạo thánh Chúa. Đức tin đã thâm nhập và đâm rễ sâu vào tâm hồn các ngài, không một sức mạnh trần gian nào có thể làm lay chuyển. Với muôn ngàn khổ hình tra tấn dã man, ghê rợn, dẫu cho đầu rơi máu chảy, các ngài cũng cam chịu để bảo vệ đức tin. Một lòng trung kiên với Giáo Hội. Đó chính là tấm gương sáng mà cha ông để lại cho chúng ta. Được diễm phúc lãnh nhận đức tin, được vinh dự mang danh hiệu người Kitô hữu như các vị tử đạo, lẽ nào chúng ta lại không làm như thế? Chúng ta phải noi gương hiếu trung của các ngài, sẵn sàng hi sinh tất cả để bảo vệ đạo Chúa, bảo vệ Giáo Hội, trung thành tuyên xưng đức tin đã lãnh nhận.

Các vị đã sẵn sàng đổ máu để bảo vệ đức tin, minh chứng đức tin chân chính, minh chứng đạo của các ngài là đạo thật. Máu của các ngài đã tưới đẫm đất nước. Điều đó nói lên rằng, chúng ta không thể thờ ơ, lãnh đạm trong đời sống đức tin của mình được. Phải ra sức sống và loan truyền cho đạo thánh Chúa bằng chính cuộc sống của mỗi người chúng ta, của cộng đoàn, giáo xứ của chúng ta. Nói như thánh Phaolô: “Anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi chính thân xác anh em”. Thế nhưng, một điều đáng buồn là ngày hôm nay chúng ta không dám làm điều mà cha ông tổ tiên đã làm. Có chăng cũng chỉ là hình thức và làm qua chuyện mà thôi! Chúng ta đọc kinh cầu nguyện, tham dự thánh lễ Misa như làm một việc bổn phận, sợ người xung quanh đánh giá, sợ tội mà làm, thiếu đi lòng mến thực sự. Thời đại ngày hôm nay không làm cho chúng ta phải máu chảy đầu rơi như cha ông, không đến mức như thế. Song cuộc sống trong thời đại mới cũng cần sự hi sinh của chúng ta rất nhiều. Chọn Chúa là gia nghiệp và là cùng đích của đời ta, chúng ta phải chịu thiệt thòi rất nhiều với cách nhìn của con người thế gian. Chúng ta phải hi sinh thời gian, công việc, ước muốn trần tục để quyết chọn Chúa và quy hướng cuộc sống của chúng ta về Ngài. Nhưng vì công ăn việc làm, miếng cơm manh áo, tìm kiếm sức mạnh và khẳng định sức mạnh của mình trước mặt người đời, chúng ta lại xa lánh Chúa. Chúng ta chỉ lo tìm kiếm sự khôn ngoan theo kiểu thế gian thôi: Giữ đạo, sống đạo đôi khi như một cuộc chơi, lỡ theo đạo rồi, giờ bỏ cũng sợ, nếu không sau này mà có đời sau thật, có Thiên Đàng, Hỏa Ngục thật thì chúng ta biết làm sao? Sống đạo với nhãn quan đó, chúng ta liệu có đem hết tâm tình, lòng mến và cuộc sống chúng ta vì Tin Mừng, vì Đức tin hay không?

Nhân dịp mừng kính trọng thể các thánh tử đạo Việt Nam, đôi điều suy nghĩ, chia sẻ, ước mong mọi người cùng có những nỗi khắc khoải đó mà ra sức chung tay chung lòng, hiệp thông cầu nguyện và sửa đổi đời sống mỗi ngày một tốt hơn, gần Chúa hơn. Trong đời sống đạo, dẫu có gian nan, chúng ta vẫn luôn tâm niệm:

“Thuyền ngược, nước xuôi đời khó xử,

Trời lộn, đất nhào, đạo không lay”.

Peter. Nguyễn Văn Chiến

You may also like