Một trong các mục đích của Năm Thương Xót do Đức Phanxicô khởi xướng là cổ vũ tín hữu chạy tới với Lòng Thương Xót hải hà của Thiên Chúa Nhập Thể tại tòa giải tội, đúng nghĩa là Tòa Thương Xót.
Từ lạm dụng…
Tuy nhiên, tòa ấy đã bị lạm dụng và hiểu lầm một cách hết sức tệ hại bởi não trạng hiện đại. Một trong những lạm dụng ấy là người ta dùng nó làm khí cụ tấn Công Giáo Hội, biến Giáo Hội thành một thứ pháo đài bao che tội lỗi ấu dâm. Quyền lực trần thế đang tìm đủ cách để phá đổ Tòa Thương Xót này bằng cách soi mói, buộc các thừa tác viên của Giáo Hội phải nói ra những thổ lộ tâm tình sâu kín nhất của những tâm hồn đau khổ đi tìm sự an ủi của Lòng Thương Xót Chúa.
Tiếc thay, người của Giáo Hội đang chao đảo muốn tìm đường thỏa hiệp. Triệu chứng đáng buồn này thấp thoáng thấy trong phát biểu của Đức Tổng Giám Mục Philip Wilson của Adelaide, Nam Úc, khi ngài nói trước Ủy Ban Hoàng Gia điều tra các đáp ứng định chế đối với việc lạm dụng tình dục trẻ em rằng: có những nội dung trong tòa giải tội không hẳn là xưng tội và do đó có thể cung cấp cho cảnh sát (xem bài: Chung quanh phát biểu của Đức Tổng Giám Mục Wilson về ấn tích giải tội, vietcatholicNews 2/28/2017). Nhưng ấn tòa giải tội rộng đến nỗi linh mục không buộc phải xác nhận mình có giải tội cho một người nào đó hay không, huống chi là nội dung cuộc xưng tội.
Khi một ai đó chạy tới tòa giải tội, họ hiểu họ đến đó để gặp gỡ Thiên Chúa thương xót. Đúng như lời Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher của Sydney, người này nói với Thiên Chúa và điều họ nói không ai được lặp lại.
Nhận định riêng của Đức Tổng Giám Mục Philip Wilson không được vị nào trong hàng giám mục Úc ra trước Ủy Ban Hoàng Gia hỗ trợ. Đây là một điểm son và theo Catholic News Service ngày 27 tháng Hai, 2017, các ngài đang xem xét việc yêu cầu Tòa Thánh minh xác xem có phải ấn tích giải tội chỉ liên quan tới các tội lỗi xưng thú mà thôi, chứ không phải mọi thông tin được thổ lộ trong khi xưng tội và trong những hoàn cảnh nào, đặc biệt khi có liên quan tới người lạm dụng tình dục trẻ em, vị linh mục có thể không giải tội cho hối nhân.
Cũng theo hãng tin trên, Đức Tổng Giám Mục Philip Wilson cho biết: Ủy Ban Thường Trực của Hội Đồng Giám Mục Úc sẽ họp vào đầu tháng Ba để lên nghị trình cho kỳ họp tháng Năm. Nếu trọn hội đồng chấp thuận, thì tài liệu sẽ được đệ lên Đức Thánh Cha Phanxicô sau kỳ họp tháng Năm, xin Đức Thánh Cha “gia tăng cứu xét mau lẹ”.
Chỉ tiếc các ngài đã tham khảo Tòa Thánh quá trễ sau khi đã để lộ kẽ hở khiến quyền lực thế gian có thể nắm lấy để “vẽ đường cho hươu chạy” nhằm phá đổ cung thánh của Lòng Thương Xót Chúa.
Tới hiểu lầm
Hiểu lầm thì nhiều hơn. Linh mục Dwight Longenecker, một cựu mục sư Anh Giáo, ngày 6 tháng Ba vừa qua, có viết một bài về sự hiểu lầm tai hại này. Chúng tôi xin lược dịch nội dung bài viết như sau:
Theo Cha, một trong các lý do khiến ít người Công Giáo đi xưng tội là họ thực sự không nghĩ họ làm gì ra tội cả. Mà nếu có đến tòa giải tội, họ cũng chỉ nói những chuyện vu vơ như không có cảm tình với xếp tại nơi làm việc hay có ý nghĩ không hay về một ai đó…
Cha không trách tín hữu vì họ đã bị phỉnh lừa lâu nay, do “60 năm giáo lý kiểu nựng chó con và mèo con” rồi. Đây là một nền giáo lý, trong đó, không ai được dạy về tội lỗi, mà toàn nói tới yêu thương, nắng hồng và con cái Thiên Chúa, để họ cảm thấy mình hay, mình tốt, đáng yêu.
Nền giáo lý trên được tăng cường bởi một thứ tâm lý học làm vui lòng người trong đó, mọi người đều O.K. và nếu bạn có bất hạnh thì đó là do lỗi của mẹ bạn hay của cha bạn hay của thầy cô lớp năm la mắng bạn hay một ai đó, khi đi cắm trại, dẵm lên món S’more[1]” của bạn.
Một số linh mục mềm lòng vốn quen với ý niệm cho rằng mình không nên nói đến tội lỗi kẻo làm người ta có mặc cảm tội lỗi và điều này chẳng hay ho chi. Nhưng các vị này quả giống như một bác sĩ, biết bệnh nhân bị ung thư, nhưng vẫn nói: “tôi không thích dùng chữ U này ví nó có thể làm ông/bà cảm thấy không thoải mái”.
Ôi, bệnh nhân trên còn cảm thấy không thoải mái xiết bao khi cơn ung thư tấn công và họ đang hấp hối!
Thành thử, tín hữu vô can trong việc không những không biết về tội lỗi mà còn về cả trách nhiệm bản thân và việc cần phải chọn lựa nữa. Nếu không có tội, thì đâu cần phải chọn lựa giữa điều tốt và điều xấu làm chi!
Kết quả của thứ tôn giáo pha loãng và nhát đảm này là tín hữu mất hết ý niệm về tội và tại sao ý niệm này quan trọng. Bởi thế, Mùa Chay năm nay, Cha Longenecker dựa vào bức tranh hỏa ngục của Dante để nói về bản chất của tội, chiều sâu của tội và cái tinh vi của tội.
Theo Cha, Dante đã dẫn ta tới hỏa ngục để học về tội, có những điều đối với ta không phải là tội, mà thực ra là tội: tội không chỉ có nghĩa các điều xấu đã làm mà còn là các điều tốt không làm nữa. Không làm điều xấu đã đành là O.K. nhưng không làm điều tốt có đáng lên thiên đàng không?
Nói đến tội không làm người ta khó chịu, có mặc cảm tội lỗi hoặc làm họ sợ phải nghĩ tới thiên đàng. Mặc dù Cha Longenecker bảo: chẳng thà sợ mà nghĩ tới thiên đàng còn hơn như bồ hóng trong hỏa ngục!
Đây chỉ là một cố gắng làm sắc cạnh lương tâm ta để ta toàn tâm toàn chí thực hiện các quyết định tốt. Chỉ có thế, ta mới nói “có” với Thiên Chúa trong mọi sự để thực hiện được tiến bộ thiêng liêng.
[1] S’more là món ưa thích bên lửa trại đêm của người Mỹ gồm có cục kẹo dẻo [marshmallow] nướng lửa và một lớp xôcôla kẹp giữa hai miếng bánh qui dòn
Vũ Văn An
Nguồn: vietcatholic.org