Suy Niệm Hằng Ngày Uncategorized

Ngày 17 tháng 12: Gia phả Chúa Giêsu

BÀI ĐỌC I: St 49, 2. 8-10

“Phủ việt sẽ không cất khỏi Giuđa”.

Bài trích sách Sáng Thế.

Ngày ấy, Giacóp triệu tập con cái lại và nói rằng: “Hỡi con cái Giacóp, hãy hợp lại và nghe cha đây. Hỡi nhà Israel, hãy nghe lời cha của các con. Giuđa, anh em con sẽ ca tụng con. Bàn tay con sẽ đè trên ót quân thù; con cái của cha con sẽ phục lạy con. Giuđa là sư tử con, hỡi con của cha, con đã chồm lên bắt mồi, con đã nằm xuống nghỉ ngơi, như giống sư tử đực, tựa nòi sư tử cái, ai dám khiêu khích nó ? Phủ việt sẽ không cất khỏi Giuđa, gậy chỉ huy không rời khỏi chân nó, cho đến lúc Đấng thiên sai ngự đến, là Đấng chư dân đợi trông”.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 71, 2. 3-4ab. 7-8. 17

Đáp: Sự công chính và nền hoà bình viên mãn sẽ triển nở trong triều đại người tới muôn đời (x. c. 7).

Xướng:

1) Lạy Chúa, xin ban quyền xét đoán khôn ngoan cho đức vua, và ban sự công chính cho hoàng tử, để người xét đoán dân Chúa cách công minh, và phân xử người nghèo khó cách chính trực. – Đáp.

2) Núi non đem an hoà cho dân, và nổng đồi mang lại đức công chính. Người bênh chữa kẻ hèn trong dân, và cứu thoát con cái nhóm nghèo. – Đáp.

3) Sự công chính và nền hoà bình viên mãn sẽ triển nở trong triều đại người, cho đến khi mặt trăng không còn chiếu sáng. Và người sẽ thống trị từ biển nọ đến biển kia, từ sông cái đến tận cùng trái đất. – Đáp.

4) Chúc tụng danh người đến muôn đời, danh người còn tồn tại lâu dài như mặt trời. Vì người, các chi họ đất hứa sẽ được chúc phúc, và các dân nước sẽ ca ngợi người. – Đáp.

Tin mừng: Mt 1, 1-17

1Đây là gia phả Đức Giêsu Kitô, con cháu vua Đavít, con cháu tổ phụ Ápraham: 2Ông Ápraham sinh Ixaác; Ixaác sinh Giacóp; Giacóp sinh Giuđa và các anh em ông này;

3Giuđa ăn ở với Tama sinh Perét và Derác; Perét sinh Khétxơron; Khétxơron sinh Aram; 4Aram sinh Amminađáp; Amminađáp sinh Nácson; Nácson sinh Xanmôn;

5Xanmôn lấy Rakháp sinh Bôát; Bôát lấy Rút sinh Ôvết; Ôvết sinh Giesê; 6ông Giesê sinh Đavít. Vua Đavít lấy vợ ông Urigia sinh Salômôn 7Salômôn sinh Rơkhápam; Rơkhápam sinh Avigia; Avigia sinh Axa;

8Axa sinh Giơhôsaphát; Giơhôsaphát sinh Giôram; Giôram sinh Útdigia; 9Útdigia sinh Giotham; Giotham sinh Akhát; Akhát sinh Khítkigia; 10Khítkigia sinh Mơnase; Mơnase sinh Amôn; Amôn sinh Giôsigia;

11Giôsigia sinh Giơkhongia và các anh em vua này; kế đó là thời lưu đày ở Babylon.

12Sau thời lưu đày ở Babylon, Giơkhongia sinh Santiên; Santiên sinh Dơrúpbaven; 13Dơrúpbaven sinh Avihút; Avihút sinh Engiakim; Engiakim sinh Ado;

14Ado sinh Xađốc; Xađốc sinh Akhin; Akhin sinh Êlihút; 15Êlihút sinh Elada; Elada sinh Mátthan; Mátthan sinh Giacóp; 16Giacóp sinh Giuse, chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô.

17Như thế, tính chung lại thì: từ tổ phụ Ápraham đến vua Đavít, là mười bốn đời; từ vua Đavít đến thời lưu đày ở Babylon, là mười bốn đời; và từ thời lưu đày ở Babylon đến Đức Kitô, cũng là mười bốn đời.

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Gia phả của Chúa Giêsu chứng tỏ Con Thiên Chúa nhập thể là một người thực sự trong lịch sử Dân Chúa. Qua các thời đại, Thiên Chúa là Đấng trung thành đã thực hiện lời hứa cứu độ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, gia phả của Chúa Giêsu tạo ra cảm tưởng dài lê thê với những tên tuổi xa lạ vô nghĩa đối với con. Nhưng chính cảm tưởng dài lê thê ấy lại cho con phần nào cảm nhận được rằng lịch sử Dân Chúa là những tháng ngày dài đằng đẵng mong đợi Chúa đến. Lịch sử càng dài, nỗi niềm mong đợi càng mãnh liệt, không biết Chúa có đến cứu độ như lời đã hứa chăng.

Con biết Chúa là Đấng trung thành, vẫn âm thầm từng bước thực hiện chương trình cứu độ. Mỗi một người sinh ra, tưởng chừng như tự nhiên, tình cờ, tầm thường, nhưng thực ra là một mắt xích quan trọng trong chương trình của Chúa. Thậm chí tổ tiên của Chúa Giêsu cũng có nhiều kẻ tội lỗi, họ cũng có một chỗ đứng trong lịch sử cứu độ.

Lạy Chúa, Chúa Giêsu đã đến trần gian, nhưng lịch sử cứu độ vẫn diễn tiến xuyên qua cuộc đời chúng con. Con cảm tạ Chúa vì đã gọi con vào đời góp phần làm nên lịch sử cứu độ. Trong chương trình của Chúa có tên của con. Dù con tầm thường nhỏ bé, dù con tội lỗi yếu hèn, nhưng con biết rằng con có mặt trên đời chẳng phải là điều ngẫu nhiên tình cờ hoặc bất đắc dĩ, nhưng vì Chúa muốn. Con cảm tạ Chúa và xin hứa sẽ chu toàn sứ mạng trong chỗ đứng mà Chúa đã đặt con vào. Thật ra, con có quá nhiều tội lỗi yếu hèn, đôi lúc phá vỡ chương trình của Chúa. Nhưng con tin Chúa vẫn đang âm thầm hướng dẫn lịch sử cứu độ đến chỗ hoàn thành tốt đẹp. Xin Chúa hoàn tất những điều tốt đẹp Chúa đã khởi sự nơi con. Amen.

Ghi nhớ“Gia phả của Chúa Giêsu Kitô, con vua Ðavít”.

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

Có hai thánh sử ghi chép lại gia phả Chúa Giêsu: Mt 1,1-16; Lc 3,23-38

1. Thánh Máthêu viết Phúc âm nhằm trình bày Chúa Giêsu là Đấng cứu thế cho dân Do Thái. Do đó Ngài trình bày Chúa Giêsu là con Vua Đavít như các tiên tri từng loan báo.

2. Cách trình bày khác nhau: Máthêu viết xuôi từ Abraham tới Chúa Giêsu, còn Luca kể ngược lại từ Chúa Giêsu đến Adong.

3. Khác nhau về pháp lý: Máthêu kể theo huyết nhục, Luca kể theo pháp lý.

4. Mathêu kể ra 42 đời chia làm ba giai đoạn, mỗi giai đoạn 14 đời. Gia phả của Luca kể ra 72 đời và chia làm 4 giai đoạn.

5. Thánh Mathêu đã chọn gia phả theo sách bà Ruth (4,18-22); còn Luca kể lại chọn gia phả theo sách Sáng Thế Ký(5,32 và 11,10-26).

Tuy nhiên cả hai bản gia phả cũng có những điểm tương đồng:

1. Cả hai gia phả đều tận cùng bằng thánh Giuse được gọi là cha nuôi Chúa Giêsu. Theo tục lệ Do Thái chỉ người cha mới có giá trị pháp luật vì họ theo chế độ phụ hệ. Đức Mẹ cũng thuộc một ngành Đavít, truyền thống cũng nghĩ thế.

2. Cả hai bản gia phả đều dùng một số những bản gia phả của chi họ, cho nên có nhiều tôn giáo khác nhau.

3. Cả hai bản gia phả đều ghi rõ tổ tiên của Chúa có một số tội nhân như Đavít, Salômôn, Rahab, Besabeth… để nói lên Thiên Chúa đến cứu chuộc cả nhân loại tội lỗi nữa.

Riêng trong gia phả của thánh Mathêu hôm nay chúng ta thấy:

1. Những chữ “sinh ra” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Đến chỗ Giuse là chữ “sinh ra” biến mất. Giuse là người cha theo pháp luật. Nhờ có Giuse mà Chúa Giêsu được đặt vào lịch sử nhân loại theo pháp luật. Nhờ có Giuse mà Chúa Giêsu có giòng họ Đavít (“sinh ra” còn có nghĩa kế vị, kế tiếp).

2. Người ta tự hỏi bản gia phả của Mathêu có thực không ? Có tính cách lịch sử không ? Hai lớp trước từ Abraham đến Đavít rồi từ Salômôn đến Giêkôn thì đã có sẵn trong Cựu Ước, cứ việc theo đó mà chép vào. Còn lớp thứ ba từ salath đến Chúa Giêsu thì không biết lấy gốc ở đâu. Chúng ta chỉ biết có một điều này là khi viết Phúc Âm. Máthêu được Chúa Thánh Thần linh ứng và dùng những tài liệu gia phả khác nữa, Máthêu không thể phịa ra được. Nên biết người Do Thái giữ gìn gia phả rất cẩn thận.

3. Bản gia phả muốn nói với chúng ta rằng Chúa Giêsu là một người thực sự Nhập Thể, nhập khẩu giữa loài người, có tổ có tông, Chúa Giêsu là một con người nhân loại, “đầu đội trời chân đạp đất” như trăm nghìn chúng sinh. Trong số tổ tiên của Chúa có rất nhiều bậc anh hùng như Abraham, Maisen… Nhưng số những vị vua tội lỗi như Đavít, Salômôn, có vua thờ ngẫu tượng; trong số phụ nữ có Rahab, Ruth, Uria, Besabeth tiếng tăm không tốt gì. Nhưng Thiên Chúa đã nhập thế giữa họ bất chấp khuyết điểm lầm lỗi của nhân loại. Ngài là bông sen. Không gì chống lại được ý định Thiên Chúa. Mọi sự được thay đổi, tội lỗi được tẩy sạch, những gì trần thế được thần linh hết.

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Gia phả Đức Giêsu Kitô (Mt 1,1-17)

  1. Thánh Mátthêu viết lại gia phả Đức Giêsu là để giới thiệu: Đức Giêsu là Đấng muôn dân trông đợi, Đấng mà các tiên tri của dân Do thái loan báo trước, Ngài là con người thật. Ngài cũng có dòng dõi tổ tiên như chúng ta. Ngài được sinh ra và thuộc về một dân tộc như chúng ta. Tuy nhiên, bản gia phả không nói: ông Giuse sinh ra Đức Giêsu, nhưng lại nói: “Ông Giuse chồng bà Maria, bà là Mẹ Đức Giêsu, cũng gọi là Đấng Kitô”. Điều đó cho thấy Ngài còn có nguồn gốc là Thần linh. Ngài được thụ thai không theo kiểu loài người nhưng do quyền năng của Thánh Thần. Vì thế, Đức Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là người thật.
  2. Qua gia phả mà thánh Mátthêu kể lại chúng ta thấy từ tổ phụ Abraham đến vua Đavít là mười bốn đời, từ Đavít đến thời lưu đày ở Babylon là mười bốn đời, và từ thời lưu đày đến Đức Kitô cũng là mười bốn đời. Gia phả cho ta thấy Đức Giêsu là con người thật, con người lịch sử. Ngài cũng có dòng dõi tổ tiên như chúng ta. Ngài được sinh ra thuộc về một dân tộc như chúng ta. Ngài có cha có mẹ hợp pháp theo lý lịch như chúng ta.
  3. Trong suốt chiều dài lịch sử, qua gia phả Đức Giêsu, chúng ta thấy Đức Giêsu sinh ra làm người trong một dòng tộc gồm có kẻ tốt người xấu, kẻ có đạo người ngoại giáo, kẻ tốt như Abraham, Isaác, Giacóp; người xấu và ngoại đạo như Tama đã lấy cha chồng, Rakháp là một kỹ nữ, Bétxêba là người đàn bà ngoại tình… Điều đó chứng tỏ Thiên Chúa chấp nhận làm người trong thân phận thấp hèn của họ để cứu chuộc họ, và đây là dấu chỉ tính phổ quát của ơn cứu độ.
  4. Chúng ta nên lưu ý: trong bản gia phả, thánh Mátthêu thường dùng cụm từ “cha sinh con”, nhưng khi đến thánh Giuse, bản gia phả không nói: ông Giuse sinh ra Đức Giêsu, mà viết: “Giacóp sinh Giuse, chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô” (Mt 1,16). Điều đó cho thấy Đức Giêsu còn có nguồn gốc Thần linh. Ngài được sinh ra không theo kiểu loài người nhưng do quyền phép của Thiên Chúa. Như vậy, thánh Giuse không là cha sinh ra Đức Giêsu nhưng chỉ là cha nuôi, cha trên lý lịch, nhờ đó Đức Giêsu được thừa hưởng danh hiệu “con cháu của vua Đavít”.
  5. Lịch sử cứu độ qua những nhân vật bất xứng làm nên gia phả Đấng Cứu Thế, gợi cho chúng ta sự xác tín rằng: dù chúng ta tội lỗi, bất xứng, nhưng chúng ta không mặc cảm, mà vững tin tình yêu cứu độ của Thiên Chúa.

Chúa không thực hiện việc cứu độ loài người từ trời cao. Người có thể và dư quyền để làm việc đó. Nhưng để cứu loài người, Chúa đã nhập thể và nhập thế để từ đó Chúa đưa loài người sa ngã đứng lên. Con Thiên Chúa chấp nhận làm con cháu của người phàm, trong đó có cả những người tội lỗi. Ngài đã đón nhận và liên kết với con người, với cả những lỗi lầm và thiếu sót của họ. Kẻ tội lỗi cũng có chỗ đứng trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.

  1. Truyện: Ai có thể đứng vững ?

Có một thành viên trong Hội đồng giáo xứ đang rơi vào chuyện sa ngã tội lỗi, gây xôn xao trong giáo xứ. Cha xứ liền triệu tập các thành viên còn lại, rồi với tình yêu thương và thương xót, ngài trình bày lại đầu đuôi câu chuyện đáng buồn cho mọi người rồi ngài hỏi như thế này:

– Nếu như chính các ông các bà bị cám dỗ như người anh em của chúng ta, quý vị sẽ làm gì ?

Người thứ nhất tin tưởng ở khả năng mình có thể đứng vững trong cơn cám dỗ, nói:

– Thưa cha, chắc chắn con chẳng bao giờ chịu nhượng bộ trước tội lỗi đáng ghê tởm đó.

Mấy người khác cũng lần lượt lớn tiếng dõng dạc nói như vậy. Ai cũng muốn cho mọi người thấy mình là người đàng hoàng đạo đức, hoặc can đảm đối đầu với mọi chước cám dỗ xấu xa.

Sau hết, cha xứ có vẻ chưa vừa ý, quay sang hỏi người cuối cùng trong Hội đồng giáo xứ. Ông này vốn là người ít nói, chỉ lẳng lặng âm thầm chu toàn các việc nhỏ trong giáo xứ. Trong cuộc họp, ông cũng luôn ngồi ở một góc phòng. Nghe cha xứ hỏi ông đứng lên nhỏ nhẹ thưa:

– Thưa cha và mọi người, thú thật, tự đáy lòng con phải thú nhận rằng, nếu con bị cám dỗ và thử thách như người anh em đó, có lẽ con sẽ còn sa đoạ hơn thế nữa.

Cả phòng yên lặng sững sờ. Cha xứ gật gù bảo:

– Đây là người duy nhất có thể đi với tôi để nói chuyện với anh em lầm lạc đó, để cố gắng dìu dắt người ấy quay trở về với Chúa.

Nguồn: WGPSG

Bài viết liên quan