BÀI ĐỌC I: Is 9, 2-4. 6-7 (Hl 1-6)

“Chúa ban Con của Người cho chúng ta”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Dân tộc bước đi trong u tối, đã nhìn thấy sự sáng chứa chan. Sự sáng đã bừng lên trên những người cư ngụ miền thâm u sự chết. Chúa đã làm cho dân tộc nên vĩ đại, há chẳng làm vĩ đại niềm vui ? Họ sẽ vui mừng trước nhan Chúa, như thiên hạ mừng vui trong mùa gặt lúa, như những người thắng trận hân hoan vì chiến lợi phẩm, khi đem của chiếm được về phân chia. Vì cái ách nặng nề trên người nó, cái gông nằm trên vai nó, cái vương trượng quyền của kẻ áp bức. Chúa sẽ nghiền nát ra, như trong ngày chiến thắng Mađian. Bởi lẽ mọi chiếc giày đi lộp cộp của kẻ chiến thắng, mọi chiếc áo nhuộm đẫm máu đào, sẽ bị đốt đi và trở nên mồi nuôi lửa.

Bởi lẽ một hài nhi đã sinh ra cho chúng tôi, và một người con đã được ban tặng chúng tôi. Người đã gánh nhận vương quyền trên vai, và thiên hạ sẽ gọi tên Người là “Cố vấn kỳ diệu, Thiên Chúa huy hoàng, Người Cha Muôn Thuở, Ông Vua Thái Bình”.

Người sẽ mở rộng vương quyền, và cảnh thái bình sẽ vô tận; Người sẽ ngự trên ngai vàng của Đavít và trong vương quốc Người, để củng cố và tăng cường, trong sự công minh chính trực, ngay tự bây giờ và cho đến muôn đời. Lòng ghen yêu của Chúa thiên binh sẽ thực thi điều đó.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 112, 1-2. 3-4. 5-6. 7-8

Đáp: Nguyện danh Chúa được chúc tụng, từ bây giờ và cho đến muôn đời (c. 2).

Xướng:

1) Hãy ngợi khen, hỡi những người tôi tớ Chúa, chư vị hãy ngợi khen danh Chúa. Nguyện danh Chúa được chúc tụng, từ bây giờ và cho đến muôn đời. – Đáp.

2) Từ mặt trời mọc lên tới khi lặn xuống, nguyện cho danh Chúa được ngợi khen. Chúa siêu việt trên hết thảy chư dân, trên muôn cõi trời là vinh quang của Chúa. – Đáp.

3) Ai được như Thiên Chúa chúng tôi, Người ngự trên nơi cao thẳm, và Người để mắt nhìn coi, khắp cả trên trời dưới đất ?- Đáp.

4) Người nâng cao kẻ túng thiếu từ chỗ bụi tro, và cất nhắc bạn cơ bần từ nơi phẩn thổ, hầu cho họ ngồi với những bậc quân vương, với những bậc quân vương của dân Người. – Đáp.

Tin mừng: Lc 1, 26-38

26 Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, 27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít.

Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a. 28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” 29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.

30 Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. 31 Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. 32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. 33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”

34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” 35 Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. 36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. 37 Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” 38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp : Sau tiếng “ xin vâng” của Mẹ Maria, một chân trời mới được mở ra, một không gian nhiệm mầu của tình yêu được thể hiện : Con Thiên Chúa làm người đến ở với nhân loại để chia sẻ trọn vẹn phận người như chúng ta, trừ tội lỗi.

Cầu nguyện : Lạy Chúa Giêsu, Chúa không uy nghi từ trời cao bước xuống, nhưng đi ra từ lòng mẹ, cũng mong manh yếu đuối như biết bao trẻ thơ khác, cũng cần được che chở, nuôi dưỡng và lớn lên. Con nhìn thấy công lao của Mẹ Maria thật cao vời vĩ đại. Mẹ đã không chỉ “xin vâng” một lần trong ngày truyền tin, nhưng trong mọi biến cố của cuộc sống, nhất là những giây phút đứng dưới chân Thánh giá, Mẹ đã can đảm, quyết liệt để “Xin vâng”. Chắc chắn thái độ tín thác tuyệt đối của Mẹ vào chương trình của Chúa, đã họa lại sự vâng phục trọn vẹn của Chúa Giêsu, nhờ đó Ngài hoàn tất ơn cứu độ mà Chúa Cha đã giao phó.

Lạy Chúa, Chúa làm người để dạy chúng con quí trọng cuộc sống trong sự tin yêu và tín thác. Dù mảnh đời của Chúa cũng lận đận, long đong với phận nghèo, Chúa vẫn chấp nhận và sống đến cùng cho Thánh ý Chúa Cha. Còn con, khi gặp những giây phút gian nan, chán chường, thất vọng, thất bại, con thấy đời bỗng trở nên vô nghĩa, muốn buông xuôi.

Nhìn vào cuộc sống của Mẹ, những khó khăn của con chẳng đáng là gì. Hôm nay, nhờ gương sáng và lời cầu bầu của Mẹ, xin Chúa giúp con đừng cậy dựa vào sức mình, nhưng luôn biết trông cậy vào quyền năng của Chúa, nhất là biết tín thác trọn vẹn vào chương trình kỳ diệu mà Chúa muốn thực hiện nơi thân phận nhỏ bé, yếu hèn của con. Amen.

Ghi nhớ: “Này Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một Con trai”.

Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A- Phân tích (Hạt giống…)

Cuộc nói chuyện của Chúa Giêsu với các môn đệ sau câu chuyện người thanh niên nhà giàu:

Chúa Giêsu tuyên bố: “Người giàu có thật khó mà vào Nước Trời.”

Các môn đệ quá bỡ ngỡ nên than: “Vậy thì ai có thể được cứu độ ?”

Chúa Giêsu an ủi: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể được.”

Sau đó Chúa hứa phần thưởng cho các môn đệ đã từ bỏ mọi sự mà theo Ngài: họ sẽ được gấp trăm và được sự sống đời đời.

B- Suy gẫm (…nẩy mầm)

1. Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Trời”: Của cải vật chất tuy rất hữu ích cho sự sống đời này, nhưng hoàn toàn vô ích cho sự sống đời đời, có thể còn là một cản trở rất lớn.

2. Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể được”: Hãy trình bày với Chúa điều gì hiện tôi không thể làm được, và xin Chúa giúp ta làm điều đó.

3. Người kia mua của người láng giềng một mảnh đất. Khi đào đất để đổ nền nhà, người đó tìm được một hũ vàng. Vốn là người lương thiện và thành thật, anh mang hũ vàng qua nhà người láng giềng và nói: “Đây là hũ vàng tôi tìm thấy trong mảnh đất ông đã bán cho tôi. Tôi mua đất chứ không mua hũ vàng. Vậy tôi xin trả lại hũ vàng cho ông.” Người láng giềng cũng lương thiện không kém. Ông không nhận hũ vàng và giải thích như sau: “Khi bán miếng đất cho anh, tôi đã có ý định bán tất cả những gì chứa trong đó. Vậy hũ vàng là của anh.” Hai bên cứ nhường nhau mãi cho đến tối mà vẫn chưa có ai chịu nhận hũ vàng. Rốt cuộc cả hai đồng ý tạm ngưng tranh luận, hẹn hôm sau bàn tiếp.

Nhưng qua một đêm trằn trọc suy nghĩ, họ đã bị con quỷ tham lam nhập vào lúc nào không hay. Sáng hôm sau hai người gặp lại. Người mua đất liền nói: “Tôi đã suy nghĩ kỹ lại thì thấy lời ông nói hôm qua quả là chí lý: Tôi đã mua đất của ông, tất nhiên mọi sự trong mảnh đất ấy đều thuộc về tôi.” Người láng giềng cãi: ”Không phải thế. Hôm nay tôi đã xét kỹ thì thấy lời hôm qua rất xác đáng: anh không thể nào mua món đồ nào mà chính anh không có ý định mua. Anh chỉ mua đất chứ không mua vàng, anh hãy trả lại hũ vàng cho tôi.”

Hai người cãi nhau dữ dội. Từ đó họ không còn là láng giềng tốt của nhau mà trở thành thù địch của nhau.

4. Tất cả những ai bỏ nhà cửa, anh chị em, cha mẹ, vợ con, ruộng nương vì danh Thầy, thì sẽ được gấp trăm và được sự sống đời đời.” (Mt 19,29)

Apraham, tổ phụ chúng ta, đã vâng lời Thiên Chúa. Ông đã đem Isaac-con trai độc nhất của mình-mà tế lễ cho Ngài. Còn gì đau khổ hơn bằng chính người cha phải đem giết con trai mình bằng bất cứ lý do gì. Thế nhưng, Abraham đã làm điều đó. Ông đã hy sinh cái quý giá nhất của mình cho Thiên Chúa. Thiên Chúa đã thấu hiểu lòng trung thành của ông và Ngài đã ban cho ông không những một người con mà cả một dòng dõi đông đúc.

Để tỏ lòng trung thành với Chúa, Abraham đã dâng Isaac; Còn chúng con, chúng con đã hy sinh được gì ? Xin Chúa giúp sức cho chúng con để chúng con biết trung thành với Chúa, và sống hy sinh vì Chúa. (Hosanna)

Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Sự tôn sùng Đức Trinh Nữ Vương đã có từ lâu đời trong Giáo hội: Vào thế kỷ thứ tư, thánh Ephrem gọi Ðức Maria là Hoàng hậu và sau đó các Giáo phụ cũng như các Tiến sĩ Hội thánh tiếp tục dùng danh xưng này. Các thánh thi từ thế kỷ XI cho đến XIII đề cập đến Ðức Maria như một hoàng hậu: “Kính mừng Hoàng hậu Thánh Thiện”, “Kính mừng Hoàng hậu Thiên Ðàng”. Tràng hạt dòng Ðaminh và dòng Phanxicô cũng như biết bao lời cầu khẩn Ðức Maria trong kinh nguyện đều mừng kính tư cách Nữ vương của Đức Maria.

Đức Giáo hoàng Piô VII vào thế kỷ XIX đã cho phép một số giáo phận mừng lễ Đức Trinh Nữ Vương. Đức Giáo hoàng Piô IX đã thiết lập một lời nguyện và một lễ kính Đức Trinh Nữ Vương đặc biệt. Đức Giáo hoàng Piô XII đã long trọng dâng loài người cho trái tim vẹn sạch Đức Trinh Nữ Vương vào năm 1942 giữa lúc thế chiến thứ hai đang ngập tràn. Năm 1944, chính Đức Giáo hoàng Piô XII đã truyền mừng kính lễ Đức Maria Trinh Nữ Vương trong Giáo hội toàn cầu. Ngày 1 tháng 11 năm 1954, tức bốn năm sau khi tuyên bố tín điều Đức Maria hồn xác về Trời, Đức Thánh Cha Piô XII đã long trọng đội triều thiên lên tượng Đức Trinh Nữ là “sự cứu rỗi của dân Rôma”.

Cuộc cải tổ Lịch Phụng Vụ Rôma do Đức Thánh Cha Phaolô VI thực hiện vào năm 1969, Lễ Đức Mẹ Trinh Nữ Vương được chuyển sang ngày 22 tháng 08, tức tám ngày sau Đại Lễ Đức Mẹ Được Rước Về Trời. Chính Đức Phaolô VI định nghĩa về Lễ Ðức Maria Trinh Nữ Vương: “Lễ này là tiếp diễn lễ Ðức Mẹ Hồn Xác lên Trời. Thực vậy, vào lễ Ðức Mẹ Hồn Xác lên trời, chúng ta say đắm và hân hoan mừng kính Mẹ Maria như là hoa quả đầu mùa của công trình cứu rỗi của Chúa Giêsu, đã chiến thắng hai kẻ thù của nhân loại, đó là: Tội lỗi và sự chết. Hôm nay, trong lễ Ðức Maria Trinh Nữ Vương, chúng ta chiêm ngắm Ðức Mẹ bên cạnh Vua Cao Cả trời đất, như là Nữ Vương và là người bầu cử cho chúng ta như một người mẹ nhân hiền” (Tông huấn Lòng sùng kính Ðức Mẹ Maria).

Suy niệm

Tại Nadarét hẻo lánh, Maria đón một vị khách lạ, sứ thần Gabriel đến với lời chào: “Kính chào trinh nữ đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng trinh nữ”. Lời chào và sự loan báo của sứ thần làm Maria bối rối vì cô Maria đã đính hôn cùng chàng trai Giuse, vì không hiểu hết sự việc hơn nữa mình là một thôn nữ thấp kém sao lại được hồng ân cao cả. Sứ thần Gabriel giải thích: “Thiên Chúa ở cùng trinh nữ” lời tiên báo của ngôn sứ về hồng ân vĩ đại cho con người: Thiên Chúa ở với dân Người như ngôn sứ Isaia nói về tên Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta (x. Is 7,14), Thiên Chúa ở cùng nhân loại nhưng trước hết với và qua Đức Maria: Đấng được Đức Chúa ở cùng, cưu mang và sinh hạ Đấng Cứu Thế.

Maria thắc mắc làm sao việc sinh con có thể thực hiện được, cô đã khấn hứa trọn đời trinh khiết. Sứ thần giải thích: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ”. Sứ thần quả quyết: “Uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế, Ðấng trinh nữ sinh ra sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa”, sứ Thần khẳng định: “Vì không có việc gì mà Chúa không làm được”.

Dù chưa hiểu và biết rõ hết sự việc, Maria khiêm tốn đặt toàn bộ cuộc đời của mình trong thánh ý của Thiên Chúa qua việc đáp trả: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần truyền”, Maria hoàn toàn sẵn sàng thi hành ý muốn của Chúa trong công cuộc cứu độ trần gian, như một tôi tớ khiêm cung, yêu mến và phó thác trong tin tưởng.

Thánh Augustinô cho ta thấy vai trò cao cả của Đức Maria trong công cuộc cứu độ của Thiên Chúa: “Đấng các tầng trời không đủ sức chứa, lại được cưu mang nơi cung lòng một người phụ nữ. Mẹ điều hành Vị Thủ Lãnh của chúng ta; Mẹ mang Đấng mà chúng ta đang ở trong; Mẹ ban tặng sữa cho Đấng là Bánh của chúng ta”. Những lời ca tụng trên đây làm nổi bật tất cả những đặc ân, tước hiệu, cũng như vinh dự của Đức Maria phát xuất từ vai trò có một không hai của Ngài: Mẹ Đấng Cứu Thế. Người Mẹ ấy đã âm thầm chia sẻ, cộng tác với Con Mình trong những ngày gian khổ ở trần thế Maria vẫn luôn “xin vâng” hoàn toàn tận hiến đời mình để thực hiện thánh ý Chúa. Khi hoàn tất sứ vụ ở trần gian, Maria được rước về Trời cả hồn lẫn xác, để rồi được đặt làm Nữ Vương Thiên Quốc, tiếp tục vai trò cầu bầu như người Mẹ của cả nhân loại: “… Đức Maria sáng chói như Nữ hoàng và như bà Mẹ, Ngài cầu bầu cho chúng ta cạnh vua muôn thuở” (Marialis cultus, 6)

Chúng ta mang tâm tình cùng với Đức Giáo hoàng Piô XII: “Xin Mẹ cai quản trên Giáo hội, trên mọi trí khôn, mọi cõi lòng, mọi cá nhân, mọi gia đình cũng như mọi xã hội và mọi quốc gia, trên mọi cộng đoàn, những người quyền thế. Xin Mẹ hãy cai trị trên mọi nẻo đường và mọi quảng trường, trong thành thị và chốn thôn quê, trên nền trời, trên mặt đất và cả biển khơi”.

Ý lực sống

“Kính chào Ðức Nữ Vương,
Bà là Mẹ xót thương,
Ngọt ngào cho cuộc sống,
Kính chào Lẽ Cậy Trông”.
(Trích Salve Regina)

Nguồn: WGPSG

You may also like