Phụng Vụ Chư Thánh

Ngày 6/10: Thánh Brunô – Linh mục (khoảng 1035 1101)

Lễ nhớ không buộc

12556 St Bruno

I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Thánh Brunô, đấng sáng lập dòng Chartreux, qua đời ngày 6 tháng 10 năm 1101 trong sa mạc La Torre, thuộc vùng Calabria (nước Ý). Tuy ngài không hề được phong thánh chính thức, nhưng lễ nhớ ngài được đưa vào phụng vụ địa phương của dòng Chartreux năm 1514 bằng phép miệng của Đức giáo hoàng Lêô X, rồi được đưa vào phụng vụ Rôma năm 1584 và cuối cùng được đưa vào các sách phụng vụ Rôma, qua một sắc lệnh của Thánh Bộ Lễ Nghi năm 1623.

Sinh năm 1035 ở Cologne (nước Đức) trong một gia đình quí tộc, Bruno de Hartenfaust bắt đầu đi học tại trường Thánh Cunibert ở Cologne, sau đó học trường nổi tiếng của nhà thờ lớn Reims. Năm 1056, ngài trở thành hiệu trưởng và thầy dạy nổi tiếng của trường này. Sau khi thụ phong linh mục, ngài được bổ nhiệm làm kinh sĩ nhà thờ lớn và chưởng ấn của toà tổng giám mục. Chính trong thời kỳ này, ngài xuất bản hai tác phẩm Bình luận về các Thánh vịnh và các Thư thánh Phaolô.

Danh xưng Thầy Bruno được sử dụng cho tới cuối thế kỷ XV xứng với danh tiếng của “nhà hùng biện, thông thái trong mọi lãnh vực văn chương, tiến sĩ của các tiến sĩ . . .” Là người bênh vực cuộc cải cách Hội Thánh của Đức Giáo Hoàng Grêgoire VII, ngài dũng cảm chống lại thói buôn thần bán thánh và sự suy đồi đạo đức của hàng giáo sĩ. Vì chống đối Tổng giám mục của mình là Manassès, một con người mại thánh và bất xứng, ngài bị vị này cất chức và tịch biên tài sản. Cuộc tranh chấp kết thúc với việc Tổng giám mục bị giáng chức, còn thánh Brunô thì ra đi với hai người bạn, đến ẩn dật tại tu viện Dòng Molesme, ở Sèche-Fontaine (Aube) năm 1083. Một năm sau, ngài cùng sáu người bạn đi đến Grenoble. Ngài được giám mục Hugues tiếp đón niềm nở và đưa tới vùng núi Chartreux (Isère), tại đây ngài lập dòng Chartreux (1084). Thế là thánh Brunô đã sáng lập một nếp sống tu dòng mới, gần giống với nếp sống do thánh Romualđô sáng lập: Các tu sĩ Chartreux sống đời ẩn tu, hiến mình cho công việc lao động đơn độc, chủ yếu là việc sao chép các sách, nhưng cử hành phụng vụ chung với nhau.

Năm 1088, Đức giáo hoàng Urbain II (Eudes de Châtillon), từng là học trò của Thầy Brunô ở Reims, mời thầy cũ của mình tới Rôma làm cố vấn. Ngài vâng lời, nhưng một ít thời gian sau, vì vẫn khao khát đời sống cô tịch và cầu nguyện, ngài rời giáo triều, về Calabre, trong sa mạc La Torre; tại đây, ngài lập một tu viện mới, dưới sự bảo trợ của các vương công người Normand. Chính trong thời kỳ ẩn tu ở Sainte-Marie-de-La-Tour, ngài viết hai lá thư còn truyền lại tới thời chúng ta: một thư gửi bạn ngài là Raoul le Verd, đặc sứ giáo hoàng ở Reims, và một thư gửi cộng đoàn tu viện Grande-Chartreuse.

Thánh Brunô qua đời ngày chủ nhật 6 tháng 10 năm 1101, sau khi tuyên bố trước mặt các tu sĩ của mình lời tuyên xưng đức tin, trong đó ngài nhấn mạnh sự hiện diện thật của Đức Ki-tô trong phép Thánh Thể. Thi hài ngài được an nghỉ trong thánh đường tu viện Sainte-Marie-de-La-Tour. Các giai đoạn cuộc đời ngài được hoạ sĩ Le Sueur trình bày (1644 đến 1648); trong số các bức họa này, nổi tiếng nhất là Cuộc An Táng Thánh Brunô, tranh trưng bày tại Louvre.

II. Thông điệp và tính thời sự

Thiên Chúa đã kêu gọi thánh Brunô phụng sự Người “trong nơi thanh vắng” (Lời Nguyện của ngày). Thật vậy, từ khi ở trong rừng Sèche-Fontaine, nơi thánh Robert Molesmes đã hướng dẫn ngài vào đời ẩn tu, thánh Brunô đã luôn tìm kiếm sự thanh vắng để hiến mình cho Thiên Chúa qua việc chiêm niệm và sám hối.

Trong lá thư viết cho bạn ngài là Raoul le Verdi, thánh Brunô ca ngợi đời sống ẩn tu như sau: “Về lợi ích và niềm vui mà sự thanh vắng đem đến cho những ai yêu mến nó, chỉ những người đã trải qua kinh nghiệm này mới biết được . . . Thật không thể tả nổi ngày lễ vĩnh cửu này, khi người ta đã nếm cảm trước những hoa quả của thiên đàng. Chúng tôi chỉ lo cho linh hồn mình, và giữa những cuộc chiến đấu vì Thiên Chúa, chúng tôi nếm cảm được sự bình an mà thế gian không biết đến, và niềm vui của Thánh Thần.” Giờ Kinh Sách cho chúng ta đọc lá thư thánh nhân viết năm 1099 hay 1100 “cho các con cái Chartreux của ngài,” sau khi có cuộc thăm viếng của Đan phụ Landuin của họ tại tu viện của ngài ở Calabre. Lá thư này có thể coi như di chúc thiêng liêng của thánh Brunô cho con cái thiêng liêng mà ngài đã từ giã năm 1090: “Qua những tường thuật chi tiết và rất an ủi của người anh em Landuin yêu quí của chúng ta, cha vui sướng biết được các con đã kiên quyết thế nào trong việc tuân giữ khôn ngoan và đáng ca ngợi thực sự: ngài đã kể cho cha về tình yêu thánh thiện của các con, lòng nhiệt thành không mỏi mệt của các con đối với tất cả những gì đụng tới sự trong sạch của quả tim và nhân đức . . . Cha vui mừng vì, mặc dù các con không thông thạo văn chương, nhưng Thiên Chúa toàn năng đã ghi khắc vào lòng các con không chỉ tình yêu mà thôi, mà còn sự hiểu biết luật thánh: thực vậy, các con chứng tỏ bằng việc làm điều các con yêu mến và hiểu biết. Vì các con thực hành sự vâng phục hết sức chuyên cần và nhiệt tình . . . Điều này cho thấy rõ ràng các con đón nhận với sự khôn ngoan hoa quả tuỵêt hảo và sống động của Lời Chúa.” Đối với thánh Brunô, mục đích của Kinh Thánh là thông truyền sự sống, và hoa quả đầu tiên của Kinh Thánh là việc thi hành vâng phục, nguồn mạch của sự hoàn thiện đích thực. Đức Giáo Hoàng Piô XI đã viết rất hay về thánh nhân: “Thiên Chúa đã chọn thánh Brunô, con người thánh thiện tuyệt vời, để làm cho đời chiêm niệm sáng ngời vẻ tinh tuyền nguyên thuỷ của nó” (Hiến pháp Umbratilem).

Enzo Lodi

You may also like