Suy Tư – Chia Sẻ

Nhận định đáng sợ của Giáo Sư Tim Stanley. Sau Đức Hồng Y Pell là đến ai?

Tim Stanley là giáo sư lịch sử tại Đại Học Cambridge, bên Anh Quốc. Ông cũng là một ký giả chuyên nghiệp trên tờ Daily Telegarph của Anh. Hôm 29 tháng Tám, ông có bài

“First they came to Pell.. then”, “Trước tiên họ tính sổ Đức Hồng Y Pell ..sau đó là.”

Tại sao nhiều người Công Giáo nhất quyết không tin rằng Đức Hồng Y George Pell đã từng phạm vào tội lạm dụng trẻ em? Có kẻ nhếch mép cười ruồi “đồng hội đồng thuyền với nhau thôi mà”. Ông ta là một người trong số họ, vì thế họ bảo vệ ông ta.

Không phải thế. Người Công Giáo đã rất nhiều lần phải làm quen với ý tưởng giáo sĩ lạm dụng trẻ em và chúng ta sẵn sàng kết án kẻ có tội vào tù. Tuy nhiên, trong trường hợp của Đức Hồng Y George Pell, một lý do trong sự phản đối của người Công Giáo là mối quan tâm truyền thống, phi giáo phái đối với công lý – đó là nếu bạn kết án một con người vì một tội ác khủng khiếp như vậy, bạn phải chắc chắn rằng người ấy có tội.

Những người buộc tội Đức Hồng Y Pell nói rằng sau một trong các Thánh lễ Chúa Nhật đầu tiên tại nhà thờ chánh tòa của ngài với tư cách tổng giám mục mới của Melbourne, ngài đã tách ra khỏi đám rước kết lễ, vội vã trở lại phòng áo, thấy hai cậu bé ca viên ngài chưa bao giờ gặp mặt trước đây, tấn công tình dục họ một cách lộ liễu trong khi vẫn mặc đầy đủ áo lễ như lúc cử hành Thánh Lễ, trong thời gian đó, cánh cửa phòng áo mở toang, nhà thờ chính tòa vẫn đầy người đi lại quanh quẩn, và các người giúp lễ và các người giữ phòng áo đang đi qua lại từ thánh đường đến các phòng áo lễ.

Trước khi qua đời vào năm 2014, một trong hai cậu bé đã xác nhận với mẹ mình rằng anh ta “chưa từng bị bất cứ ai quấy rối hay sờ mó”. Tất cả điều này đã khiến 10 trong số 12 bồi thẩm viên tại phiên tòa đầu tiên bỏ phiếu trắng án cho vị Hồng Y. Tuy nhiên, tại tòa tái thẩm, bồi thẩm đoàn đã bỏ qua sức nặng to lớn của các bằng chứng ngoại phạm và đã bỏ phiếu vào tháng 12 để kết tội ngài giữa bầu không khí cuồng loạn chống Công Giáo.

Hai thẩm phán tại tòa phúc thẩm đã giữ nguyên bản án. Tuy nhiên, một trong những thẩm phán kháng cáo đã bất đồng quan điểm – và ý kiến của ông chứa đựng một số quan sát thú vị về cách thức đưa ra phán quyết.

Như Ông Mark Weinberg, vị thẩm phán phúc thẩm bất đồng với hai người kia đã nhận xét, việc kết án Đức Hồng Y chỉ dựa đơn thuần vào các cáo buộc hoàn toàn không bằng không cớ của người tố cáo duy nhất, trong đó “chứa đựng những điểm thiếu nhất quán và những bất cập hiển nhiên”, và “thiếu giá trị để chứng minh”.

Một số độc giả có thể ngạc nhiên rằng tại sao lại có thể buộc tội hoàn toàn trên cơ sở không bằng không chứng của một người về một sự kiện đã diễn ra hơn 20 năm về trước. Nhưng đó thật sự là những gì đã diễn ra tại Australia như xác nhận của Thẩm phán Weinberg:

“Một đặc điểm khác thường của vụ án này là nó phụ thuộc hoàn toàn vào việc chấp nhận lời khai của người khiếu nại, coi anh ta là một nhân chứng đáng tin cậy và xác thực, bất kể sự nghi ngờ hợp lý. Bồi thẩm đoàn đã được kêu gọi chấp nhận chứng cứ của anh ta mà không có bất kỳ sự hỗ trợ độc lập nào khác.”

Người Công Giáo nhất quyết không tin rằng Đức Hồng Y George Pell phạm tội vì bạn càng hiểu cách một nhà thờ hoạt động, những gì một tổng giám mục làm, thì những lời buộc tội của phía công tố càng kém tin cậy. Trước hết là rượu lễ của nhà thờ được giữ trong một két an toàn; và Hồng Y Pell không thể rời khỏi cuộc rước sau Thánh lễ mà sự vắng mặt của ngài không ai hay biết; các nhân chứng tuyên thệ trước tòa là điều này không bao giờ xảy ra. Hơn nữa, nếu ai đó rất muốn phạm tội tình dục đối với trẻ vị thành niên, người ấy cũng sẽ không làm như vậy vào một trong những ngày Chúa Nhật đầu tiên của mình trong ngôi nhà thờ mới được trùng tu, ở một nơi công cộng, trong khi những người khác đang đợi mình. Một người dám phạm tội như vậy, hẳn phải có một chuỗi các nạn nhân bị lạm dụng trong những tình huống ít hiểm nghèo hơn? Nhưng tuyệt nhiên không có.

Người Công Giáo có những lý do khác để có những nghi ngờ hợp lý. Lịch sử của chúng ta tràn ngập các giáo sĩ đi tù vì niềm tin của mình; và đối với hầu hết những người Công Giáo quen biết Đức Hồng Y Pell, cảm mến sự thánh thiện của ngài, thì ngài rõ ràng nằm trong trường hợp này.

Đức Hồng Y Pell, cho đến nay, vẫn là gương mặt đáng chú ý nhất của Công Giáo Úc trong thời gian cả một thế hệ trong cương vị là Tổng Giám Mục Melbourne, sau đó là Tổng Giám Mục Sydney, rồi là Hồng Y, và cuối cùng là người được Đức Thánh Cha Phanxicô chọn vào năm 2013 để chỉnh đốn nền tài chính của Vatican. Ngài là một cây bút viết các bài chính luận thường xuyên trên báo chí, và là một bình luận viên truyền hình và đài phát thanh, một người rất thích tranh luận trước những người tấn Công Giáo Hội về phá thai, quyền của người đồng tính, phong chức cho phụ nữ, và vô số các vấn đề cấp tiến khác. Ngài là tiêu điểm của trào lưu chống Công Giáo, chống giáo sĩ và chống chủ nghĩa bảo thủ ở một đất nước rất thế tục đang phát động một cuộc chiến chống tôn giáo qua hàng loạt các chiến dịch mà đáng chú ý nhất là việc buộc các linh mục phải vi phạm ấn tín Tòa Giải Tội.

Ủy ban Hoàng gia trong giai đoạn 2013-17 về Phản Ứng Của Các Định Chế Đối Với Lạm Dụng Tình Dục Trẻ Em tập trung phần lớn sự chú ý vào việc tạo ra một ấn tượng rằng Giáo Hội gần giống như một tổ chức tội phạm bao che cho nhau để bảo vệ các thành viên khỏi bị truy tố về tội ác chống lại trẻ vị thành niên.

Ngay trước khi Hồng Y Pell bị tuyên án tờ The Independent chạy hàng tít lớn “Giáo Hội Công Giáo hết thời rồi”. Như thế đã rõ là qua vụ kết án Đức Hồng Y, những lực lượng siêu thế tục tại Úc đang muốn triệt hạ Giáo Hội Công Giáo mà Đức Hồng Y Pell và một biểu tượng.

Nhiều người Công Giáo tại Úc đang tự hỏi: Sau Đức Hồng Y Pell là đến ai?

Đặng Tự Do

Nguồn: vietcatholic.org

 

Bài viết liên quan