Lời Chúa

Núi Đá Và Thành Lũy Bảo Vệ Con, Chính Là Chúa!

Núi Đá Và Thành Lũy Bảo Vệ Con, Chính Là Chúa!

Cần phải sống kinh nghiệm cuộc đồng hành với Đức Chúa GIÊSU thì mới có thể đứng vững trong những lúc gặp khó khăn thử thách

Từ hơn nửa thế kỷ qua, Thầy Anselme là tu huynh Biển-Đức thuộc Đan Viện Landévennec, Tây Bắc nước Pháp. Xin nhường lời cho Thầy gợi lại hành trình đưa đến quyết định chọn lối sống đan tu.

Trong một lần cắm trại của phong trào Hướng Đạo, trình thuật chàng thanh niên giàu có trong Tin Mừng bỗng hiện lên trong tâm trí tôi. Ngày hôm sau tôi thưa chuyện với Cha Tuyên Úy Hướng Đạo về dự định ơn gọi của tôi. Cha trả lời ngay:

– Vì biết rõ con nên Cha không ngạc nhiên chút nào hết!

Câu nói của Cha khẳng định: ”Tiếng Đức Chúa GIÊSU KITÔ gọi tôi bước theo Ngài là thật chứ không phải ảo tưởng”. Được Cha Tuyên Úy khuyến khích, tôi trình bày ước nguyện với thân phụ tôi. Sau khi bàn hỏi một Linh Mục, thân phụ khuyên tôi nên làm một cuộc tĩnh tâm tại Đan Viện Biển Đức ở Landévennec. Tôi tự nhủ: ”Điều chính yếu không phải trở thành Linh Mục nhưng là đời sống cộng đoàn. Càng không phải trở thành đan sĩ nhưng là thừa sai tận nơi vùng đất xa xôi của đại lục Phi Châu!”.

Thế rồi sau ba ngày ở Đan Viện tôi tự vấn: ”Mình tìm kiếm gì? Nếu mình tìm sống hạnh phúc thì các đan sĩ này đâu có khổ sở chi! Nếu mình tìm sống cầu nguyện, lao động, đời sống cộng đoàn thì các đan sĩ này đang sống như thế mà! Và nhất là mình tìm bước theo Đức Chúa GIÊSU KITÔ!”. Khi rời Đan Viện, tận nơi sâu thẳm của lòng mình, tôi biết rằng chính nơi đây mà THIÊN CHÚA gọi tôi bước vào. Ba năm sau, tôi chính thức gia nhập Đan Viện.

Có hai khuôn mặt giúp tôi hiểu rõ ý nghĩa đời sống đan tu. Thứ nhất là thánh nữ Têrêxa Hài Đồng GIÊSU (1873-1897). Tôi khám phá khuôn mặt truyền giáo của thánh nữ và hiểu rằng đời sống đan tu nằm đích thật ở nơi trung tâm Giáo Hội như là Tình Yêu. Vào Đan Viện không phải là trốn chạy nhưng là đi vào trung tâm Giáo Hội. Vị thứ hai là nữ chân phước Elisabeth Chúa Ba Ngôi (1880-1906), nữ tu Kín Cát-Minh qua đời năm 26 tuổi. Nữ chân phước giúp tôi khám phá đời sống nội tâm và chỉ cho tôi thấy ý nghĩa của thinh lặng cùng thờ lạy là hai yếu tố cần thiết cho cuộc sống của nhân loại và của Giáo Hội.

Trong thập niên 1980 tôi được Cha Viện Phụ Đan Viện gởi đi Haiti để mở một Đan Viện Biển Đức. Ban đầu Đan Viện được thành lập tại thủ đô Port-au-Prince. Nhưng rồi nhận thấy cuộc sống ồn ào nơi đô thị không thích hợp với lối sống thinh lặng và cầu nguyện của đời đan tu nên chúng tôi quyết định dời đi một nơi khác trên một ngọn đồi cao.

Cuộc sống đan tu diễn tiến như thường lệ nhưng nơi đây hơi khác một chút trong bối cảnh một xứ sở nghèo như đất nước Haiti. Có rất nhiều người nghèo đến gõ cửa Đan Viện xin giúp đỡ trong khi chúng tôi sống cuộc đời thô sơ bình dị của các đan sĩ thời Trung Cổ. Chúng tôi không phải là một tổ chức từ thiện phi chính quyền. Điều quan trọng đối với Giáo Hội Công Giáo tại Haiti là có một Đan Viện và không cần phải có đông đảo đan sĩ.

Nếu các đan sĩ Biển Đức không bám chặt vào Đức Chúa GIÊSU KITÔ thì không thể nào bền đỗ trong Ơn Gọi. Cần phải sống kinh nghiệm cuộc đồng hành với Đức Chúa GIÊSU thì mới có thể đứng vững trong những lúc gặp khó khăn thử thách. Đan sĩ chúng tôi dành thời giờ cho việc cầu nguyện. Cuộc sống đan tu của chúng tôi nêu gương kiên trì cho cuộc đời một người thường cũng như cho một quốc gia như Haiti. Có biết bao nhiêu dự án được khởi sự nhưng rồi bị bỏ dở dang. Phần các đan sĩ chúng tôi, chúng tôi không đến để thực hiện một dự án, nhưng là để sống với Đức Chúa GIÊSU KITÔ, để lao động và cầu nguyện cùng với cuộc sống chung trong cộng đoàn. May mắn thay, sự kiện Đan Viện Biển Đức có mặt nơi đây tại Haiti này, đủ để trao ban niềm Hy Vọng. Nơi vùng đất khô cằn này, ngay từ đầu, chúng tôi đã trồng rất nhiều cây cối. Một Linh Mục dòng Tên người Haiti nói với chúng tôi:

– Mỗi lần có dịp đi ngang qua đây và nhìn lên đồi cao nơi có Đan Viện Biển Đức với cây cối xanh tươi, tôi tự nhủ: ”đất nước mình không tồi tệ xấu xí lắm!”.

Tôi luôn luôn tìm kiếm một cộng đoàn trong đó các đan sĩ tu sĩ sống kết hiệp mật thiết với Đức Chúa GIÊSU KITÔ và ”đồng tâm nhất trí” y như các tín hữu tiên khởi của thời Giáo Hội sơ khai tại Giêrusalem.

 … ”Xin Ngài nên như núi đá cho con trú ẩn, như thành trì để cứu độ con. Núi đá và thành lũy bảo vệ con, chính là Chúa. Vì danh dự Ngài, xin dẫn đường chỉ lối cho con .. Trong tay Ngài, con xin phó thác hồn con. Ngài đã cứu chuộc con, lạy Chúa Trời thành tín .. Lạy Chúa, cao cả thay tấm lòng nhân hậu, Chúa dành cho kẻ kính sợ Ngài, và thi thố trước mặt phàm nhân, cho ai tìm đến Ngài nương náu. Bên thánh nhan, Ngài giấu họ kỹ càng khỏi người đời mưu hại. Ngài che chở họ trong lều thánh, xa tầm lưỡi thị phi. Chúc tụng Chúa đã tỏ tình thương kỳ diệu đối với con trong thành trì vững chắc .. Hết mọi người hiếu trung với Chúa, hãy yêu mến Chúa đi! Chúa giữ gìn những ai thành tín, nhưng thẳng tay trừng trị người ăn ở kiêu căng. Hỡi mọi người cậy trông vào Chúa, mạnh bạo lên, can đảm lên nào!” (Thánh Vịnh 31(30),3-4/6/20-22/24-25).

 (”Église en Finistère”, Quimper et Léon, No 223, 12 Février 2015, trang 11-12)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

 

Bài viết liên quan