Giáo hội đang chuẩn bị cho chúng ta bước vào mùa Phục Sinh, và ngày hôm nay Giáo hội mời gọi suy tư về ơn cứu độ: Chúng ta nghĩ gì về ơn cứu độ? Phải chăng tất cả chúng ta đều khao khát ơn cứu độ ấy? Sách Các Vua quyển thứ hai thuật lại chuyện ông Na-a-man và phải chăng sách ấy đang trình bày cho chúng ta về thực tại cái chết và sự sống đằng sau cái chết? Thật vậy, bệnh tật thường kéo chúng ta suy nghĩ về ơn cứu độ. Nhưng ơn cứu độ sẽ xảy ra như thế nào? Đâu là con đường dẫn đến ơn cứu độ? Thiên Chúa mặc khải gì cho chúng ta, những Kitô hữu, về ơn cứu độ?
Từ khóa để hiểu thông điệp mà Giáo hội muốn truyền tải cho chúng ta ngày hôm nay là từ ‘coi khinh’. Khi Na-a-man đến nhà ông Ê-li-sa để xin được chữa lành, Ê-li-sa đã sai sứ giả ra nói với ông hãy đi tắm ở sông Gio-đan bảy lần. Đây là một chuyện đơn giản. Vì quá đơn giản nên Na-a-man đã coi thường và tỏ ra tức giận. Có thể ông đã nghĩ bụng: ‘Tôi đã thực hiện chuyến hành trình công phu như thế, đã chuẩn bị bao nhiêu là quà cáp sang trọng như thế…. mà chẳng lẽ bệnh của tôi lại được chữa lành đơn giản bằng cách chỉ đi tắm trong một dòng sông!? Nước các sông ở Đa-mát lại chẳng tốt hơn tất cả nước sông ở Ít-ra-en sao!?’ Như thế, ông Na-a-man đã coi thường những điều đơn sơ, nhỏ bé.
Cũng vậy, Tin Mừng theo thánh Luca cho thấy dân làng Na-da-rét đã tỏ ra khinh thường sau khi nghe Đức Giêsu đọc đoạn sách tiên tri Isaia trong ngày Sa-bát, tại hội đường, đặc biệt khi Đức Giêsu nói về sự giải phóng đem lại tự do cho con người – ‘hôm nay đã ứng nghiệm lời quý vị vừa nghe’. Dân chúng bàn tán rằng: ‘Ông này là ai vậy? Ông ấy chẳng phải cũng là một người trong chúng ta sao? Chúng ta đã thấy ông ấy lớn lên từ tấm bé và đâu có học hành gì nhiều.’ Như thế, dân chúng bắt đầu coi thường và muốn loại trừ Đức Giêsu.
Về sau này, Đức Giêsu còn chịu sự khinh thường từ những người lãnh đạo trong dân chúng, từ những kinh sư, luật sĩ. Họ là những người tìm kiếm ơn cứu độ chỉ trong lề luật luân lý đúng sai: ‘Phải làm như thế này, phải làm như thế kia thì mới đúng….v.v’ Đó là lý do tại sao dân chúng không tin tưởng họ. Nhóm Sa-đốc cũng giống như thế. Họ tìm kiếm ơn cứu độ trong việc thỏa hiệp, nhân nhượng với những người nắm trong tay thế quyền: một số trong nhóm họ đã thỏa hiệp với những người đứng đầu giới tăng sĩ, số khác thì với những người nắm quyền lực chính trị. Họ đã đi tìm ơn cứu độ trong cách thức này. Dân chúng có một nhạy cảm bản năng nên đã không tin vào họ. Trái lại, dân chúng tin tưởng nơi Đức Giêsu vì Ngài giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền.
Nhưng tại sao lại có sự khinh thường? Tại sao tiên tri lại không được coi trọng nơi quê hương mình? Đó chính là bởi vì chúng ta thường nghĩ rằng ơn cứu độ phải đến từ những điều vĩ đại, hoành tráng. Chúng ta cho rằng đấng cứu độ phải là người nắm trong tay quyền lực, phải là người có sức mạnh, có tiền, có quyền… Nhưng kế hoạch của Thiên Chúa lại hoàn toàn khác. Do đó, họ tỏ ra khinh thường vì họ không hiểu rằng ơn cứu độ chỉ đến từ những điều nhỏ bé, từ sự đơn sơ bắt nguồn nơi Thiên Chúa. Thật vậy, khi Đức Giêsu trình bày đường lối cứu độ, Ngài không bao giờ nói những điều cao siêu vĩ đại nhưng chỉ là những gì nhỏ bé, đơn sơ.
Tôi mời gọi anh chị em hãy đọc lại bản Hiến Chương Nước Trời và chương 25 Tin Mừng theo thánh Mát-thêu. Anh chị em sẽ được cứu độ nếu thực thi Bản Hiến Chương ấy. Anh chị em không thể tìm thấy ơn cứ độ khi đặt hy vọng của mình nơi quyền lực, nơi những tổ chức, hệ thống. Anh chị em hãy thực thi những điều nho nhỏ mà Đức Giêsu đã mời gọi trong Bản Hiến Chương ấy. Tuy nhiên, thực tế là những điều nho nhỏ đó lại khiến cho người ta khinh thường, coi rẻ. Bởi vậy, kết thúc Tám Mối Phúc, Đức Giêsu đã nói những lời mạnh mẽ như sau: ‘Phúc cho những không ai vấp ngã vì tôi’. Điều ấy có nghĩa là phúc cho những ai đã không khinh thường, đã không coi rẻ những điều nhỏ bé, đơn sơ. Trong tâm tình đó, sẽ thật hữu ích nếu mỗi người chúng ta hãy dành chút thời gian – hôm nay và ngày mai – để đọc Tám Mối Phúc và Tin Mừng thánh Mát-thêu đồng thời để ý điều gì đang xảy ra trong tâm hồn chúng ta để xem liệu có điều gì khiến chúng ta tỏ ra khinh thường không. Hãy nài xin Chúa ơn được hiểu rằng đường lối duy nhất dẫn đến ơn cứu độ là phải trải qua nghịch lý của thập giá, tức là sự tự hạ của Con Thiên Chúa sẵn sàng trở nên nhỏ bé. Bài đọc ngày hôm nay cho thấy điều bé nhỏ ấy được diễn tả qua việc đi tắm ở sông Gio-đan, tại một ngôi làng nhỏ bé của Na-da-rét.”
Vũ Đức Anh Phương, SJ