1. Lòng thương xót là “phong cách” Kitô hữu
Kitô hữu không sống theo “tinh thần thế gian” nhưng theo “sự điên rồ của Thánh Giá”. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm 13 tháng 9 tại nhà nguyện Santa Marta.
“Là Kitô hữu không phải dễ dàng”, nhưng điều đó làm cho chúng ta “hạnh phúc”: con đường mà Chúa Cha trên trời chỉ ra cho chúng ta là con đường của “lòng thương xót” và “bình an nội tâm.” Khởi đi từ bài Tin Mừng trong ngày trích từ Phúc Âm Thánh Luca (6:27-38), Đức Thánh Cha Phanxicô một lần nữa làm sáng tỏ những điểm đặc thù của “phong cách Kitô hữu.” Ngài nói rằng Chúa luôn luôn chỉ cho chúng ta biết “cuộc sống của người môn đệ” phải như thế nào. Chúa làm như thế, chẳng hạn, thông qua các Mối Phúc Thật hay các công việc của lòng thương xót.
Một cách đặc biệt, phụng vụ trong ngày thứ Năm, lễ thánh Gioan Kim Khẩu, tập trung vào “bốn chi tiết để sống đời sống Kitô hữu”: “hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em.”
Đức Thánh Cha nói rằng các Kitô hữu không bao giờ nên gia nhập “vào những chuyện ngồi lê đôi mách” hay dự phần “vào thứ luận lý của những lời lăng mạ”, mà chỉ gây ra “chiến tranh”, nhưng luôn luôn phải tìm thời gian để “cầu nguyện cho những kẻ làm khốn mình”. Ngài nhấn mạnh rằng:
Đó là phong cách Kitô hữu, đó là cách sống của Kitô hữu. Nhưng nếu tôi không làm bốn điều này thì sao? Nếu tôi không yêu kẻ thù, không làm ơn cho kẻ ghét tôi, không chúc lành cho kẻ nguyền rủa tôi, và không cầu nguyện cho kẻ vu khống tôi, thì tôi không phải là Kitô hữu à? Vâng, anh chị em là Kitô hữu vì anh chị em đã nhận Phép Rửa, nhưng anh chị em không sống như người Kitô hữu. Anh chị em đang sống như một người ngoại giáo, với tinh thần của thế gian.
Chắc chắn thật dễ dàng để “nói xấu kẻ thù hoặc những người thuộc về phía đối phương,” nhưng luận lý của người Kitô hữu đi ngược lại thói đời, và dõi theo “sự điên rồ của Thánh giá.” Đức Thánh Cha Phanxicô nói thêm rằng mục tiêu cuối cùng của chúng ta “là làm sao có thể hành xử như con cái của Cha chúng ta trên trời”.
Chỉ những người có lòng thương xót mới giống như Chúa Cha. “Hãy thương xót, vì Cha anh em là Đấng xót thương.” Đây là con đường, một con đường đi ngược lại tinh thần của thế gian, suy nghĩ khác với thế gian, và không cáo buộc người khác. Bởi vì Satan ở giữa chúng ta, nó là kẻ luôn luôn buộc tội chúng ta trước mặt Thiên Chúa, để hủy diệt. Satan là tên “Đại Cáo buộc.” Và khi tôi gia nhập vào luận lý buộc tội này, luận lý nguyền rủa này, và tìm cách làm điều ác cho người khác, tôi đi vào luận lý của tên “Đại Cáo buộc” là “Kẻ hủy diệt”, là kẻ không biết đến lòng thương xót là gì, và chưa bao giờ biết sống từ bi.
Cuộc sống giao động giữa hai lời mời gọi: Lời mời gọi của Cha chúng ta trên trời và lời quyến rũ của tên “Đại Cáo buộc”, là đứa xô đẩy chúng ta đến chỗ buộc tội người khác, để tru diệt họ.
Nhưng chính khi ấy Satan đang tru diệt tôi! Thành thử, anh chị em đừng làm điều đó với người khác. Anh chị em không thể gia nhập vào luận lý của Satan. “Nhưng thưa Cha, tôi phải cáo buộc mới được.” Vâng, hãy tự cáo mình đi. Làm như thế là tốt cho anh chị em. Còn đối với tha nhân, chỉ có lòng thương xót, bởi vì chúng ta là con cái của Cha chúng ta, Đấng giầu lòng xót thương.
2. Câu chuyện tượng Đức Mẹ khóc tại tiểu bang New Mexico, Hoa Kỳ
Một giám mục ở tiểu bang New Mexico đã đưa ra một bản báo cáo cập nhật về cuộc điều tra của giáo phận liên quan đến một bức tượng Đức Mẹ dường như tiếp tục chảy nước mắt không dứt trong nhiều tháng qua.
Đức Cha Oscar Cantú, Giám mục giáo phận Las Cruces cho biết hiện tượng diễn ra tại Giáo xứ Đức Mẹ Guadalupe ở Hobbs, New Mexico xem ra không thể giải thích được về mặt khoa học. Ủy ban điều tra của giáo phận, sau nhiều tháng trời nghiên cứu, vẫn không thể tìm được bất cứ nguyên nhân tự nhiên nào có thể giải thích thỏa đáng hiện tượng này, vì thế, ủy ban sẽ bắt đầu quay sang việc phân tích các hoa trái thiêng liêng mà hiện tượng này mang đến cho các tín hữu.
Ngài giải thích như sau trong một tuyên bố được công bố vào cuối tháng 8:
“Giai đoạn đầu tiên của cuộc điều tra này là xác định xem hiện tượng này có thể được giải thích bằng những nguyên nhân tự nhiên hay không. Cho đến nay, chúng tôi đã không thể nào tìm ra được bất cứ nguyên nhân tự nhiên nào giải thích việc bức tượng cứ tiếp tục tiết ra một chất lỏng”.
“Nếu nguyên nhân của hiện tượng này là siêu nhiên, chúng ta phải phân biệt nếu nó đến từ Thiên Chúa hay từ ma quỷ. Tôi nhắc anh chị em nhớ rằng Giáo Hội tin vào sự hiện hữu của các thiên thần sa ngã, đôi khi họ cố gắng đánh lừa chúng ta”
Một bức tượng đồng Đức Mẹ Guadalupe đã bắt đầu khóc vào ngày 20 tháng 5, Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, và nhiều người cùng lúc đã chứng kiến hiện tượng lạ lùng này hai lần kể từ đó – vào ngày Lễ Đức Maria, Mẹ Giáo Hội và một lần nữa vào ngày Lễ Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ, hôm 9 tháng 6. Một số người tin rằng họ đã thấy hiện tượng này trong những dịp khác nữa khi đến cầu nguyện tại đây.
Được biết, chất lỏng được tìm thấy trên bức tượng là một loại dầu ô liu có mùi thơm hoa hồng, được tìm thấy gần giống với dầu thánh được làm phép trong Tuần Thánh. Không có gì bên trong bức tượng rỗng có thể tạo ra chất lỏng này. Chỉ có một vài mạng nhện ở bên trong.
Quá trình điều tra giáo phận cũng liên quan đến việc phỏng vấn nhà sản xuất người Mễ Tây Cơ đã tạo ra bức tượng này. Theo Đức Cha Cantú, chủ sở hữu cho biết quá trình sản xuất liên quan đến nhiệt độ cao, làm tan chảy hoàn toàn các khuôn sáp xung quanh những bức tượng được hình thành, không để lại chút dư lượng sáp nào có thể góp phần vào hiện tượng này.
Cha Chánh xứ Jose Segura đã báo cáo vụ việc ngay lập tức cho Đức Cha Cantú. Cuộc điều tra sau đó được khởi xướng bởi Cha Enrique Lopez, linh mục chưởng ấn của giáo phận và thầy Phó tế Jim Winder, phó chưởng ấn là những người đã thu thập các mẫu nước mắt và lời khai của các nhân chứng đã từng chứng kiến tận mắt.
Sau khi đưa ra một báo cáo công khai của cuộc điều tra vào ngày 15 tháng 7, Đức Cha Cantú cho biết bức tượng khóc không phải là sản phẩm của bất kỳ nguyên nhân tự nhiên nào mà ủy ban điều tra đã thử nghiệm. Trong một tuyên bố gần đây, Đức Cha nói thêm rằng sẽ mất nhiều thời gian hơn để xác định nguồn gốc siêu nhiên của những giọt nước mắt.
“Sự phân định xem liệu hiện tượng này là từ Chúa hay từ ma quỷ là một quá trình dài. Ma quỷ đôi khi có thể bắt chước những điều thánh thiện để gây nhầm lẫn cho chúng ta. Vì vậy, chúng ta phải thận trọng và cảnh giác.”
Đức Cha Cantú cho biết quá trình phân định này sẽ dựa vào những hoa trái tinh thần của bức tượng đang khóc. Ngài lặp lại Hoa Trái của Chúa Thánh Linh đã được đề cập trong Thư Thánh Phaolô gởi dân thành Galát, đó là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, và tiết độ.
Ngài nhắc nhở người Công Giáo rằng Giáo Hội phân biệt giữa những mạc khải chung và mạc khải tư. Mạc khải chung đã kết thúc sau cái chết của vị Tông Đố cuối cùng, và khác với những mạc khải tư là những điều không cung cấp thêm bất kỳ kiến thức mới nào về ơn cứu rỗi.
“Không có thông tin mới nào liên quan đến ơn cứu rỗi của chúng ta có thể thu được từ những mạc khải tư. Các thông điệp trong mạc khải tư chỉ tái khẳng định và nêu bật những gì Chúa Kitô đã mạc khải trong Kinh Thánh và Truyền Thống”.
“Thành ra, Đức Maria và các thánh luôn dẫn chúng ta trở lại với Chúa Giêsu và với Giáo Hội. Đây là lý do tại sao Đức Maria hướng dẫn Thánh Juan Diego, “đến gặp giám mục,” và “xây dựng một đền thánh.”
3. Các Giám Mục phải chuyên chăm cầu nguyện để chiến thắng Satan
Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các giám mục lướt thắng Satan, là kẻ đang tìm cách tạo ra những vụ tai tiếng, bằng sự chuyên chăm cầu nguyện, khiêm nhường và gần gũi với dân Chúa. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Ba 11 tháng Chín tại nhà nguyện Santa Marta.
Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, có vẻ như Satan đang tấn công các giám mục của Giáo Hội Công Giáo để gây ra các vụ tai tiếng.
Đức Thánh Cha mời gọi các giám mục trên thế giới nhớ đến ba điều trong thời điểm khó khăn hiện nay. Thứ nhất, sức mạnh của các vị hệ tại nơi việc các vị có phải là những người siêng năng cầu nguyện hay không. Thứ hai, các vị phải khiêm nhường để nhớ rằng các vị đã được Chúa chọn. Và cuối cùng, các vị phải gần gũi với đàn chiên.
Đức Thánh Cha đã trình bày các suy tư của ngài về bài Tin Mừng trong ngày (Lc 6: 12-19), trong đó Chúa Giêsu đã trải qua một đêm cầu nguyện trước khi chọn Mười Hai Tông Đồ, mà Đức Thánh Cha gọi là “các giám mục đầu tiên”.
Trước hết, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng các giám mục phải là những người siêng năng cầu nguyện. Cầu nguyện, theo Đức Thánh Cha, “là một sự an ủi đối với vị giám mục trong những thời điểm khó khăn,” vì họ biết rằng “Chúa Giêsu đang cầu nguyện cho tôi và cho tất cả các giám mục.”
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng điều này sẽ mang lại sự an ủi và sức mạnh cho các giám mục, là những người đến lượt mình được kêu gọi để cầu nguyện cho chính các ngài và dân Thiên Chúa. Điều này, theo Đức Thánh Cha, là nhiệm vụ đầu tiên của vị giám mục.
Kế đến, Đức Thánh Cha đã mời gọi các giám mục hãy là những người khiêm tốn, bởi vì các ngài đã được Chúa chọn.
“Vị giám mục yêu mến Chúa Giêsu không cố gắng trèo lên một chiếc thang [danh vọng], trong khi thực thi ơn gọi của mình như thể đó đơn thuần chỉ là một nhiệm vụ nhằm tìm kiếm một vị trí tốt hơn hay để được thăng chức. Không. Một giám mục phải cảm thấy mình được chọn, và có một sự xác tín rằng mình được chọn. Điều này khiến ngài thân thưa với Chúa rằng: ‘Chúa đã chọn con, là người rốt cùng, là kẻ tội lỗi.’ Ngài khiêm nhường, bởi vì ngài cảm thấy được chọn và cảm nhận ánh mắt của Chúa Giêsu trên toàn bộ bản thể mình. Điều này mang đến cho ngài sức mạnh.”
Đức Thánh Cha Phanxicô nói thêm rằng các giám mục được kêu gọi gần gũi với dân Chúa, và không được đóng kín trong một tháp ngà.
“Vị giám mục không thể xa cách đàn chiên; ngài không thể có những thái độ đẩy mình ra xa họ.. . Ngài không cố gắng tìm nơi trú ẩn giữa những kẻ quyền thế hay giới tinh hoa. Không. Những người thuộc ‘giới tinh hoa’ chỉ trích các giám mục, trong khi dân chúng có thái độ yêu mến đối với các ngài. Đây gần như là một nghi thức xức dầu đặc biệt để củng cố vị giám mục trong ơn gọi của ngài.”
Cuối cùng, Đức Thánh Cha nói rằng các giám mục cần ba thái độ này để đối mặt với tai tiếng mà Satan đang quất tới tấp vào các ngài.
“Trong những lúc này, có vẻ như Satan đã bẻ gãy xiềng xích và đang tấn công các giám mục. Đúng, chúng ta, các giám mục, đều là những kẻ tội lỗi. Satan cố gắng vạch ra những tội lỗi, phơi bày những tội lỗi ấy để làm mọi người hoang mang. Satan, như chính nó nói với Thiên Chúa trong chương đầu tiên của sách Gióp, công việc của nó là ‘rảo quanh cõi đất và lang thang khắp đó đây tìm kiếm một người nào đó để buộc tội’. Sức mạnh chống trả Satan của vị giám mục là lời cầu nguyện của Chúa Giêsu và của chính mình, và sự khiêm nhường nhìn nhận mình được Chúa chọn và giữ mình gần gũi với dân Chúa, mà không tìm kiếm một cuộc sống quý tộc làm phôi pha dầu đã được xức.”
Để kết luận, Đức Thánh Cha mời gọi cộng đoàn hãy cầu nguyện cho các giám mục trên thế giới và cho chính ngài:
“Hôm nay, chúng ta hãy cầu nguyện cho các giám mục của chúng ta: cho tôi, cho những người ở đây, và cho tất cả các giám mục trên khắp thế giới.”
4. Sự mới mẻ của Tin Mừng không cho phép một cuộc sống hai mặt
Đức Thánh Cha Phanxicô đã giải thích về sự khác biệt giữa “những điều mới lạ” của thế gian và “sự mới mẻ” của Chúa Kitô trong Thánh Lễ buổi sáng hôm thứ Hai tại nhà nguyện Santa Marta.
Trong bài giảng thánh lễ vào sáng thứ Hai tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ ra rằng Tông Đồ Phaolô rất tức giận với những người khoe khoang mình là “những Kitô hữu cởi mở”, nhưng trong họ “tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô đi đôi với một sự tháo thứ về luân lý”: “Thưa các anh chị em, đi đâu cũng chỉ nghe nói đến chuyện dâm ô xảy ra giữa anh em, mà là thứ dâm ô không thấy xảy ra ngay cả nơi dân ngoại” Đó là những lời quở trách nghiêm khắc, trích từ Thư Thứ Nhất của Thánh Phaolô gởi dân thành Corintô, trong đó Thánh Phaolô lưu ý rằng nhiều người trong số họ đã sống một cuộc sống hai mặt. Thánh nhân nhắc nhớ rằng “chỉ một chút men cũng đủ làm cho cả khối bột dậy lên”, và cần có men mới cho bột mới.
Chúa Giêsu đã đề nghị với các môn đệ của Ngài “rượu mới, bình mới.” Đức Thánh Cha nói:
“Tính mới mẻ của Tin Mừng, sự mới mẻ của Chúa Kitô không chỉ biến đổi linh hồn chúng ta; nhưng đang biến đổi toàn bộ bản thể của chúng ta: linh hồn, tinh thần và thể xác, tất cả mọi thứ, từng cái một: nghĩa là, biến đổi từ dàn nho – đến men – và cho đến những bầu rượu mới, tất cả mọi thứ. Tính mới mẻ của Tin Mừng là tuyệt đối, là tổng thể; chiếm lấy toàn bộ chúng ta, bởi vì nó biến đổi từ trong ra ngoài: tinh thần, thân thể và cuộc sống hàng ngày.”
Đức Thánh Cha lưu ý rằng các Kitô hữu thành Côrinhtô đã không hiểu được sự mới mẻ bao trùm của Tin Mừng, là điều không phải là một ý thức hệ hay một phương cách sống cùng tồn tại với người ngoại giáo trong xã hội. Tính mới mẻ của Tin Mừng là sự sống lại của Chúa Kitô, và Thánh Linh mà Ngài đã gửi đến “để Ngài có thể đồng hành cùng chúng ta trong cuộc sống.” Đức Thánh Cha khẳng định rằng chúng ta là những Kitô hữu, là những người nam nữ của sự mới mẻ [Tin Mừng], chứ không phải của những điều mới lạ [thế gian].
Và rất nhiều người tìm cách sống niềm tin Kitô của mình theo “những điều mới lạ”: [Họ nói,] “Nhưng ngày nay, điều đó có thể được thực hiện theo cách này; hoặc nói ồ không, ngày hôm nay chúng ta có thể phải sống như thế này mới được.” Và những người sống theo những điều mới lạ được đề xuất bởi thế giới là những kẻ trần tục; họ không chấp nhận tất cả sự mới mẻ [của Tin Mừng]. Có một sự khác biệt giữa “sự mới mẻ” của Chúa Giêsu Kitô, và “những điều mới lạ” mà thế giới đề xuất với chúng ta như một phong cách sống.
Những người mà Thánh Phaolô lên án, theo Đức Thánh Cha, “là những người thờ ơ, những kẻ vô luân… những người giả trá, những kẻ chuộng bề ngoài, những phường đạo đức giả.” Và ngài nhắc lại rằng “Lời mời gọi của Chúa Giêsu là một lời mời gọi hướng đến sự mới mẻ”.
Có người có thể nói, “Nhưng mà thưa Cha, chúng tôi yếu đuối, chúng tôi là những người tội lỗi…” “À, đây lại là một điều khác.” Nếu anh chị em chấp nhận rằng anh chị em là một người tội lỗi và yếu đuối, Ngài tha thứ cho anh chị em, bởi vì một phần của sự mới mẻ của Tin Mừng là thú nhận rằng Chúa Giêsu Kitô đã đến để tha thứ tội lỗi. Nhưng nếu anh chị em nói rằng anh chị em là những Kitô hữu sống hội nhập với những sự mới lạ của thế gian này – thì đừng, vì đây là thứ đạo đức giả. Sự khác biệt là ở chỗ đó. Và Chúa Giêsu đã nói với chúng ta trong Tin Mừng: “Hãy cẩn thận khi họ nói với anh em:” Chúa Kitô ở đây, Ngài ở đó, Ngài ở chỗ kia kìa… Những điều mới lạ [thế gian] cho rằng “Không, ơn cứu rỗi đi với điều này, với điều nọ…” Chúa Kitô là Đấng duy nhất. Và Chúa Kitô đã rất rõ ràng trong sứ điệp của Ngài.
Nhưng Chúa Giêsu không lừa dối những người muốn theo Ngài. Đức Thánh Cha đặt câu hỏi, “Nhưng đâu là con đường của những người sống theo ‘sự mới mẻ’ [của Tin Mừng], chứ không phải theo ‘những điều mới lạ’ [của thế gian]?” Ngài nhắc nhớ lại câu kết của bài Tin Mừng trong ngày, trong đó các kinh sư và các thầy thông luật quyết định giết Chúa Giêsu, đang bàn nhau có thể “làm gì được với Ngài.”
Đức Thánh Cha cảnh báo rằng “Con đường của những người nhận lấy sự mới mẻ của Chúa Giêsu Kitô cũng giống như con đường của Chúa Giêsu: đó là con đường hướng đến sự tử đạo”. Sự tử đạo không phải lúc nào cũng đẫm máu, mà là một sự tử đạo hàng ngày. “Chúng ta đang trên một con đường, và chúng ta đang bị theo dõi bởi tên đại sư tổ cáo gian, là kẻ đang dựng lên những kẻ cáo gian ngày hôm nay để lùa chúng ta vào sự mâu thuẫn.”
Đức Thánh Cha kết luận rằng dù thế, không cần phải tương nhượng với “những điều mới lạ” của thế gian; không cần phải “làm tan loãng việc công bố Tin Mừng.”
5. Thập giá dạy ta đừng sợ thất bại
Thập giá của Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng, trong cuộc đời này, có cả thất bại lẫn vinh quang, và đừng sợ những “thời khắc đen tối” vì những khoảng khắc ấy có thể được chiếu sáng nhờ thập giá, là dấu chỉ chiến thắng của Thiên Chúa trước sự dữ. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Sáu 14 tháng Chín tại nhà nguyện Santa Marta
Mô tả Satan như loài ma quỷ đã bị khắc chế và bị xiềng xích, nhưng “nó vẫn tiếp tục sủa,” và nếu anh chị em đến gần vuốt ve nó, nó sẽ tiêu diệt anh chị em.
Sự thất bại của Chúa Giêsu thắp sáng những bóng tối trong cuộc sống của chúng ta
Đức Thánh Cha giải thích rằng khi chúng ta chiêm ngưỡng thập tự giá, dấu ấn của các Kitô hữu, chúng ta suy ngẫm một dấu chỉ thất bại nhưng đó cũng là dấu chỉ chiến thắng: “Tất cả những gì Chúa Giêsu đã làm trong đời Ngài” đều thất bại trên thập tự giá và hy vọng của những người theo Ngài vào giờ khắc đó đã tan thành mây khói.
“Chúng ta đừng sợ chiêm ngắm thập giá trong những khoảnh khắc thối chí, thất bại. Khi Thánh Phaolô suy tư về mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô, ngài đưa ra một số nhận xét rất mạnh mẽ. Ngài nói với chúng ta rằng Chúa Giêsu đã hoàn toàn trút bỏ mình, tự hủy mình, mặc lấy thân phận tội lỗi của loài người chúng ta cho đến chết, và gánh lấy tất cả tội lỗi của chúng ta lên chính mình, tất cả tội lỗi của thế gian: Ngài chỉ còn là một ‘miếng giẻ rách’, một người bị lên án. Thánh Phaolô không ngại cho thấy sự thất bại này và ngay cả điều ấy cũng có thể soi sáng những khoảnh khắc tối tắm của chúng ta, những giây phút thất bại của chúng ta. Nhưng thập giá cũng là một dấu chỉ chiến thắng cho chúng ta, các Kitô hữu.”
Thứ Sáu Tuần Thánh
Đức Thánh Cha nhắc nhớ rằng trong Bài đọc Thứ Nhất, Sách Dân số nói về thời điểm trong cuộc Xuất Hành khi những người Do Thái hay kêu ca “bị các con rắn trừng phạt”. Điều này, theo Đức Thánh Cha, liên hệ đến con rắn cổ đại, là Satan, là “Đại Sư Tổ Cáo Buộc”. Nhưng, Đức Thánh Cha nói tiếp rằng, Chúa phán cùng ông Môisê rằng con rắn gây ra cái chết sẽ được treo lên và sẽ mang lại ơn cứu rỗi. Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích rằng đây là một lời tiên tri. Thực ra, “khi mang lấy thân phận tội lỗi của loài người, Chúa Giêsu đã đánh bại tác giả gây ra tội lỗi, Ngài đã đánh bại con rắn”. Và Satan đã rất vui mừng vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh “đến mức nó không chú ý” đến cái bẫy vĩ đại “của lịch sử mà nó đã sa vào.”
Satan nuốt chửng Chúa Giêsu và thần tính của Ngài
Như các Giáo Phụ của Giáo Hội nói, Satan nhìn thấy Chúa Giêsu trong trạng thái thê thảm như vậy, và giống như một con cá đói đã cắn câu, nó nuốt chửng Ngài. “Nhưng chính vào thời điểm đó, nó cũng nuốt chửng thần tính của Ngài là mồi nhử gắn vào móc câu. Vào lúc đó, Satan đã bị hủy diệt mãi mãi. Nó không còn sức mạnh. Trong giây phút đó, thập tự giá đã trở thành một dấu chỉ chiến thắng.”
Con rắn bị xích, nhưng anh chị em đừng lại gần nó
“Chiến thắng của chúng ta là thập giá của Chúa Giêsu, là chiến thắng trên kẻ thù của chúng ta, trên con rắn cổ đại, trên Đại Sư Tổ Cáo Buộc. Chúng ta đã được cứu” bởi thập giá, bởi sự kiện là Chúa Giêsu đã quyết định hạ mình tới tột cùng, nhưng với một sức mạnh thần thánh”.
“Chúa Giêsu nói với ông Nicôđêmô: Khi được nâng lên, tôi sẽ kéo tất cả mọi người lên cùng tôi”. Chúa Giêsu đã được nâng lên và Satan đã bị phá hủy. Chúng ta phải bị thu hút bởi thập giá Chúa Giêsu: chúng ta phải nhìn vào thập giá này bởi vì thập giá mang đến cho chúng ta sức mạnh để tiến lên phía trước. Và con rắn cổ xưa đã bị phá hủy vẫn còn sủa, vẫn còn đe dọa nhưng, như những Giáo Phụ của Giáo Hội nói, nó là một con chó bị xích lại rồi: nếu anh chị em không đến gần thì nó không thể cắn anh chị em; nhưng nếu anh chị em thử vuốt ve nó bởi vì anh chị em cảm thấy nó thu hút mình như thể một con chó con dễ thương, hãy chuẩn bị, nó sẽ tiêu diệt anh chị em”.
Cây thánh giá: một dấu chỉ của thất bại và chiến thắng
Đức Giáo Hoàng Phanxicô kết luận rằng cuộc đời của chúng ta tiếp tục với Chúa Kitô chiến thắng và Phục sinh, và là Đấng đã gửi Chúa Thánh Thần đến với chúng ta. Nhưng con chó bị xích, là ma quỷ, vẫn còn đó là kẻ “mà tôi không được đến gần vì nó sẽ cắn tôi”.
“Thập tự giá dạy chúng ta rằng trong cuộc sống có thất bại và chiến thắng. Chúng ta phải có khả năng chịu đựng thất bại, thừa nhận những thất bại của chúng ta một cách kiên nhẫn, ngay cả những tội lỗi của chúng ta bởi vì Ngài đã chuộc tội cho chúng ta. Trong Ngài, chúng ta nhìn nhận những thất bại và tội lỗi của chúng ta, và cầu xin Ngài tha thứ, nhưng không bao giờ cho phép mình bị quyến rũ bởi con chó bị xích này. Sẽ rất tốt nếu hôm nay, khi chúng ta về nhà, chúng ta bỏ ra 5, 10, 15 phút trước cây thánh giá chúng ta có trong nhà hay là cây thánh giá ở xâu chuỗi Mân Côi: hãy nhìn vào thánh giá, đó là dấu chỉ sự thất bại của chúng ta, thánh giá khơi dậy sự bách hại, sự hủy diệt nhắm vào chúng ta; nhưng thánh giá cũng là dấu chỉ chiến thắng của chúng ta bởi vì đó là nơi Thiên Chúa đã chiến thắng”