Đây là lần thứ 4 tôi đến thăm Olympia và mỗi lần đến đây đều luôn cảm thấy như có cái gì rất linh thiêng, thần thánh… quá khứ thì đã quá xa, nhưng thật gần gũi… thần thoại hay lý tưởng con người… khó mà diễn tả…
Thật vậy, cách đây cũng phải 25 năm, khi đó còn trẻ và còn rất hăng say, tôi cùng với một số thân hữu và bạn bè, tổng cộng chừng 15 người, chúng tôi đã liều lĩnh thuê xe “van” (xe thùng lớn rộng) và chúng tôi tự lái xe lấy, trong vòng 3 tuần, lái xe đi thăm một vòng, hết những nơi danh tiếng của Hy lạp. Cứ theo bản đồ, đi chỗ nào thích thì thăm lâu, ăn ngủ lại đó, còn không thích thì đi tiếp. Đúng là một cuộc du hành thích thú đề đời… Trong chuyến đi đó, chúng tôi cũng lần mò tới thăm cả Olympia.
Lần thứ hai tới thăm Olympia là được Tổng giáo phận Los Angeles tồ chức cho các linh mục đi hành hương “Theo vết chân thánh Phaolô” và cũng ghé thăm Olympus.
Lần thứ 3 và lần này, đi cách khoan thai và được tổ chức rất chu đáo chĩnh chạc, đúng là được ” xe đón, cơm hầu, nước rót…” nên chả phải vất vảm cũng chẳng phải lo gì, cứ vui vẻ mà thưởng thức cảnh đẹp thôi.
Lần này sau khi đi tham quan Olympia, chúng tôi còn được mời tới thăm một xưởng sản xuất rượu vang có tiếng là Merouvon đã qua 5 thế hệ con cháu, và có dịp thử rượu đặc sản vùng này. Thật tuyệt vời!
Ý nghĩa là lý tưởng cao đẹp của Olympic cổ đại
Olympia là một trong những điểm đến phổ biến nhất cho khách du lịch ở Hy Lạp. Ngày nay bến tầu du lịch tại cảng Katakolo cách Olympia chừng 25 Km thường dùng xe bus đưa khách du lịch đến thăm ngôi làng lịch sử này.
Làng Olympia là một ngôi làng nhỏ bé, đơn sơ, nếu không có lịch sử cổ xưa Thế Vận Hội và các đền đài cổ trong khu Olympic thì không có gì đặc biệt. Trên những con phố trong làng, có những khách sạn, nhà hàng, quán ăn, các quán café, các cửa hàng phục vụ bán đồ kỉ niệm cho khách du lịch… thế thôi.
Olympia là nơi khai sinh ra Thế vận hội Olympic và là nơi thiêng liêng của thần Zeus. Chính từ Olympia đã gieo trồng những lý tưởng cao cả từ thời cổ đại. Thi đấu ở Olympic không bao giờ chỉ là trò chơi (games), nhưng là vì danh dự, ý tưởng hòa bình, đấu tranh và vật lộn dùng sức mạnh cơ thể con người cho chiến thắng.
Khi thăm viếng Olympic và khu bảo tàng khảo cổ học này, du khách sẽ bước vào một trong những “cung thánh” được bảo tồn quan trọng nhất của Hy Lạp cổ đại. Olympia nằm ở vùng Ilia dưới chân núi Kronion (Kronios Lofos). Đến thăm Olympia là ta đang bước vào lịch sử cổ đại quan trọng của Hy Lạp.
Khu Vận động Olympic cổ bị Hoàng đế Theodosius phá và nơi này cũng trải qua nhiều trận động đất, nên thực ra các đền đài, dinh thự, và nhà cửa không còn gì cả, ngoại trừ là các nền nhà, các bậc thang, các cột còn trơ lại… Tuy nhiên nhìn vào các đổ nát, những tảng đá to đồ sộ, cả trăm cột đá hoặc được dựng đứng lại hoặc còn nằm cheo veo… du khách cũng cảm nhận được nơi này từng là một cảnh trí thật hoành tráng và hùng vĩ, nằm cạnh sông Klases. Toàn khu này được gọi là Altis có nghĩa là nơi thánh của thần Zeus. Lý do trước đây không thấy dấu vết gì trong khu vực này vì lụt lội và núi sập nên đất vùi toàn vùng Olympic cho mãi tới năm 1829 các nhà khảo cổ mới bắt đầu khai quật nền móng Vận động trường Olympic thuở xưa.
Thế Vận Hội Olympic quốc tế đã chính thức được hồi sinh vào năm 1896 tại Athens ở Platia Kotzia, nhưng thực sự khởi đầu mới đơn sơ và không bao quát.
Sơ lược Lịch sử về Olympic
Truyền thống cho rằng Thế vận hội Olympic đầu tiên được tổ chức năm 776 trước công nguyên, nhưng thực sự có thể nó đã bắt được tổ chức trước đó. Các trò chơi là một hiệp ước hòa bình giữa thành Sparta và thành Elis; rồi nó mau chóng lan truyền tới các thành thọ của khắp Hy Lạp rằng, thành nào cũng có thể tham gia vào Vận hội thi đấu ở Olympic, miễn là họ tôn trọng thỏa thuận ngưng chiến tranh trong thời gian tổ chức trong các trò chơi. Giai đoạn ngưng chiến và hòa bình này lúc đầu định là một tháng, nhưng vì có nhiều nơi và nhiều người, và cả khán giả dân chúng từ xa đến xem, nên cuộc ngưng chiến được mở rộng ra đến 3 tháng, và luôn luôn được tổ chức trong suốt mùa Hè.
Bởi vì thỏa thuận ngừng chiến rất thiêng liêng này, tạo cơ hội cho các vị vua và các nhà lãnh đạo từ tất cả các nơi trong Hy Lạp có thể đến gặp nhau mà không mang theo vũ khí, Olympia đã trở thành một vị trí quan trọng cho các cuộc thảo luận chính trị và thương mại. Nó cũng làm tăng cường cảm giác của sự hiệp nhất giữa các người Hy Lạp, cùng ngôn ngữ và niềm tin tôn giáo.
Lễ hội được mở ra chỉ dành thanh niên và đàn ông Hy Lạp, nhưng sau đó người La Mã được phép cạnh tranh.
Người đủ điều kiện thi đấu phải là người tự do, không bị trừng phát bởi luật Hy lạp và đã phải trải qua 10 tháng huấn luyện tại quê hương và 1 tháng huấn luyện tại chính nơi Olympia.
Các môn thi đua gồm có: chạy đua, đấu vật, ném dĩa, phóng lao, nhảy cao, đua ngựa và đua xe ngựa, và một loại đám đá gọi là gọi là pancratium.
Nô lệ và phụ nữ, đặc biệt là những người đã kết hôn, không được phép tham dự, thậm chí nếu phụ nữ bị bắt gặp lén xem lễ hội thi đấu, thì ngay lập tức người phụ nữ này sẽ bị ném xuống vực thẳm từ sườn núi Typaeon.
Những người được kể là “mam rợ (barbarians) thì được vào quan sát nhưng không được thi đấu.
Những người chiến thắng không nhận được bất cứ khoản tiền nào, nhưng là được vinh dự. Giải thưởng là một vòng hoa ôliu từ cây Zeus thánh, và người chiến thắng được phép đắp tượng chiến thắng của mình đề lại đây. Tại quê nhà mình, người chiến thắng sẽ được thưởng các bữa ăn miễn phí cho suốt cuộc đời mình, và người ta nói rằng một thành phố nào có một nhà vô địch như vậy thì sẽ phá bức tường thành xuống, vì kể từ nay họ không cần tường đó nữa, vì đã có một công dân sáng giá như vậy rồi!.
Sân vận động trong khu Olympic có thể chứa ít nhất 20.000 người và là sân vận động lớn nhất thời đó.
Trong khu Vận động Olympic cổ, nổi bật nhất là đền thờ Zeus vì Olympia là nơi thần cư ngụ và thần nói “sấm” (oracle) tại đây. Đền thờ được xây vào thế kỷ thứ 5 bởi Livon. Trong đền thờ có đặt bức tượng Zeus do công trình của Phideas, nhưng sau này bị Hoàng đế Theodocious di chuyển về Constantinople. Chúng ta chỉ được biết về bức tượng này thông qua hình ảnh trên các đồng tiền và các mô tả qua lịch sử. Tượng cao 13 mét rưỡi. Đây là tượng thần Zeus ngồi và trên tay phải có đúc tượng nhữ thần Nike, còn bên tay trái thì cầm một cái gậy. Bức tượng được làm bằng vàng và ngà voi, và được coi là một trong bảy kỳ quan của thế giới cổ đại. Nó biến mất vào cuối thế kỷ thứ 4.
Trước đền thờ Hera là nơi ngọn lửa Olympic được thắp sáng từ sức nóng của mặt trời và sau đó được các vận động viên chạy dùng lửa này thắp sáng ngọn đuốc trao cho nơi nào tổ chức Thế Vận Hội, một truyền thống có từ năm 1936 trở đi.
Tại Bảo tàng viện ở Olympia còn lưu trữ nhiều vật khai thác và tìm thấy ở đây, đặc biệt có bức tượng thần Hermes do Praxiteles hoàn thành vào thế kỷ 4 trước công nguyên, và tượng thần Nike Chiến Thắng do Paeonios tạc. Theo huyền thoại Olymic thì thần Nike thường đi từ trời xuống và trao cành lá dừa cho những lực sĩ chiến thắng.
Từ năm 472, các trò chơi đã được tổ chức trong suốt năm ngày thay vì một ngày như lúc đầu. Vào ngày đầu tiên các đối thủ thi đấu sẽ đăng ký, tuyên thệ rằng họ đã được tập luyện trong 10 tháng và họ sẽ tôn trọng các quy tắc. Vào đầu tiên này, sẽ có một cuộc cạnh tranh giữa các sứ giả. Vào ngày thứ hai tổ chức các cuộc đua ngựa và các môn phối hợp có tên là Pentathlon. Vào ngày thứ ba thi các cuộc chạy đưa. Vào ngày thứ tư, đấu vật, boxing và Pancrateon. Vào ngày thứ năm, vinh danh các người chiến thắng và tiếp theo là các lễ hội mừng.
Đến thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên toàn bộ sân vận động đã được di chuyển về phía Đông và cho thi công hai bên sườn núi làm chỗ cho khán giả ngồi.
Olympia đã được cải tạo nhiều lần, và các tòa nhà mới được thêm vào qua các thời đại. Những người nổi tiếng đến đây để xem các trò chơi, gồm có cả Plato và Aristotle, và trước họ, trong thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên có Thales của thành Miletus đến đây xem lễ hội và đã chết vì một cơn đột quy. Còn hai tên tuổi Gelon và Hieron của thành Syracusae đã đích thân đến đây để cạnh tranh trong các trò chơi.
Người La Mã chinh phục Hy Lạp trong thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên và họ đã lấy đi nhiều kho tàng của Olympia với họ. Hoàng đế Sulla thậm chí đã muốn di chuyển các trò về Roma, nhưng ông thất bại.
Sau đó, mặc dù Thế vận hội Olympic mất đi tầm quan trọng, nhưng trong suốt triều đại của hoàng đế Augustus, các cuộc thi đua ở Olympia được đề cao. Chính Augustus đã tạc tượng của mình và gia đình cũng như hậu duệ và đặt vào trong đặt đền thờ ở Olympia.
Phải kể thêm những vĩ nhân khác đã đến đây như Alcibiades, Alexander Đại đế và hoàng đế Nero.
Alexander Đại đế đã hoàn thành việc xây đền Philippeion cho cha của vua ở đây. Và chính Alexander Đại Đế đã cạnh tranh trong các trò chơi. Tuy vua không giành chiến thắng, nhưng đã chứng tỏ là người thua cuộc tốt và đàng hoàng.
Hoàng đế Nero đến Hy Lạp vào năm 67 và đã tham gia vào các cuộc đua ngựa. Mặc dù vua đã ngã ngựa trong lúc đua xe, nhưng hoàng đế lại đã tự tuyên bố mình là người chiến thắng, và sau đó lấy đi rất nhiều tượng ở Olympia đưa về Roma.
Vua Herodes Atticus cũng đã đến đây và có xây dựng một nympheum đây, và một đài phun nước cung cấp nước uống cho khu vực
Vào năm 426 sau Công nguyên, hoàng đế Theodosius II cấm không cho tổ chức thế vận thi đua nữa vì cho rằng chúng là những trò ngoại đạo, vận động viên thi đấu trần truồng vô đạo đức, và hoàng đế đã cho phá hủy các ngôi đền đài ở Olympia.
Trong các trận động đất thế kỷ thứ 6 đã phá hủy các tòa nhà ở Olympia, và bùn đất cùng nước sông nước sông Kladeos và Alfeos đã bao phũ cả vùng này. Đất lở từ núi Kronion cuối cùng bao phủ toàn bộ khu vực Vận động trường Olynpic.
Khu vực Olympic này được phát hiện vào năm 1776, và vào năm 1829 các nhà khảo cổ Pháp bắt đầu khai quật các di tích tại địa điềm này.
Các Thế vận hội Olympic hiện đại đầu tiên được tổ chức tại Athens vào năm 1896.
Sự trớ trêu về Thế Vận Hội là: Thời xưa khi tổ chức Vận hội các trò chơi là có ý ngưng chiến và ngăn chặn các cuộc chiến tranh, nhưng ngày nay Chiến tranh đã đôi lần ngăn cản các Thế Vận Hội.
Các thần thoại về Trò chơi thi đua Vận động Olympic
Olympia được kết nối với rất nhiều vị thần và những huyền thoại, và có nhiều giả thuyết về Thế vận hội Olympic đã bắt đầu như thế nào. Theo một truyền thuyết thì chính tại đây thần Zeus vật lộn với cha mình là thần Cronus, và cuối cùng đã thắng cha và lấy được ngai vua. để ghi chiến thắng này, Zeus tổ chức trò chơi thi đua Vận động Olympic.
Lại có huyền thoại khác nói rằng: năm anh em đưa Zeus từ đảo Crete đến đây, rồi ho chạy đua với nhau ở Olympia,và người anh cả tên Heracles thắng cuộc (không phải thần Heracles anh hùng) và được vinh quang với một vòng hoa ôliu.
Tuy nhiên, một câu chuyện khác nói rằng vua Oenomaus của Pisa, có con gái tên là Hippodameia đã đến tuổi lập gia đình. Điều này làm vua lo lắng, vì có lời sấm đã nói với ông rằng ông sẽ chết bởi bàn tay con rể của mình, và vì vậy ông lập kế hoạch độc ác làm thế nào ngăn ngừa con gái Hippodameia không bao giờ kết hôn được. Ông đã ra lệnh rằng bất kỳ người nào cầu hôn con gái thì sẽ phải cạnh tranh bằng cách đua xe ngựa chariots với chính ông. Nếu kẻ cầu hôn giành chiến thắng thì sẽ được cưới Hippodameias, nhưng nếu thua thì sẽ mất mạng!.
Các cuộc đua xe chariots đã bắt đầu. Mặc dầu nhiều kẻ đã mất mạng khi đấu với vua, không biết rằng nhà vua độc ác Oenomaus có những con chiến mã với sức mạnh vô địch. Vua độc ác này đã thắng và đã giết đi 33 tay cầu hôn. Rồi đến lượt chàng Pelops xuất hiện, vừa trông thấy chàng, nàng Hippodameia đã mê mẩn và rơi vào bẫy tình. Thế là nàng mua chuộc tên Myrtilos là người chăm sóc cho chiến ngựa của vua. Tay Myrtilos âm mưu sẽ tháo lõi chốt giữa bánh xe trong cỗ ngựa đua của vua, thế là khi cuộc đua bắt đầu, xe long bánh ra, vua bị ngã ngựa và bị giây ràng buộc ngựa lôi đi cho đến chết.
Sau đó thì Pelops cuới Hippodameia. Để ghi nhớ ngày Pelops chiến thắng vị vua tàn ác, cuộc thi Olympic được bắt đầu.
Lm Trần Công Nghị
(vietcatho,ic.org)