Chưa được phân loại

THÁNH EPHREM Phó tế, tiến sĩ Hội thánh. ( ngày 9.6)

Thánh nhân sinh vào năm 306, tại Nisibis, miền Mesopotamia, lúc đó còn thuộc đế quốc Lamã, trong một gia ngoại đạo.

image001

Có truyện kể rằng: hồi nhỏ, một lần ngài lấy đá chọi con bò mẹ gần chết. Khi chủ nhân hỏi thăm có thấy con bò ở đâu ngài đã trả lời xấc xược để chữa lỗi. Ephrem đã khóc suốt đời về sự độc ác và hèn nhát này. Sau này có lần vào đêm khuya bị lạc vào giữa đồng, một đứa chăn chiên cho ngài trú ngụ trong lều của nó.

Nhưng đứa chăn chiên này đã xấu bụng lại đang say rượu.

Đêm ấy chó sói vào tàn sát đàn chiên. Để chữa mình, thằng chăn chiên đổ lỗi cho Ephrem. Trong tù Ngài nghe nhiều người than thở vì bị hàm oan. Một buổi chiều, trong giấc mơ, Ngài thấy thiên thần cho biết lần này Ngài vô tội nhưng phải khổ để đền bù vào những lỗi lầm khác. Thức dậy, Ephrem nhớ lại con bò và thú nhận với mọi người.

Thân phụ Ephrem là một thầy cả thờ thần Abnil. Hình như Ngài bị đuổi khỏi nhà vì có thiện cảm với các Kitô hữu. Thánh Giacôbê, giám mục Nisibis tiếp nhận dạy dỗ và rửa tội cho ngài hồi 10 tuổi. Để sống, Ngài làm việc ở những hồ tắm công cộng. Nhưng sau đó ngài lại vào sa mạc sống với sự hướng dẫn của thánh Abbê ẩn tu; dệt vải để sống như thói quen của các ẩn sĩ Ai cập và Mêsôpôtamia thời đó.

Ephrem thường khóc tội mình và tội người khác. Các tập “tự thú” cho thấy ngài rất khiêm tốn, ghét tính kiêu căng: “Tính kiêu căng phá đổ ơn Chúa và thiêu hủy mọi nhân đức”.

Thánh Ephrem luôn ao ước sống đời ẩn dật, ngài muốn vào sa mạc sống đời ẩn tu, nhưng một cuộc chiến đã bùng nổ giữa người Rôma và người Batư. Người Batư đã thắng. Họ cai trị rất tàn ác, bắt dân phục dịch gian khổ nhất là chống phá đạo Chúa và bắt bớ các Kitô hữu cách tàn bạo. Ephrem về Nisibis để giúp đỡ và khích lệ giáo dân.

Đứng trước tình cảnh đau thương của đồng bào trong đạo, thánh nhân hết sức đau lòng. Ngài tận tình thương yêu, nâng đỡ, an ủi, khích lệ họ. Ngoài lời khuyên nhủ và sự giúp đỡ, ngài cầu nguyện hy sinh hãm mình kêu xin Chúa cứu vớt… Khi đất nước giải phóng, mọi người đều công nhận là nhờ lời cầu nguyện và sự hy sinh của ngài. Sau khi xứ sở được an bình, thánh nhân xin vào chủng viện, theo học các môn thần học, kinh thánh, tu đức.

Không được bao lâu, chiến tranh tái phát. Giáo phận Nisibis lại rơi vào tay người Batư. Một lần nữa đồng bào đồng đạo của ngài phải lâm cơn khốn khó. Thánh nhân đến trú tại Êđếtsa như một ẩn sĩ. Hàng ngày chuyên cần cầu nguyện, ăn chay, hãm mình, đồng thời giúp đỡ các nạn nhân, những người bệnh hoạn nghèo khổ và giảng lời Chúa cho những ai đến với ngài.

Cũng trong thời gian ẩn trú ở đây, thánh nhân viết nhiều sách tu đức, giải nghĩa Thánh Kinh. Các sách ngài viết giúp ích rất nhiều cho Hội Thánh, nhờ ý tưởng dồi dào, ý nghĩa sâu sắc, chẳng hạn một đoạn ngài viết: “Lạy Đấng Cứu Chuộc chúng con, kế hoạch thần diệu của Chúa là hình ảnh của thế giới thần thiêng, xin cho chúng con biết đi trong kế hoạch đó như là con người thần thiêng. Lạy Chúa, xin đừng cất khỏi tâm hồn chúng con sự mạc khải thần thiêng của Chúa. Xin đừng rút khỏi chi thể chúng con sức nóng bỏng của tình yêu Chúa. Sự chết tiềm ẩn trong thân thể chúng con hằng vãi sự hư hoại ra trong con người chúng con, nên xin Chúa tung tình yêu thiêng liêng của Chúa ra để quét sạch mọi hậu quả chết chóc trong lòng chúng con. Lạy Chúa, xin cho chúng con tiến về kinh thành quê hương của chúng con và như Môsê được đứng trên nơi cao nhìn vùng đất hứa, xin cho chúng con cũng được nhờ ơn Chúa mạc khải mà chiếm được kinh thành ấy.”

Được thụ phong phó tế, nhưng vì khiêm tốn thánh nhân đã từ chối chức linh mục. Được Đức giám mục Nisibis trao cho trách nhiệm rao giảng Lời Chúa, Ngài đem hết khả năng và tài đức của mình phục vụ các linh hồn…Ngài dùng tài lợi khẩu để khêu gợi nhiệt tình nơi các linh hồn. Thần dữ nói: “Ta đi tìm những người khô khan là bạn hữu của ta, và ta không cần đến mưu kế, ta chỉ cần giữ chúng trong xiềng xích mà chúng ưa thích là đủ”.

Thánh Ephrem đã gặp thánh Basiliô Cả tại Cappadocia. Truyền thuyết cho rằng: hai vị hiểu nhau dầu ngôn ngữ bất đồng.

Chiến tranh tái phát, Nisibis rơi vào tay người Batư, thánh Ephrem trốn đến Sadessa. Nơi đây, Ngài tận tâm phục vụ bệnh nhân và người nghèo, hoạt động trí thức bằng việc viết sách và giải thích thơ phú. Thánh Ephrem đã viết các bài giảng bằng thơ, các thánh thi ca ngợi vinh quang Chúa Kitô và Đức Trinh Nữ Maria.

Người luôn được gọi là “cây đàn của Thánh Linh” là một trong những người rao truyền việc VÔ NHIỄM THAI. “Lạy Chúa, chỉ có Chúa và Mẹ Chúa là tuyệt mỹ. Nơi mẹ Chúa không vương một tì tích nào”.

Một năm trước khi thánh nhân qua đời, Edessa bị một cơn đói. Ngài kêu gọi lòng quảng đại của mọi người và người ta đã rộng tay đóng góp vào công cuộc phát chẩn của thánh nhân, thánh nhân rảo khắp nơi rao giảng kêu gọi những người hảo tâm rộng tay giúp đỡ, và hằng ngày chính ngài đến tận các gia đình đói khổ, phân phát lương thực cho họ, khích lệ họ tin tưởng trông cậy Chúa. Và cơn đói chấm dứt, thánh nhân trở lại chòi của mình. Lên cơn sốt, Ngài nghĩ tới lúc chết: “Đừng liệm xác tôi bằng đồ quí giá, cũng đừng dựng đài tưởng niệm. Hãy đối xử với tôi như một người lữ khách vì thực sự tôi là một lữ khách xa lạ trên mặt đất này thôi”.

Ephrem là một nhà văn không biết mỏi mệt, đã để lại một gia sản thần học, tu đức, biện luận, đặc biệt là tất cả hầu như bằng thơ. Những bài thi ca được dùng trong Phụng vụ. Người đi tiên phong trong việc sùng kính nhân tính của Chúa Giêsu và tôn kính Đức Trinh Nữ mà người tuyên xưng là đấng “hoàn toàn trong sạch mọi tội lỗi”. Qua các thánh thi được sử dụng trong Phụng vụ ngài đã dần dần đẩy lui ảnh hưởng lạc thuyết Thông Tri (Gnosis).

Thánh Ephrem là văn sĩ đạo đức và lỗi lạc nhất trong văn học Syria, được Đông Phương sùng kính. Các Thánh Thi của ngài ngày nay vẫn còn được sử dụng trong phụng vụ Syrie và ảnh hưởng nhiều đến việc trứ tác thánh thi ở Âu Châu.

Thánh nhân qua đời tại Edessa ngày 9.6.373. Đến ngày 5.10.1920, Đức Thánh Cha Biển Đức XV đã tuyên phong ngài là tiến sĩ Hội Thánh. Thánh Gregoriô miền Nyssa viết về thánh Ephrem: Vinh quang đời sống và giáo thuyết của thánh nhân chiếu giãi khắp hoàn cầu.

Lạy Chúa, là Đấng nhiệm mầu khôn tả, Chúa đã ban cho thánh Ephrem phó tế ơn linh hứng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần, để thánh nhân hỷ hoan ca tụng mầu nhiệm thánh, và hết tình phụng sự một mình Chúa mà thôi. Xin tuôn đổ ơn Thánh Thần xuống tràn đầy lòng chúng con, để chúng con cũng mến yêu phụng sự Chúa hết dạ hết lòng. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

You may also like