Phụng Vụ Chư Thánh

Thánh Gioan CHARLES CORNAY TÂN, Linh mục thừa sai Paris (1809-1837)

 

Ngày 20 tháng 9

Thanh gươm sẽ xức dầu cho con “Lạy Chúa xin nhận lời con thống hối thay cho việc xưng tội, và máu con đổ ra thay cho bí tích xức dầu. Lương tâm con không vướng mắc tội trọng nào, nhưng không vì thế, con coi mình là công chính. Xin Đức Maria chứng gíam cho việc thống hối, và thanh gươm sẽ xức dầu cho con”.

Đó là lời cầu nguyện và lời chia sẻ chân thành của linh mục Gioan Tân trong ngày bị xử tử. Trước mặt cha giờ đây, một Thiên Chúa công bằng xét định tội phúc, cũng là một Thiên Chúa yêu thương khoan hồng tất cả, khi con người dám dâng trọn vẹn vì tình yêu ngài.

Xin chọn nơi này làm quê hương

Gioan Cornay sinh ngày 28.02.1809, tại Loudun, nước Pháp, trong một gia đình giàu có. Thời niên thiếu, ngoài việc học hành, cậu chỉ vui chơi với chúng bạn. Hết bậc trung học, được Chúa kêu gọi, cậu xin vào chủng viện Saumur, Mont Morillon, và sau đó vào đại chủng viện Thừa Sai Paris năm 1830. Năm sau thày lãnh chức phó tế, và xuống tàu đi giảng đạo ở Viễn Đông. Khi đến Macao, bề trên phái thày đến tỉnh Tứ Xuyên, Trung Hoa, nhưng vì khi đó đường vào Quảng Đông bị cấm ngặt, thày phải đến Việt Nam, có ý đi bộ theo lối Vân Nam cho an toàn hơn.

Đến Việt Nam thày lấy tên là Tân và ở xứ An Tân chờ đợi. Chẳng may hai giáo hữu Trung Hoa qua đất Việt Nam để đón thày, khi đến Hà Nội lại mắc bệnh dịch tả và qua đời, nên thày Tân liền xuống giáo phận Nam, được Đức cha Harvard Du truyền chức linh mục ngày 20.04.1836, cha chính thức xin ở lại Việt Nam, và được gửi đến xứ Bầu Nọ giúp thừa sai Marette. Hỗ trợ cho cha có hai thày giảng Phaolô Mỹ và Phêrô Đường, sau cũng bị bắt một ngày với cha.

Với cha Tân, Việt Nam là quê hương thứ hai mà cha rất thân thương. Khi mang bệnh nặng, nhiều người đã khuyên cha về Pháp chữa trị, cha nói rằng: “Được Chúa sai đến đây, tôi sẽ không chịu bỏ về, dù phải chết đi nữa”. Và sau này cha đã toại nguyện.

Tình ngay lý gian

Ở làng Bầu Nọ có một người tên Đức chỉ huy một băng cướp, đã bị các tín hữu bắt nộp cho quan. Để trả thù, anh tố cáo dân làng Bầu Nọ che dấu linh mục Âu Châu. Khi ấy, quan Trấn Sơn Tây Lê Văn Đức cũng chẳng thiết tha với lệnh bách hại đạo cho lắm, nên cũng lờ đi. Anh liền tố cáo cha Tân xúi dân nổi lọan, y dặn vợ là Yến giả xin học đạo để biết chỗ cha ở, rồi lén đến chôn giấu vũ khí trước khi báo cho quan. Lần này y thành công. Quan nghe tin có nổi loạn, liền đưa đạo quân gồm 1500 lính đến bao vây làng Bầu Nọ ngày 20.6.1837.

Mới đầu viên Lý Trưởng Bầu Nọ cũng là người Công Giáo, đã tìm cách che chở cho cha Tân, nhưng khi quan đưa ông tới chỗ giấu gươm giáo và đánh đòn điều tra, ông liền tiết lộ chỗ của vị thừa sai. Lúc ấy cha Tân đang núp trong bụi rậm, thấy gươm giáo của lính đâm ngay bên mình, biết là không thoát khỏi, cha đứng dậy bước ra trình diện. Quan liền sai lính đóng gông nhốt vào cũi giải về Sơn Tây.

Cha kể lại trong một lá thư rằng: “Thứ năm ngày 22.6, đoàn áp tải khởi hành từ sớm. Suốt con đường, tôi cầu nguyện nói chuyện và ca hát không ngừng. Dân chúng tụ tập và khen tôi vui vẻ quá”. Tiếng hát của cha khá độc đáo và kích thích sự tò mò của nhiều người. Mấy ngày liền, quan bắt cha phải hát, rồi mới cho ăn. Cha liền chọn một khúc thánh ca chúc tụng Đức Mẹ để hát. Từ đây cha bị nhốt vào tù gần ba tháng.

Nhận được tin, vua Minh Mạng ủy quyền cho các quan tỉnh xử án. Các quan cho điệu cha ra tòa, ép cha nhận tội phiến loạn. Cha trả lời: “Thưa quan, chúng tôi chỉ chuyền giảng đạo dạy người ta làm lành lánh dữ, dạy con cái kính thảo cha mẹ, dạy dân vâng phục vua quan. Tôi đâu thể đi ngược lại giáo huấn của mình mà chống đối nhà vua được.

Ngày 11.8, cha bị 50 roi kép bện bằng nhiều sợi dây, dầu mỗi sợi dây có một miếng chì, khiến thân thể cha bị rách da xé thịt, máu tuôn thấm cả y phục. Thế nhưng, cha không một lời kêu trách, đứng lên cha lại tiếp tục hát thánh ca. Tám ngày sau, quan bắt cha đạp lên Thánh Giá, cha ôm Thánh Giá lên hôn một cách cung kính. Lính đánh cha nát ba cây roi mây trước khi trả cha về ngục. Lần khác, khi ép tội làm loạn, cha khẳng khái tuyên bố: “Không, tôi thà chịu đủ mọi cực hình, hơn là nhận tội không phạm đó. được sống đấy, nhưng phải mang tiếng xấu suốt đời”.

Chết vẫn còn hát ca

Cuối cùng quan kết án cha phải chém đầu, nhưng khi gửi vào Huế, vua Minh Mạng sửa thành án lăng trì. Nhận được tin do cha Jaccaard Phan báo, cha Tân viết thư cảm ơn và gởi lời vĩnh biệt mọi người. Cha viết thư về cho gia đình: “Cha mẹ yêu quý, đừng buồn về cái chết của con. Đó không phải là ngày than khóc, mà là ngày vui mừng. Xin hãy nghĩ rằng sau những dau khổ ngắn ngủi con chịu thì con sẽ luôn nhớ đến cha mẹ trên Trời cao. Xin nhận nơi đây tấm lòng thảo hiếu của con. Cornay”.

Ngày 20.9.1837, cha bị đưa ra pháp trường Năm Mẫu ngoài thành Sơn Tây. Ngồi trong cũi giữa đoàn lính tráng đông đảo, cha vẫn vui vẻ tươi cười đọc kinh vả hát thánh ca. Đến nơi xử, cha xin phép cầu nguyện một lát, rồi tự cởi áo và nằm trên thảm trải sẵn. Lý hình đóng bốn cọc bốn phía, trói chân tay ngài vào đó.

Theo luật xử án lăng trì, lẽ ra phải chặt chân tay trước, nhưng viên quan đã tỏ ra nhân đạo hơn, cho chém đầu cha trước, rồi mới đến tay chân. Cuối cùng phân xử thân mình cha làm bốn khúc. Toán lý hình thấy lòng cam đảm của tử tội thì mơ ước hão huyền: Họ móc gan của vị thừa sai rồi ăn sống, có kẻ liếm máu còn đọng lại trên gươm đã chém đầu cha, họ hy vọng nhờ đó họ thêm can đảm.

Được phép quan, tìn hữu xứ Bách Lộc đến chôn cất thi thể vị tử đạo tại chỗ. Hai tháng sau đem về an táng tại Chiêu Ửng.

Đức Giáo Hoàng Lêo XIII suy tôn cha Gioan Cornay tân lên bậc Chân Phước ngày 27.5.1900. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.

Lm. Đào Trung Hiệu, OP

Bài viết liên quan