Chưa được phân loại

Thánh Giuse Trần Văn Tuấn ( ngày 7.6)

Thánh Giuse Trần Văn Tuấn

Giáo dân tử đạo

Sự lạc quan giữa những thử thách là điều Thiên Chúa hằng mong đợi nơi mỗi người tín hữu. Chúng ta gọi đó là Đức Cậy, vì dựa vào sức mạnh của Chúa và vững tin vào ngày mai tươi sáng. Nếu đã tin vào Đức Kitô Đấng chiến thắng tội lỗi và sự ác, chúng ta sẽ thấy rằng không gì có thể làm lay chuyển công trình Người thực hiện trên thế giới này. Đối với những thử thách lớn lao hơn như cuộc tử đạo, như những hình khổ mà chỉ cần một hành vi chối đạo cũng đủ để thoát khỏi, thì thái độ lạc quan kiên quyết của người tín hữu quả là một cuộc hiển dương đức cậy như trường hợp thánh Giuse Tuấn.

Sau một năm rưỡi tù đày, tra tấn, nhục hình, các quan chỉ yêu cầu ngài bước qua Thánh giá thì được tha về. Nhưng chẳng những người tôi tớ Chúa không làm thế mà còn kính cẩn quỳ gối trước ảnh chuộc tội và lớn tiếng cầu nguyện: “Thánh giá là nguồn ơn cứu độ, và là sức mạnh đỡ nâng con”.

Thánh nhân chẳng những không dám xúc phạm Thánh Giá Chúa, mà còn hết lòng tôn kính suy tôn, và cảm tạ tình thương vô cùng của Chúa vì thương xót loài người lầm than tội lỗi, Chúa Giêsu đã cam lòng chịu chết treo trên khổ giá. Khổ giá là nguồn ơn cứu chuộc, là sức mạnh nâng đỡ mọi người cũng như thánh Giuse Tuấn trong cơn gian lao thử thách…

Giuse Trần Văn Tuấn sinh năm 1824 tại Nam Điền, tỉnh Nam Định trong một gia đình đạo giáo sốt sắng. Từ nhỏ cậu đã nổi tiếng ngoan đạo, hiền lành, chân thật. Lớn lên cậu lập gia đình, theo truyền thống cha ông làm nghề ruộng rẫy, đem sức lao động cần cù đổi lấy cơm áo nuôi sống cả nhà. Đối với vợ con, cậu là người chồng, người cha gương mẫu.

Thánh Giuse Trần Văn Tuấn1Năm 1861, vua Tự Đức bắt đạo gắt gao. Vua ra chiếu chỉ “Phân sáp”, bắt người công giáo khắc chữ “Tả đạo” lên má, tịch thu tài sản, rồi phân tán vào các làng ngoại giáo. Họ đạo Nam Điền của anh Giuse Tuấn cũng như các xứ đạo khác đều bị phá hủy, bổn đạo phải phân tán khắp nơi, anh và một số giáo hữu khác bị bắt, lúc đó anh mới 36 tuổi. Họ giải anh về phủ Xuân Trường, rồi đày vào làng An Bái, huyện Thụy Anh.

Ở đây, anh bị giam trong ngục, cổ đeo gông, chân mang xiềng khổ sở. Vì cương quyết không chối Chúa bỏ đạo, nên quân lính lấy một thanh sắt nung đỏ khắc vào một bên má anh chữ TẢ ĐẠO, và má bên kia là tên làng xã quê quán của anh. Thật là một hình khổ nhục nhã đau đớn. Nhưng anh Giuse Tuấn, người chiến sĩ đức tin anh hùng vẫn can đảm chấp nhận, vì tin chắc đau khổ chóng qua ở đời này sẽ đem lại hạnh phúc vô cùng đời sau, như Chúa Giêsu đã chịu chết một lần trên Thánh Giá, để đem lại ơn cứu rỗi muôn đời cho nhân loại.

Sau hơn một năm tù ngục và nhiều lần bị tra tấn hành hạ khổ sở, sức khỏe của anh giảm sút rất nhiều. Từ một nông dân lực lưỡng khỏe mạnh, nay anh gầy còm yếu ớt trông thấy rõ. Các quan hy vọng nhờ đó anh sẽ thối chí ngã lòng mà bỏ đạo, nên cho điệu anh ra công đường khuyên nhủ anh bước qua Thánh Giá thì sẽ thả về với gia đình vợ con, và tặng thưởng tiền bạc. Quan nói với anh: “Tôi thấy anh nay ốm yếu quá, tôi thương anh, muốn cứu anh sống để về sum họp với gia đình. Vậy anh hãy bước qua thập giá đi. Tôi sẽ thả anh và thưởng số tiền lớn, để anh bồi dưỡng sức khỏe và làm vốn lập nghiệp”.

Thấy quan cứ khuyên nhủ mãi, anh Giuse Tuấn, cũng bước đến gần Thánh Giá Chúa. Các quan khoái chí, vui mừng, tin chắc anh sẽ làm theo lời các ông khuyên bảo.

Nhưng thay vì bước qua thánh giá, anh quì gối xuống tôn kính thờ lạy Chúa và lớn tiếng cầu nguyện: “Lạy Chúa, con hết lòng cảm ơn Chúa, vì tình thương bao la cao cả của Chúa. Chúa thương con, Chúa đã chịu chết trên Thánh Giá để chuộc tội con. Thánh Giá là nguồn ơn cứu độ con, là sức mạnh nâng đỡ con”.

Người nông dân tầm thường đó không dễ bị lung lay, ngược lại anh có thừa trung tín và can đảm để biểu lộ niềm tin của mình. Cử chỉ tôn kính và lời tuyên xưng của anh làm cho các quan xấu hổ. Họ đã thất bại chua cay. Nổi giận, họ kết án tử hình người chiến sĩ anh dũng của Chúa.

Ngày 7 tháng 6 năm 1862, anh Giuse Tuấn được điệu ra pháp trường để tuyên xưng niềm tin bất khuất. Đến nơi, anh quì gối xuống, ngước mặt lên trời, phó dâng mạng sống để làm chứng cho Chúa. Và sau hồi chuồng báo hiệu, đầu của vị anh hùng đã rơi xuống. Ngài được an táng tại chỗ. Hai năm sau, Đức Thánh Cha Piô XII đã tôn Giuse Trần Văn Tuấn lên hàng chân phước ngày 29.4.1951. Và ngày 19. 6. 1988 Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tốn phong ngài lên bậc Hiển thánh.

Bài viết liên quan