Suy Niệm Hằng Ngày

Thứ Ba 04/09/2018 – Thứ ba tuần 22 thường niên. – Chúa Giêsu giải phóng người bị quỷ ám.

Lời Chúa: Lc 4, 31-37

Khi ấy, Chúa Giêsu xuống thành Capharnaum, xứ Galilêa, và ở đó Người giảng dạy họ trong các ngày Sabbat. Người ta bỡ ngỡ về giáo lý của Người, vì lời giảng dạy của Người có uy quyền. Bấy giờ trong hội đường, có một người bị quỷ ô uế ám, thét to lên rằng: “Hỡi Giêsu Nadarét, giữa chúng tôi và Ngài có chuyện chi đâu? Ngài đến tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết Ngài là ai rồi, là Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Nhưng Chúa Giêsu trách mắng nó rằng: “Hãy câm đi và ra khỏi người này”. Và quỷ vật ngã người đó giữa hội đường và xuất khỏi nó, mà không làm hại gì nó.

Mọi người kinh hãi và bảo nhau rằng: “Lời gì mà lạ lùng vậy? Vì Người dùng quyền năng mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải xuất ra”. Danh tiếng Người đồn ra khắp nơi trong xứ.

Suy Niệm 1: Lời nói và cuộc sống

Ðược bầu làm Bề trên cộng đoàn, một tu sĩ nọ đến hỏi một vị ẩn sĩ nổi tiếng khôn ngoan và thánh thiện:

– Thưa cha, thế nào là một bài giảng hay?

Vị ẩn sĩ trả lời:

– Một bài giảng hay phải là bài giảng có nhập đề và kết luận hay, nhất là phần nhập đề và kết luận càng gần nhau càng tốt.

Khi nói đến khoảng cách giữa nhập đề và kết luận trong một bài giảng, hẳn vị ẩn sĩ muốn nói đến sự trung thực của lời nói. Một lời nói được xem là trung thực khi giữa lời nói và thực tế không có khoảng cách, nhưng có sự thống nhất giữa lời nói và cuộc sống.

Lời nói vốn là phạm trù cơ bản nhất trong Kitô giáo. Ở khởi đầu Kinh Thánh, chúng ta thấy rằng hoạt động đầu tiên của Thiên Chúa là nói, nhưng khi Thiên Chúa nói thì liền có vạn vật. Không có khoảng cách giữa lời của Thiên Chúa và hành động của Ngài. Lời của Thiên Chúa là lời chân thật, nghĩa là luôn được thể hiện bằng hành động và có hiệu quả. Khởi đầu Tin Mừng của ngài, thánh Gioan cũng xác quyết: “Từ khởi thủy đã có Lời và Lời đã hóa thành nhục thể”. Nơi Chúa Giêsu, lời là thực tế, nghĩa là không có khoảng cách giữa lời Ngài và cuộc sống của Ngài. Và đó có thể là ý tưởng mà Tin Mừng hôm nay gợi lên cho chúng ta.

Chúa Giêsu giảng dạy như Ðấng có uy quyền. Uy quyền ấy không phải là thứ uy quyền được áp đặt trên người khác. Uy quyền của Chúa Giêsu phát xuất từ chính sự thống nhất giữa lời nói và hành động của Ngài: Ngài chỉ cần nói với tên quỉ câm: “Câm đi, hãy ra khỏi người này”, thì phép lạ liền xẩy ra. Những người chứng kiến phép lạ đã thấy được sự khác biệt giữa lời giảng dạy của Chúa Giêsu và của các Luật sĩ đương thời.

Phép lạ của Chúa Giêsu cũng là một lời giảng dạy. Thật thế, sứ điệp trọng tâm trong lời rao giảng của Chúa Giêsu chính là sự giải phóng. Ngài không chỉ nói về sự giải phóng, mà còn chứng thực cho những người nghe Ngài biết được thế nào là giải phóng. Phép lạ người câm được giải thoát mang một ý nghĩa đặc biệt đối với Chúa Giêsu: giải phóng trước tiên là giải phóng con người khỏi xiềng xích của dối trá. Chúa Giêsu đã có lần nói với người Do thái: “Sự thật sẽ giải phóng các ngươi”.

Lời Chúa là lời chân thật. Ước gì lời ấy giải thoát chúng ta khỏi mọi thứ xiềng xích của dối trá, để lời tuyên xưng và cuộc sống của chúng ta luôn được thống nhất. Trong một xã hội đầy trói buộc và dối trá thì chứng tá cuộc sống là lời nói có giá trị nhất.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Suy Niệm 2: Bộ mặt đích thực của Giáo Hội

Khi Giáo Hội sống đúng ơn gọi và sứ mệnh của mình, Giáo Hội là một sức mạnh tinh thần khiến cho các chế độ chính trị phải trọng nể hay lo sợ. Sức mạnh ấy không tới từ thế giới hay những phương tiện Giáo Hội có trong tay.

Giáo Hội múc lấy sức mạnh từ chính uy quyền của Ðấng sáng lập là Chúa Kitô. Thật thế, Chúa Kitô đã hứa ngay cả cửa hỏa ngục cũng không thắng nổi Giáo Hội. Chúa Giêsu đã phú bẩm cho Giáo Hội uy quyền của chính Ngài. Tin Mừng hôm nay ghi lại phản ứng của dân chúng khi họ lắng nghe lời giảng dạy của Ngài và nhất là khi Ngài trừ quỉ. Họ thán phục vì Ngài giảng dạy như Ðấng có uy quyền.

Trong cách đánh giá thông thường, một người xem là có uy tín khi tài năng hay đức độ của người đó được nhìn nhận, lời nói của một người có uy tín có sức thuyết phục người khác, việc làm có uy tín của một người có thể tạo được niềm tin nơi người khác. Nói chung, nơi một người có uy tín, lời nói và việc làm thường đi đôi với nhau, hoặc việc làm và cuộc sống có giá trị thuyết phục và lôi kéo. Chúa Giêsu giảng dạy như Ðấng có uy quyền là bởi vì Ngài chỉ giảng dạy những gì Ngài đã sống và sống những gì Ngài rao giảng. Lời nói của Ngài lại được củng cố bởi cuộc sống và những việc làm của Ngài. Ðây chính là uy quyền mà Chúa Giêsu đã mặc cho Giáo Hội của Ngài. Giáo Hội chỉ thực sự thể hiện được uy quyền của Chúa Giêsu khi Giáo Hội sống và rao giảng những gì Ngài đã sống và rao giảng. Giáo Hội chỉ thực sự thể hiện được bộ mặt đích thực của mình khi sống phục vụ mà thôi. Càng thể hiện được bộ mặt thật ấy, Giáo Hội càng tỏ ra là một sức mạnh có sức đạp đổ mọi thứ khí giới và sự dữ và trở thành chỗ dựa cho mọi người.

Là thành phần của Giáo Hội, mỗi người tín hữu có nghĩa vụ phải bày tỏ bộ mặt đích thực của Giáo Hội. Sức mạnh và uy quyền của Giáo Hội được thể hiện không phải qua con số các tín hữu hay qua các biểu dương của số đông mà thiết yếu qua cuộc sống có tính thuyết phục của các tín hữu. Giữa một xã hội trống rỗng những giá trị đạo đức, các tín hữu Kitô phải thể hiện một niềm tin có sức mang lại ý nghĩa cho cuộc sống. Giữa một xã hội băng giá về ích kỷ, các tín hữu Kitô cần phải sống một tình mến có sức sưởi ấm tâm hồn con người. Giữa một xã hội chao đảo về thiếu định hướng, các tín hữu Kitô phải bày tỏ một niềm hy vọng có sức soi rọi vào tăm tối của cuộc sống mọi người.

Nguyện xin Chúa Giêsu, Ðấng giảng dạy với uy quyền, củng cố niềm tin, gia tăng đức mến và bảo toàn niềm trông cậy nơi chúng ta.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Suy Niệm 3: Một người đầy uy quyền

Trong hội đường có một người bị quỷ thần ô uế nhập, la to lên rằng: “Ông Giêsu Na-gia-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: Ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” Nhưng Đức Giêsu quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!”quỷ vật người ấy xuống giữa hội đường, rồi xuất khỏi anh ta, nhưng không làm hại gì anh. (Lc. 4, 33-35)

Ngay từ buổi đầu cuộc giảng đạo công khai, Đức Giêsu tỏ ra một người đầy uy lực. Lời và hành động của Người biểu lộ quyền bính phi thường.

Chỉ trong một thời gian ngắn, Đức Giêsu đã tỏ ra là bậc thầy dạy một giáo lý vững chắc có sức đáng động và gây ấn tượng mạnh ngay tại những người Do-thái chịu ảnh hưởng của nhiều trường luật sĩ giảng dạy rất đông đệ tử. Dân chúng say mê nghe lời Người. Không phải chỉ nhờ lời nói hay. Người còn liên kết sứ điệp của Người với quyền phép trừ quỷ bằng một sức mạnh làm những người chứng kiến kinh ngạc.

Từ hai ngàn năm, Đức Giêsu không bao giờ ngừng tạo thế lực vừa bằng đạo lý, vừa bằng hành động giải phóng nhân loại, không chỉ cứu thân xác bệnh hoạn mà nhất là cứu tâm trí con người được hạnh phúc. Ngày nay hơn bao giờ hết, Người lôi cuốn mọi người khám phá về Người. Không bao giờ người ta nói về Người nhiều như ngày nay, hoặc để thử loại bỏ Người, chối không có Người hoặc bảo vệ Người rất nhiệt tình. Báo chí, truyền thanh, truyền hình, sách vở, nghệ thuật âm nhạc, quảng cáo đã thấm nhập về Đức Kitô và tuyên truyền làm cho người ta hiểu biết về Đức Kitô một cách tiêu cực hay tích cực.

Dù người ta nói gì, Người vẫn là một bậc Thầy vĩ đại trong các bậc Thầy cho mọi người trên trái đất phải suy nghĩ. Đúng như câu kết thúc đoạn Tin Mừng hôm nay:

“Tiếng đồn về Người lan ra khắp mọi nơi”. Và như ông Si-mê-on đã nói tiên tri: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en, vấp ngã hay được chỗi dậy. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng. Còn chính bà,thì một mũi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà, ngõ hầu những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người phải lộ ra”. (Lc. 2, 34-35)

Suy Niệm 4: Lời có uy quyền

Suy niệm :

Phép lạ đầu tiên được kể trong Tin Mừng Luca là một phép lạ trừ quỷ,

diễn ra tại hội đường Caphácnaum vào một ngày sabát (c. 31).

Đức Giêsu dạy dỗ dân chúng, và họ sửng sốt trước lời dạy của Ngài,

bởi lẽ lời của Ngài là lời đầy quyền uy (c. 32).

Quyền uy làm sửng sốt ấy đến từ con người Ngài,

vì Ngài chính là Ngôi Lời của Thiên Chúa.

Trong hội đường ngày hôm đó, có một người bị quỷ thần ô uế nhập.

Anh ta tự nhiên la to, vì thấy mình bị đe dọa: “Ông Giêsu Nadarét,

chuyện chúng tôi can gì đến ông ? Ông đến tiêu diệt chúng tôi sao?”

Sự hiện diện và lời dạy quyền uy của Đức Giêsu, làm quỷ xuất đầu lộ diện.

Nhưng nó sợ, muốn tránh Ngài trong cuộc chiến không cân sức.

Quỷ biết rõ đối thủ có sức tiêu diệt mình là ai.

Nó biết được điều mà dân chúng không biết về căn tính của Đức Giêsu.

Ngài không phải chỉ là ông Giêsu ở Nadarét,

mà còn là Đấng Thánh của Thiên Chúa (c. 34).

Có một sự đối lập gay gắt giữa thần ô uế và Đấng Thánh tinh tuyền.

Đức Giêsu trừ thần ô uế chỉ bằng một lời quát mắng (c. 35).

“Câm đi, hãy xuất ra khỏi người này !”

Ngài không cho quỷ nói lên danh tánh của Ngài,

vì Ngài không muốn sự thật được nói lên bởi miệng những kẻ dối trá.

Lời truyền lệnh của Ngài khiến thần ô uế phải xuất ra.

Nó không còn được ở lại hay có quyền gì trên người này nữa.

Quỷ vật anh ngã xuống, xuất ra, nhưng lại không làm hại được anh.

Người trong hội đường kinh ngạc, không vì chuyện Đức Giêsu trừ quỷ,

nhưng vì họ thấy uy quyền và uy lực nơi lời nói của Ngài (c. 36).

Lời nói ra như một mệnh lệnh, và quỷ phải vâng nghe.

Thế giới hôm nay dễ bị tấn công và thống trị bởi các thần ô uế.

Thần ô uế có mặt ở khắp nơi, và có sức hấp dẫn mê hoặc con người.

Ô uế nơi thân xác, nơi trí tưởng tượng, nơi những ám ảnh không ngơi.

Ô uế trở thành một thứ văn hóa, xâm nhập vào mọi ngõ ngách,

chi phối mọi lối nghĩ và lối hành xử của con người.

Chúng ta phải nhìn nhận sức mạnh của thần ô uế trong thế giới hôm nay.

Rất nhiều bạn trẻ đã phải thú nhận mình không đủ sức kháng cự lại.

Đức Giêsu cho chúng ta niềm tin vào sự chiến thắng.

Sự hiện diện của Ngài làm thần ô uế không thể giấu mặt.

Sự thánh thiện của Ngài làm nó phải run sợ cúi đầu.

Uy quyền và uy lực nơi Lời quát mắng của Ngài khiến nó phải tháo lui.

Hãy để cho Đức Giêsu thánh thiện có chỗ trong đời chúng ta.

Hãy tin vào sức mạnh giải phóng của Lời Ngài.

Hãy để Lời Ngài nâng chúng ta dậy và cho chúng ta được tự do.

Một người ở trong hội đường hay nhà thờ cũng có thể bị thần ô uế ám.

Chúng ta mong Chúa cho ta khả năng trục được sự ô uế ra khỏi đời ta.

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,

ai trong chúng con cũng thích tự do,

nhưng mặt khác chúng con thấy mình dễ bị nô lệ.

Có nhiều xiềng xích do chính chúng con tạo ra.

Xin giúp chúng con được tự do thực sự :

tự do trước những đòi hỏi của thân xác,

tự do trước đam mê của trái tim,

tự do trước những thành kiến của trí tuệ.

Xin giải phóng chúng con khỏi cái tôi ích kỷ,

để dễ nhận ra những đòi hỏi tế nhị của Chúa,

để nhạy cảm trước nhu cầu bé nhỏ của anh em.

Lạy Chúa Giêsu,

xin cho chúng con được tự do như Chúa.

Chúa tự do trước những ràng buộc hẹp hòi,

khi Chúa đồng bàn với người tội lỗi

và chữa bệnh ngày Sabát.

Chúa tự do trước những thế lực đang ngăm đe,

khi Chúa không ngần ngại nói sự thật.

Chúa tự do trước khổ đau, nhục nhã và cái chết,

vì Chúa yêu mến Cha và nhân loại đến cùng.

Xin cho chúng con đôi cánh của tình yêu hiến dâng,

để chúng con được tự do bay cao. Amen.

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

(gplongxuyen.org)

You may also like