BÀI ĐỌC I (năm I): Esd 6, 7-8. 12b. 14-20
“Họ hoàn tất việc xây cất nhà Chúa và mừng lễ Vượt Qua”.
Bài trích sách Esdra.
Trong những ngày ấy, (Vua Ðariô viết thư cho các vị tư lệnh vùng ở bên kia sông Euphrate mà nói rằng:) “Hãy để cho vị thủ lãnh người Do-thái và các kỳ lão của họ xây cất đền thờ của Thiên Chúa, để đền thờ của Thiên Chúa được xây cất chính nơi cũ. Ta cũng ra lệnh về việc các ngươi phải làm với các bậc Kỳ cựu Do-thái, để tái thiết nhà Thiên Chúa: là phải lấy của trong kho nhà vua, nghĩa là tiền nộp thuế của miền bên kia sông Euphrate, và cẩn thận phân phát cho những người ấy, để công việc không bị trì hoãn. Ta là Ðariô ra sắc chỉ này, ta muốn mọi người ân cần tuân giữ”.
Các kỳ lão người Do-thái xây cất đền thờ và công việc tiến hành nhanh chóng, nhờ lời sấm của tiên tri Khác-gai và tiên tri Dacaria, con ông Ađđô: họ xây cất và hoàn thành theo lệnh Chúa Israel truyền dạy, và theo lệnh các vua nước Ba-tư là Kyrô, Ðariô và Artaxerxê. Họ hoàn tất việc xây cất nhà Thiên Chúa ngày mồng ba tháng Ađar, năm thứ sáu triều vua Ðariô. Vậy con cháu Israel, các tư tế, các thầy Lêvi, và những người lưu đày còn sống sót, đều vui mừng hiến thánh nhà Thiên Chúa. Trong lễ cung hiến nhà Thiên Chúa, họ dâng một trăm con bò, hai trăm con cừu, bốn trăm con chiên, và để làm lễ đền tội cho cả dân Israel, họ cũng dâng mười hai con dê theo số các chi tộc Israel. Rồi họ cắt đặt các thầy tư tế theo phẩm trật và các thầy Lêvi theo cấp bậc, để giúp việc đền thờ Thiên Chúa ở Giêrusalem, như đã chép trong sách của Môsê.
Những con cái Israel lưu đày về mừng lễ Vượt Qua ngày mười bốn tháng thứ nhất. Các thầy tư tế và Lêvi, tất cả như một, đều được thanh tẩy, tất cả đều trong sạch, để sát tế mừng lễ Vượt Qua cho toàn thể dân lưu đày và cho anh em tư tế của họ và chính mình họ.
Ðó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 121, 1-2. 3-4a. 4b-5
Ðáp: Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: “Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa”
Xướng: Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: “Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa”. Hỡi Giêrusalem, chân chúng tôi đang đứng nơi cửa thành rồi.
Xướng: Giêrusalem được kiến thiết như thành trì, được cấu tạo kiên cố trong toàn thể. Nơi đây các bộ lạc của Chúa tiến lên.
Xướng: Theo luật pháp của Israel, để ngợi khen danh Chúa. Tại đây đã đặt ngai toà thẩm phán, ngai toà của nhà Ðavit.
Tin mừng: Lc 8, 19-21
19 Mẹ và anh em Đức Giê-su đến gặp Người, mà không làm sao lại gần được, vì dân chúng quá đông.
20 Người ta báo cho Người biết: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn gặp Thầy.”
21 Người đáp lại: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành.”
Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Chính việc nghe và thực hành Lời Thiên Chúa làm cho ta nhập vào gia đình thiêng liêng với Chúa Giêsu, đồng thời chúng ta trở nên anh em và cũng là con cùng một Cha trên trời.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa nhìn thấy tâm tư sâu kín của lòng con. Rất nhiều lúc con cảm thấy nghe và thực hành Lời Chúa như một gánh nặng, như một việc khổ sở, và con đã tránh né hoặc làm một cách miễn cưỡng. Nhưng hôm nay, Chúa mặc khải cho con thấy: khi con nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành, con được nhập vào gia đình thiêng liêng với Chúa. Cho dù khi ấy con có phải hi sinh, nhưng trước hết đó là niềm vinh dự và hạnh phúc của con. Con cảm tạ Chúa vì Chúa đã nâng con lên, cho con trở thành người nhà của Chúa.
Chúa quý mến những người nghe và giữ Lời Chúa. Chúa đã đặt gia đình thiêng liêng cao hơn những liên hệ máu huyết, cao hơn những ràng buộc gia đình. Trong ánh sáng của Chúa, con hiểu được rằng Chúa không bao giờ coi thường Đức Mẹ. Nhưng trái lại, Chúa yêu mến Đức Mẹ không những vì Mẹ đã sinh ra Chúa, nhưng nhất là vì Mẹ đã lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Con muốn bắt chước Đức mẹ để trở nên người môn đệ được Chúa yêu mến.
Lạy Chúa, xin Chúa giúp con coi trọng Chúa hơn tình cảm gia đình. Xin đừng để con vì bênh cha mẹ hoặc bênh con cái, mà quên cả công bằng, quên cả lương tri và lẽ phải, hay vì danh dự gia đình mà không dám nhìn nhận sự thật. Xin đừng để con chỉ vì tình bạn hữu anh em mà bỏ cả dự lễ, cầu nguyện. Con cũng xin Chúa đừng để bậc cha mẹ chỉ vì muốn giữ con cái làm việc hoặc nối dõi tông đường, mà không cho con cái hiến thân làm tông đồ cho Chúa.
Xin Chúa giúp con hết lòng tin kính mến yêu Chúa. Amen.
Ghi nhớ: “Mẹ và anh em Ta là những người nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”.
Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Phân tích (Hạt giống…)
Bài tường thuật cho thấy rõ hai nhóm người khác nhau:
a/ Những kẻ đang nghe Chúa Giêsu giảng thì ở bên trong, gần Ngài, họ còn được Chúa Giêsu mô tả là những kẻ “nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”;
b/ Nhóm kia thì “đứng” ở ngoài và “không thể đến gần Ngài được”. Ý muốn của họ chỉ là muốn “thấy” Ngài (cách dịch sát nghĩa câu 32b) chứ không phải để “nghe” và “thực hành” những Lời Ngài dạy. Nhóm a mới là gia đình thật của Chúa Giêsu.
Nếu như không có Đức Maria hiện diện trong nhóm b thì đoạn này rất dễ hiểu. Nhưng vì có Đức Maria cho nên ta cảm thấy hơi khó chịu khi thấy Chúa Giêsu không coi nhóm này là gia đình thật của Ngài.
Thực ra không phải Chúa Giêsu phủ nhận tư cách làm mẹ của Đức Maria đối với Ngài. Trái lại đây chính là một cách Ngài đề cao Người: Đức Maria tuy có mặt trong nhóm b nhưng không giống những người trong nhóm đó. Người là kẻ luôn luôn lắng nghe và làm theo Lời Chúa (xem 1,38 “Bấy giờ Maria nói “Vâng, tôi là nữ tì của Chúa. Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”; 1,45 Lời Êlisabét nói với Maria: “Em thật có phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Ngài đã nói với em”; 2,19 Sau khi các mục tử đến thăm Chúa Giêsu, “Maria hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng”; 2,52 Sau chuyện tìm gặp Chúa Giêsu trong Đền thờ “Mẹ Ngài hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” v.v.): Đức Maria xứng đáng là mẹ thật của Chúa Giêsu bởi vì Người không chỉ làm Mẹ của Ngài về phần xác thịt mà còn vì Người luôn lắng nghe, ghi nhớ và thi hành Lời Chúa.
B. Suy niệm (…nẩy mầm)
1. Những bài Tin mừng trong mấy ngày liên tiếp gần đây đều nhắc nhở việc phải thi hành những Lời của Chúa mà mình đã nghe. Trong đoạn Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu còn khuyến khích việc đó bằng cách coi những người thực hành Lời Chúa là gia đình thật của Ngài, thân thiết hơn cả gia đình tự nhiên.
2. Chúa Giêsu không có ý chối bỏ liên hệ ruột thịt đối với Mẹ Ngài và thân thuộc, nhưng muốn mọi người hiểu rằng mối liên hệ quan trọng nhất đối với Ngài là liên hệ đức tin. Bất cứ ai sống theo Lời Ngài, người đó có liên hệ với Ngài. Ai càng sống Lời Ngài, người đó càng kết hợp mật thiết với Ngài… Chúa Giêsu sẽ nhận ra chúng ta là môn đệ Ngài, là anh em trong gia đình Ngài không phải vì danh hiệu Kitô chúng ta đang có, mà vì những hoa trái Lời Ngài được chúng ta làm trổ sinh trong cuộc sống. Hoa trái ấy chính là hành động của yêu thương, hòa bình, tha thứ, nhẫn nhục. Cuộc sống càng được dệt bằng những hành động ấy, quan hệ giữa chúng ta và Chúa Giêsu càng trở nên mật thiết hơn. (“Mỗi ngày một tin vui”)
3. Theo ý nghĩa của đoạn Tin mừng này, Đức Maria hai lần xứng đáng là Mẹ Chúa Giêsu: Mẹ theo huyết thống và Mẹ của Thân mình mầu nhiệm của Ngài là Giáo Hội. Chẳng những là Mẹ vì đã sinh ra Chúa Giêsu mà còn là Mẹ vì đã thực thi ý Chúa (“Mỗi ngày một tin vui”)
4. “Mẹ và anh em Chúa Giêsu đến gặp Người mà không làm sao lại gần được vì dân chúng quá đông” (Lc 8,19)
Thế là chúng tôi đã bỏ lễ ngày Chúa nhật vì đường xa và lầy lội quá. Đi lên Hòa Hiệp vùng biên giới xa xôi, chúng tôi ước ao gặp được một Nhà nguyện hay một Nhà thờ nho nhỏ. Nhưng đất Hòa Hiệp rất ít người công giáo. Hơn nữa, người dân phải lao động đầu tắt mặt tối để kiếm sống nên không có thời gian đi lễ. Có quá nhiều lý do để người ta không thể dự lễ Chúa nhật dù lòng họ vẫn muốn đến với Chúa.
Tôi cảm thấy xấu hổ vì ở gần Nhà thờ mà lười biếng đi dự lễ. Tôi tự nhủ: phải siêng năng hơn, vì có những người muốn đi lễ mà không được.
Lạy Chúa, xin cho con biết yêu mến Chúa và tìm mọi cách để đến với Chúa. (Hosanna)
Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
Gia đình đích thực của Đức Giêsu (Lc 8,19-21)
“Mẹ và anh em tôi, chính là những ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”. Câu trả lời của Đức Giêsu gợi cho chúng ta cảm giác Ngài hững hờ với Mẹ Ngài và anh em Ngài, nhưng thực ra không phải như vậy. Đức Giêsu ca tụng Mẹ Maria. Vì hơn ai hết, Mẹ là người luôn biết lắng nghe và thực hành ý Chúa một cách tuyệt đối. Câu trả lời của Chúa không phải là một chối từ mối tình thân ruột thịt, mà là có ý nói đến một mối tình cao quí hơn, đó là cùng liên kết với nhau trong Thiên Chúa qua việc nghe và thực hành Lời Chúa.
Truyền thống từ xa xưa luôn tin nhận Đức Maria là Mẹ Đấng Cứu Thế và là nữ tỳ Thiên Chúa. Đức Maria được diễm phúc cao trọng này là nhờ Mẹ đã lắng nghe và thực hành Lời Chúa cách trọn vẹn. Vì thế, Đức Giêsu hết lòng yêu mến Mẹ. Nhưng trong bài Tin mừng hôm nay lại trình thuật việc Đức Maria và các anh em của Ngài đến tìm Ngài, và khi được báo tin, Đức Giêsu lại nói: “Mẹ và anh em Ta là những người nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”.
Qua câu nói này, người nghe cảm thấy ngỡ ngàng, bởi vì xem ra có vẻ Đức Giêsu quá thờ ơ với mối liên hệ ruột thịt. Hơn nữa, người đó lại là Mẹ mình… Phải chăng điều này không thể chấp nhận được! Tuy nhiên, nếu chúng ta để ý thì đây là một cách gián tiếp, Đức Giêsu ca tụng Mẹ mình hơn ai hết. Tại sao vậy? Thưa, vì Mẹ Maria là người trung thành và tín thác nơi Thiên Chúa tuyệt đối qua thái độ lắng nghe, suy niệm và thực hành cách trọn vẹn Lời của Thiên Chúa trong cuộc đời và nơi các biến cố đã xảy ra cho Ngài.
Thực ra, Tin mừng hôm nay cho thấy cách nhìn về con người của Đức Giêsu. Khi tuyên bố: “Mẹ và anh em Ta là người lắng nghe và thực hành Lời Chúa”, Đức Giêsu không có ý chối bỏ liên hệ ruột thịt đối với Mẹ Ngài và thân thuộc, nhưng muốn mọi người hiểu rằng mối liên hệ quan trọng nhất đối với Ngài là liên hệ đức tin. Bất cứ ai sống theo Ngài, người đó càng kết hợp mật thiết với Ngài.
Đức Giêsu sẽ nhận ra chúng ta là môn đệ của Ngài, là anh em trong gia đình Ngài, không phải vì danh hiệu Kitô chúng ta đang có, mà vì những hoa trái lời Ngài được chúng ta làm trổ sinh trong cuộc sống. Hoa trái ấy chính là hành động của yêu thương, hoà bình, tha thứ, nhẫn nhục. Cuộc sống càng được dệt bằng những hành động ấy, quan hệ giữa chúng ta và Đức Giêsu càng trở nên mật thiết hơn (Mỗi ngày một tin vui).
Đức Giêsu đến trần gian để xây dựng một gia đình duy nhất của Thiên Chúa, gia đình của những người cùng một mục đích là nguyện cho danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Đó là hình ảnh Đức Giêsu muốn diễn tả khi ngài nói: “Mẹ Tôi và anh em Tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”.
Với ý nghĩa đó, Đức Maria hai lần xứng đáng làm Mẹ Đức Giêsu: Mẹ theo huyết thống và Mẹ của thân mình mầu nhiệm của Ngài là Giáo hội. Chẳng những là Mẹ thật vì đã sinh ra Đức Giêsu, mà còn là Mẹ vì đã thực thi ý Cha trên trời.
Đức Maria “đang đứng bên ngoài” (c.20), bị tách biệt khỏi các môn đệ đang ngồi thật an bình hạnh phúc quanh Đức Giêsu để nghe Ngài giảng dạy. Thế nhưng Mẹ không đứng bên ngoài một mình mà đứng cùng với anh em của Đức Giêsu. Mẹ cũng không bất ngờ khi nghe Đức Giêsu, con của Mẹ, nói những lời như thế. Hơn một lần – trong đền thờ khi Đức Giêsu lên 12 tuổi (Lc 2,49); tại tiệc cưới Cana (Ga 2,4) – Mẹ đã nghe Chúa nói: phải vượt qua mối quan hệ gia đình theo “huyết nhục” để trở thành “mẹ và anh em của Đức Giêsu” qua việc “nghe và thực hành Lời của Thiên Chúa”. Và nhất là Mẹ đã không chỉ “lắng nghe và suy niệm trong lòng” cho riêng mình; Mẹ còn dẫn đưa những người thân của mình đến với Đức Giêsu để cũng trở thành người thân trong gia đình của Thiên Chúa, như Mẹ đã làm tại tiệc cưới Cana: “Ngài bảo gì, các anh cứ làm theo” (Ga 2,5) (5 phút Lời Chúa).
Truyện: Hãy thực hành Lời Chúa đi!
Trong Chúa nhật đầu tiên tại một Giáo xứ nọ, vị linh mục vừa nhận chức đã giảng một bài giảng rất văn hoa, xúc tích, sâu sắc, hùng hồn. Tất cả các tín hữu có mặt hôm ấy cảm thấy rất sốt sắng và phấn khởi. Có lẽ có nhiều người đã dâng lời cảm tạ Thiên Chúa, vì Ngài đã ban cho họ một vị linh mục có tài ăn nói “Phun châu nhả ngọc”.
Tiếng đồn về cha xứ mới lan mau như lửa cháy, vì thế, vào Chúa nhật kế tiếp, Nhà thờ bỗng trở nên đông đảo hơn các Chúa nhật khác. Mọi người nóng lòng chờ đợi cho đến lúc cha giảng. Nhưng cha sở lại giảng một bài gần giống như bài giảng Chúa nhật tuần trước đó. Rồi trong Thánh lễ Chúa nhật thứ 3, thứ 4, rồi kế tiếp đó cũng vẫn một bài giảng đó.
Hội đồng Giáo xứ liền cử người đến hỏi cha xứ xem tại sao mà ngài lại cứ giảng đi giảng lại một bài giảng hoài như vậy. Cha xứ bèn trả lời: “Tại sao anh chị vẫn cứ sống như cách đây 6 tuần trước. Khi nào anh chị em đem áp dụng những gì tôi đã trình bày tôi sẽ giảng bài mới.
Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Đức Maria được chọn làm Mẹ của Con Đức Chúa Trời, Mẹ đã đáp trả lời xin vâng, đồng thời Mẹ khiêm hạ tự xưng mình là tôi tớ của Đức Chúa Trời. Khi nói mình là tôi tớ của Thiên Chúa, Đức Maria nói một cách chân thành, khiêm cung, xác tín, chứ không phải nói một cách giả hình giả bộ.
Khi nói lên sự vâng phục của mình như người tôi tớ của Chúa: “Này tôi là tôi tớ Đức Chúa Trời” (Lc 1,38), Đức Maria nói lên lời khấn thứ hai của mình, lời khấn đức vâng phục. Lời khấn thứ nhất của Đức Maria là lời khấn khiết tịnh, lời khấn mà Đức Maria đã nói ra cho thiên thần biết: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào được vì tôi không biết đến việc vợ chồng” (Lc 1,34).
Mẹ luôn sống thi hành thánh ý Chúa.
Suy niệm
Khi khẳng định: “Mẹ và anh em Ta là những người nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”, Ðức Giêsu không có ý coi nhẹ tình gia đình, cũng như không phải lãnh đạm với Mẹ và anh em Ngài. Đức Giêsu muốn đề cao hơn mối liên hệ thiêng liêng dựa trên Lời Chúa.
Qua sự khẳng định Mẹ và anh em Ngài chính là những người nghe và thực hành Lời, Chúa Giêsu không có chủ ý là không muốn nhìn nhận Mẹ của mình. Nhưng Chúa muốn cho mọi người thấy Mẹ Maria chính là người lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành hơn ai hết.
Thật thế, Mẹ Maria là người đầu tiên đã lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành. Khi Mẹ nói lên lời khấn vâng phục: “Này tôi là tôi tớ Đức Chúa Trời”, Đức Maria muốn nói lên rằng Mẹ sẽ tuyệt đối vâng phục, vâng phục như một người tôi tớ luôn tuân theo thánh ý Chúa trong cuộc đời. Lời xin vâng đã khai mở ơn cứu rỗi và sự sống mới cho thế giới. Mẹ đã trở nên gương mẫu cho mọi người Kitô hữu: Lắng nghe và thực hành Lời Chúa dạy.
Qua lời chào của thiên sứ: “Kính chào bà đầy ơn phước” (Lc 1,28), cũng như qua lời ngợi khen của bà thánh Isave: “Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm” (Lc 1,43), Đức Maria biết rõ địa vị diễm phúc cao sang của mình trước mặt Thiên Chúa. Nhưng Mẹ không bao giờ gạt Chúa ra một bên. Trái lại, Mẹ luôn tìm cách vâng phục thánh ý Chúa một cách tối đa, trọn vẹn.
Chính Mẹ cũng đã đi trước làm gương và muốn cho chúng ta sống như Mẹ đã sống. Nơi tiệc cưới Cana, Maria đã không ỷ chức làm Mẹ của mình để bắt Chúa Giêsu vâng phục. Trái lại, Mẹ luôn tìm cách vâng phục Chúa Giêsu và đề cao Con Thiên Chúa trước mặt mọi người. Mẹ truyền: “Hãy làm theo lời Ngài truyền” (Ga 2,5), hành động đó đã dọn sẵn mọi sự để Chúa làm phép lạ mang đến niềm vui cho những người chung quanh…
Xin Chúa giúp chúng con ý thức về việc nghe và thực thi ý thánh Chúa để chúng con trở nên xứng đáng là anh chị em với Chúa như Mẹ Maria và các môn đệ đã làm.
Ý lực sống
“Này tôi là tôi tớ Chúa, xin vâng như lời thiên thần truyền” (Lc 1,38).
Nguồn: WGPSG