BÀI ĐỌC I (năm II): Tt 2, 1-8. 11-14
“Chúng ta hãy sống đạo đức, khi trông đợi niềm hy vọng hạnh phúc và cuộc xuất hiện của Ðức Giêsu Kitô là Thiên Chúa và là Ðấng cứu độ chúng ta”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho Titô.
Con thân mến, con hãy giảng dạy những gì hợp với đạo lý lành mạnh. Những ông cao niên hãy sống tiết độ, đoan trang, khôn ngoan, lành mạnh trong đức tin, đức mến, đức kiên nhẫn. Các bà cao niên cũng thế, phải ăn ở thánh thiện, chớ nói hành nói xấu, chớ mê say rượu chè, nhưng biết dạy đường lành, để dạy cho các thiếu phụ biết mến chồng thương con, khôn ngoan, thanh khiết, tiết độ, chăm lo việc nhà, hiền hậu, tùng phục chồng, để lời Thiên Chúa khỏi bị xúc phạm.
Các thanh niên cũng thế, con hãy khuyên dạy cho chúng biết tiết độ. Trong mọi sự, con hãy nên gương mẫu về các việc lành, tinh tuyền trong giáo huấn, trang nghiêm, lời lẽ lành mạnh không ai bắt bẻ được, để đối phương phải xấu hổ, vì không thể nói xấu chúng ta điều gì.
Vì chưng, ân sủng của Thiên Chúa, Ðấng Cứu Ðộ chúng ta, đã xuất hiện cho mọi người, dạy chúng ta từ bỏ gian tà và những dục vọng trần tục, để sống tiết độ, công minh và đạo đức ở đời này, khi trông đợi niềm hy vọng hạnh phúc và cuộc xuất hiện sự vinh quang của Ðức Giêsu Kitô là Thiên Chúa cao cả và là Ðấng Cứu Ðộ chúng ta. Người đã hiến thân cho chúng ta để cứu chuộc chúng ta khỏi mọi điều gian ác, luyện sạch chúng ta thành một dân tộc xứng đáng của Người, một dân tộc nhiệt tâm làm việc thiện.
Ðó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 36, 3-4. 18 và 23. 27 và 29
Ðáp: Người hiền được Chúa ban ơn cứu độ (c. 39a).
Xướng: Hãy trông cậy Chúa và hãy làm lành, để được cư ngụ trong đất nước, thọ hưởng an ninh. Hãy hân hoan tin tưởng vào Chúa, Người sẽ ban cho sự lòng bạn thỉnh cầu.
Xướng: Chúa chăm lo cho mạng sống người nhân đức, và phần gia nghiệp họ còn mãi muôn đời. Nhờ ơn Chúa mà hiền nhân vững bước, và Người yểm hộ đường lối người đi.
Xướng: Hãy tránh ác và hãy làm lành, hầu được an cư tới ngàn thu. Những người hiền sẽ được đất nước, và cư ngụ ở đó tới ngàn thu. – Ðáp.
Tin mừng: Lc 17,7-10
7 “Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó: ‘Mau vào ăn cơm đi’, 8 chứ không bảo: ‘Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau!’?
9 Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao?
10 Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.”
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Ta chỉ là đầy tớ của Chúa. Có làm được gì cho Chúa, thì đó cũng là do bổn phận phải làm. Vì vậy hãy phục vụ Chúa cách khiêm tốn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, trước tôn nhan Thiên Chúa cao cả, con chẳng là gì, dù là đầy tớ cũng chẳng xứng đáng. Hơn nữa, chính Chúa cũng đã tự nguyện chọn sống cuộc đời tôi tớ. Xin Chúa cho con hiểu được Lời Chúa hôm nay để con sống tinh thần tôi tớ theo gương Chúa.
Vì con chưa ý thức mình là đầy tớ của Chúa, nên con chưa ý thức được những bổn phận phải làm. Con cầu nguyện, dự lễ, mà tưởng như con làm ơn cho Chúa. Con làm việc tông đồ, mà như thể con làm ơn cho Giáo Hội. Vì chưa ý thức mình là đầy tớ của Chúa, nên con thường đòi hỏi quyền lợi, đòi được trả công, đòi được tôn trọng, đòi được ghi ơn.
Lạy Chúa, xin giúp con ý thức con chỉ là đầy tớ để con làm việc bổn phận phải làm. Xin cho con ý thức mình là đầy tớ, để con làm theo Ý Chúa chứ không theo ý con. Xin cho con ý thức mình là đầy tớ, để con làm hết sức mình như thể chỉ có mình con, nhưng đồng thời cũng khiêm tốn như thể chẳng cần đến con. Xin cho con ý thức mình là đầy tớ, để khi thất bại hay bị chê bai, con không nản chí, và khi thành công hay được khen ngợi, con không tự mãn. Xin cho con ý thức mình là đầy tớ, để con đừng bao giờ ganh tị với người khác, nhưng vui trong phận mình và sẵn sàng làm những công việc nhỏ bé thấp hèn nhất. Xin cho con ý thức mình là đầy tớ, để con phụng sự Chúa cho xứng đáng, phục vụ với tâm hồn quảng đại, vô vị lợi, và phần thưởng duy nhất là biết mình đã làm theo ý Chúa. Amen.
Ghi nhớ: “Chúng tôi là đầy tớ vô dụng: vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm”.
2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Phân tích (Hạt giống…)
“Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó: `Mau vào ăn cơm đi’, chứ không bảo: `Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau!’ ? Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao ? Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.”
Chúa Giêsu dạy bài học phục vụ. Muốn phục vụ, trước hết hãy khiêm tốn, khiêm tốn đến mức tự coi mình là đầy tớ. Khi ta đã tự coi mình là đầy tớ rồi thì ta sẽ không ngại phục vụ người khác, hơn nữa ta sẽ coi tất cả những gì ta làm cho người khác ta đều là bổn phận.
B. Suy niệm (…nẩy mầm)
1. 1Cr 4,7: “Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh ?” Nếu xét cho kỹ thì tất cả những gì ta cho là tài ba hay công lao “của mình” đều không phải là của mình thực:
– Trí óc ta thông minh ư ? Đó là nhờ Chúa sinh ra ta như thế. Nhiều người khác mới sinh ra đã đần độn.
– Sức khoẻ ta dồi dào ư ? Cũng nhờ Chúa sinh ta ra sẵn như vậy. Nhiều kẻ sinh ra đã sẵn èo ọt.
– Ta có nhiều năng khiếu ư ? Cũng do Chúa sinh ra ta như vậy.
– Ta đẹp ư ?: cũng thế.
– Ta làm nhiều việc thành công ư ? Đó là nhờ ta có sẵn thông minh, sức khoẻ, năng khiếu.
Bởi vậy dù ta làm được gì thì ta cũng là đầy tớ vô dụng thôi.
2. Trong một tập thể, nếu ai cũng coi mình là đầy tớ của người khác thì việc chung sẽ chạy đều. Còn nếu ai cũng muốn làm kẻ chỉ huy thì sẽ thế nào ?
3. Quan niệm ‘sống đạo để lập công’: quan niệm của Pharisêu, của người con cả trong dụ ngôn Người cha nhân hậu và đứa con hoang đàng. Đây là kiểu sống không có tình; chỉ có tính thương mại. ‘Mẹ nuôi con như trời như bể, con nuôi mẹ con kể từng ngày’.
4. Ta sống tốt chỉ có giá trị nhằm gợi lên lòng thương xót và sự nhân hậu của Chúa, ta không có quyền đòi hỏi gì; hoặc nếu có đòi, thì hãy đòi trong tâm tình của đứa con nhỏ vòi vĩnh trong tình thương. – Thân phận ta, về một khía cạnh nào đó, có thể ví như thân phận người đang chờ án tử hình, nay vì tin vào lòng nhân hậu Chúa, ta làm tốt để cố vớt vát lấy lòng Chúa và cố đền bù những thiệt hại tan hoang mình đã gây ra.
5. Người ta hỏi Thánh Phanxicô Assisi nhờ đâu và bằng cách nào mà ngài làm được nhiều việc như thế. Thánh nhân đáp:
– Thiên Chúa ở trên Thiên đàng nhìn xuống dưới đất. Ngài tự hỏi: “Tìm đâu ra một người yếu đuối nhất, nhỏ bé nhất và hèn hạ nhất đây ?” Thế rồi Thiên Chúa tìm thấy tôi. Ngài lại tự nhủ: “Ta đã tìm được nó rồi. Qua nó, Ta sẽ làm những việc Ta muốn. Nó sẽ không tự phụ được với những việc đó, bởi vì nó biết rằng Ta xử dụng nó chỉ vì sự yếu đuối, nhỏ bé và hèn hạ của nó thôi” (Christian Herald).
6. “Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng. Chúng tôi chỉ làm việc theo bổn phận ấy thôi” (Lc 17,10b)
Một nhân viên gác cầu quay có nhiệm vụ quay cây cầu lên cao mỗi khi có tàu thuỷ qua lại phía dưới. Một ngày kia, cậu con trai ông đi qua phía cầu để chơi và xem cha mình làm việc. Thình lình cậu bé trượt chân té. Thầy con bị té, người cha hốt hoảng định kéo con lên. Nhưng ngay lúc đó một chuyến tàu chở đầy hành khách đang lao tới trong tiếng còi văng vẳng từ xa vọng lại. Ông phải nâng cầu lên cho con tàu đi qua và như vậy con trai yêu quý của ông sẽ chết. Tâm trí bấn loạn… nhưng ông cũng đã hoàn tất nhiệm vụ, để rồi phải nhìn chiếc tàu đi qua với những hành khách nhộn nhịp cười nói mà lòng quặn đau…
Trong cuộc đời, có lần nào tôi đã dám hy sinh vì anh em mà không tính toán, dám phục vụ mà không nghĩ thiệt hơn ?
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin cho con biết phục vụ một cách vô vị lợi, vì đó là bổn phận của con. (Hosanna)
3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
Khiêm nhường trong phục vụ (Lc 17,7-10)
- Tiếp tục chương 17, Đức Giêsu đã dựa vào dụ ngôn người đầy tớ của ông chủ để dạy các Tông đồ tinh thần khiêm nhường trong phục vụ. Đức Giêsu dạy bài học phục vụ. Muốn phục vụ, trước hết hãy khiêm tốn, khiêm tốn đến mức tự coi mình là đầy tớ. Khi ta đã coi mình là đầy tớ rồi thì ta sẽ không ngại phục vụ người khác, hơn nữa ta sẽ coi tất cả những gì ta làm cho người khác đều là bổn phận. Chúng ta không nên huênh hoang, tự đắc với những gì mình làm được vì tất cả mọi sự đều do Chúa ban. Chúng ta chỉ là dụng cụ của Chúa, nên phải có thái độ khiêm tốn khi phục vụ.
- Bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu muốn các môn đệ đề cao cảnh giác trước tính kiêu ngạo của những người biệt phái và luật sĩ. Họ quan niệm Thiên Chúa như một ông chủ hà khắc, chi li, thưởng phạt tùy theo công đức của mỗi người. Chính vì thế mà họ coi những việc lành phúc đức như ăn chay, cầu nguyện, hãm mình, bố thí… là những việc lành mà Thiên Chúa buộc phải thưởng bội hậu cho họ. Hình ảnh của người đầy tớ tự cho mình là người vô dụng mà Đức Giêsu sử dụng trong mạch văn này có ý nói rằng: con người không có bất cứ quyền nại đến công nghiệp của mình để buộc Thiên Chúa ban ơn cho mình. Thiên Chúa ban ơn cho con người một cách nhưng không, và để đáp lại ân huệ của Ngài, con người chỉ có thể nói lên lòng tri ân và phó thác mà thôi. Tất cả cuộc sống của mình, tất cả những gì mình làm được, con người chỉ có thể và dâng lên Thiên Chúa như một đáp đền và phó thác mà thôi (Hiền Lâm).
- Tin mừng hôm nay còn mời gọi chúng ta nhìn nhận những thiếu sót của chúng ta: có lẽ dung mạo của một Chúa Kitô phục vụ và phục vụ cho đến chết chưa được phản ánh trên gương mặt của các Kitô hữu; tinh thần phục vụ đích thực của Kitô giáo vẫn chưa được sáng tỏ và thể hiện qua cách sống của các Kitô hữu. Đức Giêsu đã khẳng định: “Khi làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi chỉ làm những việc bổn phận mà thôi”. Đầy tớ là người làm tất cả mọi sự vì chủ, đầy tớ là người hoàn toàn sống cho chủ. Dĩ nhiên, ở đây, Đức Giêsu không có ý đề cao quan hệ chủ tớ trong xã hội. Ngài đã không xem quan hệ trong xã hội con người và Thiên Chúa như một quan hệ chủ tớ; Ngài đã chẳng mạc khải cho chúng ta Thiên Chúa như một người Cha và mời gọi chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha sao ? (R.Veritas)
- Người đầy tớ trong câu chuyện cũng hữu dụng đấy chứ. Vì hữu dụng, ông chủ mới nuôi đầy tớ trong nhà. Quả thật, hằng ngày người ta làm việc đủ thứ việc nào là đồng áng, nào là chăn chiên; lại còn phục vụ bàn ăn cho chủ. Nhưng người đầy tớ của Chúa thì vừa vô dụng, vừa hữu dụng. Vô dụng bởi vì Chúa là Đấng hoàn hảo vô cùng. Chúng ta có làm công kia việc nọ gọi là làm cho Chúa, thì cũng không vì thế mà Chúa được hoàn hảo hơn. Nhưng hữu dụng ở chỗ Ngài muốn chúng ta cộng tác vào công trình cứu độ của Chúa ngõ hầu “làm vinh danh Chúa và mưu ích cho các linh hồn”, trong đó mưu ích cho chính chúng ta nữa (5 phút Lời Chúa).
- Tóm lại, qua bài Tin mừng hôm nay, Chúa dạy chúng ta hãy sống khiêm nhường. Bởi vì tất cả những khả năng, những thành công, những việc lớn nhỏ chúng ta làm được đều do Chúa ban, không có Chúa chúng ta không làm gì được và cũng không làm được gì. Chúng ta chỉ là dụng cụ của Chúa, nên không được huênh hoang tự đắc, nếu huênh hoang đề cao cái tôi, khuếch đại giá trị của mình, tự cho mình là có công trạng hay không có mình thì không xong hay không hoàn thành được. Đó là kiêu ngạo mà thôi. Xin Chúa cho tất cả chúng ta luôn biết làm việc trong ý hướng ngay lành và nhất là trong tinh thần khiêm nhường.
- Truyện: Khiêm tốn là một điều khó
Một thầy rabbi già đau bệnh nằm liệt giường. Các môn đệ thì thầm nói chuyện bên cạnh ông. Họ hết lời ca tụng các nhân đức vô song của thầy.
Một người trong bọn họ nói: “Từ thời Salomon đến nay, chưa có ai khôn ngoan như thầy”. Người khác nói: “Đức tin của thầy ngang ngửa với đức tin của tổ phụ Abraham”. Người thứ ba nói: “Chắc chắn sự kiên nhẫn của thấy không thua sự kiên nhẫn của ông Gióp”. Người thứ tư thêm vào: “Về sự cầu nguyện thân mật với Chúa, chỉ có Maisen và thầy mà thôi”.
Vị rabbi tỏ ra bồn chồn không vui. Khi các môn đệ đã ra về hết, vợ ông mới hỏi: “Ông có nghe họ ca tụng ông không ?” Ông liền trả lời: “Có”. Nhưng vợ ông lại hỏi: “Thế tại sao ông lại tỏ thái độ bực tức như thế ?” Vị rabbi than phiền: “Vì không có ai nhắc đến sự khiêm tốn của tôi”.
4. Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Peter là một giáo sư đại học, ông vừa hoàn thành một cuốn sách biên khảo công phu sau ba năm nghiên cứu, được mọi người khen hay, và ông lấy làm hãnh diện, vì hai vợ chồng ông đều thực hiện thiền định và cố gắng tâm linh hóa hằng ngày. Ông gặp trăn trở vì biết hãnh diện chỉ là gia tăng bản ngã và tự bảo mình không nên đi vào con đường kiêu hãnh viển vông này, nhưng bà vợ lại cho rằng kiêu hãnh chân chính vẫn không thuộc về bản ngã. Hai người đưa vấn đề đến đạo sư Darshani. Đạo sư đã phân tích và chỉ cho thấy lòng kiêu hãnh bắt ngưồn từ việc coi hành động của mình như là do tác nhân độc lập, một thực tế riêng rẽ, và điều đó là hư ảo; đằng sau các thể hiện đúng đắn, chính Đấng Tối Cao đã tác động. Ông xin một phương pháp để giúp ông kiểm soát được lòng kiêu hãnh này mỗi khi nổi lên, nhưng đạo sư gợi ý ông đọc cuốn “Gương Chúa Giêsu” (Sách gương phúc) của Thomas A. Kempis, trong đó bàn về việc chúng ta không được kiêu hãnh vì đã làm việc tốt, sách có câu này: “Liệu đất sét có được tôn vinh hơn người đã làm ra nó hay sao ?”.
Suy niệm
Người tôi tớ Chúa dù mọi hoàn cảnh: Thành công đứng trước mặt Thiên Chúa luôn nhận mình là người đầy tớ vô dụng vì đó là sức mạnh Thiên Chúa làm việc nơi mình. Ngay cả lúc gian nan nhất, nơi người tôi tớ có đức tin hạt cải, Thiên Chúa luôn ở cùng và với mình làm cuộc dời non lấp biển phong ba cuộc đời.
Tin Mừng hôm nay mời gọi tôi và bạn luôn nhận mình vô dụng, để sức mạnh Thiên Chúa làm việc nơi mình. Dù trong cương vị nào, chúng ta cũng là tôi tớ của Thiên Chúa, người tôi tớ đòi hỏi chính mình luôn khiêm cung nhỏ bé, tin tưởng phó thác vì Thiên Chúa dùng mình làm việc, còn bản thân chỉ là người tôi tớ vô dụng. Người tôi tớ phải tin vào Thiên Chúa, vì chính Ngài làm việc nơi chúng ta, dù giữa bao gian truân thử thách. Chính vì tin vào Thiên Chúa nên chúng ta tin vào bản thân: Chúa ở nơi tôi và tôi có thể “dời non lấp biển”. Tin vào bản thân không phải là tự phụ coi mình là hơn tất cả, nhưng bản thân có đức tin hạt cải tin vào Thiên Chúa, cùng Ngài tôi sẽ vượt qua tất cả mọi hoàn cảnh của cuộc đời. Ngay cả nơi những khiếm khuyết thể lý và tâm linh: “Tôi ý thức tôi mong manh. Đồng thời, tôi ý thức là tôi đang hành trình gian khổ trên đường độc đạo theo chân Chúa Kitô. Đức tin điều trị vết thương tâm linh nơi tôi” (Theo Nguyễn Văn Thành).
“Lạy Chúa con chỉ là đầy tớ vô duyên, vô duyên hơn tất cả, vô duyên hơn tất cả… Nhưng con tin Chúa chân thành… tin Chúa chân thành…”.
Ý lực sống
“Không có Thầy, các con không thể làm được gì”.
(Ga 15,5).
Nguồn: WGPSG