Lời Chúa

Thứ Ba tuần 5 Mùa Chay

BÀI ĐỌC I: Ds 21, 4-9

“Kẻ nào bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống”.

Trích sách Dân Số.

Trong những ngày ấy, các người Do-thái rời bỏ núi Hor, theo con đường về phía Biển Đỏ, để vòng quanh xứ Eđom. Dân chúng đi đường xa mệt nhọc, nên nản chí, kêu trách Chúa và Môsê rằng: “Tại sao các người dẫn chúng tôi ra khỏi Ai-cập, cho chúng tôi chết trong hoang địa. Không bánh ăn, không nước uống, chúng tôi đã ngán thức ăn nhàm chán này”.

Bởi đó Chúa cho rắn lửa bò ra cắn chết nhiều người, họ chạy đến cùng Môsê và thưa rằng: “Chúng tôi đã phạm tội, vì chúng tôi nói những lời phản nghịch Chúa và phản nghịch ông. Xin ông cầu nguyện để Chúa cho chúng tôi khỏi rắn cắn”. Môsê cầu nguyện cho dân. Và Chúa phán cùng Môsê rằng: “Ngươi hãy đúc một con rắn đồng và treo nó lên làm dấu; kẻ nào bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng, thì được sống”. Môsê đúc một con rắn đồng, treo nó lên làm dấu, và kẻ nào bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng, thì được chữa lành.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 101, 2-3. 16-18. 19-21

Đáp: Lạy Chúa, xin nhậm lời con cầu nguyện, và cho tiếng con kêu lên tới Chúa (c. 2).

Xướng: 1) Lạy Chúa, xin nhậm lời con cầu nguyện, và cho tiếng con kêu lên tới Chúa. Xin Chúa đừng ẩn giấu thánh nhan, trong ngày con phải phiền muộn. Xin Chúa lắng tai nghe con, khi con cầu nguyện, Chúa mau nhậm lời. – Đáp.

2) Lạy Chúa, muôn dân sẽ kính tôn danh thánh Chúa, và mọi vua trên địa cầu sẽ quý trọng vinh quang Ngài; khi Chúa sẽ tái lập Sion, Ngài xuất hiện trong vinh quang xán lạn; Ngài sẽ đoái nghe lời nguyện kẻ túng nghèo, và không chê lời họ kêu van.- Đáp.

3) Những điều này được ghi lại cho thế hệ mai sau, và dân tộc được tác tạo sẽ ca tụng Thiên Chúa. Từ thánh điện cao sang Chúa đã đoái nhìn, từ trời cao Chúa đã ngó xuống trần thế, để nghe tiếng than khóc của tù nhân, để giải thoát kẻ bị lên án tử. – Đáp.

Tin Mừng: Ga 8,21-30

21 Khi ấy, Chúa Giêsu nói với những người Biệt phái rằng: “Ta ra đi, các ông sẽ tìm kiếm Ta và sẽ chết trong tội của các ông. Nơi Ta đi các ông không thể tới được”.

22 Người Do Thái nói với nhau rằng: “Ông ta sắp tự vẫn hay sao mà lại nói ‘Nơi Ta đi các ông không thể tới được’ ?”

23 Chúa Giêsu nói tiếp: “Các ông thuộc về hạ giới; còn Ta, Ta bởi trời cao. Các ông thuộc về thế gian này; còn Ta, Ta không thuộc về thế gian này. 24 Ta đã nói: Các ông sẽ chết trong tội các ông. Vì, nếu các ông không tin Ta, các ông sẽ chết trong tội của các ông”.

25 Vậy họ liền hỏi: “Ông là ai ?” Chúa Giêsu trả lời: “Là Nguyên thuỷ đang nói với các ông đây! 26 Ta có nhiều điều phải nói và đoán xét về các ông, nhưng Đấng đã sai Ta là Đấng chân thật, và điều Ta nói ra trong thế gian đây, chính là điều Ta đã nghe biết ở Ngài”.

27 Nhưng họ không hiểu là Người nói về Chúa Cha, 28 vì thế Chúa Giêsu nói: “Khi nào các ông đưa Con Người lên cao, các ông sẽ nhận biết Ta là ai. Ta không tự mình làm điều gì. Điều Ta nói, chính là điều Chúa Cha đã dạy Ta. 29 Đấng đã sai Ta đang ở với Ta; Ngài không để Ta một mình, bởi vì Ta luôn luôn làm điều đẹp lòng Ngài”. 30 Khi Người nói những điều ấy thì có nhiều kẻ tin vào Người.

Chúa Giêsu nói: “Khi nào các ông đưa Con Người lên cao,
các ông sẽ nhận biết Ta là ai”. (Ga 8,28)

Suy niệm 1 (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A- Phân tích (Hạt giống…)

1. Bài đọc 1 kể chuyện con rắn đồng: Khi đó dân Do Thái đang đi trong sa mạc. Vì khổ cực và thiếu thốn, họ luôn miệng trách Môsê và còn trách cả Chúa. Chúa cho những con rắn lửa bò ra cắn chết nhiều người. Khi đó họ kêu cầu Môsê. Chúa bảo Môsê đúc một con rắn bằng đồng treo lên cây, kẻ nào bị rắn lửa cắn mà nhìn lên con rắn đồng thì được cứu sống.

2. Bài Phúc ÂmChúa Giêsu chính là Đấng mà con rắn đồng là hình ảnh tiên báo. Ngài nói với những người Do Thái: “Khi nào các ông đưa Con Người lên cao, các ông sẽ nhận biết Ta là ai”. Như thế, việc Chúa Giêsu chết trên thập giá không phải là một thất bại mà là một chiến thắng. Ngài không “bị” mà “được” đưa lên cao để trở thành nguồn ơn cứu rỗi cho những ai tin tưởng nhìn lên Ngài.

B- Suy gẫm (…nẩy mầm)

1. Chính khi Chúa Giêsu “bị” giết chết trên thập giá là lúc Ngài “được” tôn vinh và là nguồn ơn cứu rỗi cho loài người. Khi chúng ta “bị” đau khổ nhưng biết nhìn lên Thánh giá Chúa Giêsu là lúc chúng ta “được” cứu rỗi.

Nhìn ngược lại ngày xưa, khi nguyên tổ tưởng mình “được” bằng Chúa thì lại “bị” đuổi khỏi vườn địa đàng. Hãy suy nghĩ thêm về cái nghịch lý “bị” và “được” này.

2. Nhìn lên Thập giá, ta có thể thấy được rất nhiều điều:

– Thấy tội lỗi của mình

– Thấy tình thương của Chúa

– Thấy giá trị của đau khổ

– Thấy ơn cứu rỗi

– Thấy giải pháp cho vấn đề sự dữ v.v…

3. Một bà goá đến xin cha sở chứng nhận để bà xin trợ cấp, vì con trai bà đi lính và đang phục vụ ở nước ngoài. Cha sở chợt nhớ đến sứ điệp Thánh Kinh nên nói với bà:

– Có phải công lao của bà đáng lãnh số tiền đó ?

– Không ạ. Đó là công của con trai con. Cháu muốn con được hưởng. Con chỉ việc kí tên và lãnh tiền.

– Phải, cũng như không phải công lao của bà mà bà được cứu rỗi, mà là công lao của Con Thiên Chúa trên núi Canvê. Ngài muốn bà hưởng công lao đó. Bà chỉ việc kí tên và lãnh nhận. (Góp nhặt)

Suy niệm 2 (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Vào thời thập tự viễn chinh, nhằm bảo vệ thánh địa và đảm bảo an ninh cho khách hành hương, vua Philipphê của nước Pháp đã làm một cử chỉ lạ thường. Trước mỗi lần lên đường, ông tháo gỡ triều thiên đang đội trên đầu, rồi đặt nó lên một chiếc bàn và ghi dòng chữ như sau: “Dành cho người nào xứng đáng nhất”.

Sau đó, ông quy tụ tất cả tướng lĩnh, các hiệp sĩ, những người hầu cận lại trước mặt ông và yêu cầu họ hãy quên ông là vua và là người chỉ huy của họ. Ông nói với mọi người rằng chiếc vương miện được dành cho người nào tỏ ra xứng đáng nhất trong cuộc chiến đấu.

Cuộc viễn chinh đã hoàn tất một cách vẻ vang, mọi người hát khúc khải hoàn trở về quê hương. Họ tụ tập chung quanh vương triều và một tướng lĩnh tiến lại cầm lấy triều thiên đội lên đầu của Philpphê và nói: “Tâu bệ hạ, bệ hạ là người xứng đáng nhất”.

Suy niệm

Trong cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và những người biệt phái, Ngài mạc khải cho họ biết: Ngài là Thiên Chúa xuống thế làm người, nên giống chúng ta hoàn toàn, chịu đóng đinh và chết trên thập giá để cứu độ con người, đem sự giao hòa giữa con người với Thiên Chúa Cha.

Như vậy, Ngài mạc khải sứ mạng thiên sai của chính mình cho con người, và mạc khải mối tương quan chặt chẽ giữa Ngài và Thiên Chúa Cha: “Ta không tự mình làm điều gì. Ðiều Ta nói, chính là điều Chúa Cha đã dạy Ta. Ðấng đã sai Ta đang ở với Ta; Ngài không để Ta một mình, bởi vì Ta luôn luôn làm điều đẹp lòng Ngài”.

Cho nên, người tin nhận Chúa Giêsu thì cũng phải tin nhận Thiên Chúa Cha, Ðấng đã sai Ngài xuống trần gian làm người và cứu độ nhân loại như Giáo hội tuyên tín từ thời các tông đồ: Vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, người đã từ Trời xuống thế…

Chính niềm tin vào Ðức Giêsu Kitô – hiện thân của Thiên Chúa, Ngài đem ơn cứu độ cho nhân loại, sẽ làm cho chúng ta được biến đổi để vươn lên tới Thiên Chúa.

Sống trong Mùa Chay, chúng ta duyệt xét lại lòng mình theo lời mời gọi của Đức Giêsu: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Sám hối vì niềm tin vào Đức Kitô chưa mạnh mẽ. Một niềm xác tín mãnh liệt vào Tin Mừng, trung tâm chính là Đức Giêsu Kitô – con Thiên Chúa, Đấng đã bị “gương cao” trên thập giá, đem ơn cứu độ, cứu độ duy nhất cho chúng ta.

Ý lực sống

“Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống đời đời” (Ga 3,14-15).

WGPSG

Bài viết liên quan