BÀI ĐỌC I (năm II): 1 Cr 15, 12-20
“Nếu Ðức Kitô đã không sống lại, thì đức tin của anh em cũng vô giá trị”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, nếu chúng tôi rao giảng rằng Ðức Kitô đã từ cõi chết sống lại, làm sao trong anh em lại có người dám nói: không có vấn đề kẻ chết sống lại? Nếu kẻ chết không sống lại, thì Ðức Kitô cũng đã không sống lại. Mà nếu Ðức Kitô đã không sống lại, thì lời giảng của chúng tôi sẽ nên trống rỗng, và Ðức Tin của anh em cũng ra trống rỗng. Vì chưng nếu kẻ chết không sống lại, thì chúng tôi bị coi là những chứng nhân giả dối về Thiên Chúa, vì lẽ chúng tôi đã làm chứng nghịch với Thiên Chúa rằng: Chúa đã phục sinh Ðức Kitô, khi mà Chúa đã không làm cho Người sống lại. Bởi chưng nếu những kẻ chết không sống lại, thì Ðức Kitô cũng đã không sống lại. Và nếu Ðức Kitô đã không sống lại, thì đức tin của anh em cũng vô giá trị, vì anh em vẫn còn ở trong tội lỗi. Vậy ngay cả những người đã an giấc trong Ðức Kitô cũng hư vong. Nếu chúng ta chỉ hy vọng vào Ðức Kitô trong đời sống hiện tại mà thôi, thì chúng ta là những người đáng thương hại nhất.
Nhưng kỳ thực Ðức Kitô đã sống lại, Người là đầu mùa những người đã an giấc ngàn thu.
Ðó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 16, 1. 6-7. 8b và 15
Ðáp: Lạy Chúa, khi thức giấc, con no thoả nhìn chân dung Chúa (c. 15b).
Xướng: Lạy Chúa, xin nghe điều chính nghĩa của con, xin để ý đến lời con kêu cứu, lắng tai nghe tiếng con thốt ra từ cặp môi chân thành!
Xướng: Con kêu van Ngài, bởi Ngài nhậm lời con, lạy Chúa, xin ghé tai về bên con, xin nghe rõ tiếng con. Xin tỏ ra đức từ bi lạ lùng của Chúa, là Ðấng giải thoát khỏi bọn đối phương, những ai tìm nương tựa tay hữu của Ngài.
Xướng: Xin che chở con trong bóng cánh tay Ngài. Phần con, nhờ công chính, sẽ được thấy thiên nhan, khi thức giấc, con no thoả nhìn chân dung Chúa.
Tin mừng: Lc 8, 1-3
1 Sau đó, Đức Giê-su rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa.
Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai 2 và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Đó là bà Ma-ri-a gọi là Ma-ri-a Mác-đa-la, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, 3 bà Gio-an-na, vợ ông Khu-da quản lý của vua Hê-rô-đê, bà Su-san-na và nhiều bà khác nữa.
Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giê-su và các môn đệ.
Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Chúa mời tất cả mọi người cộng tác với Chúa trong công cuộc rao giảng Tin Mừng. Đó là bổn phận của chính chúng ta.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, ngày ấy Chúa rảo qua khắp các thành thị và làng mạc nước Pa-lét-tin. Chúa giảng dạy không ngơi nghỉ, Chúa làm phép lạ cứu chữa tật bệnh cho dân, Chúa loan báo Tin Mừng cứu độ cho toàn thể nhân loại. Ngày ấy, cánh đồng truyền giáo rộng mở: đoàn đoàn lớp lớp người đến nghe Chúa giảng, xin Chúa chữa lành. Cả nam, cả nữ, cả thiếu nhi vây quanh Chúa. Tất cả chăm chú lắng nghe ghi lòng tạc dạ điều Chúa truyền dạy… Ngay đến những người phụ nữ thường bị xã hội Do thái coi thường cũng đem hết nhiệt tình phục vụ Chúa. Hết thảy đều cộng tác vào việc rao giảng Tin Mừng Nước Chúa.
Lạy Chúa, hôm nay Hiền Thê yêu quý của Chúa là Giáo Hội, cũng đang đẩy mạnh các hoạt động truyền giáo. Toàn thể Dân Thánh Chúa đã họp lại để cùng quyết tâm thi hành lệnh truyền của Chúa: “Các con hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian…”. Hôm nay, Chúa vẫn sai mọi thành phần trong Giáo Hội tích cực giới thiệu Chúa cho mọi người trong mọi hoàn cảnh: Tin Mừng không giới hạn ở một nền văn hoá nào, một màu da hay một miền đất nào. Tin Mừng của Chúa phải lan rộng trên toàn thế giới. Hôm nay, Giáo Hội tha thiết mời gọi từng người giáo dân, từng tu sĩ và hàng giáo sĩ cộng tác đắc lực vào công cuộc rao giảng Tin Mừng, sống chứng nhân ngay trong hoàn cảnh sống của mình.
Lạy Chúa, ngày ấy và hôm nay vẫn chỉ là một lời mời gọi đem Chúa đến cho mọi người, mọi nơi. Xin Chúa giúp con ý thức sứ mệnh của con và hăng say thực thi lệnh Chúa truyền. Amen.
Ghi nhớ: “Có mấy phụ nữ đi với Người và họ đã lấy của cải mình mà giúp Người”.
Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Phân tích (Hạt giống…)
Bảng tóm lược những người đi theo Chúa Giêsu trên bước đường rao giảng Tin Mừng:
Nhóm 12.
Các phụ nữ: trong số đó có người đã từng bị tà thần khống chế, có người bình dân và có người quyền quý. Các bà giúp Ngài bằng công sức và bằng tiền của nữa.
B. Suy niệm (…nẩy mầm)
1. Chúa Giêsu đang rao giảng khắp nơi loan báo Tin Mừng. Tin Mừng Ngài loan báo là sự giải phóng con người khỏi mọi thứ nô lệ. Nguyên việc có một số phụ nữ được đi theo chia sẻ sứ mạng của Ngài cũng là một dấu chỉ của Tin Mừng giải phóng ấy, vì thời đó người ta coi khinh phụ nữ, không cho phụ nữ tham gia những sinh hoạt công khai ngoài xã hội.
Ta hãy học cùng Chúa lòng tôn trọng mọi người không phân biệt nam nữ, lớn bé, giàu nghèo
2. Chúa muốn chia sẻ sứ mạng loan Tin Mừng cho hết thảy mọi người, trong đó có cả phụ nữ là hạng bị thời đó coi khinh, trong đó có cả tôi.
3. Nam và nữ, mỗi phái đều có sự phong phú riêng để đóng góp vào việc xây dựng Giáo hội và xã hội. Sự phong phú đặt biệt của phái nữ là tình yêu, sự dịu dàng, kiên nhẫn, bao dung
4. Thầy giáo giải thích cho cả lớp nghe về chuyện Chúa dựng nên Adam và Eva. Tuần sau, Thầy gọi học sinh trả bài. Một chú bé đứng lên tả việc Chúa dựng nên Adam. Rồi một cô bé tiếp: “Chúa dựng nên Adam xong, Ngài đứng ngắm và phán: “Ta sẽ làm đẹp hơn”, và Ngài dựng nên Eva”.
5. ”Cùng đi với Chúa Giêsu, có mấy bà phụ nữ là Maria Mácđala là người được giải thoát khỏi bả quỷ, bà Giona, bà Susanna và nhiều bà khác nữa. Các bà này đã lấy của cải của mình bà giúp đỡ Chúa Giêsu và các môn đệ” (Lc8,2-3).
Thế giới này không chỉ xây dựng bởi phái nam mà còn có cả bàn tay của phái nữ nữa. Dù là nam hay nữ tôi cũng được Thiên Chúa dựng nên và cho vinh dự góp phần làm nên hạnh phúc của chính mình. Tôi phải là cách tay nối dài của Chúa, đem Lời Chúa thấm nhuần mọi lĩnh vực. Không chỉ là người nam mới làm nên chuyện, mà người nữ hôm nay đã có mặt hầu hết trong mọi lĩnh vực xã hội.
Ước gì các chị em biết phái huy cá tính, biết lấy sự êm ái dịu dàng để xây dựng hòa bình, biết tha thứ để tạo nên an hòa, biết cảm thông và chia sẻ với mọi người, biết sống âm thầm thanh đạm để cứu vớt bao linh hồn. Hãy tô đẹp cuộc đời bằng vẻ đẹp dịu hiền và làm vẻ vang cho thiên chức làm mẹ.
6. Mầm khác.
Những bà Mẹ phi thường
Leonardo Bop, một nhà thần học nổi danh người Brazil thuật lại:
Ngày kia một người đàn bà mà tôi quen biết vài năm nay goị tôi ra một nơi và nói nhỏ” Thưa cha, con muốn tiết lộ cho cha một bí mật. Xin cha đến nhà con.”
Đến nhà bà ta, vào phòng ngủ của đứa con trai bà. Đó chính là một quái thai. Đầu đứa nhỏ to như đầu người lớn, nhưng thân mình của nó bé tí xíu. Đôi mắt nó nhìn chằm chằm lên trần nhà,lưỡi nó thò ra thụt vào như lưỡi rắn. Tôi rùng mình thốt lên: “Chúa ơi!” Nhưng bà ta nói: “ Thưa Cha, từ tám năm nay con chăm sóc đứa con này của con, nó chỉ biết có một mình con mà thôi, và con rất hài lòng về nó, hầu như không một người nào khác biết đến sự hiện diện của nó” – Rồi bà ta lớn tiếng nói: “ Thiên Chúa là Đấng nhân lành. Ngài là Cha”. Bà ta nhìn lên trời nói tiếp với giọng bình thản: “Xin vâng ý Cha dưới đất cũng ngư trên trời”
Leonardo Bop cho biết: “Tôi rời nhà bà ta không nói được một lời nào. Đầu tôi cúi xuống kinh hoàng vì đứa trẻ quái thai, đồng thời ngỡ ngàng vì thái độ bình thản của bà mẹ. Rồi bất chợt một câu Kinh Thánh xuất hiện trong đầu tôi. Lời Chúa Giêsu nói với người đàn bà mắc bệnh hoại huyết: “Hỡi bà đức tin của bà thật lớn lắm”
Quả thực đức tin của người đàn bà xứ Brazil trên đây thật là lớn lao dường nào! bà không chửi trời trách đất vì có đứa con quái thai như thế trái lại bà đã sống trọn tinh thần lời Chúa dạy: “Hai con chim sẻ mới bán được mộtđồng, thế mà không một con nào rơi xuống đất ngoài ý Cha chúng con. Tóc trên đầu chúng con đã được đếm cả rồi”. Và như lời thánh Phaolô tông đồ đã nói với các tín hữu Roma: “Mọi sự đều cộng tác để mang lợi ích cho những người cólòng kính mến Chúa”
Chính lòng yêu mến Chúa đã ban sức mạnh cho người phụ nữ Brazil đây chấp nhận nghịch cảnh đau thương, chấp nhận đứa con tàn tật củabà mà không kêu than và tìm cach sát hại con mình.
Ngày 24.4.1994 Đức Thánh Cha đã tôn phong chân phước cho hai bà mẹ gia đình” Bà Giana Beritta, người đã chấp nhận cái chết khi sinh con để con được sống. Và bà Elizabeth Catannory, người đã bị chồng ruồng bỏ để đi theo tình nhân và tệ hơn nữa hại đứa con gái đầu lòng đã chết khi vừa mới chào đời. Tuy nhiên bà vẫn trung thành với sứ mạng làm vợ, làm mẹ. Bà đã biết chấp nhận những hy sinh để xin ơn thánh hóa bản thân cũng như tha nhân theo tinh thần của Dòng Chúa Ba Ngôi mà Bà gia nhập như hội viên dòng Ba. Niềm minh ước của bà đã được thể hiện sau khi bà qua đời người chồng đã trở lại, lúc dầu cũng xin gia nhập dòng Chúa ba Ngôi và sau đó đã trở thành Linh mục dòng Phanxicô.
Trong bài giảng thánh lễ phong chân phước Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nhận định rằng: “Việc làm mẹ có thể trở thành nguồn vui nhưng thường cũng là nguồn đau khổ. Trong trường hợp đó, tình yêu trở nên thật cần thiết ở mức độ anh hùng trong con tim của bà mẹ. Ngày hôm nay chúng tôi muốn tôn kính không những hai bà mẹ phi thường này mà còn cả bao nhiêu bà mẹ khác, không quản ngại hy sinh để giáo dục con cái của mình”
Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban thêm sức mạnh cho bao nhiêu gia đình đang đau khổ vì có những người con tật nguyền, bất bình thường. Xin Chúa trở thành nguồn vui mang lại ơn thánh hoá cho họ và cho tha nhân.
Xin cho họ biết vâng ý Cha dưới đất cũng như trên trời như bà mẹ Brazil can đảm trên đây, hoặc như nữ chân phước Elizabeth Catanory.
Xin Chúa cũng dạy chúng ta biết quảng đại, nâng đỡ và cảm thông với những gia đình đang gặp khó khăn, bất hạnh, những bà mẹ sầu khổ vì con cái mình”
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin cho mỗi chúng con biết góp sức để xây dựng Nước Chúa ở trần gian này. (Hosanna).
Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
Những người phụ nữ đi theo Đức Giêsu (Lc 8,1-3)
- Đức Giêsu không ngừng thi hành sứ mệnh của mình. Người đi khắp làng mạc, thành phố để rao giảng Tin mừng và quên cả mệt nhọc. Các môn đệ và các phụ nữ đi theo Đức Giêsu cũng cộng tác với Ngài trong sứ mệnh ấy. Đặc biệt tác giả Luca cho biết những người phụ nữ theo Chúa là những người đã được Chúa trừ quỷ và chữa lành bệnh. Họ lấy của cải giúp đỡ Chúa. Tất cả những ai được Thiên Chúa kêu gọi và ban ơn đều cùng với Đức Giêsu đi loan báo Tin mừng cứu độ.
- Giữa một xã hội Do thái trọng nam khinh nữ, thậm chí người phụ nữ được xếp hạng thứ sáu, đứng sau cả vật nuôi. Người phụ nữ Do thái hầu như không có tiếng nói, đến cả việc cưới xin và ly hôn cũng do quyết định của người nam. Xuyên suốt Thánh kinh Cựu ước, hầu như lãng quên bóng dáng của người phụ nữ, rải rác một ít chỗ nhắc tới một số phụ nữ, nhưng phần lớn thường là những chuyện chẳng vẻ vang gì (trừ Judith, Esther và vài tiên tri), thậm chí còn coi họ như là cạm bẫy cho đàn ông. Các luật sĩ Do thái tuyệt đối không nhận phụ nữ làm đồ đệ, họ phân biệt đối xử trong mọi sinh hoạt xã hội, kể cả việc phụng tự và các nghi lễ thanh tẩy (Hiền Lâm).
- Trong bài Tin mừng hôm nay, để nói lên sự bình đẳng giữa nam và nữ, Đức Giêsu cho các phụ nữ tham gia vào sinh hoạt của Nhóm Mười Hai. Sự hiện diện và phục vụ của họ bên cạnh Đức Giêsu và nhóm Mười Hai chứng tỏ rằng: trong Giáo hội của Ngài không hề có sự phân biệt phụ nữ. Sự kiện những phụ nữ đi theo Đức Giêsu ngay từ lúc Ngài bắt đầu sứ vụ công khai chứng tỏ rằng: họ là những người đồng hành với các Tông đồ trong việc loan báo Tin mừng của Ngài. Có sứ mệnh và trách nhiệm loan báo sứ điệp Tin mừng, đây là thể hiện cao độ nhất của sự bình đẳng của nữ giới.
- Đồng hành với Đức Giêsu, không chỉ có Nhóm Mười Hai, mà còn có các phụ nữ – là những người đã được Ngài trừ cho khỏi quỷ và chữa lành bệnh. Tác giả Luca còn cho biết thêm, họ “lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giêsu và các môn đệ”. Tuy nhiên, không phải chỉ có vậy, đi theo thầy Giêsu, họ còn bị đòi hỏi nhiều hơn nữa: “Ai yêu cha mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy”(Mt 10,37). Như vậy, tất cả mọi người, không phân biệt nam hay nữ, giàu hay nghèo, kể cả hạng người tội lỗi, thu thuế hay chài lưới đều có cơ hội như nhau trong việc bước theo Đức Giêsu. Chỉ cần họ dám sẵn sàng từ bỏ mọi sự để “cùng đi với Ngài” (5 phút Lời Chúa).
- Thầy giáo giải thích cho cả lớp nghe về chuyện Chúa dựng nên Adong và Evà. Tuần sau, thầy gọi học sinh trả bài. Một chú bé đứng lên tả việc Chúa dựng nên Adong. Rồi một cô bé nói tiếp: Chúa dựng nên Adong xong, Người đứng ngắm và tự nhủ: “Ta sẽ làm đẹp hơn”, và thế là, Người dựng nên Evà.
Thiên Chúa dựng nên người phụ nữ với những đức tính rất tốt đẹp: kiên trì, hy sinh, quảng đại… Nhờ vậy, họ có thể chu toàn nhiều vai trò rất quan trọng: sinh sản, nuôi dạy và giáo dục con cái trong gia đình, đồng thời cộng tác với mọi người để xây dựng xã hội ngày một tốt đẹp hơn.
Trong Giáo hội, người phụ nữ cũng có sứ mệnh quan trọng: cộng tác với mọi người để loan báo Thiên Chúa cho thế giới. Câu chuyện Tin mừng hôm nay là một ví dụ cụ thể cho điều này.
- Nhìn lại hành trình rao giảng Tin mừng của Đức Giêsu, chúng ta thấy rất rõ những người đi theo Ngài đâu có mấy người thế giá trong dân? Điển hình như các Tông đồ là những người nhà quê, ít học, vụng về hoặc tội lỗi khét tiếng! Nói chung là lý lịch thuộc hạng bất hảo! Bên cạnh đó, cũng có một số phụ nữ đi theo, các bà là những người cũng không mấy tốt lành nguyên thuỷ. Điển hình như Maria Mađalena, bà là người đã từng bị quỷ ám. Còn bà Gioanna thì lại là vợ viên quản lý của Hêrôđê.
Tuy xuất phát điểm khác nhau, nhưng khi được Đức Giêsu mời gọi, cuộc đời của các Tông đồ và những người phụ nữ này đã “buông theo ân sủng” để gặp nhau cùng một mẫu số chung, đó là: gặp được Đức Giêsu, cảm nghiệm được tình thương của Ngài, đặt niềm tin nơi Ngài, sẵn sàng sám hối, biến đổi, quảng đại để đi theo Ngài và phục vụ Ngài cách chân thành.
- Truyện: Phong chân phước cho hai phụ nữ
Ngày 24/4/1994, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tôn phong chân phước cho “Hai bà mẹ gia đình”: bà Giana Beritta, đã chấp nhận cái chết khi sinh con để con được sống. Và bà Elizabeth Catannory, người đã bị chồng ruồng bỏ để đi theo tình nhân và tệ hơn nữa đã hại đứa con gái đầu lòng làm cho nó phải chết khi vừa mới chào đời. Tuy nhiên, bà vẫn trung thành với sứ mệnh làm vợ, làm mẹ, bà đã biết chấp nhận những hy sinh, để xin thánh hoá bản thân cũng như tha nhân theo tinh thần của dòng Chúa Ba Ngôi mà bà gia nhập như hội viên dòng ba. Niềm mong ước của bà đã được thể hiện sau khi bà qua đời: người chồng đã trở lại, lúc đầu cũng xin gia nhập dòng Chúa Ba Ngôi và sau đó đã trở thành linh mục dòng Phanxicô.
Trong bài giảng lễ phong chân phước, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nhận định rằng: “Việc làm mẹ có thể trở thành nguồn vui, nhưng thường cũng là nguồn đau khổ. Trong trường hợp đó, tình yêu trở nên thật cần thiết ở mức độ anh hùng trong con tim của bà mẹ. Ngày hôm nay, chúng tôi muốn tôn kính không những hai bà mẹ phi thường này mà còn biết bao bà mẹ khác, không quản ngại hy sinh để giáo dục con cái của mình”.
Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Khi cảm thấy mình không thể yêu Đức Giêsu như mình muốn, thánh Têrêsa Avila đã khóc sướt mướt và cầu xin thánh Maria Mađalêna hướng dẫn mình trên con đường hoán cải để yêu Đức Giêsu được như ngài đã yêu khi ngài thấy Đức Giêsu chết trên thánh giá, và để sống chiêm niệm khi không có sự hiện diện cụ thể của Đức Giêsu nữa (Thánh Têrêsa Giêsu, “Oeuvres complètes “, éd. Du Seuil, Paris, 1949, pp. 88 và 1058).
Thánh Têrêsa Lisieux liên tưởng tới người phụ nữ tội lỗi ăn năn ấy khi tỏ lòng thán phục sự “liều lĩnh thật đáng yêu của thánh nhân, đã làm vui lòng Đức Giêsu” (Ibid., p. 441) ngài cũng thông cảm với ước muốn của Maria Mađalêna là được chạm đến Đức Giêsu. Ngài còn cảm phục sự hoán cải nội tâm nảy sinh trong tâm hồn Maria Mađalêna, khi cô nhìn thấy mình có thể gặp thấy Đức Giêsu bằng cách bước vào tâm hồn Thiên Chúa mà “không quanh co dối trá” (Ibid., p.1409) nhưng “nấp vào thâm cung của thánh nhan Ngài” (Ibid., p. 814) (Theo Lm. Phêrô Đặng Xuân Thành). Thật thế, các phụ nữ trong Tin Mừng luôn luôn là nguồn cảm hứng cho những ai gắn bó với Đức Giêsu và muốn phục vụ Ngài.
Suy niệm
Trong ba năm rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu có nhóm các môn đệ là những người sát cánh trực tiếp với Ngài và làm chứng cho Ngài (x. Lc 23,49). Ngài cũng có nhóm phụ nữ đi theo qua các làng mạc và trên các nẻo đường Galilê. Cả hai nhóm là nhân chứng cho những hành động, quyền năng và những giáo huấn của Chúa Giêsu và sẽ sát cánh với nhau. Các phụ nữ tuy không rao giảng nhưng lo việc ăn uống cho những người truyền giáo: “Các bà đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Chúa Giêsu và các môn đệ” (Lc 8,3).
Trong Tin Mừng không nói nhiều về các phụ nữ này, có nhắc tới một người trước đây bệnh hoạn bị bảy quỷ ám (x. Lc 11,26), Maria gọi là Mađalêna (một làng gần hồ Gênêsaret); một bà thuộc xã hội thượng lưu, Gioanna, đã từ bỏ chồng và triều đình Hêrôđê, bà Sudanna (Lc 8,3), Maria mẹ của Giacôbê (Lc 24,10), Salômê (Mc 15,40) và mẹ của anh em nhà Dêbêđê (Mt 27,56). Tuy nhiên Tin Mừng ghi nhận các bà xuất hiện trong những thời điểm quan trọng của Thầy: Lúc Chúa Giêsu chết trên thập giá và lúc chôn cất Người (x. Lc 23,49-55), ở ngôi mộ trống ở đó đặc biệt có mặt bà Maria Mađalêna và bà Gioanna; người ta cũng sẽ gặp các bà này với nhóm Mười hai và mấy người khác trong phòng lầu trên trước lễ Ngũ tuần (Cv 1,14). Ở đây các bà sống với Mẹ Chúa Giêsu, các anh em Chúa và nhóm Mười hai.
Tin Mừng nhấn mạnh các bà là những người đầu tiên được Chúa Phục sinh hiện ra đặc biệt là Maria Mađalêna (x. Mt 28,9-10; Mc 16,9-11; Ga 20,11-18), được Chúa sai đi loan báo Tin Mừng Phục sinh (Mt 28,10).
Thế giới luôn cần đến bước chân của những người theo Chúa. Xin cho Giáo hội và cho mỗi người chúng ta ý thức bổn phận tiếp nối con đường Chúa: Tích cực dùng tất cả các khả năng và ân lộc Chúa ban để đóng góp công cuộc loan báo Tin Mừng Phục sinh.
Ý lực sống
Các phụ nữ theo Chúa đã sống “kinh nghiệm” của những người đã theo Thầy trong cuộc khổ nạn và Phục sinh của Ngài.
Nguồn: WGPSG