BÀI ĐỌC I: 1 Ga 4, 11-18
“Nếu chúng ta thương yêu nhau, thì Thiên Chúa ở trong chúng ta”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.
Các con thân mến, nếu Thiên Chúa thương yêu chúng ta dường ấy, thì chúng ta cũng phải thương yêu nhau. Chẳng ai thấy Thiên Chúa bao giờ, nếu chúng ta thương yêu nhau, thì Thiên Chúa ở trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta đã được tuyệt hảo. Do điều này mà chúng ta biết chúng ta ở trong Người và Người ở trong chúng ta là Người đã ban Thánh Thần cho chúng ta. Và chúng ta đã thấy và chứng nhận rằng Chúa Cha đã sai Con Mình làm Đấng Cứu Thế. Ai tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, thì Thiên Chúa ở trong người ấy và người ấy ở trong Thiên Chúa. Còn chúng ta, chúng ta đã biết và tin nơi tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta.
Thiên Chúa là Tình Yêu, và ai ở trong tình yêu, thì ở trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở trong họ. Do đó, tình yêu của Thiên Chúa đã trọn vẹn đối với chúng ta, để chúng ta tin tưởng trong ngày phán xét, vì Người thế nào, thì chúng ta cũng thế ấy ở thế gian này. Nơi tình thương không có sự sợ hãi, nhưng tình thương trọn lành thì loại bỏ sợ hãi ra ngoài, vì sợ hãi mang theo hình phạt, và người nào sợ hãi thì không hoàn hảo trong tình thương.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 71, 2. 10. 12-13
Đáp: Lạy Chúa, muôn dân khắp mặt đất sẽ thờ lạy Chúa (c. 11).
Xướng: 1) Lạy Chúa, xin ban quyền xét đoán khôn ngoan cho đức vua, và ban sự công chính cho hoàng tử, để người đoán xét dân Chúa cách công minh, và phân xử người nghèo khó cách chính trực. – Đáp.
2) Các vua xứ Tác-xi và quần đảo sẽ mang lễ vật đến, các vua xứ Ả-rập và Saba sẽ đem triều cống lễ vật. – Đáp.
3) Vì Người sẽ cứu thoát kẻ nghèo khó khỏi tay kẻ quyền thế, và sẽ cứu người bất hạnh không ai giúp đỡ. Người sẽ thương xót kẻ yếu đuối và người thiếu thốn, và cứu thoát mạng sống kẻ cùng khổ. – Đáp.
Tin mừng: Mc 6, 45-52
(Khi năm ngàn người đã được ăn no), 45 Chúa Giêsu liền giục các môn đệ xuống thuyền, qua bờ bên kia trước mà đến Bếtsai-đa, đang khi Người giải tán dân chúng.
46 Giải tán họ xong, Người lên núi cầu nguyện. 47 Chiều đến, thuyền đã ra giữa biển, còn Người thì một mình ở trên đất.
48 Khoảng canh tư đêm tối, Người thấy họ khó nhọc chèo chống vì ngược gió, Người đi trên mặt biển mà đến với họ, và Người muốn vượt qua trước họ.
49 Họ thấy Người đi trên mặt biển, thì tưởng là ma, nên la hoảng lên. 50 Vì ai nấy đều thấy Người và hoảng hốt, nên Người liền lên tiếng bảo họ rằng: “Hãy yên trí, chính Thầy đây, đừng sợ”.
51 Rồi Người lên thuyền họ, và gió im lặng. Tâm hồn họ lại càng sửng sốt hơn, 52 vì họ chưa hiểu gì về vấn đề bánh: lòng họ còn mù tối.
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Giữa biển đời sóng gió, Chúa Giêsu vẫn hiện diện bên ta dù ta không thấy. Sự hoài nghi làm ta sợ hãi và chìm xuống biển sâu. Còn lòng tin sẽ giúp ta nhận ra Chúa và bước đi trong bình an.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chẳng bao giờ Chúa bỏ các tông đồ một mình trong sóng gió. Chúa luôn có mặt chính lúc các ngài đang gặp thử thách. Chúa đến củng cố niềm tin các ngài: “Cứ yên tâm, Thầy đây, đừng sợ”.
Lạy Chúa, hôm nay con nhớ đến Giáo hội đang gặp những cơn sóng gió, những khủng hoảng, đang phải đương đầu với nhiều thế lực, những quyền bính, những phong trào: tất cả như những đợt sóng vùng lên đòi nhận chìm chân lý.
Con cũng nhớ đến những khủng hoảng của loài người trong xã hội hôm nay: khủng hoảng của gia đình và của chính bản thân con. Con đang bị vật nhào giữa biển đời đầy bất công, hận thù, con đang quay cuồng trong dòng sông gian nan vất vả, và linh hồn con đang thoi thóp giữa cơn sóng gào tội lỗi.
Con cầu nguyện cho những người đang gặp khủng hoảng về niềm tin. Xin Chúa giúp họ vượt thoát được những ngày đen tối của cuộc đời. Đặc biệt, đối với những kẻ đang chao đảo vì cuộc sống hôm nay, xin Chúa đoái thương giúp họ luôn vững tin vào Chúa và gặp được sự bình an trong tâm hồn.
Lạy Chúa, con vẫn tin tưởng Chúa không bao giờ bỏ rơi con. Xin Chúa đến nâng đỡ để con đi trọn hành trình trần gian trong bình an của Chúa. Xin an ủi và giúp con vượt qua những đau khổ. Xin cho con nhận ra Chúa vẫn ở bên con và cho con biết tin tưởng vào tình Chúa yêu thương. Lạy Chúa, niềm tin vào Chúa sẽ là sức mạnh và bình an cho con luôn mãi. Amen.
Ghi nhớ: “Họ thấy Người đi trên mặt biển”.
2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A- Phân tích (Hạt giống…)
– Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, Chúa Giêsu “liền giục các môn đệ xuống thuyền” đi nơi khác. Chi tiết này có nhiều ý nghĩa:
a/ Còn phải truyền bá Phúc Âm cho nhiều nơi khác nữa;
b/ Việc các môn đệ ở lại nơi đã xảy ra phép lạ hóa bánh ra nhiều có thể là một nguy hiểm, vì nó trói buộc các ông trong sự quyến luyến những lời khen ngợi và tình cảm biết ơn của những người đã được ăn bánh.
– Phần Chúa Giêsu thì “Ngài lên núi cầu nguyện”: sau một giai đoạn hoạt động ồn ào và mệt mỏi, Chúa thấy cần phải cầu nguyện để múc thêm sức mạnh siêu nhiên.
– Phần tiếp theo là câu chuyện Chúa Giêsu đi trên mặt nước. Đây cũng là một phép lạ nữa mà ý nghĩa có liên hệ tới ý nghĩa phép lạ hóa bánh ra nhiều (x. Mc 6,52 – cho thấy sự liên hệ đó: các môn đệ bàng hoàng trước việc Chúa Giêsu đi trên mặt biển “vì họ chưa hiểu gì về vấn đề bánh”). Ý nghĩa của việc này là: Chúa Giêsu là Môsê mới. Ngày xưa Môsê đã cho dân Do Thái ăn manna, Chúa Giêsu cũng vừa làm như vậy; ngày xưa Môsê đưa dân Do Thái qua Biển mà vẫn khô chân, bây giờ Chúa Giêsu đi trên mặt biển một cách an toàn.
B- Suy gẫm (… nẩy mầm)
1. Sứ mạng của các môn đệ là truyền bá Phúc Âm khắp nơi. Bởi đó mặc dù sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, dân chúng quyến luyến mến phục các môn đệ, Chúa cũng “bắt” họ “lập tức” rời nơi đó để đi đến các nơi khác. Nếu tình cảm nhân loại tự nhiên mà cản trở sứ mạng của chúng ta, thì dù nó có chính đáng đi nữa, ta cũng không nên quá quyến luyến để nó trở thành bận vướng.
2. Cuộc hành trình của các môn đệ (và của chúng ta) đôi khi khó khăn nguy hiểm như đang đi trong bão táp. Cảm giác tự nhiên là hoảng sợ như đang gặp ma. Nhưng nếu biết có Chúa đang đồng hành thì ta sẽ yên tâm: “Chính Thầy đây, đừng sợ”.
3. Bão táp diễn ra khi các môn đệ đi thuyền qua “bờ bên kia”, tức là qua vùng đất của dân ngoại. Cơn bão này tượng trưng cho những khó khăn nguy hiểm trong việc truyền bá Phúc Âm cho dân ngoại. Nỗi sợ của các môn đệ cũng là nỗi e ngại sợ sệt của các nhà truyền giáo khi đứng trước vùng đất lạ của lương dân. Lời Chúa Giêsu trấn an các môn đệ xưa cũng là Lời Ngài trấn an chúng ta ngày nay: “Chính Thầy đây, đừng sợ”.
4. Một người hành hương gặp bệnh dịch đang vào Baghdad. Anh hỏi bệnh dịch: “Mi định làm gì ở đó ?”
– Tôi sẽ giết 5000 người.
Người hành hương rùng mình và thay đổi dự định. Tuy nhiên, ít lâu sau anh gặp một người từ trong thành phố bị nạn dịch đó và được biết không phải 5000 nhưng là 50.000 người chết.
Liền sau đó anh lại gặp bệnh dịch đang đi tới một thành phố khác. Ông buộc tội: “Anh nói láo. Anh nói sẽ chỉ giết 5000 người thôi mà”.
Bệnh dịch giải thích cách vui vẻ: “Tôi chỉ giết có 5000 người. Số còn lại chết vì hoảng sợ” (Góp nhặt).
Nỗi sợ gây thiệt hại nhiều hơn những hiểm nguy có thực.
5. “Hãy yên trí, chính Thầy đây, đừng sợ.” (x. Mc 6,50)
Tôi thường tan học và trở về nhà vào khoảng 9 giờ tối. Tối nay trời mưa gió. Bất chợt tôi nghe có tiếng một người đàn ông bên cạnh: “Đi chậm lại. Ướt hết rồi!”. Tôi sợ hãi và càng đạp xe nhanh hơn. Về đến nhà tôi mới biết người ấy chính là đứa em trai của tôi. Tôi rất cảm động trước sự quan tâm của nó.
Các tông đồ cũng đã trải qua một phen bàng hoàng sửng sốt trước khi nhận ra Chúa đã đến cứu giúp mình khi hoạn nạn. Những lúc thất bại hay khổ đau, dường như tôi không thấy Chúa đâu cả. Nhưng thực sự Ngài vẫn ở bên tôi, và khi cần, Ngài sẵn sàng ra tay trợ giúp.
Lạy Chúa, xin cho con luôn nhận ra sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống. Và khi gặp thử thách gian truân, xin cho con nghe được tiếng Chúa khích lệ “Hãy yên trí, chính Thầy đây, đừng sợ!”. (Epphata)
3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
Đức Giêsu đi trên biển (Mc 6,45-52)
- Với phép lạ hóa bánh ra nhiều, 5000 người đã ăn no nê. Thấy vậy họ muốn tôn Chúa làm vua, nên Chúa bảo các môn đệ xuống thuyền lánh đi trước, còn Người ở lại giải tán dân chúng và lên núi cầu nguyện. Đang khi Người cầu nguyện, thuyền các môn đệ bị sóng gió đánh tạt ra giữa biển… Mãi đến canh tư (3 giờ sáng), Người nhìn thấy các môn đệ chèo chống vất vả nên đi trên mặt nước đến với các ông. Các ông thấy bóng Người thì tưởng là ma nên kêu la inh ỏi. Người liền lên tiếng bảo: “Thầy đây, đừng sợ!” Rồi Người lên thuyền, sóng gió liền yên lặng. Còn các môn đệ vẫn kinh khiếp sợ hãi vì các ông chưa tin Người là Thiên Chúa.
- Trong cuộc sống ai cũng muốn cho mình có một đời sống an toàn, được bảo đảm, không gặp những thử thách, những trở ngại làm cho mình phải lo sợ. Đấy là ước vọng chúng của mọi người. Nhưng trong thực tế, không ai có cuộc đời tươi đẹp như thế, bao lâu còn ở trên trần thế này. Cuộc đời không thiếu gì chông gai, không thiếu gì những gian nan thử thách làm cho nhiều người có thể vươn lên và có thể làm cho nhiều người tụt xuống.
Cuộc đời giống như con thuyền trên biển cả. Cuồng phong chỉ muốn nhấn chìm, chỉ muốn tiêu diệt tất cả trong lòng biển, cho nên cuồng phong là biểu tượng cho tất cả những gì ngăn cản con người tiến bước trong hành trình đức tin. Các môn đệ phải nỗ lực để băng qua biển, chống chọi lại cuồng phong là biểu tượng của mỗi người chúng ta đương đầu với mọi thế lực muốn tiêu diệt chúng ta.
- Nhưng sau cơn mưa thì trời lại sáng, hành trình vượt biển đầy sóng gió kết thúc trong yên tĩnh vì “gió lặng” sau khi “chiếc thuyền bị sóng đánh vì gió ngược”. Chiếc thuyền cũng là hình ảnh một Hội thánh nói chung đang bập bềnh trên sóng nước của trần gian và của mọi người chúng ta trước những gian nan khốn khó của cuộc đời làm ta yếu tin, nghi ngờ.
Vị Thầy của các ông không có mặt ở trong thuyền, các ông chờ đợi Ngài sẽ xuất hiện vào lúc đêm tàn. Người đã trấn an các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ”. Cảnh thanh bình tràn ngập trong sự hiện diện của Đức Giêsu Kitô “Thiên Chúa ở với chúng ta trong thuyền, thực sự hiện diện trong cộng đoàn đức tin khi làm cho con thuyền Giáo hội vượt qua cơn bão tố” (NIB vol. VIII:30).
- Trong cơn gian nan thử thách ta hay thất bại, nản lòng vì chỉ tin vào sức mình hay vào người khác. Để vượt qua những khó khăn ấy, Chúa đòi chúng ta phải có lòng tin vào Chúa.
Nhìn lại những thăng trầm của cuộc đời, mỗi khi chúng ta được sống trong bầu khí an vui, được hài lòng với mọi sở nguyện, chúng ta sẽ dễ dàng xác tín và cảm nhận mạnh mẽ sự quan phòng của Chúa. Thế nhưng khi gặp phải những gian nan thử thách, những điều bất ưng, những nghịch cảnh – như các môn đệ xưa ở giữa sóng gió – chúng ta dễ dàng hoang mang lo sợ và không nhận ra Ngài. Bởi lẽ chúng ta đã quá lo lắng về cuộc sống và chỉ biết tự lo liệu lấy một mình. Nhưng “Phúc thay ai bước đi không phải nhờ cái nhìn, mà nhờ sự phó thác của niềm tin” (Sư huynh Roger). Quả thật, lòng tin của chúng ta đã nhiều lúc yếu ớt, mong manh – một khi chúng ta không biết tín thác vào Chúa Kitô để có sự bình an, không còn chia sẻ con đường thập giá như một phương tiện để hưởng nhờ vinh quang với Ngài (Mai Chi, CG và DT, số Giáng sinh 1995, tr 228).
- Có một sự kiện đơn giản ở đời, một sự kiện đã được vô số người thuộc mọi thế hệ cảm nghiệm, ấy là khi có mặt Chúa Giêsu, thì bão tố trở thành yên lặng, náo loạn trở thành bình an, việc bất khả trở thành khả hữu, việc không tài nào chịu đựng nổi biến thành có thể chịu đựng được, và người ta vượt điều đáng lẽ phải ngã quỵ mà không bị ngã xuống, có Chúa Giêsu cùng đi với chúng ta, điều đó cũng có nghĩa là chúng ta sẽ chinh phục được cả bão tố.
Có một bà nổi tiếng đạo đức, nhân hậu và luôn bình tĩnh trước mọi thử thách. Một bà khác ở xa ít dặm, nghe nói thì tìm đến, hy vọng học được bí quyết để sống bình tâm và hạnh phúc. Bà hỏi:
– Thưa bà, có phải bà có một đức tin lớn lao ?
– Ồ không, tôi không phải là người có đức tin lớn lao, mà chỉ là người có đức tin nhỏ bé đặt vào một Thiên Chúa lớn lao.
- Truyện: Hãy nhìn lên
Vào lúc mới có thuyền buồm, một cậu bé nọ xin đi biển để học làm thuỷ thủ. Một hôm biển có bão, người ta bảo cậu leo lên trên cột buồm. Leo được nửa phần đầu thì dễ dàng, vì cậu cứ đưa mắt gắn chặt vào bầu trời. Nhưng đến lưng chừng chóng mặt và sắp sửa ngã xuống.
Thấy thế, một thuỷ thủ già la to lên với cậu: “Này nhóc, ngước nhìn lên lại bầu trời đi! Nhìn lên lại bầu trời đi!” Cậu bé nghe theo lời chỉ dẫn và cuối cùng đã leo lên được an toàn.
Lỗi lầm của cậu bé là đã rời mắt khỏi đích nhắm của mình và đã nhìn xuống mặt biển, không biết nhìn lên. Cũng thế, trong đời sống thiêng liêng nếu ta chưa cảm nghiệm được sự bình an thì chắc hẳn là vì chúng ta rời khỏi mắt đi xa Chúa Giêsu.
Nguồn: WGPSG