BÀI ĐỌC I: Cv 5, 17-26
“Kìa, những người mà các ông tống ngục, hiện đang đứng giảng dạy dân chúng trong đền thờ”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, vị thượng tế và mọi người thuộc phe ông, tức là phái Sađốc, đầy lòng phẫn nộ; họ ra tay bắt các tông đồ tống ngục. Nhưng đến đêm, Thiên Thần Chúa mở cửa ngục, dẫn các ngài đi và nói: “Hãy đi vào đền thờ giảng dạy cho dân chúng biết mọi lời hằng sống này”. Nghe lệnh ấy, sáng sớm các ngài vào đền thờ và giảng dạy.
Lúc bấy giờ vị thượng tế và các người thuộc phe ông đến, triệu tập công nghị và tất cả các vị kỳ lão trong dân Israel, rồi sai người vào tù dẫn các tông đồ ra. Khi thủ hạ đến nơi, mở cửa ngục, không thấy các tông đồ, họ liền trở về báo cáo rằng: “Thật chúng tôi thấy cửa ngục đóng rất kỹ lưỡng, lính canh vẫn đứng gác ngoài cửa, nhưng khi chúng tôi mở cửa ra, thì không thấy ai ở bên trong cả”.
Khi nghe các lời đó, viên lãnh binh cai đền thờ và các thượng tế rất lúng túng, không biết rõ công việc đã xảy đến cho các tông đồ. Lúc đó có người đến báo tin cho họ rằng: “Kìa, những người mà các ông đã tống ngục, hiện đang đứng giảng dạy dân chúng trong đền thờ”. Bấy giờ viên lãnh binh cùng các thủ hạ tới dẫn các tông đồ đi mà không dùng bạo lực, vì sợ bị dân chúng ném đá.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 33, 2-3. 4-5. 6-7. 8-9
Đáp: Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe (c. 7a).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Tôi chúc tụng Chúa trong mọi lúc, miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người. Trong Chúa linh hồn tôi hãnh diện, bạn nghèo hãy nghe và hãy mừng vui. – Đáp.
2) Các bạn hãy cùng tôi ca ngợi Chúa, cùng nhau ta hãy tán tạ danh Người. Tôi cầu khẩn Chúa, Chúa đã nhậm lời, và Người đã cứu tôi khỏi mọi điều lo sợ. – Đáp.
3) Hãy nhìn về Chúa để các bạn vui tươi, và các bạn khỏi hổ ngươi bẽ mặt. Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe, và Người đã cứu họ khỏi mọi điều tai nạn. – Đáp.
4) Thiên Thần Chúa hạ trại đồn binh chung quanh những người sợ Chúa và bênh chữa họ. Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao; phúc đức ai nương tựa ở nơi Người. – Đáp.
Tin Mừng: Ga 3,16-21
16 Khi ấy, Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người để tất cả những ai tin ở Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, 17 vì Thiên Chúa không sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ. 18 Ai tin Người Con ấy, thì không bị luận phạt. Ai không tin thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào danh Con Một Thiên Chúa 19 và đây là án luận phạt: là sự sáng đã đến thế gian và người đời đã yêu sự tối tăm hơn sự sáng, vì hành động của họ xấu xa. 20 Thật vậy, ai hành động xấu xa thì ghét sự sáng, và không đến cùng sự sáng, sợ những việc làm của mình bị khiển trách, 21 nhưng ai hành động trong sự thật, thì đến cùng sự sáng, để hành động của họ được sáng tỏ, là họ đã hành động trong Thiên Chúa.
Suy niệm 1 (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A- Phân tích (Hạt giống…)
Tiếp tục bài giáo lý về việc sinh lại: hậu quả của việc chịu hoặc không chịu sinh lại.
– Chịu sinh lại thì được cứu rỗi; không chịu thì phải hư mất (“bị luận phạt”).
– Thực ra, khi cho Con mình xuống thế gian, Thiên Chúa không hề muốn “luận phạt” thế gian (để cho hư mất), mà chỉ muốn cứu thế gian.
– Nhưng thế gian cũng phải góp phần của mình: ai tin vào Chúa Con (chịu sinh lại bởi đức tin) thì được cứu; kẻ không tin (không chịu sinh lại) thì “bị luận phạt” (hư mất)
– Sự hư mất ấy (“luận phạt”) là do chính những người ấy tự chọn cho mình. Cũng giống như một nguồn sáng đã đến trong màn đêm tăm tối, ai muốn sáng thì tới với nguồn sáng đó, kẻ không tới thì phải ở mãi trong bóng tối.
B- Suy gẫm (… nẩy mầm)
1. Dĩ nhiên được cứu thì tốt hơn bị hư mất, ở trong ánh sáng thì hạnh phúc hơn ở trong tăm tối. Thế nhưng, cũng như một người đang chìm muốn được cứu thì tối thiểu phải đưa tay cho người trên bờ kéo mình lên; người muốn sáng thì ít ra phải rời bỏ tối tăm để bước tới nguồn sáng. Chúa Giêsu chỉ cho ta thấy một thực trạng là có những người “yêu tối tăm hơn sự sáng”, đó là những người “hành động xấu xa”, họ “không đến cùng sự sáng vì sợ những việc làm của mình bị khiển trách”. Và Chúa Giêsu khuyên ta hãy can đảm yêu sự sáng và bước ra sự sáng “để hành động của họ được sáng tỏ”.
Trong tôi cũng có bóng tối. Đó là những “hành động xấu xa”. Tự nhiên, tôi muốn che dấu, tôi sợ bước ra ánh sáng. Nhưng như thế thì tôi không bao giờ được cứu, như thế là tôi tự luận phạt mình, tự để mình hư mất. Hãy yêu sự sáng, hãy can đảm bước ra ánh sáng, để cho ánh sáng soi đường cho ta. Đó là một cách để được sinh lại: không còn là con của tối tăm nữa, mà từ nay sẽ là con của sự sáng.
2. Chú bé cùng với bố đang đi trên con đường mòn trong đêm dày đặc, trên tay chỉ có cây đèn nhỏ. Bóng đêm trước mặt gây cho chú cảm giác sợ hãi mơ hồ. Chú nói với bố: “Bố ơi, chiếc đèn này chỉ chiếu sáng có chút xíu trên đường, con sợ quá!” Bố đáp: “Con ạ, ánh sáng này đúng là hơi yếu, nhưng nó cũng đủ soi cho con đi tới cuối đường”.
Đời sống Kitô hữu cũng là một con đường đầy tăm tối, nhưng Chúa luôn ban đủ ánh sáng cho mỗi bước đi. Và ta cũng chỉ cần bấy nhiêu. Nhưng ta chắc chắn một điều: ánh sáng đó không bao giờ tắt. Nếu ta lên đường, ánh sáng đó đủ soi cho ta đến cuối đường đời. (Góp nhặt)
3. Thiên Chúa bao giờ cũng muốn cứu chúng ta. Ngài ban đủ mọi phương tiện cho ta sử dụng để được cứu. Kẻ hư mất là kẻ thiếu cương quyết rời bỏ bóng tối để bước ra ánh sáng.
4. “Sự sáng đã đến thế gian và người đời đã yêu sự tối tăm hơn sự sáng, vì hành động của họ xấu xa”
Một chiều thứ bảy, anh đưa tôi dạo phố. Chúng tôi đang lặng lẽ rảo bước bên bờ hồ Xuân Hương, bỗng nhiên, một giọng nói quen thuộc cất lên: “Con chào cô!” Như một phản xạ, tôi quay lại. trước mặt chúng tôi là một em bé rách rưới, bẩn thỉu, học trò của tôi ở Trung Tâm Bảo Trợ Xã Hội. Em vui mừng, chạy lại ôm chầm lấy tôi. Nhưng… vị sợ “quê” với anh, tôi đã vờ như không quen biết nó… và để lại sau lưng, sự hụt hẫng pha lẫn tủi hờn của đứa bé mồ côi đáng thương.
Bây giờ mới rõ tôi làm việc từ thiện chỉ vì chính mình!
Lạy Chúa, xin soi sáng và mở rộng lòng con, để con nhận ra đâu là sự sáng đích thực của Chúa và can đảm theo Ngài. (Epphata)
Suy niệm 2 (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Bà cụ 104 tuổi sống trong một căn hộ nhỏ tại Croydon. Khi bà được 100 tuổi, một nhà truyền giáo đến thăm và giải thích cho bà nghe đoạn Tin Mừng Gioan 3,16: “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một Ngài để ai tin người Con đó, thì khỏi chết và được sống đời đời”.
Bà đáp: “Thật là tuyệt vời. Thiên Chúa thật tốt lành khi Ngài tha thứ cho tôi đã bỏ cả trăm năm không học biết Ngài”.
Cuộc trở lại của bà được tạp chí London City Mission thuật lại và kết thúc bằng câu: “Sinh 1825. Sinh lại 1925”.
Suy niệm
Sự ân cần của Thiên Chúa với con người được biểu hiện tuyệt vời qua Con Ngài được gửi đến thế gian mà chính Người Con đó – Đức Giêsu Kitô đã mạc khải cho nhân loại khi Ngài nói với Nicôđêmô: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3,16-17). Tình yêu dâng hiến Con của Thiên Chúa trở nên nguyên mẫu của tình yêu như Gioan định nghĩa “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8).
Tuy tình yêu không thấy được cụ thể, sờ mó cảm nghiệm như vật chất nhưng thánh Hilariô de Poitiers đã nói: “Tình yêu được thấy, được tính bằng những sự hiến tặng của chính tình yêu”.
Thật thế, chúng ta thấy được nguyên mẫu tình yêu bằng việc dâng hiến vĩ đại như thánh Hilariô de Poitiers nhấn mạnh: “Tình yêu của Thiên Chúa đã được biểu lộ bằng sự dâng hiến của chính Con Một Ngài” để cho nhân loại sống. Thánh Gioan Kim Khẩu nhấn mạnh sự dâng hiến bằng chính Người Con Một để nói về một tình yêu vĩ đại không gì có thể so sánh: “Ngài đã dâng hiến không phải là người tôi tớ, cũng không là một thiên thần, Ngài đã cho chính Con Ngài, Con duy nhất”. Tình yêu này đã được hé mở và báo trước bằng hình ảnh tổ phụ Abraham dâng hiến con mình là Isaac theo thiên ý của Thiên Chúa (x. St 22,1-19).
Tình yêu của Thiên Chúa, là tình yêu cho đi, cho đi chính Con Một, cho đi tất cả để cho nhân loại có được sự sống. Tình yêu này mời gọi tôi và bạn là những người con cũng biết cho đi làm quà tặng của nhau, vì đó là tình yêu dâng hiến mà Chúa Cha muốn chúng ta, người con thực thi như Chúa Giêsu hiến thân vì mạng sống, vì người mình yêu.
Ý lực sống
“Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15,13).
Nguồn: WGPSG