BÀI ĐỌC I: Cv 15, 1-6
“Người ta quyết định là các ngài lên Giêrusalem xin các Tông đồ và niên trưởng giải quyết vấn đề này”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, có mấy người từ Giuđê đến dạy bảo các anh em rằng: “Nếu anh em không chịu cắt bì theo luật Môsê, thì không được cứu độ”. Do đó, Phaolô và Barnaba đã tranh luận gắt gao với họ. Bấy giờ người ta quyết định là Phaolô và Barnaba và một ít người khác thuộc phe họ lên Giêrusalem gặp các Tông đồ và niên trưởng để xin giải quyết vấn đề này.
Các ngài được giáo đoàn tiễn đưa, và khi đi ngang qua Phênixê và Samaria, các ngài kể lại việc dân ngoại trở lại khiến mọi anh em đầy hân hoan. Khi đến Giêrusalem, các ngài được giáo đoàn, các Tông đồ và kỳ lão đón tiếp, rồi các ngài kể lại bao nhiêu việc Thiên Chúa đã thực hiện với các ngài. Nhưng có mấy người tín hữu thuộc nhóm biệt phái đứng lên nói rằng: “Phải cắt bì cho những người dân ngoại và bắt họ cũng phải giữ luật Môsê”. Các Tông đồ và các kỳ lão họp lại cứu xét việc này.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 121, 1-2. 3-4a. 4b-5
Đáp: Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: “Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa” (c. 1).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: “Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa”. Hỡi Giêrusalem, chân chúng tôi đang đứng nơi cửa thành rồi. – Đáp.
2) Giêrusalem được kiến thiết như thành trì, được cấu tạo kiên cố trong toàn thể. Nơi đây các bộ lạc, các bộ lạc của Chúa tiến lên. – Đáp.
3) Theo luật pháp của Israel, để ngợi khen danh Chúa. Tại đây đã đặt ngai toà thẩm phán, ngai toà của nhà Đavít. – Đáp.
Tin Mừng: Ga 15,1-8
1 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. 2 Nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào sinh trái thì Người tỉa sạch để nó sai trái hơn. 3 Các con đã được tỉa sạch nhờ lời Thầy đã nói với các con. 4 Các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con. Cũng như nhành nho tự nó không thể sinh trái được, nếu không dính liền với cây nho; các con cũng vậy, nếu không ở trong Thầy. 5 Thầy là cây nho, các con là nhành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái, vì không có Thầy, các con không thể làm được gì. 6 Ai không ở trong Thầy, thì bị vứt ra ngoài như nhành nho, và sẽ khô héo, người ta sẽ thu lại, quăng vào lửa cho nó cháy đi. 7 Nếu các con ở trong Thầy, và lời Thầy ở trong các con, thì các con muốn gì, cứ xin, và sẽ được. 8 Đây là điều làm Cha Thầy được vinh hiển là các con sinh nhiều trái, và như thế các con trở nên môn đệ của Thầy”.
Suy niệm (Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Dụ ngôn cây nho và cành nho cho thấy rằng để được sống và trổ sinh hoa trái, người Kitô hữu phải liên kết mật thiết với Chúa Kitô. Đón nhận Lời Chúa, ở lại trong tình yêu của Chúa, đó là những điều kiện để đời sống người tín hữu sinh nhiều hoa trái.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chính vì Chúa muốn con sống cuộc sống của Chúa, mà Chúa đã thông ban cuộc sống của Chúa cho con. Và Chúa thông ban liên lỉ, để cuộc sống của con đích thực là cuộc sống đón nhận từ nơi Chúa. Chính nhờ tiếp nhận sự sống từ nơi Chúa, mà con trở thành người Kitô hữu, người có Chúa Kitô, người sống cuộc sống của Chúa Kitô.
Chính sự sống của Chúa trong con làm cho các đau khổ, các nghịch cảnh, các khó khăn trong đời sống hằng ngày có một giá trị tích cực, nhờ đó cuộc sống con sinh nhiều hoa trái hơn.
Khi con tách lìa khỏi Chúa, khi con phạm tội, lúc ấy con chết vì thiếu sức sống của Chúa. Bề ngoài, tuy vẫn là Kitô hữu, vẫn tham gia các sinh hoạt trong xứ đạo, nhưng vì con để cho tội lỗi, ích kỷ ngăn cách con với Chúa, nên con đã trở thành những cành nho khô héo.
Xin Chúa giúp con xác tín điều quan trọng này, và cho con biết quý trọng sự sống mà con đã lãnh nhận nơi Chúa, để con luôn luôn kết hiệp với Chúa, siêng năng và sốt sắng lãnh nhận Mình Máu Chúa, đọc và suy niệm Lời Chúa để Lời Chúa thanh luyện con người và cuộc sống của con.
Lạy Chúa, chỉ vì muốn cho con được sống mà Chúa kêu mời con kết hợp với Chúa. Con cảm nhận tình yêu cao vời của Chúa dành cho con. Xin Chúa cho con luôn sống xứng đáng với tình yêu thương vô cùng của Chúa. Amen.
Ghi nhớ : “Ai ở trong Thầy, và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái”.
Suy niệm 1: (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A- Phân tích (Hạt giống…)
Bài giáo lý thứ 10: Dụ ngôn Cây Nho. Về sự sống trong Chúa Giêsu
Dụ ngôn này dạy chúng ta một cách vừa cụ thể dễ hiểu nhưng vừa rất sâu sắc về cuộc đời Kitô hữu:
– Kitô hữu nếu muốn sống phong phú thì phải sống trong Chúa Giêsu và sống bằng sức sống của Ngài “Thầy là cây nho, các con là nhành… Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, người ấy sẽ sinh nhiều trái”.
– Kitô hữu cũng phải chấp nhận để cho mình “được Cha Thầy tỉa sạch” bằng những việc xảy ra không đúng ý mình làm cho mình đau khổ.
– Chúa Giêsu còn hứa một điều rất tốt đẹp: “Nếu các con ở trong Thầy và Lời Thầy ở trong các con, thì các con muốn gì, cứ xin, và sẽ được”.
B- Suy gẫm (… nẩy mầm)
1. Chữ “Kitô hữu” có nghĩa là “người thuộc về Đức Kitô”. Cho nên cuộc sống Kitô hữu đương nhiên phải là sống trong Đức Kitô và sống bằng sức sống của Ngài. Muốn thế thì đương nhiên phải kết hợp chặt chẻ với Đức Kitô: bằng cầu nguyện, bằng tưởng nhớ, bằng thi hành nhưng lời Ngài dạy… Ai không làm những điều đó thì người ấy không phải là Kitô hữu thật, người ấy là nhành nho khô, sớm muộn cũng bị chặt đi và quăng vào lửa.
2. Cắt tỉa: cuộc đổi đời nào cũng thường được đánh giá bằng những cái mất và những cái được. Tuy nhiên, với con mắt đức tin, người ta vẫn nhìn thấy cái được trong cái mất… Đức Hồng Y Etchegaray có lần đã nói “Đứng trước cánh rừng, chúng ta không nên dừng lại ở tiếng ngã đổ của cây rừng, nhưng hãy lắng nghe âm thanh những mầm non đang mọc lên”. (Mỗi ngày một tin vui)
3. Thánh Anphonxô đã được Thiên Chúa cắt tỉa bằng việc ngài thất bại ê chề trong một cuộc xử kiện mà ngài làm luật sư. Thánh Inhaxiô được cắt tỉa khi bị thương què chân trong một trận chiến. Các ngài mất một điều nhưng được lại một điều khác quý giá hơn nhiều.
4. “Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho, và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi”.
Mỗi ngày đọc báo, nghe đài, xem truyền hình, tôi lại nghe đến vụ giết người dã man; những thảm hoạ của chiến tranh sắc tộc, tôn giáo, hạt nhân; những cái chết đầy thương tâm do các căn bệnh thế kỷ gây ra như Sida, Êbôla v.v… Đâu đâu cũng thấy tang thương và chết chóc.
Có lần tôi đã phải bàng hoàng sửng sốt trước mẩu tin: “Một thanh niên đã chĩa súng bắn chết bố mẹ chỉ vỉ ông bà không cho cậu tiền tiêu vặt”.
Tại sao cuộc sống hôm nay lại có nhiều tội ác đến thế ? Nguyên nhân chính phải chăng là vì con người xa lìa Thiên Chúa, chạy theo cuộc sống vật chất, do đó trở nên thái hoá, buông thả, vô đạo. Đức tin khô héo rồi chết đi.
Lạy Chúa, xin cho biết lưu lại trong Chúa qua cuộc sống yêu thương và phục vụ. (Epphata)
Suy niệm 2 (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Học trò hỏi tôn sư:
“Con phải làm gì để đạt tới Thượng Đế ?”.
“Nếu con muốn đạt tới Thượng Đế, con phải biết hai điều này. Điều thứ nhất là mọi cố gắng để đạt tới Ngài đều hoài công”.
“Còn điều thứ hai ?”.
“Con phải hành động như thể con nên một với Thượng Đế” (Một phút minh triết, nên một).
Suy niệm
Chúa Giêsu dùng hình ảnh cây nho và Thiên Chúa Cha được Ngài nhấn mạnh là người trồng nho: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho” (Ga 15,1). Hình ảnh cây nho và các cành nho được Chúa Giêsu nhấn mạnh như biểu tượng cho sự gắn bó thầy – trò, sự gắn bó qua Thầy với Thiên Chúa: “Thầy là cây nho, anh em là cành” (Ga 15,5). Như thế, người gắn bó với thầy, được biểu tượng bằng hình ảnh sống động của cành cây nho, theo cái nhìn của người trồng nho là những nhánh được chọn từ một số nhánh khỏe nhất, được cắt tỉa, được nuôi dưỡng khi gắn bó với thân nho qua nhựa sống nuôi từ gốc.
“Nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi…” (Ga 15,2). Đó là hình ảnh những người được xem gắn bó với Thầy, mang danh là môn đệ Chúa Kitô, nhưng không có tinh thần gắn bó với Chúa Kitô. Họ là những người môn đệ, Kitô hữu “hữu danh vô thực” như thánh Phaolô có nói về một tình trạng tương tự như vậy trong Do Thái giáo (x. Rm 2,17-23). Còn số phận của những kẻ đứng bên ngoài Thầy: “Ai không ở trong Thầy, thì bị vứt ra ngoài như cành nho, và sẽ khô héo, người ta sẽ thu lại, quăng vào lửa cho nó cháy đi”. Thánh Vịnh có nói về số phận của kẻ không gắn bó với Thầy: “Kìa ai xa Chúa, sẽ mai một hết… “ (Tv 73,27).
“Cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn” (Ga 15,2b). Cành sinh trái là cành luôn gắn bó với thân, được nuôi sống bởi nhựa đến từ gốc cây nho. Thật thế, như hình ảnh cành nho liên kết với thân nho, chúng ta cũng vậy nếu “gắn liền với” hay “ở lại trong” Đức Kitô, chúng ta sẽ nhận được sức sống, sức mạnh của Ngài vì: “Cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho” (Ga 15,4). Cho nên, Tagore luôn cảm nghiệm: “Con nhìn nhận Chúa chính nguồn tình yêu” (Mong chẳng còn gì).
Cành đơm trái được nuôi sống và gắn liền với thân nho, phải luôn được cắt tỉa, là một điều kiện cần thiết để nho sinh nhiều hoa trái. Hình ảnh cắt tỉa cây nho luôn mang hai ý nghĩa cho người gắn bó với Đức Kitô như cành liên kết với thân nho:
Chịu cắt tỉa trong đau thương để cùng tham dự vào sự chết và vinh quang của Chúa Giêsu, như thánh Phaolô nhấn mạnh: “Một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người” (Rm 8,17). Khi được cắt tỉa, đau thương nhưng với Đức Giêsu là “Được chia sẻ những đau khổ của Đức Kitô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng được vui mừng hoan hỷ” (1Pr 4,13). Bị cắt tỉa đau thương góp phần sinh hoa trái: “Phần anh em là những kẻ phải chịu khổ ít lâu, chính Thiên Chúa sẽ cho anh em được nên hoàn thiện, vững vàng, mạnh mẽ và kiên cường” (1Pr 5,10).
Cắt tỉa những lá già, những cành phụ không cần thiết là chiết bỏ những tật hư đam mê xấu, để dành sức sống thẳng tiến trong Chúa Kitô như thánh Clément d’Alexandrie nhận định: “Cây nho không được cắt tỉa trở nên hoang dã, Ngôi Lời là một thanh kiếm cắt tỉa những cành um tùm: Thanh kiếm bẻ gãy những dục vọng để không còn sa ngã và để sinh hoa trái”.
Cắt tỉa để gắn bó với Thầy. Thật thế, chính nhờ sức sống của Thầy chảy trong con người tôi, như nhựa nuôi sống cành nho, như thánh Phaolô cảm nghiệm: “Tôi sống không phải là tôi sống, nhưng là Chúa Giêsu Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).
Ý lực sống
“Như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17,21).
Nguồn: WGPSG