Trên tờ National Review, George Weigel, người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhận định rằng: “Khi cứu xét kháng cáo, một hội đồng xét xử có thể quyết định rằng bản án này đã không đạt được một cách hợp lý trên cơ sở các bằng chứng, ngài sẽ được trắng án và tha bổng” nhưng như thế đã đủ để đưa ra một lời cảnh cáo mạnh mẽ cho tất cả các Giám Mục Úc và trên thế giới rằng từ nay chớ có rao giảng những điều mà họ thành tâm tin tưởng là đúng, và phán quyết dành cho Đức Hồng Y Pell là nỗ lực nhằm “thuần hóa” Giáo Hội Công Giáo.
Ngày 18 tháng Tư, 2005, trong bài giảng thánh lễ khai mạc Cơ mật viện bầu Giáo Hoàng sau khi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II qua đời, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger nói:
“Biết bao nhiêu làn gió chủ thuyết mà chúng ta đã biết đến trong những thập niên cuối cùng … Con thuyền nhỏ tư duy của nhiều Kitô hữu đã thường bị đánh bởi những đợt sóng này – trôi giạt từ thái cực này sang thái cực khác: từ Mác Xít tới chủ nghĩa tự do, tới mức chủ nghĩa tự do phóng túng; từ chủ nghĩa tập thể đến chủ nghĩa cá nhân; từ chủ nghĩa vô thần tới chủ nghĩa duy huyền bí tôn giáo mơ hồ; từ chủ nghĩa vô tín đến chủ nghĩa hỗn tạp và vân vân. Nhiều giáo phái mới được đẻ ra mỗi ngày và xảy ra điều mà Thánh Phaolô đã nói về sự lường gạt con người và sự tinh quái nhắm lôi kéo con người đến chỗ lầm lạc(x Eph 4:14). Có một đức tin rõ ràng, theo kinh Tin Kính của Giáo Hội, lại bị gán cho nhãn hiệu cuồng tín. Trong khi chủ nghĩa tương đối, nghĩa là để chính mình ‘bị sóng đánh trôi giạt theo mọi chiều gió đạo lý’ dường như lại là cách thức hành xử duy nhất thức thời. Người ta đang thành lập một chế độ độc tài của chủ nghĩa tương đối, nó không nhìn nhận điều gì là chung kết và để cho cái tôi và ý muốn của mình là mẫu mực duy nhất.”
Cái chế độ độc tài của chủ nghĩa tương đối ấy không chấp nhận được những ai như Đức Hồng Y George Pell, một người Công Giáo bảo thủ, “là kẻ thù không thể tránh khỏi, cứ đứng sừng sững đó cản trở ‘sự tiến bộ’ trong Giáo hội. Trong khi có những người Công Giáo tách ra và thỏa hiệp, ngài đã bảo vệ một cách dứt khoát các giáo lý của Giáo hội và từ chối thỏa hiệp về hôn nhân đồng tính, an tử và phá thai.”[1]
Nó phải triệt hạ ngài để đưa ra một lời cảnh cáo cho những ai muốn bảo vệ đức tin tinh tuyền của Giáo Hội rằng họ cũng sẽ phải tử đạo như ngài với những bản án hết sức nhục nhã.
Với việc dỡ bỏ lệnh của tòa án cấm loan tin về việc kết án Đức Hồng Y George Pell vào tháng 12 vừa qua với cáo buộc lạm dụng tình dục trong lịch sử, những sự thật cuối cùng đã được đưa ra cho những người muốn xem xét chúng.
Cảnh sát Victoria đã bắt đầu một cuộc điều tra một năm trước khi có bất kỳ khiếu nại nào được đệ trình. Trong quá trình điều tra, cảnh sát đã lấy ra các quảng cáo trên báo để tìm kiếm thông tin về bất kỳ hành vi không đáng có nào với trẻ vị thành niên tại nhà thờ chính tòa St. Patrick ở Melbourne, dù chính quyền không có bất kỳ gợi ý nào về các hành vi sai trái tại đây.
Khi các cáo buộc đã được đặt ra và Đức Hồng Y Pell đã tạm thời rời bỏ chức vụ của mình ở Vatican để trở về Úc, một phiên điều trần để xác định liệu các cáo buộc có đáng được đưa ra xét xử hay không đã được tổ chức. Chánh án trong phiên điều trần đã loại bỏ nhiều cáo buộc vô lý nhưng cho phép điều tra tiếp một số khác – mặc dù bà nhận thấy rằng mình sẽ không bỏ phiếu kết án đối với các các cáo buộc đó, nhưng dù sao bà nghĩ những cáo buộc ấy cũng nên được xét xử cho sáng tỏ.
Trong phiên tòa xét xử đầu tiên, dưới lệnh cấm các cơ quan truyền thông, các luật sư bào chữa đã bác bỏ các cáo buộc của công tố viên và làm sáng tỏ sự thiếu sót trong quá trình điều tra của cảnh sát; phiên tòa đó đã không đạt được sự đồng thuận của bồi thẩm đoàn. 10 người quyết định ngài vô tội và 2 người nhất quyết bảo lưu ý kiến cho rằng ngài có tội.
Trong phiên tòa tái thẩm, các luật sư bào chữa đã chứng minh rằng thật quá vô lý để có thể tin vào các cáo buộc do một người bí danh là AA đưa ra cho rằng sau thánh lễ Chúa Nhật 15 hoặc 22 tháng 12, 1996, anh ta và một ca viên khác trong dàn hợp xướng trốn khỏi đám rước và lao vào nhà thờ để uống rượu lễ, thì lúc đó Tổng Giám Mục Pell bước vào, cởi một phần áo lễ ra và buộc họ thực hiện khẩu dâm.
Để tin nổi cáo buộc đó, mười điều không thể xảy ra sau đây đã phải xảy ra và tất cả trong vòng mười phút:
1. Đức Tổng Giám Mục Pell, trong ngày hôm ấy, đột nhiên bỏ thực hành kéo dài hàng thập kỷ của ngài là đứng bên ngoài thánh đường sau Thánh lễ để chào hỏi anh chị em giáo dân.
2. Đức Tổng Giám Mục Pell, người lúc nào cũng được vị trưởng ban nghi lễ Phụng Vụ đi kèm, cùng với ông từ phụ trách phòng thánh trong khi ngài đang mặc phẩm phục Phụng Vụ, đột nhiên có thể tiến vào không gian của phòng thánh một mình.
3. Vị trưởng ban nghi lễ, chịu trách nhiệm giúp Đức Tổng Giám Mục cởi bỏ phẩm phục Phụng Vụ, đã đột nhiên biến mất.
4. Ông từ, chịu trách nhiệm trông nom và khóa phòng thánh, cũng đột nhiên biến mất.
5. Ông từ đã không qua lại giữa phòng thánh và cung thánh để dọn dẹp các sách lễ và chén thánh, như trách nhiệm và thực hành thường xuyên của ông.
6. Những người giúp lễ, cũng như ông từ, đột nhiên đồng loạt biến mất hết, thay vì giúp ông từ dọn dẹp cung thánh và đưa các đồ dùng Phụng Vụ trở lại phòng thánh.
7. Các linh mục đã đồng tế trong Thánh lễ với Đức Tổng Giám Mục Pell cũng đột nhiên không thay áo trong phòng thánh và bất ngờ biến mất hết.
8. Ít nhất 40 người đã không thấy hai đứa trẻ trong dàn hợp xướng đột nhiên tách khỏi đám rước sau Thánh lễ.
9. Hai đứa trẻ trong dàn hợp xướng bước vào phòng thánh, bắt đầu uống rượu lễ mà không bị ái phát hiện, và Đức Tổng Giám Mục Pell có thể lạm dụng chúng trong khi cánh cửa phòng thánh lúc nào cũng mở toang ra và ngài đang mặc trang phục phụng vụ.
10. Hai đứa trẻ trong dàn hợp xướng nói là bị lạm dụng sau đó có thể vào phòng tập hát, qua hai cánh cửa bị khóa, mặc dù chúng không có thẻ an ninh, mà không ai nhận ra, và tham gia vào một buổi diễn tập sau Thánh lễ; không ai hỏi tại sao chúng đã mất tích trước đó.
Trước phiên tòa, mẹ của người được cho là nạn nhân, nay đã chết, cho biết con bà đã nói với bà rằng anh ta chưa bao giờ bị lạm dụng tính dục. Trong phiên tòa, cũng không có bất cứ một nhân chứng nào ủng hộ các cáo buộc của người còn sống sót đang khiếu nại. Các hợp xướng viên khác (bây giờ, tất nhiên, đã trưởng thành), cũng như giám đốc dàn hợp xướng và trợ lý của ông, các cựu thành viên đã trưởng thành khác của dàn hợp xướng, Đức Ông phụ trách các nghi lễ Phụng Vụ, và ông từ đều làm chứng, và từ lời chứng của họ, chúng ta biết được những điều này:
1. Người ta nhớ lại rằng không có bất kỳ một ca viên nào trong dàn hợp xướng tách khỏi đám rước sau Thánh lễ
2. Không ai trong số những người ở gần khu vực bị cho rằng đã xảy ra vụ lạm dụng nhận thấy bất cứ điều gì khác lạ.
3. Thực sự không có gì có thể xảy ra trong một không gian an toàn như thế mà không ai nhận ra
4. Không có tin đồn cũng như không có bất kỳ bàn tán nào liên quan đến một biến cố tệ hại như vậy xảy ra từ đó và trong suốt mấy chục năm trời qua.
Bất chấp những bằng chứng về sự vô tội của Đức Hồng Y Pell, một sự vô tội đã được khẳng định bởi mười trong số mười hai thành viên của bồi thẩm đoàn trong phiên xử đầu tiên, bồi thẩm đoàn xét xử lần thứ hai đã quyết liệt lên án ngài.
Các quan sát viên tại phiên tòa nói với tôi rằng thẩm phán phiên tòa có vẻ ngạc nhiên khi nghe phán quyết.
Sự khác biệt một trời một vực giữa phán quyết của bồi thẩm đoàn đầu tiên, và của bồi thẩm đoàn thứ hai, cho thấy giữa cơn xiếc truyền thông xung quanh Đức Hồng Y Pell, một phiên tòa xét xử công bằng là hầu như không thể. Nhận xét này gần đây đã được thừa nhận bởi tổng chưởng lý của bang Victoria, là người cho rằng luật có thể được sửa đổi để cho phép xét xử bởi một thẩm phán thay vì bồi thẩm đoàn (là những công dân được chọn để xét xử) trong những trường hợp như vậy – đó là một lựa chọn không dành cho Đức Hồng Y George Pell. (Ngay trước khi lệnh cấm đưa tin về phiên tòa được dỡ bỏ vào ngày 25 tháng 2, các công tố viên Victoria đã loại bỏ hai cáo buộc chống lại Đức Hồng Y Pell, hai cáo buộc ấy còn vô lý hơn và được cho là đã diễn ra cách đây đến bốn thập kỷ.)
Các luật sư của Hồng Y Pell, tất nhiên, sẽ kháng cáo. Kháng cáo sẽ được xét xử bởi một hội đồng xét xử gồm các thẩm phán cao cấp, là những người có thể quyết định rằng bản án vừa qua “unsafe verdict”, tức là một “phán quyết không an toàn” mà bồi thẩm đoàn không thể đạt được một cách hợp lý trên cơ sở các bằng chứng đáng tin cậy – và nếu như thế phản quyết vừa qua chống lại Đức Hồng Y Pell là vô hiệu và bị hủy bỏ.
Vì danh tiếng của hệ thống tư pháp Victoria, người ta có quyền hy vọng rằng các thẩm phán phúc thẩm sẽ làm điều đúng đắn.
[1] The Daily Telegraph How Pell became the Vatican’s sacrificial lamb?
Đặng Tự Do, Vietcatholic