Từ khoảng mươi năm trở lại đây, các thánh lễ truyền chức linh mục và các thánh lễ tạ ơn trong các dịp khác nhau tại Việt Nam ngày càng nhiều hơn, qui mô tổ chức xem ra ngày càng rầm rộ. Vào những dịp này, cộng đồng Dân Chúa thường bày tỏ niềm vui chân thành và chính đáng của mình theo những cách rất đa dạng. Tuy nhiên, cách thức tổ chức thánh lễ vào các dịp này có một vài điểm cần xem xét lại.
Đôi điều ghi nhận từ thực tế
Các thánh lễ truyền chức cũng như tạ ơn thường được sắp đặt tương đối kĩ lưỡng. Những chi tiết trang trí cũng như sự tham gia của các hội đoàn thường giúp làm cho cuộc cử hành thêm long trọng, đồng thời cũng tô điểm cho vẻ đẹp phụng vụ của ngày lễ.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhận thấy rằng ở khá nhiều nơi, thay vì cuốn Sách Lễ Rôma, người ta dùng một chiếc kẹp tài liệu với các bản văn thánh lễ được in ra và xếp theo thứ tự. Tương tự như thế, thay vì Sách Bài Đọc và Sách Tin Mừng, người ta cũng dùng một kẹp tài liệu khác đặt sẵn ở giảng đài, với các bản văn Kinh Thánh của ngày lễ được in sẵn. Cách làm này dĩ nhiên tiện lợi, giúp tân chức cũng như những ai đọc các bài Sách Thánh không phải loay hoay bối rối.
Tuy nhiên, nhìn sâu xa hơn một chút, dường như cách làm này có điều gì đó không ổn.
So sánh với truyền thống trong Hội Thánh
Y phục, Sách Lễ, Sách Các Bài Đọc, Sách Tin Mừng và các nghi thức làm nên vẻ đẹp phụng vụ và diễn tả đức tin. Vì thế, trong truyền thống Hội Thánh, Sách Lễ, Sách Các Bài Đọc, đặc biệt là Sách Tin Mừng thường được đóng thành quyển và trang trí đặc biệt công phu cầu kì. Trong những thánh lễ trọng thể, Sách Tin Mừng thường được một thầy phó tế rước trang trọng ở đầu đoàn rước, được đặt trên bàn thờ để rồi sẽ được rước long trọng khi thầy phó tế công bố Tin Mừng. Những chi tiết này cho thấy Hội Thánh kính trọng Lời Chúa, nhất là Sách Tin Mừng một cách rất đặc biệt, và giảng đài chính là nơi mà Lời Chúa được tôn vinh một cách hết sức long trọng.
Tại Rôma, vào các dịp cử hành long trọng, liền sau Tin Mừng được công bố, Đức Giáo Hoàng thường hôn lên sách Tin Mừng, rồi dùng Sách Tin Mừng chúc lành cho cộng đoàn phụng vụ.
Chỉ cần so sánh vài hình ảnh trên đây, chúng ta dễ dàng nhận thấy dường như cách thực hành của Hội Thánh tại Việt Nam còn khá xa lạ với truyền thống tôn vinh Lời Chúa, nhất là Sách Tin Mừng trong Hội Thánh hoàn vũ.
Tuy nhiên, điều đáng nói không chỉ đơn giản là sự khác biệt bên ngoài này.
“Tâm thức mì ăn liền” trong cử hành phụng vụ
Chúng tôi xin tạm gọi tên cách làm “tiện dụng” tại một số nơi ở Việt Nam vừa được nêu ra trên đây như là phản ảnh “tâm thức mì ăn liền” trong cử hành phụng vụ: mọi thứ được chuẩn bị để sử dụng cho mục đích tức thời.
Chúng tôi tự hỏi không biết người công bố Tin Mừng, hoặc vị chủ tế có cảm tưởng gì khi cung kính hôn lên bản văn Tin Mừng đặt trong kẹp tài liệu. Rồi chúng tôi lại tiếp tục tự hỏi là không biết số phận của các tờ giấy in bản văn Tin Mừng đó sẽ thế nào. Hầu chắc nó sẽ bị ném vào một xó xỉnh nào đó, thậm chí rất có thể nó bị ném vào sọt rác. Điều này có thể hàm ý rằng tất cả các nghi thức tôn vinh Lời Chúa một cách long trọng như xông hương, hôn kính trong buổi cử hành thực ra chỉ là hình thức và mang tính biểu diễn!
Một điều nữa chúng tôi cũng muốn ghi nhận ở đây, điều này có lẽ hơi mâu thuẫn với những chi tiết vừa nêu, đó là việc bài trí trong các nhà thờ và nhà nguyện tại Việt Nam: người ta cố gắng sắp xếp để có nơi đặt cuốn Kinh Thánh, thường là đối diện với Nhà Chầu. Đây có lẽ là một nỗ lực áp dụng “sát chữ” số 21 trong Hiến Chế Dei Verbum: “Giáo Hội vẫn luôn tôn kính Thánh Kinh giống như tôn kính chính Thánh Thể Chúa, …” Trên thực tế, nơi để cuốn Kinh Thánh trở thành một “cái tủ” và hầu như cả năm, người ta chẳng buồn ngó ngàng gì tới Lời Chúa trong đó. Thực ra, số 21 khởi đầu chương IV của Hiến Chế Dei Verbum với tiêu đề “Thánh Kinh trong đời sống Giáo Hội” nhấn mạnh tới việc loan báo, học hỏi, nghiên cứu và diễn giải Lời Chúa nhằm “đem đến cho đoàn con của Giáo Hội sức mạnh đức tin, lương thực của linh hồn, nguồn mạch tinh tuyền và trường tồn của đời sống thiêng liêng.” Cũng trong chương IV, số 24, Hiến Chế nói tới vai trò đặc biệt của việc công bố và diễn giải Lời Chúa trong phụng vụ: “Chính lời Thánh Kinh nuôi dưỡng cách tuyệt hảo và làm tăng triển cách trọn vẹn thừa tác vụ Lời Chúa, bao gồm việc giảng thuyết của các Chủ chăn, việc dạy giáo lý và toàn thể giáo huấn Kitô giáo, trong đó bài giảng phụng vụ có một chỗ đứng đặc biệt.” Thiết nghĩ, nơi đích thực để tôn vinh Lời Chúa trong phụng vụ là các nghi thức, là việc công bố và diễn giải Lời Chúa và cách thức cử hành phụng vụ phải làm sao cho nổi bật được điều này.
Chúng tôi xin kết thúc vài điều ghi nhận ở đây với mong muốn rằng các vị hữu trách lưu ý hơn tới những chi tiết xem ra thật nhỏ bé, nhưng lại góp phần không nhỏ tạo nên vẻ đẹp chân chính của phụng vụ Công Giáo, đồng thời vừa diễn tả đức tin, vừa góp phần giáo dục đức tin cho cộng đoàn tham dự.
Huế, 31-8-2015
Vinh-sơn Trần Minh Thực, PSS
(vietcatholic.org)