Giáo Hội Toàn Cầu VIDEO

Video: Đại lễ Tuyên Thánh cho ĐGH Phaolô Đệ Lục, ĐTGM Oscar Romero, và 5 vị Chân Phước khác

Lúc 10g15 sáng Chúa Nhật 14 tháng 10, tức là Chúa Nhật thứ 28 mùa Thường Niên, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ tuyên thánh cho 7 Chân Phước gồm có Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục, Đức Tổng Giám Mục Oscar Arnulfo Romero Galdámez, Cha Francesco Spinelli, Cha Vincenzo Romano, Sơ Maria Caterina Kasper, Sơ Nazaria Ignazia di Santa Teresa di Gesù March Mesa và anh Nunzio Sulprizio.

Hiện diện tại quảng trường có hơn 80 ngàn tín hữu. Đồng tế với Đức Thánh Cha có 600 vị Hồng Y và Giám Mục, trong đó nhiều vị là nghị phụ Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên và khoảng 3 ngàn linh mục.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:

Bài đọc thứ hai cho chúng ta biết rằng “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi” (Dt 4:12). Thực sự là thế này: Lời của Thiên Chúa không chỉ đơn thuần là một tập hợp các chân lý hay một trình thuật tâm linh phong phú; không – đó là một lời sống động chạm đến cuộc sống của chúng ta, làm thay đổi cuộc sống của chúng ta. Ở đó, đích thân Chúa Giêsu, Lời hằng sống của Thiên Chúa, ngỏ lời với tâm hồn chúng ta.

Cách riêng Tin Mừng mời gọi chúng ta đến với một cuộc gặp gỡ với Chúa, theo gương “người thanh niên trẻ”, đã “chạy đến với Người” (xem Mc 10:17). Chúng ta có thể nhận ra chính mình nơi người thanh niên ấy. Văn bản Tin Mừng không nêu tên anh ta, như thể gợi ý rằng anh ta có thể đại diện cho mỗi một người trong chúng ta. Anh xin Chúa Giêsu cho biết làm thế nào để “được hưởng sự sống đời đời” (câu 17). Anh đang tìm kiếm cuộc sống bất tận, một cuộc sống viên mãn: ai trong chúng ta lại không muốn điều này? Tuy nhiên, chúng ta nhận thấy anh muốn sự sống ấy như là một gia tài, như một điều thiện có thể thủ đắc được, có thể giành được bằng những nỗ lực của chính mình. Thực vậy, để có được điều thiện này, anh đã tuân giữ các lệnh truyền từ tấm bé và để đạt được điều đó, anh sẵn sàng làm theo những người khác; và vì thế anh ta hỏi: “Tôi phải làm gì để có được sự sống đời đời?”

Câu trả lời của Chúa Giêsu khiến anh bất ngờ. Chúa chăm chú nhìn anh và yêu mến anh (x. câu 21). Chúa Giêsu muốn thay đổi quan điểm của anh: từ việc tuân giữ các giới răn để được ân thưởng, đến một tình yêu tự do và hoàn toàn. Người thanh niên trẻ đó đang nói về cung và cầu, và Chúa Giêsu đề xuất với anh ta một câu chuyện tình yêu. Ngài yêu cầu chàng thanh niên đi từ việc tuân giữ lề luật đến việc trao ban chính bản thân, từ thái độ làm cho mình tới việc ở với Chúa. Và Chúa đưa ra một đường hướng sống thật rúng động cùng chàng trai: “Anh hãy bán tất cả những gì anh có, cho người nghèo.. rồi đến đây theo Ta!” (câu 21). Chúa Giêsu cũng nói với anh chị em: “Hãy đến đây, theo Ta!”. Hãy đến, chứ đừng đứng chôn chân tại chỗ, vì không làm gì xấu, vẫn chưa chủ để thuộc về Chúa Giêsu. Hãy theo Ta: đừng chỉ theo Chúa Giêsu khi anh chị em muốn, nhưng phải tìm Chúa mỗi ngày; đừng hài lòng với việc tuân giữ các giới răn, làm phúc bố thí một tí và đọc một vài kinh; nhưng hãy tìm kiếm nơi Ngài vị Thiên Chúa luôn yêu mến anh chị em, tìm nơi Chúa Giêsu vị Thiên Chúa là ý nghĩa cuộc đời anh chị em, là Đấng ban sức mạnh để anh chị em có thể trao ban chính mình.

Một lần nữa, Chúa Giêsu phán: “Hãy bán những gì anh có và trao ban cho người nghèo.” Chúa không thảo luận về các lý thuyết liên quan đến nghèo đói và sự giàu có, nhưng đi thẳng vào cuộc sống. Ngài yêu cầu anh chị em để lại đằng sau những gì đè nặng con tim anh chị em, hãy rũ bỏ khỏi anh chị em các thứ hàng hóa để có chỗ cho Ngài, là điều thiện duy nhất. Chúng ta không thể thực sự theo Chúa Giêsu khi lòng trí chúng ta chồng chất bao nhiêu thứ. Bởi vì nếu trái tim chúng ta đầy những hàng hóa, chúng ta sẽ không còn chỗ cho Chúa, Người sẽ trở thành chỉ một trong số những điều khác. Vì lý do này, sự giàu có là nguy hiểm và – như Chúa Giêsu nói – nó thậm chí còn làm cho ơn cứu rỗi của một người trở nên khó khăn. Không phải vì Thiên Chúa nghiêm khắc. Không phải thế! Vấn đề là từ phía chúng ta: chúng ta có nhiều quá, chúng ta muốn nhiều quá làm ngạt thở con tim chúng ta và làm cho chúng ta không có khả năng yêu thương. Do đó, Thánh Phaolô viết rằng “cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc” (1 Ti-mô-thê 6:10). Chúng ta thấy điều này, nơi nào tiền là trung tâm, ở đó không có chỗ cho Thiên Chúa và cũng chẳng có chỗ cho con người.

Chúa Giêsu rất triệt để. Người cho đi tất cả và Người đòi hỏi tất cả: Ngài trao tặng một tình yêu tổng thể và đòi hỏi một trái tim không chia cách. Thậm chí ngày nay, Ngài ban chính mình cho chúng ta làm bánh hằng sống; lẽ nào chúng ta có thể đáp lại tình Ngài với những mẩu vụn vặt? Chỉ tuân giữ một số giới răn thôi thì chưa đủ để có thể đáp lại tình Chúa, là Đấng đã tự hạ mình thành người tôi tớ thậm chí đã đi đến tận cùng trên thập tự giá vì chúng ta. Chúng ta không thể trao cho Ngài, Đấng đã ban cho chúng ta sự sống đời đời, chỉ một chút thời gian dư ra nào đó. Chúa Giêsu không hài lòng với “chút phần trăm yêu thương”: chúng ta không thể yêu Người hai mươi, hay năm mươi, hay sáu mươi phần trăm. Tình yêu hoặc là tất cả hoặc không có gì.

Anh chị em thân mến, trái tim của chúng ta giống như một nam châm: nó cho phép chính mình bị thu hút bởi tình yêu, nhưng nó chỉ có thể bám vào một chủ duy nhất và nó phải chọn: hoặc là nó yêu Thiên Chúa hoặc là nó yêu của cải thế gian (x. Mt 6: 24); hoặc là nó sống vì tình yêu hoặc là nó sống cho chính mình (x. Mc 8:35). Chúng ta hãy tự hỏi chính mình chúng ta đang ở đâu trong câu chuyện tình yêu của chúng ta với Thiên Chúa. Liệu chúng ta có tự hài lòng với một vài giới răn hay chúng ta theo Chúa Giêsu như những người yêu Chúa, thực sự sẵn sàng bỏ lại một cái gì đó vì Ngài? Chúa Giêsu đang hỏi mỗi người chúng ta và tất cả chúng ta khi Giáo Hội đang tiến về phía trước: liệu chúng ta có phải là một Giáo Hội chỉ rao giảng những giới răn tốt, hay là một Giáo Hội hiền thê của Chúa, đang lao về phía trước vì tình yêu mến Chúa mình? Chúng ta thực sự theo Người hay chúng ta quay trở lại với con đường của thế gian, giống như người thanh niên trẻ trong Tin Mừng? Nói tắt một điều, liệu Chúa Giêsu là đủ cho chúng ta, hay chúng ta còn muốn tìm kiếm thêm những bảo đảm của thế gian? Chúng ta hãy cầu xin ân sủng để luôn biết bỏ lại mọi thứ phía sau vì tình yêu dành cho Chúa: bỏ lại sự giàu có, lòng khát khao địa vị và quyền lực, và các cấu trúc không còn thích hợp để loan báo Tin Mừng, là những gánh nặng làm chậm sứ vụ của chúng ta, những ràng buộc cột chặt chúng ta với thế gian. Nếu không có một bước nhảy vọt trong tình yêu, cuộc sống của chúng ta và Giáo Hội của chúng ta trở nên ốm yếu vì “tự mãn và tự hài lòng” (Evangelii Gaudium, 95): chúng ta tìm vui nơi những hoan lạc thoáng qua, chúng ta đóng kín mình trong những câu chuyện ngồi lê đôi mách vô dụng, chúng ta lui vào sự đơn điệu của một đời sống Kitô không có động lực, nơi một chút hài lòng che kín nỗi buồn của những điều chưa được hoàn thành.

Đây là điều diễn ra đối với người thanh niên, là người mà Tin Mừng nói với chúng ta – “đã quay đi với vẻ mặt buồn rầu” (câu 22). Anh ta bị trói buộc bởi các quy định của lề luật và bởi quá nhiều tài sản của mình đến nỗi không vượt thắng được con tim mình. Mặc dù anh ta đã gặp được Chúa Giêsu và nhận được ánh mắt yêu thương của Người, người thanh niên ấy đã buồn bã quay đi. Nỗi buồn là bằng chứng của một tình yêu chưa trọn, là dấu chỉ của một con tim nguội lạnh. Trái lại, một trái tim không bị đè nặng bởi của cải, một trái tim tự do yêu mến Chúa, luôn luôn lan tỏa niềm vui, một niềm vui thế giới ngày nay cần đến xiết bao. Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã từng viết: “Chính là giữa chập chùng của khổ đau mà người dân của chúng ta cần biết đến niềm vui, cần nghe bài ca hân hoan” (Tông huấn Gaudete in Domino – Niềm Vui Kitô, I). Hôm nay Chúa Giêsu mời gọi chúng ta quay trở về với nguồn mạch của niềm vui, đó là cuộc gặp gỡ với Người, sự lựa chọn can đảm liều mất mọi thứ để theo Người, sự thỏa mãn khi bỏ lại một cái gì đó phía sau để chấp nhận con đường của Người. Các thánh nhân đã đi theo con đường này.

Đức Phaolô Đệ Lục cũng đã làm như vậy, và đã noi theo gương Thánh Tông Đồ mà người chọn là tước hiệu. Giống như Tông Đồ Phaolô, Đức Phaolô Đệ Lục đã dành đời mình cho Tin Mừng của Chúa Kitô, vượt qua những ranh giới mới và trở thành chứng nhân của Tin Mừng trong công bố và đối thoại, trở thành tiên tri của một Giáo Hội hướng ra bên ngoài, để tìm đến với những ai lạc xa và chăm sóc cho người nghèo. Ngay cả giữa những mệt mỏi và hiểu lầm, Thánh Phaolô Đệ Lục đã làm chứng một cách nhiệt thành cho vẻ đẹp và niềm vui khi triệt để theo Chúa Kitô. Hôm nay, cùng với Công đồng mà ngài là nhà lãnh đạo khôn ngoan, ngài vẫn thúc giục chúng ta hãy sống ơn gọi chung của chúng ta: đó là lời mời gọi phổ quát hướng đến sự thánh thiện. Không hướng đến các biện pháp nửa vời, nhưng hướng đến sự thánh thiện. Thật tuyệt vời khi cùng với ngài và các vị thánh mới khác ngày hôm nay, chúng ta có Đức Tổng Giám Mục Romero, là người đã rời bỏ sự an toàn của thế gian, ngay cả sự an toàn của chính mình, để trao ban sự sống của mình theo Phúc âm, gần gũi với người nghèo và mọi người, với một trái tim gần gũi với Chúa Giêsu và anh chị em của mình. Chúng ta cũng có thể nói như vậy về Cha Francesco Spinelli, Cha Vincenzo Romano, Sơ Maria Caterina Kasper, Sơ Nazaria Ignazia của Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, và anh thanh niên trẻ miền Abruzzese-Neapolitan của chúng ta, là Nunzio Sulprizio: người thanh niên thánh thiện, can đảm, khiêm nhường đã gặp Chúa Giêsu trong đau khổ của mình, trong im lặng và trong sự dâng hiến chính mình. Tất cả những vị thánh này, trong những hoàn cảnh khác nhau, đã đưa lời của ngày hôm nay vào thực tiễn cuộc sống mình, không thờ ơ, không tính toán, nhưng với lòng nhiệt thành dám mạo hiểm mọi thứ và bỏ lại tất cả.

Anh chị em thân mến,

Cầu xin Chúa giúp chúng ta biết bắt chước những gương sáng của các ngài.

Bài viết liên quan