Đức Hồng Y Gerhard Müller, nguyên tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin nói với tờ National Catholic Register rằng việc khởi tố Đức Hồng Y Pell và giam giữ ngài là “một sự chà đạp công lý nghiêm trọng” dựa trên những cáo buộc “vô bằng, vô cớ” và “hoàn toàn không thể nào tin được”.
Theo Đức Hồng Y Müller, vụ khởi tố Đức Hồng Y Pell là sản phẩm của “một nền công lý băng hoại” bị lèo lái bởi các thế lực thù ghét Giáo Hội Công Giáo.
Kết luận của tòa án ở Melbourne “hoàn toàn đi ngược lại tất cả lý trí và công lý”. Cái công lý của đám đông đang hò hét hiện nay, theo Đức Hồng Y, giống như hiểu biết về công lý vào thời vua Henry VIII.
“Giống như mọi người khác, tôi không thể nhìn thấy khả năng phạm tội trong hoàn cảnh như vậy.”, Đức Hồng Y Müller nói với National Catholic Register trong cuộc phỏng vấn hôm 4 tháng 3.
Đức Hồng Y Pell, là người đã phản đối mạnh mẽ các cáo buộc và khẳng định sự vô tội của ngài và đang kháng cáo bản án. Ngài hiện đang bị giam giữ cho đến khi tuyên án vào ngày 13 tháng Ba.
Là tổng trưởng của Bộ Kinh tế Tòa Thánh từ 2014 đến 2019 Đức Hồng Y Pell là nhân vật cao cấp thứ ba tại Vatican.
Các luật sư bào chữa cho Đức Hồng Y Pell đã phản bác trước phiên tòa thứ nhất rằng cảnh sát đã cố tình buộc tội Đức Hồng Y ngay cả khi không có bằng chứng nào. Thật vậy, vào năm 2013, cảnh sát Victoria đã phát động “Cuộc Hành Quân Tethering” để điều tra Đức Hồng Y Pell, mặc dù không có khiếu nại nào chống lại ngài. Sau đó, một chiến dịch kéo dài bốn năm để tìm những người sẵn sàng cáo buộc lạm dụng tình dục, bao gồm những biệt đội cảnh sát được trao nhiệm vụ lấy quảng cáo trên báo yêu cầu người ta khiếu nại về lạm dụng tình dục tại nhà thờ chính tòa Melbourne – trước khi có bất cứ khiếu nại nào.
Trong phiên tòa đầu tiên, vào tháng 9, bồi thẩm đoàn đã có cuộc gặp gỡ và nghe trực tiếp người tố cáo đến nay chỉ được biết với bí danh là “AA”. 10 người trong số họ đã cho rằng Đức Hồng Y vô tội, nhưng họ không thuyết phục được 2 người còn lại trong bồi thẩm đoàn là những người cứ khăng khăng buộc tội Đức Hồng Y. Vì không đạt được sự nhất trí nên mới có phiên tòa hồi tháng 12.
Trong phiên tòa thứ hai, cảnh sát không cho bồi thẩm đoàn gặp gỡ “AA” nhưng chỉ cho họ nghe băng thu âm những gì anh ta nói. Các luật sư bào chữa nhận định rằng bồi thẩm đoàn đầu tiên, những người được nghe người khiếu nại trực tiếp, thấy anh ta ít đáng tin hơn bồi thẩm đoàn thứ hai, những người không gặp anh ta trực tiếp.
Luật sư Robert Richter nói với thông tấn xã Australian Associated Press có trụ sở ở Melbourne: “Tôi rất tức giận về bản án này, bởi vì nó là một bản án biến thái.”
“Tôi tin chắc rằng ngài là một người vô tội đã bị kết án oan uổng. Đó không phải là một kinh nghiệm tôi thường thấy trong đời.”
Trong phiên xét xử trước khi tuyên án, bất chấp chẳng có bằng chứng xác thực nào, thẩm phán Peter Kidd trong cố gắng lung lạc bồi thẩm đoàn nói: “Pell đã làm điều đó” và thật là “trơ trẽn, xúc phạm nhẫn tâm”, “gây sốc đối với hai cậu bé”.
Cần phải nhấn mạnh rằng, trước tòa, mẹ của người được cho là nạn nhân thứ hai, nay đã chết, cho biết con bà đã nói với bà trước khi qua đời rằng anh ta chưa bao giờ bị lạm dụng tính dục.
Đức Hồng Y người Đức nhận xét rằng người ta cáo buộc về một tội ác “xảy ra trong nhà thờ công cộng ngay sau thánh lễ chứ không phải trong một ngôi nhà riêng” và “không ai chứng kiến điều đó”. Đó là “điều không thể tin được”.
Báo chí Úc đang hô hào một bản án lên đến 50 năm tù cho Đức Hồng Y Pell. Nhận xét về điều này, Đức Hồng Y Müller nói:
“Nếu không có bằng chứng, bạn không thể kết án giam giữ một người tới 50 năm. Đó là một bản án man rợ, cho thấy sự băng hoại của hệ thống luật pháp dưới áp lực của các phương tiện truyền thông.”
Vietcatholic Network