Giáo Hội Toàn Cầu

Video: Giáo Hội Năm Châu 03/06/2019: Tình cảnh bi thảm của các tín hữu Kitô tại Ấn

1. Hoặc là tòa tuyên bố Đức Hồng Y Pell vô tội, hoặc là ngài sẽ chấp nhận bản án bất công không xin giảm án. Lịch sử sẽ phán xét.

Hôm 13 tháng Ba, trong một quyết định thể hiện rõ lòng thù hận đối với Đức Hồng Y George Pell, tòa án tại Melbourne đã quyết định truyền hình trực tiếp buổi đọc phán quyết kết tội Đức Hồng Y như một hình thức lăng mạ công khai ngài.

Đức Hồng Y bị kêu án “sáu năm tù vì lạm dụng 2 bé trai trong thập niên 1990”. Trong đó, hết 3 năm 8 tháng không được nạp đơn xin ân xá.

Đức Hồng Y đã ngay lập tức kháng cáo. Đơn kháng án của ngài sẽ được xét xử vào ngày 5 và 6 tháng Sáu tới đây bởi 3 vị thẩm phán.

Nhóm pháp lý của Đức Hồng Y Pell xông đã đệ trình ba căn cứ để kháng cáo.

Trước hết, phiên tòa xét xử đầu tiên vào mùa thu năm ngoái đã kết thúc với một bồi thẩm đoàn đã bỏ phiếu 10-2, trong đó 10 người quyết định rằng Đức Hồng Y vô tội và chỉ có 2 người quyết liệt cho rằng Đức Hồng Y là có tội (đại diện bồi thẩm đoàn đã khóc khi báo cáo về sự bế tắc không làm sao thuyết phục được sự đồng thuận của 2 người kia). Phiên tòa thứ hai, thật đáng kinh ngạc, đã kết thúc với bản án 12-0 để kết tội ngài: mặc dù cáo buộc của nguyên cáo chẳng được bất kỳ ai ủng hộ trước tòa. Có đến 20 người tuyên thệ trước tòa rằng cáo buộc chống lại Đức Hồng Y là không thể nào xảy ra và chính bà mẹ của người được cho là nạn nhân thứ hai tuyên thệ rằng con bà đã nói với bà trước khi chết rằng anh ta chưa bao giờ bị bất cứ ai lạm dụng tính dục; và bất chấp thực tế là cảnh sát đã không có bất cứ chứng minh nào thu được từ hiện trường được cho là nơi tội phạm đã xảy ra. Như thế, kết luận của nhóm bồi thẩm đoàn thứ hai là vượt quá sự nghi ngờ hợp lý. Nếu 3 vị thẩm phán trong phiên kháng cáo này đồng ý với quan điểm này, Đức Hồng Y sẽ được phóng thích ngay tức khắc.

Thứ hai, các luật sư bào chữa cho Đức Hồng Y đã chỉ ra mười điểm vô lý trong cáo buộc của nguyên cáo, là những điều không thể nào xảy ra trong một không gian được kiểm soát cẩn thận của nhà thờ chính tòa St. Patrick của Melbourne. Tuy nhiên, tòa không cho chiếu trước bồi thẩm đoàn một video do các luật sư trình lên tòa cho thấy không thể nào xảy ra vụ tấn công lạm dụng tính dục như đã mô tả.

Thứ ba, các luật sư chỉ ra rằng có quá nhiều “bất quy tắc cơ bản” trong phiên tòa xét xử Đức Hồng Y Pell, chẳng hạn như ngài đã không được nói một lời nào trước bồi thẩm đoàn.

Nếu ba vị thẩm phán không đồng ý với quan điểm thứ nhất, nhưng đồng ý với quan điểm thứ hai hay thứ ba, ngài có thể phải chịu xét xử trong một phiên tòa mới.

Nếu thẩm phán không chấp nhận điểm nào trong kháng cáo của mình, Đức Hồng Y Pell sẽ không xin giảm án. Hoặc là tòa tuyên bố Đức Hồng Y George Pell vô tội, hoặc là ngài sẽ chấp nhận bản án bất công không xin giảm án. Lịch sử sẽ phán xét. Các luật sư của ngài đã nói với truyền thông Úc như vậy.

2. Sau 5 năm vác thánh giá, với chiến thắng của Ấn Giáo cực đoan, Kitô hữu vác thánh giá tiếp 5 năm nữa

Ngày 16 tháng Năm 2014, lãnh tụ Ấn Giáo cực đoan Narendra Modi của đảng Bharatiya Janata (BJP) lên làm thủ tướng. Từ đó cho đến nay, các Kitô hữu lãnh đủ các hình thức bách hại.

Các cuộc tấn công chống các tín hữu Kitô đã tăng lên kể từ khi BJP lên nắm quyền ở New Delhi vào năm 2014 và ngày càng nhiều. Các con số thống kê tiêu biểu cho thấy có 736 vụ tấn công chống lại Kitô hữu vào năm 2017, so với 348 vụ vào năm 2016.

Được sự khích lệ ngấm ngầm của BJP do thủ tướng Narendra Modi lãnh đạo, nhiều làng ở miền đông Ấn Độ tiếp tục cấm sự hiện diện của các linh mục bất chấp một quyết định của tòa án ra lệnh ngưng ngay những cấm đoán vô lý này.

Ngay cả ở cấp trung ương, ngày 5 tháng 7 năm 2017, bộ trưởng Tư Pháp Ấn Prem Prakash Chaudhary, thành viên BJP, còn táo tợn đến mức đề nghị rằng các linh mục chỉ được phép giải tội cho nam giới, không được phép giải tội cho phụ nữ để tránh lạm dụng tính dục.

Trước cuộc bầu cử toàn quốc lần thứ 17, kéo dài từ 11 tháng Tư cho đến 23 tháng Năm vừa qua (có nước nào bầu cử dài kinh khủng như thế không?), các Kitô hữu đã mừng thầm vì sau 5 năm vác thánh giá mệt mỏi, chắc đã đến lúc chấm dứt một triều đại kinh hoàng nhất trong lịch sử.

Chẳng may, vô cùng chẳng may, khi số phiếu bầu được đếm xong, ngày 23 tháng 5, các Kitô hữu tại Ấn, nói như cha John Dayal, nhà lãnh đạo Công Giáo Ấn Độ và nhà hoạt động nhân quyền, “tái mặt” nhận ra rằng Đảng BJP còn thắng đậm hơn kỳ bầu cử trước. Trong Quốc Hội gồm 542 ghế, BJP giành được 303 ghế. Đảng liên minh với nó là đảng Lok Sabha giành được 46 ghế khác. Với 349 ghế trong một Quốc Hội 542 ghế như thế, BJP dễ dàng thông qua bất cứ dự luật nào nhằm Ấn Giáo hoá quốc gia này.

Dân số Ấn Độ hiện nay là 1.3 tỷ. 80% dân theo Ấn giáo. 20% còn lại bao gồm Hồi giáo 14%, Kitô hữu 2.3%, Sikh 1.7% và 2% theo các tín ngưỡng khác, bao gồm Phật giáo, Jains và Zoroastrians.

Cả Kitô giáo và Hồi giáo đều bị coi những người theo chủ nghĩa dân tộc Ấn giáo coi là tôn giáo nước ngoài cần phải bị bài trừ.

3. Hồi Giáo cực đoan thảm sát thêm 4 người Công Giáo trong thánh lễ Chúa Nhật

Bốn người đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công vào một nhà thờ Công Giáo ở phía bắc Burkina Faso, vào hôm Chúa Nhật 26 tháng 5, tại Toulfé, một ngôi làng cách Titao, thủ phủ của tỉnh Loroum phía bắc khoảng hai mươi km.

Trong một tuyên bố gởi đến thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, Đức Cha Justin Kientega, Giám Mục giáo phận Ouahigouya cho biết:

“Cộng đồng Kitô giáo của Toulfé đã là mục tiêu của một cuộc tấn công khủng bố khi họ tập trung cầu nguyện trong thánh lễ vào sáng Chúa Nhật. Cuộc tấn công làm bốn tín hữu bị thiệt mạng và nhiều người khác bị thương”.

Đức Cha Justin cho biết 8 tên khủng bố vũ trang mạnh đã đến làng vào khoảng chín giờ sáng, trên bốn chiếc xe máy. Họ vào nhà thờ nơi cộng đồng Công Giáo vừa tụ tập để tham dự thánh lễ. Ba người chết ngay lập tức, trong khi một người khác chết vì vết thương trên đường đưa đến bệnh viện.

Đây là vụ tấn công khủng bố thứ ba trong tháng Năm này. Trước đó, trong một cuộc tấn công hôm Chúa Nhật 12 tháng Năm, Cha Siméon Yampa, linh mục chính xứ Dablo, ở tỉnh Sanmatenga, đã bị giết cùng với năm tín hữu khi ngài đang dâng lễ.

Trong bản tin đánh đi hôm thứ Ba 14 tháng Năm, thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho biết lại có thêm một cuộc tấn công mới nhất nhắm vào người Công Giáo ở Burkina Faso làm 4 tín hữu bị thiệt mạng.

Vụ tấn công thứ hai diễn ra vào ngày thứ Hai 13 tháng Năm, khi bốn tín hữu mang bức tượng Đức Maria trở lại một nhà thờ sau khi tham gia rước kiệu Đức Mẹ nhân tháng Hoa. Họ đã bị giết ở làng Singa, thuộc thị trấn Zimtenga (cách Kongoussi 25 km), ở vùng trung tâm phía bắc của quốc gia. Tỉnh Sanmatenga, nơi diễn ra vụ tấn công hôm Chúa Nhật, cũng thuộc khu vực này.

Theo thông tin gửi đến thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, các tín hữu Công Giáo của làng Singa, sau khi tham gia đám rước từ làng của họ tới làng Kayon, cách đó khoảng 10 km, đã bị chặn lại bởi những người có vũ trang. Những kẻ khủng bố để cho trẻ vị thành niên đi, nhưng chúng đã xử tử bốn người lớn và phá hủy bức tượng.

Hôm thứ Hai 13 tháng 5, Đức Tổng Giám Mục Séraphin François Rouamba, của tổng giáo phận Koupéla và là Chủ tịch Hội nghị Giám mục Giám mục Burkina Faso-Nigeria, đã đưa ra lời kêu gọi hòa bình trong lễ tang các nạn nhân tại Dablo. Tang lễ có sự tham gia của người Công Giáo, Tin lành, Hồi giáo và đại diện của các tôn giáo bản địa.

4. Vatican triển lãm nghệ thuật tại Tử Cấm Thành, Bắc Kinh

Hôm thứ Ba 28 tháng Năm, Viện Bảo tàng Vatican đã mở một cuộc triển lãm tại Viện Bảo tàng Bắc Kinh với chủ đề “Vẻ đẹp hiệp nhất chúng ta”. Các tác phẩm tham gia cuộc triển lãm này được tuyển chọn bởi Cha Nicola Mapelli, gián đốc phân bộ Anima Mundi của Viện Bảo tàng Vatican và ông Vương Nguyệt Điện (Wang Yuegong, 王月宫一号) Giám đốc phân bộ Đời sống Cung đình và Nghi lễ Hoàng gia của Viện Bảo tàng Bắc Kinh. Cuộc triển lãm diễn ra bên trong Bảo tàng Cung điện của Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh, mở cửa cho công chúng từ ngày 28 tháng 5 đến ngày 14 tháng 7 năm 2019.

Với sáng kiến này, lần đầu tiên các phẩm vật trong Bảo tàng viện của Đức Giáo Hoàng được triển lãm ở Trung Quốc với sự phối hợp của tổ chức văn hóa quan trọng nhất ở nước này. Những người lạc quan cho rằng sự hợp tác có thể tiêu biểu cho một cử chỉ cụ thể trong nỗ lực hiểu biết lẫn nhau. Những người không lạc quan lắm thì cho đây chỉ là một “động tác giả” của phía Trung Quốc trong khi tiếp tục bách hại cộng đoàn Công Giáo địa phương.

Triển lãm trình bày các phẩm vật văn hóa trong bộ sưu tập nghệ thuật Trung Quốc từ phân bộ Anima Mundi của Viện Bảo tàng Vatican, bao gồm 76 tác phẩm nghệ thuật có tính cách thế tục, Phật giáo và Công Giáo.

Đặc biệt quan trọng, là một nhóm đáng kể các tác phẩm của các nghệ nhân Trung Quốc trình bày cuộc gặp gỡ giữa Kitô giáo và các truyền thống nghệ thuật của Trung Quốc.

Hai kiệt tác nguyên bản sẽ được trưng bày: bức tranh sơn dầu “Nghỉ ngơi trên chuyến bay đến Ai Cập” (1570 – 1573) của Barocci và “Ông Adong và bà Evà trong Vườn địa đàng” (cuối thế kỷ 18) của Peter Wenzel.

Triển lãm cũng sẽ bao gồm các tác phẩm được chọn bởi Viện Bảo tàng Bắc Kinh như các bức họa của nghệ nhân Công Giáo Ngô Lịch (Wu Li, 吴历 1632- 1718) và Giuseppe Castiglione, một tu sĩ dòng Tên từ Milan được biết đến ở Trung Quốc Lang Thế Ninh (Lang Shining, 郎世宁,1688 – 1766).

5. Bối cảnh Sứ điệp nhân ngày di dân và tị nạn 2019 của Đức Thánh Cha

Phát biểu trước một cuộc biểu tình bên ngoài nhà thờ chính tòa của thành phố Milan vào ngày 18 tháng 5, Phó Thủ tướng Ý Matteo Salvini đã nói về cội nguồn Kitô giáo của châu Âu.

Ông Salvini lưu ý rằng cả Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Giáo Hoàng Đức Bênêđíctô XVI đều thường xuyên nhắc nhở người dân các nước Âu châu về di sản Công Giáo của họ. Sau đó, ông đưa ra những lời cầu nguyện cùng các vị thánh bảo trợ của Âu châu.

Ông Salvini cũng đã quay về phía bức tượng của Đức Mẹ trên đỉnh nhà thờ, hôn tràng hạt Mân Côi trong tay, ông nói với những người tham dự của cuộc biểu tình, “Tôi giao phó nước Ý, cuộc sống của tôi và cuộc sống của các bạn trong tay Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ, là Đấng mà tôi chắc chắn sẽ đưa chúng ta đến chiến thắng.”

Những tiếng vỗ tay hò reo vang dội đã nổi lên để cổ vũ ông. Như thế, chắc chắn rằng đa số những người đang nghe ông nói là những người Công Giáo.

Tuy nhiên, khi ông mới đề cập đến Đức Thánh Cha Phanxicô và lời mời gọi các tín hữu quảng đại đón tiếp và săn sóc những người di dân và tị nạn, nhiều tiếng reo hò phản đối đã nổi lên. Người dân Italia nói riêng và người Âu châu xem ra không tán thành quan điểm của Đức Thánh Cha về di dân.

Nhiều ngôn ngữ Âu Châu thực sự rất khó học. Người di dân, do đó, khó hội nhập được vào các xã hội Âu Châu. Nạn trộm cắp và các tệ nạn xã hội khác đang là một vấn đề nghiêm trọng tại các quốc gia này. Nó còn xem ra nghiêm trọng hơn khi các chính trị gia mị dân khai thác tối đa khiá cạnh này để kiếm phiếu như trong cuộc bầu cử vào Nghị Viện Âu Châu vừa qua.

6. Sứ điệp nhân ngày di dân và tị nạn 2019 của Đức Thánh Cha

Dù thế, trong sứ điệp nhân ngày di dân và tị nạn năm nay, Đức Thánh Cha tái kêu gọi các tín hữu quảng đại đón tiếp và săn sóc những người di dân và tị nạn, và việc làm này mang lại lợi ích cho chính bản thân chúng ta.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong Sứ điệp công bố sáng hôm 27-5-2019 nhân ngày thế giới di dân và tị nạn sẽ được cử hành vào ngày 29-9 năm nay với chủ đề “Không phải chỉ là người di dân”.

Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha tố giác sự kiện các xã hội có nền kinh tế cao đang có xu hướng ngày càng theo cá nhân chủ nghĩa, cùng với não trạng duy lợi ích, gia tăng các mạng thông tin tạo nên hiện tượng hoàn cầu hóa sự dửng dưng.. Trong bối cảnh đó, những người di dân và tị nạn, những người tản cư và các nạn nhân nạn buôn người trở thành biểu tượng sự loại trừ, vì ngoài thân phận đau thương của họ, họ còn phải chịu nhiều thành kiến tiêu cực, coi họ như nguyên nhân gây ra các tai ương xã hội”.

Trước tình trạng đó, Đức Thánh Cha khẳng định rằng sự hiện diện của người di dân và tị nạn, và nói chung là những người dễ bị tổn thương, mời gọi chúng ta hãy phục hồi một số chiều kích cốt yếu của cuộc sống Kitô và tình nhân loại của chúng ta, những đặc tính này có nguy cơ bị suy yếu trong lối sống nhiều tiện nghi. Vì thế, chủ đề “không phải chỉ là người di dân” có nghĩa là khi quan tâm đến số phận của những người di dân và tị nạn, tức là chúng ta chúng ta cũng quan tâm đến chính mình, đến tất cả chúng ta, lên tiếng thay cho những thành phần của chúng ta mà có lẽ chúng ta dấu kín vì ngày nay những thành phần ấy không được coi trọng”.

7. Vượt thắng thái độ sợ hãi đối với di dân và tị nạn

Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha cũng kêu gọi vượt thắng tâm trạng sợ hãi đối với những người di dân và tị nạn, đừng để thái độ đó ảnh hưởng tới lối tư duy và hành động, đến độ làm cho chúng ta trở thành những người bất bao dung, khép kín, và vô tình kỳ thị chủng tộc”.

Đức Thánh Cha nhắc lại lời Chúa Giêsu: “Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao?” (Mt 5:46). Đức bác ái ở mức độ cao nhất là đức ái đối với những người không có khả năng bù đắp lại và có lẽ cũng chẳng cảm ơn chúng ta”.

Trong chiều hướng đó, Đức Thánh Cha cổ võ các tín hữu hành xử như người Samaritano nhân lành dừng lại nơi người bị thương bên vệ đường, trở nên người “thân cận” của họ, nhìn nhận đau khổ và hành động để thoa dịu, chữa lành và cứu vớt.

Và Đức Thánh Cha nhắc lại rằng “câu trả lời cho thách đố do các cuộc di dân ngày nay đề ra có thể tóm tắt trong 4 động từ: đón tiếp, bảo vệ, thăng tiến và hội nhệp. Nhưng những động từ này không phải chỉ có giá trị đối với người di dân và tị nạn mà thôi. Chúng diễn tả sứ mạng của Giáo Hội đối với tất cả những người dân sống ở ‘ngoại ô cuộc sống’, họ phải được đón tiếp, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập. Nếu chúng ta thực hành những động từ ấy, chúng ta góp phần xây dựng thành thị của Thiên Chúa và của con người, thăng tiến sự phát triển toàn diện con người và tất cả mọi người, và chúng ta cũng giúp cộng đoàn thế giới đến gần những mục tiêu phát triển dài hạn đã được đề ra, mà chẳng vậy, những mục tiêu ấy sẽ khó lòng đạt tới được”

Vietcatholic Network

Bài viết liên quan