Giáo Hội Toàn Cầu

Video: Giáo Hội Năm Châu 25/02/2019: Ma-rốc đang mong chờ chuyến thăm của Đức Thánh Cha

1. Đất nước Ma-rốc đang mong chờ chuyến thăm của Đức Thánh Cha đến thăm vào 30-31 tháng 3

Đất nước Ma-rốc đang mong chờ chuyến thăm của Đức Thánh Cha đến thăm vào 30-31 tháng 3

Cha Matteo Revelli, một linh mục Truyền giáo Châu Phi, chính xứ nhà thờ Thánh FrançoisQueryssise ở Fès, cho Fides News Agency hay ngày 14 tháng 2 năm 2019 rằng: Cộng đồng Công Giáo đang chờ đợi chuyến viếng thăm sắp tới của Đức Phanxicô, tông du đất nước này vào các ngày 30-31/3/2019 trong niềm vui, cởi mở, bác ái, yêu thương vô điều kiện.

Năm nay, tôi đã nỗ lực hướng dẫn cho 450 thầy đại chủng sinh hoạt động cho người di cư nghèo túng ở Fès. Cho đến tháng 7/2018, gần một ngàn người trong số họ đã có những căn lều tạm trên khu đất bỏ hoang, ngay bên cạnh ga xe lửa thành phố làm nơi tạm trú. Nhưng vì không có nước và đèn điện nên họ buộc phải rời khỏi nơi này đến tạm định cư ở một trại tập trung của thành phố, ít ra họ có một ít nước và đèn điện.

Thành phố Fès vào mùa đông thì rất lạnh và điều kiện sinh sống cho những người tỵ nạn thì rất bấp bênh và đầy khó khăn. Theo linh mục Revelli cho hay: Ngoài tổ chức của Caritas, họ cần nhiều nguồn trợ lực và nhân lực… Một số tình nguyện viên của Caritas ở Rabat đã trợ giúp về y tế, thực phẩm và quần áo. Cha cũng cho hay các hoạt động đã mở rộng với sự tham gia của Giáo hội Tin lành địa phương: Hiện tại, cùng với một nhóm tình nguyện viên, chúng tôi cung cấp một bữa ăn cho 45 người mỗi ngày, cũng như giúp cho khoảng hai mươi người có phương tiện tắm rửa hàng tuần. Đầu bếp là một người mẹ cũng di cư: cô ấy nấu ăn và phục vụ các bữa ăn cho các người tỵ nạn trong khu phố. Phòng ăn là phòng ngủ của cô; sau khi trẻ em và người di cư về lại chỗ tạm trú của họ thì căn phòng trở thành phóng ngủ của cô. Vào mỗi buổi sáng, người trợ giúp của tôi phân phát 45 phiếu nhận phần ăn uống cho những người có nhu cầu cần thiết nhất.

Cha Revelli cho hay: Vì dịch vụ hỗ trợ thật cấp bách trong tình hình ngày càng trở nên trầm trọng vì số người được lãnh phần ăn chỉ có là 45 trong số 250 người di cư trong khu phố đông đúc này, nên mỗi đêm thường xảy ra những tranh tụng về một phần ăn. Trong khu phố cũng có rất nhiều người Ma-rốc quá nghèo đang ước muốn có một bữa ăn tương tự…

2. Tuyên bố của Giáo phận Salina về tình trạng cư trú của Mr. McCarrick

Theodore McCarrick, cựu Tổng Giám mục của Washington, DC, người vừa bị Đức Giáo Hoàng Phanxicô trục xuất khỏi hàng giáo sĩ vì lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên và người lớn, sẽ tiếp tục sống tại cư xá dành cho các tu sĩ dòng Phanxicô Capuchin ở Victoria, Kansas, nơi ông chuyển đến vào tháng 9 năm ngoái.

Giáo phận Salina đã đưa ra một tuyên bố vào hôm thứ Bảy 16 tháng Hai rằng: “Ông McCarrick sẽ tiếp tục cư trú tại Tu viện Thánh Fidelis ở Victoria, Kansas cho đến khi quyết định cuối cùng về nơi thường trú của ông được hoàn tất.”

Tu viện Thánh Fidelis được điều hành bởi dòng Phanxicô Capuchin.

Tuyên bố cũng nói rằng Đức Cha Gerald Vincke, Giám Mục giáo phận Salina, “bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với các tu sĩ dòng Phanxicô Capuchin tại Tu viện Thánh Fidelis trước tình hình khó khăn này.”

Vẫn chưa có thông tin cụ thể về việc cựu giáo sĩ McCarrick, năm nay gần 89 tuổi, sẽ sống như thế nào trong những ngày sắp tới, mặc dù ông được tường thuật là có đủ các phương tiện tài chính để sống độc lập theo ý mình. Những câu hỏi quan trọng liên quan đến khả năng tài chính của McCarrick – một người rất thành công trong việc gây quỹ – không thể có câu trả lời. Theo thông tấn xã Catholic News Agency, vô phương mà biết được ông ta đã thu góp được bao nhiêu trong suốt hơn sáu thập kỷ làm giáo sĩ.

Vào buổi trưa ngày thứ bảy, Giám đốc lâm thời của Văn phòng Báo chí của Tòa thánh, Alessandro Gisotti, đã xuất hiện trước các phóng viên để đọc thông cáo của Bộ Giáo Lý Đức Tin bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Nói bằng tiếng Anh, ông Gisotti cho biết quy trình tố tụng trong Bộ Giáo lý Đức tin có thể là một trong hai hình thức. Hình thức tư pháp thông thường là thông qua các phiên xử giáo luật. Hình thức thứ hai là hình thức ngoại thường thông qua một thủ tục tố tụng hành chính được áp dụng khi các bằng chứng phạm tội đã quá hiển nhiên. Hình thức thứ hai đã được áp dụng trong trường hợp của McCarrick nhưng ông Gisotti nhấn mạnh rằng: “Tất cả các quyền chính đáng của ông ấy đều được tôn trọng. Tôi có thể khẳng định rằng luật sư của McCarrick, đóng vai trò tích cực trong quá trình thẩm vấn”

Ông Gisotti cũng nói thêm rằng: “Tôi xin nhấn mạnh rằng quyết định này là chung cuộc, không thể kháng cáo.”

Ông Giám Đốc lâm thời của Phòng Báo Chí Tòa Thánh cũng đã trích dẫn một thông cáo ngày 6 tháng 10 năm 2018 từ Văn phòng Báo chí của Tòa Thánh, trong đó tuyên bố rằng “Sự lạm dụng và cả sự che đậy tội ác này không còn có thể dung thứ được và một cách đối xử biệt đãi dành riêng cho các Giám mục đã phạm tội hoặc bao che tội lỗi lạm dụng, trên thực tế tiêu biểu cho một hình thức của chủ nghĩa giáo sĩ trị không còn có thể chấp nhận được.”

3. Đức Phanxicô khoan hồng cho một linh mục đã từng bị Đức Gioan Phaolô II điểm mặt và treo chén

Đức Thánh Cha Phanxicô đã phục hồi cho cha Ernesto Cardenal, một nhà thơ linh mục mê say cộng sản đã từng bị Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II treo chén khoảng 35 năm trước vì không chịu rời bỏ chức vụ trong chính phủ cộng sản Sandinista tại Nicaragua.

Linh mục Cardenal, hiện đã 94 tuổi và sắp chết, đã bị vị Giáo Hoàng Ba Lan cấm cử hành Thánh lễ và ban các phép bí tích vào năm 1984.

Cha Cardenal sinh năm 1925, trong một gia đình thượng lưu tại Granada, Nicaragua. Ngài đã từng du học tại Managua, Mễ Tây Cơ và Hoa Kỳ. Năm 1950, sau khi theo học 2 năm tại New York, ngài về nước bí mật tham gia vào phong trào cộng sản và tham dự vào cuộc đảo chính tháng Tư, 1954 nhằm lật đổ tổng thống Anastasio Somoza García. Cuộc đảo chính thất bại, nhiều người thân bị giết, ngài bị truy nã nên trở lại Hoa Kỳ. Tại đây, ngài gia nhập Tu viện Giệtsimani của dòng Trap tại Kentucky. Năm 1959, ngài bỏ Tu viện này sang Mễ Tây Cơ theo học Thần học tại Cuernavaca.

Sau khi tổng thống Anastasio Somoza García bị ám sát, ngài trở về quê nhà và được thụ phong linh mục vào năm 1965 tại quê nhà Granada. Cha Cardenal được cử chăm sóc mục vụ cho người dân tại quần đảo Solentiname, nơi đa số là dân nghèo. Cuốn “El Evangelio en Solentiname” – (Tin Mừng của người Solentiname) được viết vào thời kỳ này. Cuốn sách phản ảnh những kỳ vọng hoang tưởng của ngài vào khả năng của chủ nghĩa cộng sản trong việc chấm dứt tình cảnh lầm than của dân nghèo. Đối với các Giám Mục Nicaragua, cuốn “Tin Mừng” này là một điều đáng âu lo: Nó bóp méo những giá trị chân thật của Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô dưới ‘bóng tối” [chứ không phải là ánh sáng] của học thuyết cộng sản.

Ngày 17 tháng Bẩy 1979, cộng sản chiếm được thủ đô Managua. Hai ngày sau đó, chính phủ cộng sản ra mắt dân chúng. Hàng giáo phẩm Nicaragua và người Công Giáo tại quốc gia này ngỡ ngàng thấy cha Ernesto Cardenal được giới thiệu là Bộ trưởng Văn Hoá. Em trai, nhỏ hơn ngài 9 tuổi, là linh mục dòng Tên Fernando Cardenal được giới thiệu là Bộ trưởng Giáo dục.

Cũng như ở tất cả các nước cộng sản khác, sau khi nắm được chính quyền. Bọn cộng sản Mác Sandinista thực thi một chính sách đàn áp dã man Giáo Hội tại quốc gia này.

Tấm hình bên cạnh là một tấm hình lịch sử. Khi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến thăm Nicaragua vào tháng Ba năm 1983, trong một cử chỉ đầy kịch tính cha Ernesto Cardenal, Bộ trưởng Văn Hoá cộng sản, quỳ trước mặt Đức Gioan Phaolô II để chào đón ngài.

Theo tiến sĩ George Weigel, người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, toàn bộ là một vở kịch của cộng sản. Trong tính toán của chúng, Đức Gioan Phaolô II chắc không biết Ernesto Cardenal là ai. Trước một người quỳ gối trước mặt ngài như thế, ngài chắc sẽ ban phép lành cho y hay ít nhất cũng có một vài cử chỉ thân thiện nào đó. Hình ảnh đó sẽ được guồng máy tuyên truyền của cộng sản diễn dịch như thể Đức Giáo Hoàng chúc phúc cho Ernesto Cardenal và công việc của ông.

Đó là một tính toán sai lầm. Vị Giáo Hoàng Ba Lan không để mình bị lọt bẫy. Ngài chỉ thẳng vào mặt Ernesto Cardenal nói dõng dạc bằng tiếng Tây Ban Nha “Usted tiene que arreglar sus asuntos con la Iglesia” – “Ông phải làm hòa với Giáo Hội”.

Linh mục dòng Tên Fernando Cardenal đứng ngay gần bên, định quỳ xuống đóng kịch như anh, thấy không xong, lảng đi chỗ khác, bỏ lại người anh đang bơ mặt ra ngượng ngùng tê tái.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II còn yêu cầu Hội Đồng Giám Mục Nicaragua buộc hai anh em nhà Cardenal phải từ bỏ các chức vụ trong chế độ cộng sản. Cả hai đều bất tuân lệnh của các Giám Mục. Do đó, dòng Tên ra quyết định trục xuất Fernando Cardenal.

Ngày 4 tháng Hai, 1984, đích thân vị Giáo Hoàng Ba Lan ra lệnh treo chén cả hai anh em nhà Cardenal theo giáo luật 285 triệt 3: “Các giáo sĩ bị cấm đảm nhận các chức vụ công quyền đòi hỏi phải tham gia vào việc thực thi quyền lực dân sự”

Ernesto Cardenal vẫn tiếp tục là Bộ trưởng Bộ Văn hóa cho đến năm 1987, khi Bộ của ông bị đóng cửa vì lý do kiệt quệ kinh tế. Em trai ngài, linh mục Fernando Cardenal, đã qua đời ngày 20 tháng Hai, 2016.

Quyết định khoan hồng cho Ernesto Cardenal của Đức Thánh Cha Phanxicô, có lẽ xuất phát từ lòng thương xót, dựa trên các báo cáo là ông đang hấp hối. Quyết định này đã được chào đón một cách lạnh nhạt tại Nicaragua, nơi Giáo Hội trong những ngày này vẫn tiếp tục đụng độ với Daniel Ortega.

Thật thế, Daniel Ortega, là một lãnh tụ cộng sản trong phong trào Mác Sandinista đã lật đổ chế độ độc tài của tướng Anastasio Somoza Debayle, và đã cai trị Nicaragua từ năm 1979 cho đến năm 1990 khi trào lưu cộng sản bị lật nhào trên quy mô toàn thế giới.

Trong những năm sau đó, Daniel Ortega đã diễn nhiều vở kịch hay: tuyên bố sám hối vì tội lỗi với Giáo Hội Công Giáo, đi nhà thờ, tham dự các nghi lễ tưởng niệm. Nhờ khả năng diễn xuất quá thành công, nhờ những khó khăn trong buổi đầu chuyển từ thời cộng sản sang kinh tế thị trường tự do, Ortega lại dần dần lấy lại được uy tín và giành được thắng lợi trong các cuộc bầu cử tổng thống năm 2006 và 2011.

Ngồi vững trở lại trên quyền lực, Daniel Ortega lại bắt đầu những chiến dịch đàn áp Giáo Hội một cách tinh vi và nham hiểm hơn.

4. Đức Giáo Hoàng Phanxicô xin mọi người cầu nguyện cho Hội Nghị Thượng Đỉnh về lạm dụng tình dục

Ngày 17 tháng Hai vừa qua, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã xin các tín hữu cầu nguyện cho hội nghị bàn về việc che chở trẻ em được dự định tổ chức trong các ngày 21 tới 24 tháng Hai này, với sự tham dự của các chủ tịch các hội đồng Giám Mục thế giới.

Ngài nói: “Từ thứ Năm tới cho đến Chúa Nhật, một hội nghị sẽ diễn ra tại Vatican gồm các Chủ Tịch của mọi Hội Đồng Giám Mục, bàn về vấn đề bảo vệ các vị thành niên trong Giáo Hội. Tôi mời gọi anh chị em cầu nguyện cho hội nghị này, một hội nghị tôi muốn là một hành vi trách nhiệm mục vụ mạnh mẽ trước một thách đố cấp bách của thời ta”.

Trước đó một ngày, Giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, Alessandro Gisotti, đã gặp gỡ các nhà báo. Nhân dịp này, một tuyên bố cũng đã được đưa ra, nội dung như sau:

Hội nghị tháng Hai về việc bảo vệ các vị thành niên có một mục đích cụ thể: mục tiêu là mọi Giám Mục hiểu rõ điều các ngài cần làm để ngăn ngừa và chống trả vấn đề hoàn cầu về việc lạm dụng tình dục các vị thành niên. Đức Giáo Hoàng Phanxicô biết rằng một vấn đề hoàn cầu chỉ có thể được giải quyết bằng một giải pháp hoàn cầu. Đức Giáo Hoàng muốn đây là một cuộc hội họp của các Mục Tử, chứ không phải là một hội nghị học thuật – một cuộc hội họp có đặc điểm là cầu nguyện và biện phân, một cuộc hội họp giáo lý và làm việc.

Điều nền tảng đối với Đức Thánh Cha là các Giám Mục, những vị đến Rôma sau đó trở về đất nước và giáo phận của các ngài, hiểu các luật lệ cần được áp dụng và đưa ra các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa việc lạm dụng, săn sóc các nạn nhân, và bảo đảm để không một trường hợp nào được che đậy hay chôn vùi.

Về các hoài mong cao đã được tạo ra quanh Hội Nghị, điều quan trọng phải nhấn mạnh là Giáo Hội không phải chỉ mới bắt đầu cuộc tranh đấu chống việc lạm dụng. Hội Nghị chỉ là một giai đoạn trên cuộc hành đình đau đớn mà Giáo Hội đã không ngừng và cương quyết dấn thân hơn 15 năm qua.

5. Ban Tổ Chức Hội Nghị họp báo

Sau đó 2 ngày, tức ngày 18 tháng Hai, cũng tại Phòng Báo chí Tòa Thánh, đã có cuộc họp báo của ban tổ chức Hội Nghị Thượng Đỉnh Bảo vệ các Vị thành niên.

Trong cuộc họp báo này, Cha Lombardi, điều hợp viên của Hội nghị, công bố chương trình, các tham dự viên và các diễn giả và cho biết báo chí cũng như các quan sát viên và tín hữu quan tâm có thể vào trang mạng pbc2019.org, đã được chuyên biệt phát động để gặp gỡ, thu lượm tin tức, tài liệu về chính Hội nghị và vấn đề chủ chốt.

Đức Tổng Giám Mục Scicluna thì nhắc nhở các người hiện diện “Đây là một giai đoạn của một diễn trình tổng thể rộng lớn hơn”

Các buổi họp báo hàng ngày để tiếp đón số lượng rất đông báo chí sẽ diễn ra tại phòng Augustianum gần Quảng Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô. Hiện diện hàng ngày, ngoài 1 vị khách sẽ được công bố một ngày trước, sẽ có Ông Alessandro Gisotti, Giám đốc Phòng Báo Chí, Ông Paolo Ruffini, Bộ trưởng Bộ Truyền Thông, Cha. Lombardi and Đức Tổng Giám Mục Charles Scicluna.

Tại Hội Nghị, mỗi ngày sẽ bắt đầu bằng việc cầu nguyện, sau đó, có hai góp ý (interventions) vào buổi sáng, và một góp ý vào buổi chiều, mỗi góp ý sẽ được tiếp nối bằng một buổi hỏi đáp, rồi chia nhóm thảo luận theo ngôn ngữ. Các cao điểm trong các ngày này sẽ là Phụng Vụ Thống Hối chiều Thứ Bẩy và Thánh Lễ sáng Chúa Nhật. Đức Giáo Hoàng sẽ giảng một bài giảng trong 1 trong 2 biến cố này; sau Thánh Lễ buổi sáng và Kinh Truyền tin buổi trưa, Đức Giáo Hoàng sẽ có diễn văn bế mạc. Một số nạn nhân, cả nam lẫn nữ, sẽ hiện diện trong các buổi cầu nguyện. Ban tổ chức sẽ gặp một số nạn nhân và những người bênh vực họ trước Hội Nghị, và điều hợp viên, tức Cha Lombardi, đã đề nghị với các nạn nhân mang theo sứ điệp viết tay của họ và phân phối cho các vị dự họp.

Một vài khoảnh khắc của Hội Nghị có thể theo dõi trên truyền hình trực tiếp (streaming): các buổi cầu nguyện buổi sáng, lời giới thiệu ngắn của Đức Thánh Cha hôm đầu tiên, mọi góp ý của Tường Trình Viên, Phụng Vụ Thống Hối và diễn văn bế mạc của Đức Thánh Cha vào ngày cuối cùng.

Các vị trong ban tổ chức nhấn mạnh rằng đã có sẵn các chỉ dẫn và qui định hữu hiệu, nhất là chính sách tuyệt đối không khoan nhượng đối với việc lạm dụng tình dục vị thành niên và đối với việc thiếu trách nhiệm của các giám mục trong tự sắc ‘Giống Một Bà Mẹ Đầy Yêu Thương’ năm 2016 của Đức Phanxicô.

Vấn đề là các hướng dẫn này phải được tuân giữ trọn vẹn chứ không được làm ngơ. Trong khi một số nơi trên thế giới, nhất là tại các nước nói tiếng Anh, và một số nước ở Châu Âu tuân giữ, thì các nơi khác chưa thi hành.

6. Các câu hỏi và trả lời về đồng tính

Được hỏi: 80% các vụ lạm dụng liên hệ tới các bé trai, như vậy vấn đề đồng tính có được bàn đến hay không, Đức Hồng Y Cupich trả lời rằng “đúng là phải nhìn nhận rằng một phần trăm khá lớn các vụ lạm dụng là lạm dụng của nam đối với nam, nhưng đồng thời, theo các báo cáo chuyên nghiệp như Báo Cáo John Ray hay Ủy Ban Hoàng Gia Úc, đồng tính cũng chỉ là một nhân tố góp phần vào việc lạm dụng y như các nhân tố khác”.

Ngài nhắc nhở rằng những vụ rất lan tràn ở Hoa Kỳ trong các thập niên 1960, 1970 nay đã giảm một cách đáng kể nhờ áp dụng các biện pháp hữu hiệu trong việc đào tạo linh mục, giám mục, nam nữ tu sĩ và cá người giữ trọng trách trong Giáo Hội. Ngài nói: từ năm 2002 trở đi, “chúng ta thấy một sự giảm thiểu khổng lồ”, chỉ còn khoảng 5 vụ 1 năm, riêng năm 2017 có 7 vụ nhưng 4 vụ phạm bởi cùng 1 linh mục.

Hỏi về việc vi phạm của chính các nhân viên ở Vatican, Đức Tổng Giám Mục Scicluna nhấn mạnh: “Rôma cần biết rằng điều họ yêu cầu nơi các giáo hội địa phương, họ cần áp dụng ngay trong nhà”.

Cha Zollner thì cho hay: “Các hướng dẫn và thực hành cần được thực thi khắp thế giới. Ở đây, chúng ta có nhiều người từ Tây Phương. Nhưng việc này cần sự chú ý và phản ứng không chỉ từ Bắc và Nam Mỹ, và Trung Âu, nhưng từ xa hơn thế”.

Được hỏi về 1 cuốn sách gần đây nói về sự giả hình của hàng giáo phẩm trong Giáo Hội, không những không giữ độc thân mà đôi khi còn đồng tính luyến ái và điều này lên sức cho việc che đậy, Đức Tổng Giám Mục Scicluna bắt đầu nói rằng “Tôi điều tra các vụ [lạm dụng], chứ không điều tra việc che đậy chúng”. Nhưng sau đó, cho biết rõ: “một hệ thống bảo vệ hay ra sức che đậy cần phải bãi bỏ và chúng ta phải kết án nó”.

Được hỏi trong số 190 tham dự viên, chỉ có 10 phụ nữ, Đức Tổng Giám Mục Scicluna và Đức Hồng Y Cupich đồng ý nên có nhiều phụ nữ hơn. Tuy nhiên các vị cho rằng các vị phó hội, trước khi đến đây, đã tham khảo các chuyên viên giáo dân, đa số là phụ nữ. Các ngài thừa nhận rằng chính phụ nữ giúp các ngài phát triển chuyên môn về chủ đề này và với việc đưa ra quyết định trong các vụ lạm dụng. Cha Zollner thì nhận định: “Các phụ nữ, nhất là các nữ tu ở Á Châu và Phi Châu có tầm quan trọng nhất trong việc bảo vệ”.

7. Đức Thánh Cha cảnh báo sự thờ ngẫu tượng, và nhấn mạnh chính Chúa Giêsu gọi mời chúng ta tới Hạnh phúc

Suy tư về Tin Mừng theo Thánh Luca của Chúa Nhật, trong đó Chúa Giêsu công bố Hiến Chương Nước trời của Ngài qua Tám mối Phúc Thật.

Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích tại sao Chúa Giêsu lại tuyên dương phúc cho những ai nghèo khó, cho những ai đói khát, cho người đau khổ, cho những ai bị bắt bớ trong khi Ngài khuyến cáo những kẻ giàu có, những kẻ sung túc, những kẻ vui cười và được người ca ngợi tung hô.

Chúa đã dùng cụm từ “Khốn cho ai”, để gửi đến họ một tín hiệu, một sự “đánh thức” họ khỏi sự lừa dối nguy hiểm của ích kỷ hầu hướng họ tới viễn ảnh tình yêu, trong khi họ vẫn còn thời gian để thực hành yêu thương.”

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng qua đoạn Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, Chúa mời gọi chúng ta suy ngẫm về ý nghĩa sâu sắc của đức tin, trong sự tín thác hoàn toàn vào Chúa. .. và chỉ một mình Ngài mới có thể mang lại cho chúng ta sự tròn đầy của mọi khát vọng, một điều mà chúng ta khó mà tiến đạt tới được.

Mối nguy của sự thờ ngẫu tượng

Đức Thánh Cha lưu ý chúng ta ngay cả ngày hôm nay, có rất nhiều người tự cho mình là kẻ phân phát hạnh phúc. Họ hứa sẽ giúp người khác tiến đạt thành công một cách nhanh chóng! Đức Thánh Cha nói những phương thế dẫn tới những lợi nhuận chấp nhoáng, bất luận thông qua bằng những con đường tội lỗi là chống lại điều răn thứ nhất, đó là tôn thờ ngẫu tượng, chứ không tôn thờ một mình Thiên Chúa hằng sống.

Đó là lý do Chúa Giêsu muốn mở mắt chúng ta ra nhìn thấy được thực tại, chúng ta được kêu gọi đến hạnh phúc, nhận được ơn phước và tiến về Thiên Chúa, về Vương quốc của Ngài, chọn một cuộc sống vĩnh cửu thay vì của cải phù du trần thế! Đức Thánh Cha nói tiếp: chúng ta hạnh phúc vì chúng ta nhận biết chúng ta cần Chúa và giống như Chúa, chúng ta gần gũi với người nghèo, khổ đau và đói khát.

Tám mối phúc thật là một thông điệp cho đường đời

Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận: Tám mối phúc thật của Chúa là một thông điệp tiên quyết, thúc đẩy chúng ta không đặt niềm tin vào vật chất nhất thời, không tìm kiếm hạnh phúc chóng qua của người đời, sống ảo!

Đức Thánh Cha nói: Để có được một cái nhìn sâu sắc về thực tại, để chữa lành những cơn bện kinh niên trần tục đang vây bủa chúng ta. Chính trong những Lời nghịch lý của Tám mối, Chúa đánh động tâm cam chúng ta, khiến chúng ta nhận ra những gì thực sự làm cho chúng ta được sung mãn, hạnh phúc và mang lại cho chúng ta sự sung mãn hạnh phúc tròn đầy của những người con cái Thiên Chúa.

8. Sứ Thần Tòa Thánh tại Pháp bị cáo buộc lạm dụng tính dục trong trường hợp lảng xẹt.

Tờ Le Monde trong số ra ngày thứ Sáu 15 tháng Hai cho biết Đức Tổng Giám Mục Luigi Ventura, 74 tuổi, là Sứ thần Tòa Thánh tại Pháp đang bị điều tra “tấn công tình dục” trong một trường hợp được một số ký giả Công Giáo thuộc hệ thống truyền hình KTO ghi nhận là “lảng xẹt”.

Ngày 17 tháng Giêng, Đức Tổng Giám Mục Luigi Ventura tham dự lễ tuyên thệ nhậm chức của một thanh niên trẻ, tên là Patrick Klugman, được chọn làm giám đốc điều hành Tòa Đô Chính thủ đô Paris. Theo truyền thống tại Pháp, trong buổi lễ này có sự hiện diện của tổng thống, đại diện các tôn giáo, và đại diện của các cơ quan ngoại giao. Đức Sứ Thần Tòa Thánh có một vai trò quan trọng trong buổi lễ này.

Patrick Klugman tố cáo Đức Tổng Giám Mục Luigi Ventura đã có cử chỉ khiếm nhã khi ôm chúc mừng anh ta trong phòng tiếp tân rất đông người.

Cáo buộc của Patrick Klugman rất vô lý, vì biến cố này diễn ra ở chỗ đông người, có nhiều người khác cũng chúc mừng anh ta theo cùng một kiểu cách tương tự. Tuy nhiên, theo điều 40 của Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định trách nhiệm của công tố viên khi xảy ra các tố cáo, công tố viên Rémy Heitz đã chính thức mở cuộc điều tra vào ngày 23 tháng Giêng.

Được biết Patrick Klugman là luật sư cho nhóm FEMEN, một nhóm nữ quyền quá khích thường chống phá Giáo Hội Công Giáo vì lập trường phò sinh chống phá thai của Giáo Hội.

Đức Tổng Giám Mục Luigi Ventura là người miền Lombardia, Italia, sinh ngày 9 tháng 12 năm 1944 tại Borgosatollo. Ngài được thụ phong linh mục lúc mới 25 tuổi tại giáo phận Brescia và phục vụ trong ngành ngoại giao Tòa Thánh từ năm 1978.

Ngài có bằng tiến sĩ về Văn Chương và Giáo Luật. Ngài đã từng phục vụ trong các tòa Sứ Thần Tòa Thánh tại Ba Tây, Bolivia và Anh Quốc cho đến năm 1984 khi được triệu hồi về làm việc tại Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.

Ngày 25 tháng Ba, 1995, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nâng ngài lên hàng Tổng Giám Mục và bổ nhiệm ngài làm Sứ Thần Tòa Thánh tại Bờ Biển Ngà, Burkina Faso và Niger. Năm 1999, ngài được bổ nhiệm làm Sứ Thần Tòa Thánh tại Chí Lợi. Hai năm sau, ngài được bổ nhiệm làm Sứ Thần Tòa Thánh tại Canada.

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 bổ nhiệm ngài làm Sứ Thần Tòa Thánh tại Pháp vào ngày 22 tháng Chín, 2009. Ngài giữ nhiệm vụ này cho đến nay.

Từ câu chuyện này có lẽ các cha nên cẩn thận hơn. Nhiều vị đứng chào anh chị em sau các thánh lễ hành xử “tây” quá. Bắt tay có lẽ đủ rồi, ôm làm gì! “Cẩn tắc vô ưu.”

Vietcatholic Network

Bài viết liên quan