Hôm Chúa Nhật 18 tháng 11, cộng đồng người Ukraine ở Ý đã đánh dấu kỷ niệm 85 năm biến cố bi thảm Holodomor. Trong 2 năm 1932 và 1933, cộng sản Liên Xô đã thực hiện một tội ác kinh hoàng đối với người dân Ukraine. Thông qua chính sách siết chặt định mức tài nguyên nông nghiệp, Stalin chặn đứng việc cung cấp thóc giống, xăng dầu và các phương tiện canh tác cho các nông dân Ukraine. Chính sách nham hiểm này dẫn đến nạn đói kinh hoàng ngay trong thời bình, gọi là Holodomor. Tuyên bố chung của Ủy Ban Điều Tra Liên Hiệp Quốc với sự đồng thuận của 25 quốc gia vào năm 2003 nhìn nhận con số người chết trong biến cố Holodomor là từ 7 đến 10 triệu người trong hai năm 1932-1933. Trong khi đó, các sử gia Ukraine cho rằng ít nhất là 12 triệu người đã chết đói trong thời kỳ đó.
Tội ác diệt chủng người Do Thái, gọi tắt là Holocaust, thường được biết đến nhiều hơn tội ác diệt chủng người Ukraine, hay Holodomor. Đức Quốc Xã đã giết 6 triệu người Do Thái trong các trại tập trung. Theo những định nghĩa rộng nhất, có 17 triệu người Do Thái bị giết cách này cách khác vì tay của Đức Quốc Xã. Như thế, tội ác Holodomor của cộng sản Liên Xô cũng không thua kém gì tội ác Holocaust của Đức Quốc Xã.
Để bày tỏ niềm cảm thông với người dân Ukraine, Đức Hồng Y Crescenzio Sepe, Tổng Giám mục Naples, đã cho cộng đoàn Ukraine tại Ý mượn nhà thờ chánh tòa của ngài để cử hành Phụng Vụ Thánh theo nghi lễ Công Giáo Đông phương. Đồng thời, đích thân ngài mở khóa bảo tráp và cầm lọ đựng máu khô của Thánh Januarius (hay còn được gọi là Gennariô) trao cho Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk để ngài giơ lên cho các tín hữu kính thờ.
Cục Thông tin của Giáo Hội Công Giáo Đông phương Ukraine cho biết như sau:
Đứng trước thịnh tình của Đức Hồng Y Sepe, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav rất xúc động, Ngài nói:
“Chúng con rất xúc động vì Đức Hồng Y không chỉ mở rộng cửa ngôi nhà của ngài và ngôi nhà thờ xinh đẹp này, nhưng ngài cũng sẵn sàng mang kho báu lớn nhất của tổng giáo phận – là di tích của Thánh Januarius cho chúng con tôn kính”
Sau Phụng Vụ Thánh, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav cung kính rước lọ đựng máu khô của Thánh Januarius giơ lên cho các tín hữu kính thờ.
Khi ngài rước thánh tích trả lại chỗ cũ, hiện tượng máu thánh Januarius hóa lỏng xảy ra ngay lúc đó.
Những người bảo vệ di tích quay sang thông báo với các tín hữu: “Chúng tôi phải thông báo cho anh chị em một thông điệp quan trọng, một phép lạ đã xảy ra: máu của Thánh Januarius hóa lỏng trong tay của Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav”.
Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav đã rất xúc động và thay vì trả lại ngay, ngài cung kính rước thánh tích đi thêm một vòng nữa cho các tín hữu chiêm ngưỡng tận mắt phép lạ vừa xảy ra.
Nói chuyện với giới báo chí, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav cho biết:
“Trong khi rước thánh tích của Thánh Januarius với lòng đầy kính cẩn, tôi đã cầu xin ngài phù hộ cho người dân Ukraine chúng tôi và khẩn khoản xin ngài cầu bầu cho chiến tranh ở Ukraine sớm kết thúc”.
Tin tức về phép lạ này được loan truyền nhanh chóng và được người dân Ukraine hân hoan đón nhận.
Thánh Januarius là giám mục thành Benevento, nước Ý. Ngài được chọn làm quan thầy của thành Naples nước này. Thánh nhân chịu tử đạo trong cuộc bách hại dưới triều hoàng đế La Mã Diocletian vào ngày 19 tháng 9 năm 305.
Ngài bị chặt đầu cùng với các phó tế Festus, Sosius và Proculus; thầy đọc sách Desiderius và hai giáo dân Eutyches và Acutius. Tất cả đều bị bắt khi đến thăm Sossus, là phó tế và đang bị tù ở Pozzuoli. Sau khi bị bắt, họ bị quăng vào đấu trường để gấu xé xác nhưng chúng không làm hại các ngài, bởi đó họ bị chém đầu.
Một lọ máu khô của ngài được lưu trữ trong nhà thờ chánh tòa Naples. Một hiện tượng kỳ lạ không giải thích được là máu khô của ngài hóa lỏng mỗi năm ba lần: vào ngày 19 tháng 9, ngày lễ kính thánh nhân; ngày Chúa Nhật đầu tiên của tháng Năm, kỷ niệm di tích của ngài được rước vào nhà thờ chánh tòa Naples; và vào ngày 16 tháng 12, kỷ niệm vụ phun trào núi lửa Vesuvius. Giáo Hội chưa từng chính thức tuyên bố đây là phép lạ, mặc dù Đức Tổng Giám Mục Naples thường xuyên chủ sự các buổi lễ tại đó và hộp đựng máu khô được đặt trên bàn thờ và phép lạ được công bố khi máu của ngài hóa lỏng.
Hiện tượng máu khô hóa lỏng ngày 18 tháng 11 vừa qua được xem là một trường hợp ngoại thường.
2. Venice được chiếu sáng bằng ánh đèn đỏ để nêu bật tình cảnh bị bách hại của các tín hữu Kitô
Để bày tỏ tình đoàn kết với các Kitô hữu bị bách hại, trong đó có Asia Bibi, một phụ nữ Pakistan gần đây đã được tha bổng sau 8 năm tù oan vì bị vu cáo tội báng bổ Mumhammad, thành phố Venice đã được chiếu sáng bằng ánh sáng đỏ trong đêm thứ Ba 20 tháng 11.
Trong một thông điệp ủng hộ sáng kiến này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói sự kiện “sẽ thu hút sự chú ý của tất cả mọi người đến vấn đề nghiêm trọng về sự phân biệt đối xử mà các Kitô hữu phải chịu đựng ở nhiều nơi trên thế giới.”
“Có những quốc gia nơi một tôn giáo được áp đặt, ở những nơi đó, các môn đệ của Chúa Giêsu phải chịu một sự đàn áp bạo lực hoặc chế giễu văn hóa có hệ thống”, ngài nói.
Bắt đầu từ tối ngày 20 tháng 11, tám tòa nhà lịch sử của Venice, cũng như Cầu Rialto và Nhà thờ Santa Maria della Salute, được thắp sáng bằng ánh đèn màu đỏ để thu hút sự chú ý của công luận về hoàn cảnh bi thảm của các Kitô hữu bị bách hại trên khắp thế giới.
Tối 20/11, những người trẻ tại Tổng Giáo Phận Venice đã thực hiện một cuộc hành hương đi bộ qua thành phố để cầu nguyện cho các Kitô hữu bị bách hại.
Sự kiện này, được tài trợ bởi tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, sau một sáng kiến tương tự vào tháng Hai, tại Đấu trường Côlôsêô ở Rôma.
Vào năm 2017, tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ cũng vận động thành công việc chiếu sáng bằng đèn đỏ tại tòa nhà Quốc hội Anh ở Luân Đôn, Nhà thờ Thánh Tâm ở Paris và nhà thờ chính tòa Manila, Phi Luật Tân. Năm trước nữa, Đài phun nước Trevi nổi tiếng ở Rôma cũng đã được thắp sáng bằng đèn đỏ.
Từ ngày 21 đến 28 tháng 11 năm nay, các địa danh chính khác ở các thành phố Montreal, Toronto, Paris, Barcelona, London, Sydney và Washington, DC cũng sẽ được chiếu sáng màu đỏ trong một vài buổi tối.
Sáng kiến năm nay, được tổ chức với sự kết hợp của thành phố Venice và Đức Thượng Phụ Francesco Moraglia của Venice, nhằm thu hút sự chú ý một cách đặc biệt vào tình cảnh của chị Asia Bibi người Pakistan.
Năm 2009, Bibi bị buộc tội đưa ra những nhận xét phỉ báng tiên tri Hồi giáo Muhammad sau một cuộc tranh luận bắt nguồn từ một ly nước. Bibi đang thu hoạch quả dâu với các công nhân nông trại khác khi được yêu cầu đi lấy nước từ giếng.
Một người nhìn thấy cô uống nước từ một cái ly mà trước đó đã được những người Hồi giáo sử dụng. Người ấy nói với Bibi rằng một Kitô hữu không thể sử dụng chung một ly nước với người Hồi Giáo, vì Kitô hữu là người ô uế. Một cuộc cãi vã xảy ra sau đó, và năm ngày sau đó người ta báo cáo với một giáo sĩ Hồi giáo rằng Bibi đã phỉ báng Muhammad. Bibi và gia đình cô là những Kitô hữu duy nhất trong khu vực, và đã phải đối mặt với những áp lực buộc cải đạo sang Hồi giáo.
Cô bị kết tội phạm tội phạm thượng vào năm 2010, và bị kết án tử hình bằng cách treo cổ. Cô kháng cáo ngay lập tức. Tòa án Tối cao Lahore đã y án vào năm 2014, sau đó cô đã kháng cáo lên Tòa án Tối cao của Pakistan. Tòa án tối cao đã đồng ý nghe kháng cáo của cô vào năm 2015 nhưng khất lần hẹn nữa cho đến nay mới xử.
Kể từ khi bị bắt giữ, Bibi đã nhận được sự hỗ trợ từ nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho cô, bao gồm cả Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 và Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Vào năm 2015, Đức Phanxicô đã tiếp chồng và con gái cô và cầu nguyện cho cô.
Từ ngày 31 tháng 10, sau khi Tối Cao Pháp Viện Pakistan tuyên bố tha bổng cho Asia Bibi, đến nay, những người cuồng tín với gậy gộc, dao và mã tấu trong tay lang thang khắp các đường đường phố. Họ đốt xe hơi, phá phách tài sản công cộng và đánh đấm túi bụi các công dân bình thường, trong khi gào lên “Bàn giao ngay tên báng bổ Asia Bibi cho chúng tôi.”
3. Những kẻ lạm dụng luật báng bổ tại Pakistan cần phải bị luật pháp trừng trị
“Cảnh sát phải bắt giữ Qari Mohammad Salim và hai phụ nữ Hồi giáo đã vu cáo tội báng bổ cho Asia Bibi, một Kitô hữu vô tội đã phải sống 9 năm tù”, Taskeen Khan, một nhà hoạt động nhân quyền ở Pakistan nói với thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc.
“Đã đến lúc quốc gia này sửa chữa luật này, nếu không nó sẽ tiếp tục bị lạm dụng mà không bị luật pháp trừng phạt.”
Trong xã hội dân sự Pakistan, các nhà hoạt động nhân quyền, các tổ chức và cộng đồng các tôn giáo khác nhau đã bắt đầu nói trên các phương tiện thông tin đại chúng và các mạng xã hội về nhu cầu phải chống lại việc lạm dụng luật phỉ báng ở Pakistan.
Babar Ayaz, một người Hồi giáo, viết như sau khi nhận được tin Asia Bibi được Tối Cao Pháp Viện phán vô tội: “Tôi khen ngợi các thẩm phán của Tòa án Tối cao vì lập trường can đảm chống lại việc lạm dụng luật phỉ báng.”
Trước khi Zia-ul-Haq, cựu tổng thống Pakistan, mở rộng việc áp dụng luật phỉ báng, có rất ít trường hợp cáo buộc xảy ra tại Pakistan.
Điều 295 của Bộ luật hình sự cấm gây hại cho bất kỳ nơi thờ phượng hoặc một vật linh thiêng nào. Điều “295 a” cấm xúc phạm tình cảm tôn giáo; “295 b” trừng phạt sự khinh miệt đối với kinh Koran và “295 c” cấm việc vu khống Tiên tri Muhammad.
Nhà hoạt động Công Giáo Rashid Gill, điều phối viên của Ủy ban “Công lý và Hòa bình” của Karachi, nói với Fides: “Thật đáng buồn khi thấy rằng, luật báng bổ bị lạm dụng để giải quyết các tranh chấp cá nhân. Đây là trường hợp của Asia Bibi, trong đó gia đình người bị hại tan nát và có nguy cơ bị giết oan”. Ông nhấn mạnh rằng: “Chúng tôi yêu cầu những kẻ vu cáo phải chịu chung một khung hình phạt như đối với trường hợp người báng bổ, trong mọi trường hợp cáo gian. Đây sẽ là cách duy nhất để ngăn chặn việc lạm dụng luật phỉ báng này”.
Tháng 3 năm ngoái, Ủy ban Nhân quyền Thượng viện Pakistan đã đề xuất sửa đổi luật để trừng phạt những người cáo gian. Hiện nay, theo Bộ luật Hình sự Pakistan, những người cáo gian người khác chịu cùng lắm là bảy năm tù giam và phạt tiền 200,000 Rupees, tức là khoảng 1,330 euro. Tuy nhiên, những kẻ cáo gian người khác tội báng bổ thường được châm chước dưới áp lực của các Imam Hồi Giáo.
Theo dữ liệu từ Ủy ban Công lý và Hòa bình của các Giám mục Pakistan, từ 1987 đến 2014, đã có 633 người Hồi giáo, 494 người Hồi Giáo Ahmadi, 187 Kitô hữu và 21 người theo Ấn Giáo bị buộc tội báng bổ. Trong hầu hết các trường hợp, đó chỉ là những lời vu cáo. Điều nguy hiểm là những lời vu cáo này có thể kích động bạo loạn và người bị vu cáo bị đám đông cuồng nộ đánh chết không cần xét xử.
4. Nữ tu Ba Lan dòng Đa Minh 110 tuổi, người Công Chính Giữa Các Dân Nước, vừa từ giã cõi đời
Sơ Cecylia Maria Roszak, nữ tu dòng Đa Minh, người Ba Lan, được ghi vào Guiness là “nữ tu cao niên nhất trên thế giới” đã qua đời ở tuổi 110. Tổng giáo phận Krakow đã công bố như trên hôm 17 tháng 11.
Sơ Cecylia nhũ danh Maria Roszak, sinh ngày 25 tháng 3 năm 1908 tại thị trấn Kielczewo ở tây-trung Ba Lan. Sau khi tốt nghiệp trường thương mại ở tuổi 21, sơ xin vào tu viện On Gródek của dòng Đa Minh ở Krakow.
Năm 1938, cô đi cùng một nhóm nữ tu cùng dòng đến Vilnius (hiện nay thuộc Lithuania, nhưng vào thời điểm đó là một phần của Ba Lan). Các nữ tu hy vọng thành lập thêm một tu viện tại đây. Tuy nhiên, Thế chiến thứ hai bùng nổ đã ngăn cản ước muốn của các sơ.
Theo mật ước Molotov–Ribbentrop, ba nước vùng Baltic, trong đó có Lithuania, rơi vào tay Liên Xô. Tháng 10 năm 1939, 20,000 quân Liên Xô tràn vào Lithuania. Nhiều người Do Thái bị lùng bắt. Sơ Roszak và các nữ tu, dẫn đầu bởi Mẹ bề trên Bertranda, đã can đảm mạo hiểm mạng sống che giấu 17 thành viên kháng chiến Do Thái trong tu viện của họ.
Theo viện Yad Vashem, tức là Trung tâm Tưởng nhớ Cuộc Diệt chủng người Do Thái, những người Do Thái được cho ẩn náu trong tu viện là những thành viên của một phong trào Do Thái phi chính thống, tức là những người Do Thái nhưng không theo Do Thái Giáo.
“Mặc dù có sự khác biệt rất lớn giữa hai nhóm, mối quan hệ rất gần gũi đã được hình thành giữa các nữ tu Công Giáo và những người Do thái thế tục cánh tả. Những kháng chiến quân này tìm được một nơi trú ẩn an toàn phía sau các bức tường của tu viện. Họ giúp các nữ tu trong công việc canh tác và tiếp tục các hoạt động chính trị của họ. Họ gọi Mẹ bề trên của tu viện là Ima, tức là Mẹ theo tiếng Do Thái”, viện Yad Vashem đã cho biết như trên.
Tháng 6, 1941, Lithuania lại rơi vào tay Quốc Xã Đức. Những kháng chiến quân Do Thái đã quyết định rời tu viện và trở về khu Do Thái để giúp thiết lập một ổ kháng cự ở đó.
Vào tháng 9 năm 1943, mẹ Bertranda bị bắt, tu viện Vilnius bị đóng cửa và các nữ tu bị phân tán. Sơ Roszak trở về Krakow, do chiến tranh, các chị em của sơ cũng đã bị trục xuất khỏi nhà mẹ “On Grodek”. Sơ Roszak phải tá túc cùng với một số chị em khác vào thời điểm đó.
Vào năm 1947, Sơ Roszak và những sơ dòng Đa Minh khác trở về nhà mẹ, nơi sơ phục vụ như một người quản lý, người tổ chức và ca trưởng trong nhiều năm, và nhiều lần được bầu là Mẹ Bề Trên.
Năm 1984, Sơ Bertranda và các nữ tu tại tu viện Vilnius trong đó có Sơ Roszak đã được viện Yad Vashem trao tặng danh hiệu “Người Công Chính Giữa Các Dân Nước”. Đây là danh hiệu cao quý người Do Thái trao tặng cho những người không phải là người Do Thái đã liều mất mạng sống, tự do hoặc vị thế xã hội của họ để giúp đỡ người Do Thái trong thời kỳ Holocaust.
Năm 101 tuổi, Sơ Roszak đã trải qua phẫu thuật hông và đầu gối nhưng vẫn có thể tham gia vào nhiều hoạt động bình thường của tu viện, bao gồm cả việc tham gia cùng các chị em cầu nguyện và thăm các chị em bị bệnh.
Vào ngày 25 tháng 3 năm 2018, Sơ Roszak tổ chức sinh nhật lần thứ 110 tại tu viện của mình, nơi sơ được Tổng giám mục Marek Jedraszewski của Krakow đến viếng thăm.
Sơ Roszak qua đời vào ngày 16 tháng 11 năm 2018.
5. Các lãnh đạo doanh nghiệp Công Giáo trong nhóm Legatus quyết định không đóng góp cho Tòa Thánh trong năm 2019
Một nhóm các lãnh đạo doanh nghiệp Công Giáo đã quyết định không thu tiền đóng góp hàng năm của mình cho Tòa Thánh trong năm 2019.
Thomas Monaghan, chủ tịch của Legatus, đã viết thư cho thành viên vào ngày 16/11 yêu cầu họ tiếp tục cầu nguyện “cho Giáo hội và tất cả các nhà lãnh đạo của chúng ta,” vì “rõ ràng là cần phải mất một thời gian dài để giải quyết cho cuộc khủng hoảng hiện tại trong Giáo hội đến độ mà Ban Quản Trị tin rằng việc khôi phục việc đóng góp hàng năm của chúng ta phải được xem xét một cách thận trọng.”
Chiều ngày 11/11, vài giờ trước khi khai mạc phiên khoáng đại mùa thu của các Giám Mục Hoa Kỳ, Vatican đã chỉ thị cho các Giám Mục đình hoãn việc bỏ phiếu hai đề nghị về chính sách đối phó với cuộc khủng hoảng lạm dụng tính dục. Quyết định này của Tòa Thánh đã gây ra những phản ứng bất lợi tại Hoa Kỳ.
Thông báo của Legatus đưa ra hôm 16/11 có lẽ đã bị thúc đẩy bởi những tâm tình không hài lòng trước quyết định trên của Tòa Thánh.
Thomas Monaghan cho biết thêm những ai đã đóng góp thì Legatus sẽ gởi số tiền đó cho Tòa Thánh. Những ai chưa đóng góp thì ngưng đóng góp trong tài khóa năm 2019.
Nhóm Legatus gồm khoảng 5,000 doanh nhân người Mỹ. Theo tờ Wall Street Journal, tiền đóng góp hàng năm cho Tòa Thánh của nhóm này là khoảng $820,000.
Tháng 9 vừa qua, Legatus cũng đã chặn lại việc đóng góp cho Tòa Thánh trong năm 2018. Thomas Monaghan, chủ tịch và giám đốc điều hành của tổ chức, cho biết số tiền đóng góp trong năm 2018 đã được “ký quỹ”, trong khi chờ Tòa Thánh giải thích về việc chi tiêu.
Trong một bức thư gửi cho các thành viên, ông nói: “Trong ánh sáng của những tiết lộ và những câu hỏi gần đây, chúng tôi tin rằng cần phải có sự minh bạch tương ứng về việc sử dụng cụ thể của các quỹ này.”
Ông cho biết Legatus đã có các cuộc thảo luận về cách chi tiêu tiền và “đâu là trách nhiệm giải trình tài chính hiện hành trong Vatican đối với những đóng góp từ thiện như thế”.
Legatus được biết đến như “tổ chức hàng đầu thế giới dành cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Công Giáo dấn thân học hỏi, sống và truyền bá đức tin Công Giáo”.
Theo National Catholic Register, các thành viên phải là người Công Giáo có hạnh kiểm tốt với doanh thu hàng năm tối thiểu là 6.5 triệu đô la.
Vào đầu những năm 1990, Đức Hồng Y Anthony Bevilacqua gọi Legatus là “tổ chức giáo dân có ảnh hưởng nhất trong Giáo Hội”.
Monaghan, người sáng lập của nó, là chủ của Domino’s Pizza, một chuỗi các cửa hàng toàn cầu đã bán Domino’s Pizza với giá một tỷ đô la vào năm 1998.
6. Giám Mục Áo công khai kêu gọi Đức Giáo Hoàng bãi bỏ luật độc thân linh mục
Đức Cha Manfred Scheuer, Giám Mục giáo phận Linz, bên Áo đã viết một lá thư gửi cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô để nói về những kỳ vọng của dân chúng đối với tương lai của các thừa tác vụ dành cho các vị có chức thánh.
Tin tức về bức thư của ngài gởi cho Đức Thánh Cha Phanxicô được đăng ngay trên trang Web của giáo phận Linz.
Liên quan đến Thánh Thể như là trung tâm, và tột đỉnh của đời sống Giáo Hội, có ba sự thay đổi được đề nghị:
– Viri probati, tức là những người nam đã lập gia đình, trưởng thành và đáng tin cậy, nên được phong chức linh mục.
– Bãi bỏ luật độc thân linh mục
– Phụ nữ nên được phong chức, ít là chức phó tế.
Đức Giám Mục Scheuer nói về một “tiếng nói rầm rộ nổi bật” trong số các tín hữu, và lưu ý rằng trong thời gian ngắn Giáo Hội cần phải có cho những thay đổi đáng kể. Ngài nói lá thư trên đã được linh hứng từ một cuộc họp giáo phận dưới tiêu đề “Kirche weit denken” (“Những suy nghĩ thoáng về Giáo Hội”).
Bản thân bức thư chưa được công bố. Dường như Đức Cha Scheuer vẫn còn trong tình trạng thăm dò, nên không nêu rõ quan điểm trên là quan điểm của các tín hữu hay quan điểm của chính ngài. Nhưng trong những năm gần đây, ngài đã nhiều lần cho thấy rằng ngài có xu hướng ủng hộ tất cả những ý tưởng này.
Nhiều quan sát viên cho rằng một Giám Mục ủng hộ các quan điểm trên cần phải bị cách chức ngay tức khắc.
7. Đối thoại thần học Công Giáo và Chính Thống Giáo về quyền bính Đức Giáo Hoàng
Đối thoại thần học Công Giáo và Chính Thống Giáo đã bàn sang một vấn đề gay góc nhất trong các cuộc đối thoại giữa hai bên, đó là quyền bính tối thượng của vị Giám Mục Rôma.
Văn phòng Điều phối của Ủy ban Quốc tế về Đối thoại Thần học giữa Giáo Hội Công Giáo và Giáo hội Chính thống, dưới sự đồng chủ tịch của Đức Hồng Y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng Cổ vũ Đại kết Kitô giáo, và Đức Tổng Giám Mục Job của tổng giáo phận Telmessos, thuộc Tòa Thượng Phụ Constantinople, đã gặp nhau từ ngày 13 đến 17 tháng 11 năm 2018, tại Tu viện Bose, bên Ý.
Hiện diện tại cuộc họp là mười thành viên Công Giáo và chín đại diện Chính Thống Giáo của các Giáo Hội Chính Thống khác nhau. Các thành viên của Ủy ban đã được đón tiếp nồng hậu bởi Cộng đồng tu viện Bose. Tại buổi khai mạc cuộc họp, Người sáng lập Cộng đồng, Sư huynh Enzo Bianchi, và Bề trên tu viện Luciano Manicardi, đã chào mừng những tham dự viên và bảo đảm với họ về lời cầu nguyện và sự hỗ trợ của cộng đồng cho công việc của Ủy ban.
Ủy ban đã xem xét một bản dự thảo của văn bản có tựa đề, “Quyền tối thượng của Đức Giáo Hoàng và tính Công Đồng trong Thiên niên kỷ thứ hai và hôm nay”, được chuẩn bị bởi một ủy ban hỗn hợp. Ủy ban Điều phối sẽ đánh giá một phiên bản sửa đổi dự thảo tại cuộc họp tiếp theo của họ, được lên kế hoạch cho tháng 11 năm 2019.
8. Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô dự trù ban cấp quy chế tự trị cho Chính Thống Giáo Ukraine trong tháng 12
Tòa Thượng Phụ Constantinople đã tái khẳng định quyết tâm ban cấp Tomos, tức là quy chế tự trị cho Chính Thống Giáo Ukraine. Một tuyên bố từ Chánh Văn Phòng Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo Constantinople đã cho biết như trên.
Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô và các Giám Mục Chính Thống Giáo sẽ gặp nhau từ ngày 27 đến 29 tháng 11, để soạn thảo và phê chuẩn nội dung của Tomos trong đó ban cấp quy chế tự trị cho một Giáo Hội Chính Thống độc lập tại Ukraine.
Tuyên bố cho biết thêm rằng một ngày cụ thể cho việc công bố Tomos được dự trù “trong tháng Mười hai”.
Trong khi đó, Hội Đồng Giám Mục của Chính Thống Giáo thống nhất Ukraine cũng sẽ được triệu tập tại Kiev vào đầu tháng 12 để bầu một vị đứng đầu Giáo hội Chính thống tân lập Ukraine. Phát ngôn viên quốc hội Andriy Parubiy đã cho biết như trên trong một cuộc họp của Hội đồng Hòa giải Chính Thống Giáo. Tomos sẽ được trao cho bất cứ ai được chọn làm Đức Thượng Phụ Giáo Hội tân lập.
Tại Ukraine hiện nay có đến 3 Giáo Hội Chính Thống Giáo. Nhóm đông nhất là nhóm Chính Thống Giáo Nga trực thuộc tòa thượng phụ Mạc Tư Khoa. Nhóm thứ hai là Chính Thống Giáo Ukraine và nhóm thứ ba là Chính Thống Giáo Ukraine tự trị với đa số là các vị Chính Thống Giáo Ukraine trở về từ hải ngoại sau khi cộng sản sụp đổ.
9. Tâm thư của các Giám Mục Ba Lan về tai tiếng lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ
Các giám mục của Ba Lan đã công bố hôm thứ Hai một bức tâm thư gởi anh chị em tín hữu về tai tiếng lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên bởi một số giáo sĩ, cầu xin sự tha thứ của các nạn nhân và kêu gọi hành động, cầu nguyện, và sám hối.
Khi lạm dụng tình dục “xuất hiện giữa các giáo sĩ, nó trở thành nguồn gốc của một tai tiếng nghiêm trọng,” các giám mục nói trong tuyên bố ngày 19 tháng 11, được chuẩn bị trong hội nghị khoáng đại của các ngài tại Jasna Gora.
“Sự vỡ mộng và phẫn nộ còn đau đớn hơn nhiều vì trẻ em, thay vì nhận được tình yêu và sự chăm sóc chu đáo khi họ tìm kiếm sự gần gũi với Chúa Giêsu, lại phải trải nghiệm bạo lực và sự cướp đi phẩm giá ngây thơ thời niên thiếu một cách tàn bạo.”
Các giám mục đã thường xuyên trích dẫn trong tâm thư của các ngài những lời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Đức Bênêđíctô thứ 16, cũng như của Thánh Gioan Phaolô II.
Các Giám Mục nhận xét chua chát rằng:
“Đối với nhiều tín hữu, đặc biệt là đối với những người trẻ, những người chân thành tìm kiếm Thiên Chúa, những vụ tai tiếng tình dục liên quan đến hàng giáo sĩ đang trở thành một thử thách khó khăn về đức tin và là lý do cho những băng hoại gây ra bởi các gương mù này”.
Vì thế, các Giám Mục nhấn mạnh rằng “Ước muốn của Giáo hội ở Ba Lan để ngày càng trở nên hiệu quả hơn trong việc bảo vệ sự an toàn của trẻ em và thanh thiếu niên, theo thánh ý Chúa, phải trở thành một ưu tiên hàng đầu cho tất cả các cộng đồng và gia đình”.
Các giám mục cho biết các ngài đã bắt đầu thu thập dữ liệu về lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên của các giáo sĩ ở Ba Lan, và nói rằng hành động lạm dụng tính dục là “một tội lỗi cực kỳ nghiêm trọng.”
“Chúng tôi cầu xin Chúa, các nạn nhân bị lạm dụng, gia đình họ và cộng đoàn Giáo Hội tha thứ cho tất cả những tổn hại đã gây ra cho trẻ em và thanh thiếu niên và người thân của họ bởi các giáo sĩ, những người thánh hiến và những thừa tác viên khác trong Giáo Hội. Chúng tôi cầu xin Chúa ban cho chúng ta ánh sáng, sức mạnh và lòng dũng cảm để kiên quyết chống lại sự băng hoại đạo đức và tinh thần là nguồn mạch chính yếu gây ra tội lỗi lạm dụng tình dục đối với trẻ vị thành niên. Chúng tôi cầu xin Chúa ban cho chúng ta biết nỗ lực để tạo ra một môi trường cởi mở và thân thiện với trẻ em trong Giáo Hội một cách hiệu quả.”
Các Giám Mục cho biết các ngài đã hành động trong nhiều năm qua để loại trừ những tội ác như vậy trong số các giáo sĩ: “Bất kỳ dấu hiệu nào về hành vi tội phạm đều có thể dẫn đến một cuộc điều tra sơ bộ, và nếu sự khả tín của lời cáo buộc được xác nhận, Tòa Thánh và văn phòng công tố của chính phủ được thông báo. Chúng tôi yêu cầu những người đã bị tổn hại bởi các giáo sĩ hãy báo cáo những đau khổ phải chịu cho các cấp trong Giáo Hội và cho cả các cơ quan nhà nước thích hợp.”
Các Giám Mục lưu ý rằng mỗi giáo phận có một đại biểu để nhận các báo cáo về lạm dụng tính dục. Đây là người sẽ “giúp nạn nhân nhận được sự hỗ trợ tâm lý, pháp lý và mục vụ” để “giúp các nạn nhân thực hiện các bước cần thiết nhằm khắc phục hậu quả của những đau khổ phải chịu đựng.”
Trong 5 năm qua, Hội Đồng Giám Mục đã bổ nhiệm những điều phối viên bảo vệ trẻ em để “tổ chức nhiều cuộc họp cung cấp các khóa đào tạo cho hàng giáo sĩ các giáo phận cũng như các nam nữ tu sĩ nhằm thay đổi thái độ và nâng cao nhận thức. Chúng tôi cũng đang chuẩn bị trong các giáo phận, các dòng tu và các tổ chức khác của Giáo Hội một hệ thống phòng ngừa để giúp bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên khỏi nguy cơ bị lạm dụng tình dục. Chúng tôi muốn các cộng đồng Giáo Hội trở thành một nơi an toàn cho trẻ em và thanh thiếu niên và làm sao để sự an toàn của họ trở thành ưu tiên cho toàn xã hội. Nhân dịp này, chúng tôi kêu gọi tất cả những người thực hiện điều này tận tâm chống lại một cách có hiệu quả các mối đe dọa chống lại trẻ em và thanh thiếu niên, đặc biệt là trong lĩnh vực Internet.”
“Chúng tôi cũng chú ý hơn đến việc đào tạo về nhân bản và linh đạo trong các chủng viện trong tiến trình đào tạo các linh mục. Với mục đích này, trong nhiều năm qua, chúng tôi đã cung cấp việc đào tạo cho các nhà giáo dục trong các chủng viện để họ có thể làm việc thành thạo trong việc đào tạo các linh mục trong tương lai và tránh nhận vào chủng viện những người chưa trưởng thành, không thể giữ lời khấn và những hứa hẹn của họ một cách trung thực”
Các Giám Mục cũng thúc giục lời cầu nguyện và sám hối để “mở lòng chúng ta ra với tinh thần hoán cải chân thực; sống hòa hợp và yêu thương với tất cả mọi người thiện chí và chiến đấu chống lại mọi hành vi lạm dụng quyền lực, tình dục và lương tâm, trong mọi môi trường, đặc biệt là trong cộng đồng Giáo Hội nơi trẻ em sống và phát triển.”
Các Giám Mục cũng lên tiếng kêu gọi những kẻ phạm tội ăn năn: “Hãy can đảm công khai nhìn nhận tội lỗi của anh em, tự nộp mình cho nhà chức trách theo những đòi hỏi của công lý, nhưng đừng thất vọng về lòng thương xót của Thiên Chúa.”
“Cầu xin Đức Maria, Mẹ của tình yêu dịu hiền, cầu bầu cùng Con Mẹ ban cho chúng ta ân sủng biết bày tỏ nỗi buồn chân thành của mình và hành động với quyết tâm trong một cuộc đấu tranh dũng cảm chống lại mọi loại nguy hiểm, đến từ một số giáo sĩ, gây ra trên trẻ em”
“Chúng ta đừng quên cầu xin ơn hoán cải cho các thủ phạm của những sai lầm này. Chúng ta cầu xin cho toàn thể Giáo Hội, cả giáo sĩ lẫn giáo dân, biết vun đắp tình đoàn kết và tình yêu Kitô đối với người lân cận của chúng ta. Cầu xin cho chúng ta được củng cố thêm bằng gương sáng và lời cầu bầu của các linh mục tử đạo, những người hiến mạng sống để bảo vệ phẩm giá con người.”
10. Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân dịp Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 34 tại Panama, từ 22 tới 27 tháng Giêng, 2019
Sáng 21 tháng 11, Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã công bố Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân dịp Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 34 tại Panama, từ 22 tới 27 tháng Giêng, 2019.
Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha nói:
Các bạn trẻ thân mến,
Ngày Giới Trẻ Thế Giới đang đến nhanh. Nó sẽ được tổ chức tại Panama vào Tháng Giêng và chủ đề là lời đáp trả của Đức Maria đối với lời mời gọi của Thiên Chúa: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền” (Lc 1:38).
Lời lẽ của ngài là tiếng “xin vâng” can đảm và quảng đại. Nó là câu trả lời tích cực của một người hiểu rõ bí nhiệm của ơn gọi: đi quá con người mình và đặt mình vào thế phục vụ người khác. Đời sống chúng ta chỉ tìm được ý nghĩa trong việc phục vụ Thiên Chúa và người khác.
Có nhiều người trẻ, cả người tin lẫn người không tin, những người khi tới cuối giai đoạn học tập của họ, cảm thấy uớc nguyện làm một điều gì đó cho những người đang chịu đau khổ. Đây là một sức mạnh nơi người trẻ, một sức mạnh mà tất cả chúng con đều có. Nó là một sức mạnh có thể thay đổi thế giới. Nó là một cuộc cách mạng có thể lật nhào các thế lực mạnh mẽ đang tung hoành trong thế giới của chúng ta. Nó là “cuộc cách mạng” phục vụ.
Đặt mình vào việc phục vụ người khác không chỉ có nghĩa là sẵn sàng hành động. Nó cũng có nghĩa là ở thế chuyện vãn với Thiên Chúa với một thái độ lắng nghe, y hệt Đức Maria. Ngài lắng nghe điều thiên thần nói với ngài và sau đó đáp lời. Chính nhờ liên kết với Thiên Chúa trong im lặng của cõi lòng mà chúng ta khám phá ra căn tính của mình và ơn gọi mà Thiên Chúa đang ngỏ cùng chúng ta. Ơn gọi này có thể được diễn tả nhiều cách: trong hôn nhân, trong đời sống thánh hiến, trong chức linh mục… Tất cả đều là những cách bước theo Chúa Giêsu. Điều quan trọng là khám phá ra điều Thiên Chúa muốn nơi chúng ta và can đảm đủ để nói “xin vâng”.
Đức Maria là một phụ nữ hạnh phúc, và sở dĩ như thế là vì ngài đáp lại Thiên Chúa một cách quảng đại và mở lòng mình ra đón nhận kế hoạch Thiên Chúa dành cho mình. Khi Thiên Chúa có một đề nghị với chúng ta, như đề nghị Người dành cho Đức Maria, thì đề nghị này không hề nhằm dập tắt các giấc mơ của ta, nhưng khơi động các hoài bão của ta. Các đề nghị như đề nghị này nhằm làm cho cuộc đời chúng ta sinh hoa trái và làm phát sinh nhiều nụ cười và những cõi lòng hạnh phúc. Đáp lời Thiên Chúa một cách tích cực là bước đi bước đầu tiên hướng tới việc trở thành hạnh phúc và hướng tới việc làm nhiều người khác hạnh phúc.
Các bạn trẻ thân mến, hãy can đảm, hãy đi vào chính các con và thưa với Chúa: “Chúa muốn con làm gì?” Hãy để Thiên Chúa trả lời các con. Sau đó, các con sẽ thấy đời các con biến đổi và tràn đầy niềm vui.
Với Ngày Giới Trẻ Thế Giới sắp đến trong tầm mắt, Cha mời gọi tất cả các con chuẩn bị cho nó bằng cách theo dõi và dự phần vào các sáng kiến đang diễn ra. Chúng sẽ giúp các con trên đường dẫn tới mục tiêu này. Xin Đức Mẹ ở với các con trong cuộc hành hương này, và xin gương sáng của ngài khuyến khích các con can đảm và quảng đại trong đáp trả của các con.
Chúc các con một cuộc hành trình tốt đẹp trên đường tới Panama! Và, làm ơn, đừng quên cầu nguyện cho cha. Hẹn sớm được gặp các con.
11. Chương trình chuyến tông du Panama của Đức Thánh Cha nhân Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2019
Khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến thăm Panama nhân dịp Ngày Giới Trẻ Thế Giới vào tháng Giêng, ngài sẽ gặp gỡ những người trẻ tuổi không thể tham dự các lễ hội: một số người sống trong tù và một số người bị nhiễm HIV.
Ngài cũng sẽ cung hiến bàn thờ của một ngôi thánh đường 400 năm tuổi mới được trùng tu tại Panama, gặp gỡ các giám mục từ Trung Mỹ và ăn trưa với một số thanh niên tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới.
Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha đến Panama từ 23-27 tháng Giêng sẽ là chuyến tông du thứ 26 của ngài bên ngoài nước Ý. Trong chuyến thăm này, ngài sẽ đọc 7 diễn từ, và 4 bài giảng trong các Thánh Lễ và trong một buổi phụng vụ sám hối.
Chủ đề cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2019, tức là ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 34, được trích từ Tin Mừng Thánh Luca: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền” (Lc 1:38).
“Cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha với những người trẻ không thể tham gia vào các hoạt động của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới là một lời đáp lại lời mời gọi của Tin Mừng cho kẻ rách rưới ăn mặc, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc,” ban tổ chức Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới Panama cho biết như trên trong một tuyên bố đưa ra hôm 20/11.
Đức Tổng Giám Mục Jose Domingo Ulloa Mendieta của Panama nói rằng cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha Phanxicô với các tù nhân trẻ sẽ là “một sự kiện rất đặc biệt”, trong đó “những người trẻ bị tước đoạt tự do sẽ tham gia vào một phụng vụ sám hối với Đức Thánh Cha trong một hành động ăn năn, hòa giải và cầu xin sự tha thứ” .
Sau Thánh lễ bế mạc Ngày Giới Trẻ Thế Giới, Đức Giáo Hoàng sẽ thăm viếng Casa Hogar el Buen Samaritano, tức là Mái Ấm Samaritano nhân lành, một trung tâm chuyên giúp đỡ bệnh nhân HIV “bất kể giới tính, tôn giáo, khuynh hướng tình dục, nguồn gốc địa lý” và tất cả “những ai thiếu các điều kiện để sống và đối phó với căn bệnh của họ.”
Đức Thánh Cha cũng sẽ đọc kinh Truyền Tin với những người trẻ tuổi tại nhà dưỡng lão Malambo, nơi giúp đỡ những người nghiện ma túy và nghiện rượu, và thăm Hogar San Jose, một ngôi nhà dành cho người nghèo do các nhà truyền giáo và tu hội Kkottongnae điều hành.
Đây là lịch trình chi tiết được Vatican công bố hôm 21 tháng 11.
Ngày thứ Tư 23 tháng Giêng
Đức Thánh Cha sẽ rời phi trường Fumicino của Rôma lúc 9 giờ 30 sáng thứ Tư, 23 tháng Giêng.
Sau 13 giờ bay, ngài sẽ tới phi trường Tocumen của thủ đô Panama vào lúc 4 giờ 30 chiều cùng ngày (theo giờ địa phương).
Sau nghi thức tiếp đón, ngài sẽ về tòa Sứ Thần Tòa Thánh.
Thứ Năm 24 tháng Giêng
Sáng thứ Năm, 24 tháng Giêng, sẽ có nghi thức chào đón chính thức Đức Thánh Cha tại Phủ Tổng Thống Palacio de las Garzas lúc 9 giờ 45.
Lúc 10 giờ, Đức Thánh Cha hội kiến với Tổng thống Juan Carlos Varela.
Lúc 10 giờ 40, Đức Thánh Cha gặp chính quyền dân sự và đại diện các tầng lớp văn hóa xã hội Panama và ngoại giao đoàn tại dinh Bolivar.
Lúc 11 giờ 15, ngài sẽ gặp các Giám Mục Trung Mỹ tại nhà thờ Thánh Phanxicô thành Assisi.
Lúc 5 giờ 30 chiều sẽ có nghi thức đón tiếp Đức Thánh Cha tại Cánh đồng Santa Maria la Antigua trong khuôn khổ Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới.
Thứ Sáu 25 tháng Giêng
Sáng 25 tháng Giêng, lúc 10 giờ 30, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự phụng vụ thống hối với các bạn trẻ tù nhân tại Trung Tâm cải huấn trẻ vị thành niên Las Garzas de Pacora.
Sau đó, lúc 11 giờ 50 ngài đáp trực thăng về tòa Sứ Thần cách đó 46 cây số.
Lúc 5 giờ 30 chiều sẽ có nghi thức đi đàng Thánh Giá tại Cánh đồng Santa Maria la Antigua.
Thứ Bẩy 26 tháng Giêng
Sáng 26 tháng Giêng, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự thánh lễ lúc 9 giờ 15 để thánh hiến bàn thờ Vương Cung Thánh Đường Santa Maria la Antigua và cũng là Nhà thờ Chính tòa của giáo phận cùng tên cùng với các Giám Mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và các đại diện giáo dân. Nhà thờ này mới được trùng tu.
Lúc 12 giờ 15, Đức Thánh Cha sẽ dùng bữa trưa với các đại diện giới trẻ tại Đại chủng viện thánh Giuse.
Lúc 6 giờ 30, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự buổi canh thức với các bạn trẻ tại Cánh đồng Thánh Gioan Phaolô 2.
Chúa Nhật 27 tháng Giêng
Sáng 27 tháng Giêng, lúc 8 giờ, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự thánh lễ bế mạc Ngày Quốc tế giới trẻ tại Cánh Đồng Thánh Gioan Phaolô 2.
Sau đó, lúc 10 giờ 45, ngài sẽ viếng thăm “Mái Ấm Samaritano nhân lành” và chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin tại đây.
Lúc 4 giờ 30 chiều, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ để cám ơn những người thiện nguyện tại sân thể thao Rommel Fernandez, trước khi ra phi trường Tocumen lúc 6 giờ để đáp máy bay về Roma.
Sau lễ nghi tiễn biệt, lúc 6 giờ 15, máy bay sẽ cất cánh đưa ngài về phi trường quân sự Ciampino. Theo dự kiến, Đức Thánh Cha sẽ về đến nơi lúc 11 giờ 50 ngày thứ Hai 28 tháng Giêng.
12. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang reo rắc lòng thù hận các tín hữu Kitô tại nhiều nơi trên thế giới
Chủ nghĩa dân tộc cực đoan phải chịu trách nhiệm cho sự gia tăng bạo lực và những mối đe dọa khác chống lại các nhóm tôn giáo thiểu số – và phương Tây vẫn đang thất bại không chuyển dịch được những lời lo ngại của họ thành những hành động cụ thể. Tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ đã cho biết như trên trong báo cáo mới nhất được công bố hôm 21 tháng 11.
Đánh giá tất cả 196 quốc gia trên toàn cầu, Báo cáo Tự do Tôn giáo Thế giới năm 2018 đã kết luận rằng “chủ nghĩa dân tộc cực đoan” bởi cả chính phủ lẫn các tổ chức phi chính phủ đã không ngừng gieo rắc sự thù hận chống lại các các nhóm tôn giáo thiểu số ở các nước bao gồm cả các cường quốc hàng đầu trong khu vực như Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan và Miến Điện.
Báo cáo, được công bố hai năm một lần, phát hiện rằng nạn “mù chữ tôn giáo”, thể hiện cả trong giới truyền thông; và sự thiếu ý chí hành động chính trị ở phương Tây đã làm trầm trọng thêm vấn đề. Hậu quả là nhiều nhóm tôn giáo thiểu số đang phải chịu đựng những bách hại nghiêm trọng trước một “bức màn thờ ơ” của thế giới.
Báo cáo cho biết: “Hầu hết các chính phủ phương Tây đã thất bại trong việc cung cấp những hỗ trợ khẩn cấp cần thiết cho các nhóm tôn giáo thiểu số, đặc biệt là các cộng đồng di tản vì bị bách hại đức tin đang muốn trở về cố hương”.
Báo cáo nhấn mạnh rằng hầu hết các chính phủ đã thất bại trong việc cung cấp cho các nhóm tôn giáo thiểu số tị nạn vì bị bách hại đức tin sự giúp đỡ mà chính những người tị nạn này đã yêu cầu, để họ có thể trở về miền bắc Iraq và những nơi khác sau khi bọn khủng bố Hồi Giáo IS và các nhóm dân quân khác bị đánh bật ra khỏi quê hương của họ.
Cuộc điều tra của tổ chức bác ái Công Giáo Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ phát hiện rằng truyền thông về Hồi giáo đã tập trung hoàn toàn vào cuộc chiến chống lại bọn khủng bố Hồi Giáo IS và các nhóm liên kết với chúng trong khi bỏ qua không đề cập đến sự lan truyền không ngừng của các trào lưu Hồi giáo cực đoan trong các miền của Phi Châu, Trung Đông và Á Châu.
Báo cáo của tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ nhận định rằng động lực chính đằng sau sự tăng trưởng của Hồi Giáo cực đoan là cuộc đụng độ ngày càng tăng và ngày càng quyết liệt giữa hai nhánh Hồi Giáo Sunni và Shiite /ʃiːaɪt/.
Báo cáo cho biết trong giai đoạn 25 tháng vừa qua, tình hình của các nhóm tôn giáo thiểu số đã bi đát hơn ở 18 trong tổng số 38 quốc gia được xếp loại là có những vi phạm nghiêm trọng về tự do tôn giáo.
Sự bất khoan dung đang xấu đi đối với các nhóm tôn giáo thiểu số. Thật vậy, lần đầu tiên trong lịch sử 19 năm của báo cáo này, hai quốc gia mới là Nga và Kyrgyzstan đã được đặt trong danh mục các quốc gia “phân biệt đối xử”.
Báo cáo nói thêm rằng trong một số trường hợp, chẳng hạn như tại Saudi Arabia và Bắc Triều Tiên, tình hình đã quá tồi tệ đến mức tột đỉnh.
Báo cáo cũng nhấn mạnh sự gia tăng các cuộc tấn công cực đoan của các chiến binh Hồi Giáo cực đoan chống lại các mục tiêu ở phương Tây. Theo nhận định của tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ sự nguy hiểm từ những kẻ khủng bố như vậy là “hoàn vũ, sắp xảy ra và thời sự hơn bao giờ”.
Báo cáo Tự do Tôn giáo Thế giới năm 2018 cũng nhấn mạnh sự tăng trưởng của chủ nghĩa bài Hồi giáo và bài Do Thái Giáo ở phương Tây.
Tóm tắt những phát hiện chính của báo cáo, John Pontifex, tổng biên tập, cho biết: “Chủ nghĩa dân tộc cực đoan – bởi các chính phủ độc tài hoặc các nhóm cực đoan bạo lực – có nghĩa là nhiều nhóm tôn giáo thiểu số cảm thấy như họ là những người ngoài hành tinh ở đất nước của chính họ. Họ là những mục tiêu dễ dàng trong một kỷ nguyên mới của sự thiếu hiểu biết và không khoan dung.”
“Đúng vậy, có một số dân tộc như những người Hồi giáo Rohingya, mà hoàn cảnh của họ đã nhận được sự chú ý ở phương Tây, nhưng rất nhiều người khác – chẳng hạn như Kitô hữu ở Nigeria, người Hồi Giáo Ahmadis ở Pakistan và người theo đạo Baha’is ở Iran – cảm thấy bị bỏ rơi bởi phương Tây, nơi tự do tôn giáo đã trượt xuống rất xa trong bảng xếp hạng các nhân quyền quan yếu.”
13. Thánh hiến tiểu bang California, Hoa Kỳ cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ.
Một nỗ lực đang được tiến hành để thánh hiến tiểu bang California cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Maria.
Và tất cả những người Công Giáo California đều được mời tham dự.
Nhiều người sẽ tụ tập cầu nguyện từ trưa đến 2 giờ chiều giờ địa phương vào ngày 8 tháng Mười Hai, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, tại nhiều giáo xứ trên toàn tiểu bang. Phong trào “Consecrate California”, nhằm vận động thánh hiến tiểu bang California cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ, mời gọi các giáo xứ cử hành Thánh Lễ vào buổi trưa ngày 8 tháng 12, tiếp theo là đi bộ đến một địa điểm được chỉ định, nơi các cộng đoàn cùng đọc kinh Mân Côi và lời cầu nguyện thánh hiến tiểu bang cho Trái Tim Đức Mẹ.
Consecrate California cầu xin lời chuyển cầu của Đức Maria nhằm chống lại nền văn hóa sự chết, phá thai, an tử và thiên tai cũng như một số tệ nạn đạo đức mà họ thấy đang ngày càng phổ biến trong tiểu bang.
Phong trào Consecrate California có một trang web tại địa chỉ www.consecratecalifornia.com, trong đó liệt kê các giáo xứ đã ghi danh tham dự vào chiến dịch này. Những người không thể tham gia vào một nhà thờ trong số các giáo xứ tham gia vào cuộc vận động này được khuyến khích đọc những lời cầu nguyện được cung cấp trên trang web của phong trào từng cá nhân, trong gia đình hay trong một nhóm.
Một trong những lời cầu nguyện có sẵn trên trang web xin Đức Mẹ cầu bầu “cho các linh hồn của chúng ta được tha miễn các hình phạt đáng phải chịu vì giết chết thai nhi chưa chào đời, người bệnh, người già, những người bị loại bỏ; và vì bạo lực, lạm dụng tình dục, ma túy, nghiện rượu và mãi dâm.”
Lời cầu nguyện đó tiếp tục với lời cầu xin sự bảo vệ của Đức Maria khỏi thiên tai và chiến tranh, cũng như sự giúp đỡ của Mẹ để đánh bại nền văn hóa sự chết và “mang Thiên Chúa cùng với khái niệm về gia đình trở lại trong cuộc sống của chúng ta.”
Chiến dịch thánh hiến California cho Đức Mẹ là sáng kiến của Angelo Libutti, một cư dân trong vùng Glendale và là một nhà viết kịch bản điện ảnh kỳ cựu. Angelo Libutti là tác giả của 33 bộ phim truyện. Libutti đã đưa ra ý tưởng này vào cuối năm ngoái, trong khi dành thời gian trước Thánh lễ sau một ngày làm việc căng thẳng. Sáng ngày hôm đó, anh đã bị đồng nghiệp chỉ trích dữ dội sau khi anh thẳng thắn bày tỏ quan điểm phò sinh của mình.
Libutti, người đã đích thân dâng hiến cho Đức Maria và đã trải qua “những thay đổi căn bản trong cuộc sống”, cảm thấy rằng việc thánh hiến California cho Đức Mẹ là phương dược chữa trị cho sự vô đạo đức, chủ nghĩa thế tục và thái độ thù địch với những giá trị truyền thống ở California.
Anh đã trình bày ý tưởng của mình với hai vị tổng giám mục của California, là Đức Tổng Giám Mục Jose Gomez của Los Angeles và Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone của San Francisco. Hai vị nồng nhiệt ủng hộ sáng kiến này.
Sáng kiến của anh còn được đón nhận nồng nhiệt hơn nữa sau khi California trải qua một vụ cháy kinh hoàng nhất trong lịch sử tiểu bang.
Vào ngày 8 tháng 11 hai đám cháy liên tiếp, cách nhau chỉ vài giờ, đã gây tổn thất nhân mạng rất nghiêm trọng.
Thành phố Paradise (thiên đường hạ giới), nằm dọc theo chân rặng Sierra Nevada về hướng đông bắc của thủ phủ Sacramento bị thiêu rụi hoàn toàn, không còn dấu tích gì của một “thiên đường hạ giới”. Cả khu vực rộng hơn 240 ngàn mẫu tây nơi có đến 12, 872 căn nhà đã ra tro bụi sau vài ngày thần hoả hoành hành không thương tiếc.
Tính cho đến cuối ngày 19 tháng 11, con số thương vong đã lên đến 77 cư dân, trong số gần một ngàn người mất tích kể từ khi lửa bắt đầu cháy vào hôm thứ Năm 8 tháng 11.