BÀI ĐỌC I: Ep 2, 19-22
“Anh em được xây dựng trên nền tảng các tông đồ”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Anh em thân mến, anh em không còn là khách trọ và khách qua đường nữa, nhưng là người đồng hương với các Thánh và là người nhà của Thiên Chúa: anh em đã được xây dựng trên nền tảng các Tông đồ và các Tiên tri, có chính Đức Giêsu Kitô làm Đá góc tường. Trong Người, tất cả toà nhà được xây dựng cao lên thành đền thánh trong Chúa, trong Người, cả anh em cũng được xây dựng làm một với nhau, để trở thành nơi Thiên Chúa ngự trong Thánh Thần.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 116, 1. 2
Đáp: Hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian (Mc 16, 15).
Xướng:
1) Hỡi muôn dân, hãy ngợi khen Chúa! Hỡi ngàn dân, hãy ca tụng Người. – Đáp.
2) Vì lòng từ bi Người vững bền trên chúng ta, và lòng trung kiên Người tồn tại đến muôn đời. – Đáp.
Tin mừng: Ga 20,24-29
Bấy giờ trong Mười Hai Tông đồ, có ông Tôma gọi là Ðiđy-mô, không ở cùng với các ông, khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: “Chúng tôi đã xem thấy Chúa”. Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người thì tôi không tin”.
Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà, và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: “Bình an cho các con”. Ðoạn Người nói với Tôma: “Hãy xỏ ngón tay vào đây và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”. Tôma thưa rằng: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” Chúa Giêsu nói với ông: “Tôma, vì con đã thấy Thầy nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”.
Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Dù không được thấy Chúa hiện ra, nhưng ta tin vào lời chứng của các tông đồ là những người đã thấy Chúa. Phúc cho ai không thấy mà tin. Ai tin sẽ được ơn bình an của Chúa Phục Sinh.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, cuộc đời con đầy ắp những lo toan sợ hãi. Có những lúc con cảm thấy đời sống thật nặng nề, có những lúc con bị chìm ngập bởi cái lo cơm ăn, áo mặc, bởi nỗi vất vả truân chuyên. Có những lúc con quay quắt vì buồn phiền. Có những lúc con hoang mang sợ hãi nghi ngờ những người xung quanh. Và như các tông đồ ngày xưa, con đã đóng kín cửa tâm hồn trong buồn phiền sợ hãi.
Lạy Chúa Phục Sinh, dù con không thấy Chúa, nhưng con tin Chúa vẫn hiện diện bên con như đã hiện đến với các tông đồ để trao ban ơn bình an và tha thứ.
Xin Chúa chỉ cho con thấy các vết tích thương đau của Chúa như đã chỉ cho Thánh Tôma để con cũng bật lên lời tin yêu trìu mến: “Lạy Chúa con và là Thiên Chúa của con”.
Xin hãy nói với con, và lặp đi lặp lại trong đời con lời cầu chúc bình an của Chúa, để con không còn cô đơn và sợ hãi giữa cuộc đời phong ba bão táp.
Xin cho con cảm nhận được ơn tha thứ của Chúa, bởi khi con nhận biết mình được tha thứ nhiều, con cũng sẽ yêu mến Chúa nhiều hơn.
Và lạy Chúa, ngày hôm nay, khi con lãnh nhận hai món quà quý giá của Chúa là ơn bình an và ơn tha thứ, xin cho con cũng biết trao tặng cho thế giới những gì con đã lãnh nhận để những ai gặp con, cũng tìm được sự bình an của Chúa Phục Sinh. Amen.
Ghi nhớ : “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!”
Suy niệm 1: (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A- Phân tích (Hạt giống…)
Hai lần hiện ra cách nhau 8 ngày này nhằm những mục tiêu sau:
1. Chúa Giêsu nâng đức tin của các một đệ lên một bậc: từ mức độ thấp là tin dựa vào bằng chứng mà giác quan kiểm nghiệm được (câu 20 “Ngài cho các ông xem tay và cạnh sườn Ngài” ; câu 25, Tôma đòi điều kiện “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Ngài, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Ngài…) lên mức độ cao là tin chỉ vì nghe bởi vì mình đã an tâm về uy tín của người nói cho mình nghe (câu 29 “Phúc cho những ai không thấy mà tin”)
2. Chúa Giêsu ban bình an cho các môn đệ để rồi các ông lại ban bình an cho người khác qua việc tha tội. Sự bình an này là hoa trái của Thánh Thần, và đặt nền tảng trên việc tin vào Chúa Giêsu Phục Sinh.
B- Suy gẫm (…nẩy mầm)
1. Một cuộc đối thoại giữa hai người yêu nhau:
– Em có bằng lòng lấy anh không?
– Bằng lòng.
– Chúng ta chỉ mới quen nhau mấy tháng. Em chỉ nghe anh nói thôi chứ chưa có dịp “kiểm tra” lý lịch và quá khứ của anh. Sao em tin anh thế?
– Vì em yêu anh!
Tình yêu hỗ trợ cho niềm tin. (Góp nhặt)
2. Có một bà nổi tiếng đạo đức, nhân hậu và luôn bình tâm trước mọi thử thách. Một bà khác ở cách xa ít dặm, nghe nói thì tìm đến, hi vọng học được bí quyết để sống bình tâm và hạnh phúc. Bà hỏi:
– Thưa bà, có phải bà có một đức tin lớn lao?
– Ồ không, tôi không phải là người có đức tin lớn lao, mà chỉ là người có đức tin bé nhỏ đặt vào một Thiên Chúa lớn lao. (Góp nhặt)
3. “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”.
“Xoảng…!” Cái bình vỡ. “Hư quá! Mẹ đã bảo rồi”. Không phải một lần nhưng nhiều lần xảy ra như thế. Mặc dù đã được me báo trước, nhưng tôi vẫn cứ muốn thử xem sao.
Lớn lên, tôi hiểu biết nhiều hơn nhưng cũng đa nghi hơn. Cái gì hơi khác thường là tôi đòi phải có bằng chứng rõ ràng. Với một công thức mới chưa được chứng minh, tôi không tài nào nhớ được. Và đôi khi, trong những giây phút trao lòng, tôi cũng đã hỏi : “Không biết có Chúa thật không?”.
Cuộc sống càng phát triển, dường như con người chỉ muốn tin vào những cái có thể cân, đong, đo, đếm được mà thôi.
Nhưng thước đo nào đủ cho chiều cao thập tự. Cán cân nào đủ đo tình yêu của Người.
Lạy Chúa, xin cho con biết vững tin vào tình yêu cứu độ. (Epphata)
4. “Tôma, vì đã thấy Thầy nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin” (Ga 20,29)
Trong một vụ tai nạn xe hơi, thầy của tôi bị thương trầm trọng tưởng chừng như không qua khỏi. Ấy vậy mà sau hai tháng điều trị, Thầy đã chóng bình phục và trở về với cuộc sống thường ngày. Khi tôi vào thăm, Thầy đã đón tôi với nét mặt tươi vui và thái độ hân hoan lạ thường. Tôi thắc mắc không hiểu sao với vết thương như thế mà Thầy có thể chịu đựng nổi trước những lưỡi dao len lỏi vào từng tớ thịt, cắt xén, thêm bớt… Thầy vui vẻ trả lời: “Cứ mỗi lần như thế, Thầy lại nhớ đến hình ảnh Chúa Giêsu bị đóng đinh trên Thánh giá, và nỗi đau của Thầy như tan biến hết”. Tôi đã làm cho Thầy chưng hửng khi hỏi lại : “Thầy có thấy Chúa đâu mà lại tin như vậy?”.
Tâm trạng và thái độ của tôi lúc ấy cũng giống như tâm trạng của Tôma trong Phúc Âm. Đã có lúc tôi tự hỏi: Chúa ở đâu? Sao tôi chẳng thấy? Và tôi không còn thiết nghĩ đến Chúa nữa. Tôi đi lễ chẳng qua vì tôi “lỡ” chịu phép Rửa Tội. Đến nhà thờ mà tâm hồn cứ để tận đâu đâu.
Lời Chúa nói với Tôma đã làm tôi bừng tỉnh, mắt như mở ra. Và tôi thấy Chúa đang mỉm cười với chính mình.
Chúa Giêsu ơi, đức tin của con như hạt sương mai đậu trên nhành cây, để nguyên thì còn mà đụng vào thì sẽ mất. Xin thêm niềm tin cho con, để con dù không thấy Chúa nhưng vẫn tin Ngài đang hiện diện bên con trong cuộc đời. (Hosanna)
Suy niệm 2: (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Tôma là người Do Thái, miền Galilêa, sống bằng nghề chài lưới. Chúa Giêsu đã chọn ngài vào số mười hai tông đồ, và ngài đã từ bỏ mọi sự để chỉ thuộc về Thầy Chí Thánh mà thôi.
Tôma tỏ ra đơn sơ, nhiệt thành và tận tụy. Khi Ladarô chết, các tông đồ run sợ vì thấy Chúa Giêsu về Giêrusalem, nơi các ông biết rõ là người biệt phái đang tìm cách giết Người, các tông đồ ngăn cản: “Thưa Thầy, vừa đây người Do Thái tìm cách ném đá Thầy mà Thầy lại qua đó nữa sao ?”. Nhưng Tôma trung tín và có phần bi quan, ông góp ý: “Cả chúng ta nữa, hãy đi qua để chết với Ngài” (Ga 11,8-10).
Trong cuộc đàm thoại trước khi chịu tử nạn, Chúa Giêsu tìm cách an ủi các tông đồ, Ngài nói: “Lòng các con đừng xao xuyến… Ta đi dọn chỗ cho các con và Ta đi đâu, các con biết đường rồi”. Tôma thưa lại với nhiệt tình muốn theo Chúa: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao mà biết được đường ?”. Và Chúa Giêsu trả lời ông: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,1-6)…
Khi Chúa Giêsu sống lại, các môn đệ khác nói với ông là Chúa đã sống lại nhưng ông thấy các ngài đều sợ và các cửa đều đóng kín, nên ông muốn được thấy Chúa nhãn tiền: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”. Sau đó, Chúa cho ông được thấy Người, và ông đã tin (Ga 20,25-28).
Sau ngày lễ Hiện xuống, các tông đồ đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng. Theo Êusêbiô, thánh Tôma đi giảng đạo ở Parthia. Theo một truyền thống khác, ngài đã được gặp các đạo sĩ, những vị đã kính viếng Chúa Hài đồng thuở trước, và rửa tội cho họ.
Một truyền thống sáng sủa và mạnh mẽ hơn cho rằng ngài là vị tông đồ của dân Ấn Độ (Trích từ Đỉnh đồi yêu thương) và được phúc tử đạo tại đó.
Suy niệm
Không có mặt trong nhà tiệc ly lúc Chúa Phục Sinh hiện ra, Tôma vẫn sợ hãi vì trước những biến cố vừa xảy ra: Thầy bị kết án, bị giết chết.. niềm tin của Tôma bị sụp đổ, vì Thầy đã chết và mọi sự liên quan đến Thầy đã chấm dứt. Chúa Kitô Phục Sinh lại có mặt giữa lòng tin bị thử thách của Tôma, Ngài mời ông chạm đến các thương tích của Ngài và khuyên ông đừng cứng lòng.
Tâm hồn chai đá của ông đã được phục sinh, khiến sợ hãi được thay thế bằng bình an, bao nhiêu vết thương được chữa lành. Trong ánh sáng Phục sinh cùng Thần Khí ông thốt lên với niềm tin: “Lạy Chúa của tôi, lạy Thiên Chúa của tôi” (Ga 20,28).
Các môn đệ và nhất là tông đồ Tôma là hình ảnh của những thử thách, yếu tin của nhân gian qua mọi thời và nhất là con người thời nay: Trước những đau khổ và sự dữ, lòng sợ hãi luôn ngự trị, lòng tin bị lung lay và trở nên chai cứng. Đức Kitô Phục sinh, Đấng đã mặc lấy những đau khổ và thương tích của con người, đồng thời đã tỏ ra tình yêu, lòng thương xót qua các thương tích, chính các thương tích đụng chạm và chữa lành mọi yếu đuối thương tích của chúng ta.
Trước những nghi nan, do dự của Kitô hữu trong mọi thời, trước những nỗi sợ hãi và thất vọng của con người ngày nay, cùng với Tôma, chúng ta cũng tái khám phá tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, khi đến bên Ngài, đấng luôn hiện diện bên chúng ta, hiện diện với thân xác huyền diệu như xưa Ngài vẫn vào nhà tiệc ly dù cửa đóng kín (x. Ga 20,19). Ngài luôn bên cạnh mà chúng ta không biết.
Thật thế, chúng ta đang cần và luôn cần gặp gỡ Ngài, nhận biết Ngài là Thiên Chúa thật quyền năng và Ngài đang ở giữa chúng ta.
Ý lực sống
“Tông đồ Tôma đã công nhận Chúa Giêsu là “Đức Chúa và là Thiên Chúa” khi ngài đặt tay mình vào trong vết thương cạnh sườn Người. Thật không lạ gì, nhiều vị thánh đã gặp trong tim của Chúa Giêsu sự diễn đạt sâu xa nhất của mầu nhiệm tình yêu này” (Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI).
Nguồn: WGPSG