Phụng Vụ Chư Thánh Suy Niệm Hằng Ngày

Ngày 24/08: Thánh Batôlômêô, tông đồ

Bài đọc 1Kh 21, 9b-14

Trên mười hai nền móng, có tên mười hai Tông Đồ của Con Chiên.

Bài trích sách Khải huyền của thánh Gio-an tông đồ.

9b Tôi là Gio-an, bấy giờ, một thiên thần đến bảo tôi: “Lại đây, tôi sẽ chỉ cho ông thấy Tân Nương, Hiền Thê của Con Chiên.” 10 Rồi đang khi tôi xuất thần, thì người đem tôi lên một ngọn núi cao hùng vĩ, và chỉ cho tôi thấy Thành Thánh, là Giê-ru-sa-lem, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, 11 chói lọi vinh quang Thiên Chúa. Thành rực sáng tựa đá quý tuyệt vời, như ngọc thạch trong suốt tựa pha lê. 12 Thành có tường rộng và cao, với mười hai cửa do mười hai thiên thần canh giữ, và trên các cửa có ghi tên mười hai chi tộc con cái Ít-ra-en. 13 Phía đông có ba cửa, phía bắc ba cửa, phía nam ba cửa và phía tây ba cửa. 14 Tường thành xây trên mười hai nền móng, trên đó có tên mười hai Tông Đồ của Con Chiên.

Đáp caTv 144, 10-11.12-13ab.17-18 (Đ. x. c.12a)

Đ.Lạy Chúa, kẻ hiếu trung với Chúa
được biết triều đại Ngài rực rỡ vinh quang.

10Lạy Chúa, muôn loài Chúa dựng nên phải dâng lời tán tạ,
kẻ hiếu trung phải chúc tụng Ngài, 11nói lên rằng: triều đại Ngài vinh hiển,
xưng tụng Ngài là Đấng quyền năng.

Đ.Lạy Chúa, kẻ hiếu trung với Chúa
được biết triều đại Ngài rực rỡ vinh quang.

12Để nhân loại được tường những chiến công của Chúa,
và được biết triều đại Ngài rực rỡ vinh quang.13abTriều đại Ngài: thiên niên vĩnh cửu,
vương quyền Ngài vạn đại trường tồn.

Đ.Lạy Chúa, kẻ hiếu trung với Chúa
được biết triều đại Ngài rực rỡ vinh quang.

17Chúa công minh trong mọi đường lối Chúa,
đầy yêu thương trong mọi việc Người làm.18Chúa gần gũi tất cả những ai cầu khẩn Chúa,
mọi kẻ thành tâm cầu khẩn Người.

Đ.Lạy Chúa, kẻ hiếu trung với Chúa
được biết triều đại Ngài rực rỡ vinh quang.

Tin mừng: Ga 1, 45-51

45 Khi ấy, ông Phi-líp-phê gặp ông Na-tha-na-en và nói: “Đấng mà sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giê-su, con ông Giu-se, người Na-da-rét.”

46 Ông Na-tha-na-en liền bảo: “Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được?” Ông Phi-líp-phê trả lời: “Cứ đến mà xem!”

47 Đức Giê-su thấy ông Na-tha-na-en tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: “Đây đích thật là một người Ít-ra-en, lòng dạ không có gì gian dối.”

48 Ông Na-tha-na-en hỏi Người: “Làm sao Ngài lại biết tôi?” Đức Giê-su trả lời: “Trước khi Phi-líp-phê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi.”

49 Ông Na-tha-na-en nói: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ít-ra-en!”

50 Đức Giê-su đáp: “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa.”

51 Người lại nói: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.”

 

Tin mừng: Ga 1, 45-51

45 Ông Philípphê gặp ông Nathanaen và nói: “Đấng mà sách Luật Môsê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giêsu, con ông Giuse, người Nadarét.” 46 Ông Nathanaen liền bảo: “Từ Nadarét, làm sao có cái gì hay được?” Ông Philípphê trả lời: “Cứ đến mà xem! “ 47  Đức Giêsu thấy ông Nathanaen tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: “Đây đích thật là một người Ítraen, lòng dạ không có gì gian dối.”

48 Ông Nathanaen hỏi Người: “Làm sao Ngài lại biết tôi? “ Đức Giêsu trả lời: “Trước khi Philípphê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi.” 49 Ông Nathanaen nói: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ítraen!”

50 Đức Giêsu đáp: “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa.” 51 Người lại nói: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.”

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chúa Giêsu kêu gọi ông Na-tha-na-en làm tông đồ. Ông đã đến tìm hiểu và theo Chúa. Nhưng thật ra chính Chúa đã biết ông và yêu ông trước.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, trong câu chuyện Chúa gọi ông Na-tha-na-en là thánh Ba-tô-lô-mê-ô tông đồ, con thấy một điều rất cảm kích: trước khi ông gặp và thưa chuyện với Chúa, thì Chúa đã thấy ông ở dưới cây vả. Chúa còn hiểu rõ tấm lòng ngay chính của ông và nói điều đó khi ông vừa đến gặp Chúa. Nhưng thật sự chính Chúa đã để ý đến ông, biết ông và yêu ông trước. Chúa chọn gọi những kẻ Chúa muốn.

Ơn gọi Kitô hữu của con không do con chọn trước mà là hồng ân Chúa ban cách nhưng không. Từng bước theo thời gian, con nhận ra và đáp trả như đáp lại một ân huệ lớn lao. Đó là phần phúc cho con, vì khi tin vào Chúa, con sẽ thấy được các sự lạ lùng Chúa làm, thấy được vinh quang của Chúa. Con cảm tạ Chúa. Xin Chúa củng cố niềm tin nơi con như đã củng cố cho ông Na-tha-na-en để con thuộc trọn về Chúa.

Lạy Chúa, ngày hôm nay để được thuộc trọn về Chúa, con vẫn nghe Chúa mời gọi con nơi bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể. Vâng, con sẽ cung kính lắng nghe Lời Chúa và lãnh nhận bánh Thánh Thể với lòng tin yêu thực sự.

Và lạy Chúa, Chúa còn muốn con cộng tác trong việc truyền giáo. Con xin sẵn sàng quảng đại đáp lại lệnh truyền của Chúa để danh thánh Chúa được hiển trị. Amen.

Ghi nhớ: “Ðây thật là người Israel, nơi ông không có gì gian dối”.

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

Trong Tin Mừng Gioan, Nathanaen là người môn đệ thứ tư được Chúa Giêsu kêu gọi.

Khi Philipphê nói với Nathanaen rằng Đức Giêsu chính là Đấng Messia, Natanaen tỏ vẻ hoài nghi, bởi vì theo ông, Đấng Messia không thể xuất thân từ một nơi mà Thánh Kinh không bao giờ nói tới như Nagiarét. Quả thực, sự tương phản giữa quan niệm về một Đấng Messia vinh quang với nguồn gốc hèn hạ của Đức Giêsu chính là một sự vấp phạm của mầu nhiệm nhập thể. Đức tin phải vượt qua cớ vấp phạm này để nhận ra Đức Giêsu xuất thân từ Nagiarét tầm thường ấy chính là Đấng Messia. Một số người Do Thái đã không thể vượt qua như vậy, họ nói: “Ông này không phải là con của Giuse đấy ư ? Chúng ta há không biết cha mẹ của ông ta sao ? Thế mà tại sao bây giờ ông ta lại tuyên bố rằng ta từ trời xuống ?

Đức Giêsu nói với Nathanaen “Trước khi Philipphê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh”: Trong Tin Mừng Ga, Đức Giêsu thường tỏ ra am tường các biến cố và con người (2,25 6,61 13,1). Hình ảnh cây vả hơi mơ hồ: có người hiểu đó là nơi các rabbi thích ngồi để nghiên cứu Thánh Kinh; có người nghĩ đến cây biết tốt xấu trong vườn diệu quang. Có lẽ ý nghĩa ở đây là: Nathanaen là người thích suy gẫm Thánh Kinh để biết về Đấng Messia, và Đức Giêsu cho ông hay rằng những lời tiên báo về Đấng Messia ấy đã được thực hiện nơi Ngài.

Lời của Đức Giêsu khiến Nathanaen xúc động đến nỗi ông gọi Ngài bằng 2 tước hiệu “Con Thiên Chúa” và “Vua Israel”.

Trong Ga, tước hiệu “Vua Israel” đồng nghĩa với tước hiệu Messia nhưng ít màu sắc chính trị hơn tước hiệu “Vua dân do thái” được nhắc tới trong cuộc chịu nạn của Ngài (18,33.39; 19,3.21). Khi Ngài vào thành Giêrusalem, dân chúng cũng tung hô Ngài bằng tước hiệu “Vua Israel” (12,13).

Còn tước hiệu “Con Thiên Chúa” chính là tước hiệu được gán cho Ngài khi Ngài đăng quang làm Messia (x. 2Sm 7,14).

Nathanaen sẽ “được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa”: bấy giờ Đức Giêsu chỉ mới mạc khải với ông bằng lời, sau này Ngài sẽ còn dùng dấu chỉ để loan báo tương lai, nhất là dấu chỉ Cana trong đó Ngài sẽ “biểu lộ vinh quang của Ngài”.

Đức Giêsu có nhắc tới việc “thiên thần Chúa lên xuống”. Có thể có liên hệ với chiếc thang Giacóp trong St 28,12 “Này đây được dựng từ đất một chiếc thang mà đầu kia chạm tới trời; các thiên sứ lên xuống trên thang đó”. Như thế, chi tiết này muốn nói rằng trong tư cách là “Con Người”, Đức Giêsu chính là nơi gặp gỡ giữa Thiên Chúa và loài người, giữa trời và đất.

Nathanaen đã được biết Chúa Giêsu và được Ngài kêu gọi nhờ sự giới thiệu của Philipphê. Tôi cũng được biết Chúa và được Ngài gọi nhờ sự giới thiệu của nhiều người. Nhưng ít khi tôi nhớ ơn họ và cầu nguyện cho họ. Hôm nay tôi hãy cầu nguyện cho những ân nhân đó; và nguyện sẽ giới thiệu Chúa cho những anh chị em khác của tôi nữa.

Nathanaen hỏi “Làm sao Ngài biết tôi ?” Chúa Giêsu đáp “Trước khi Philipphê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi”: Chúa cũng biết con từ lâu và biết rất rõ. Con xin phó thác đời con cho Chúa.

Ngày nọ, một người bạn đến tìm nhà giảng thuyết Mc-Leod Campbell và hỏi: “Này anh, xin anh nói cho tôi hay; làm thế nào mà anh luôn tìm thấy Chúa ?” Nhà giảng thuyết trầm ngâm một lúc rồi nói: “Làm thế nào mà tôi luôn tìm thấy Chúa ư ? Không đâu, tôi không luôn tìm thấy Chúa đâu, nhưng tôi biết là Chúa luôn tìm thấy tôi!”

“Ông Nathanaen hỏi Người: “Làm sao Ngài lại biết tôi ?” Đức Giêsu trả lời: “Trước khi Philipphê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi” (Ga 1,48)

Có người lái buôn kia quyết đi tìm điều quý giá nhất trên đời, nhưng đó không phải là vàng bạc, đá quý, mà là Thiên Chúa. Anh đi mãi, đi mãi, và tìm đủ loại sách, mọi bậc thánh hiền nhưng vẫn không gặp được Thiên Chúa.

Một ngày kia, đang thơ thẩn trên dòng sông, bỗng anh thấy một đàn vịt. Đàn vịt con cứ muốn rời mẹ để đi kiếm ăn riêng. Vịt mẹ cứ phải lặn lội tìm hết con này đến con kia mà không tỏ ra giận dữ. Nhìn cảnh vịt mẹ cứ mãi tìm con, anh ta mỉm cười và đứng dậy trở về quê hương, hân hoan nói với mọi người rằng: Tôi đã đi tìm Thiên Chúa, và cuối cùng tôi khám phá ra rằng chính Ngài đã đi tìm tôi.

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Thánh Batôlômêô, tông đồ, lễ kính (Ga 1,45-51)

  1. Bài Tin mừng cho biết đang lúc Chúa định đi Galilê thì gặp ông Philipphê là người đồng hương với Anrê và Phêrô. Chúa liền gọi ông đi theo Người. Rồi ông Philipphê lại đi tìm gặp ông Nathanael (Bartôlômêô) và giới thiệu Chúa Giêsu cho ông ta, nhưng ông này không đếm xỉa gì. Đến khi ông ta nghe Chúa Giêsu khen mình thì bỡ ngỡ hỏi: “Làm sao Ngài biết tôi?” Chúa đáp: “Trước khi Philipphê gọi anh, tôi đã thấy anh ngồi dưới gốc cây vả”. Ông Nathanael hết sức cảm phục tin tưởng Chúa và ông đã đi theo Người.
  2. Bài Tin mừng hôm nay là phần kết thúc việc Chúa gọi các môn đệ đầu tiên. Người được kêu gọi lần này là Nathanael quê tại Cana miền Galilê. Ông được Chúa kêu gọi làm môn đệ đồng thời với Philipphê là người dẫn lối cho mình. Buổi đầu được giới thiệu, ông còn hồ nghi đôi chút vì ông cho rằng: “Nazareth có gì là tốt đâu”, vì thực sự Kinh thánh Cựu ước chưa hề nói tới Nazareth một lần nào. Cho nên, khi nghe người bạn giới thiệu Chúa Giêsu quê Nazareth ông tỏ ra ngại ngùng như thế. Nhưng khi cảm nghiệm được sự hiểu biết siêu nhiên đặc biệt của Chúa Giêsu về đời tư của ông thì ông đã nhận ra Chúa Giêsu là “Con Thiên Chúa”(Ga 1,49). Từ đó Nathanael là môn đệ Chúa thực thụ.
  3. Cần người giới thiệu để theo Chúa

Chúa đã gọi ông Philipphê một cách trực tiếp, nhưng Chúa lại gọi ông Nathanael cách gián tiếp qua trung gian ông Philipphê. Như vậy, ơn gọi làm Kitô hữu hay ơn gọi tu trì, đôi khi được Chúa gọi trực tiếp qua sự thôi thúc trong lòng, nhưng có lúc cũng cần đến những người khôn ngoan, những người đi trước, cha xứ… hướng dẫn và giới thiệu chúng ta đến với đạo hay đến với đời tu. Cũng như Philipphê khi đã gặp được Chúa, thánh nhân đã đi giới thiệu cho Nathanael và dẫn Nathanael đến với Chúa. Chúng ta cũng vậy, sứ vụ của mọi Kitô hữu chúng ta là truyền giáo cho bất cứ những ai chưa nhận biết Chúa, giới thiệu về Chúa cho họ và đưa họ đến với đức tin.

  1. Nhưng cần phải tránh thành kiến

Sau khi Chúa gọi, Philipphê đã đến gặp Nathanael và giới thiệu Chúa cho ông này. Nathanael là người thường “ngồi dưới gốc cây vả”. Kiểu nói “ngồi dưới gốc cây vả” có nghĩa là người thích tìm hiểu Thánh kinh. Nathanael tìm hiểu Kinh thánh, nhưng bị giam hãm trong những thành kiến cũ nên không tin rằng từ Nazareth có thể xuất hiện một thứ gì hay được. Mặc dù đã từng “ngồi dưới gốc cây vả” mà nghiền ngẫm sách thánh, nhưng Nathanael không tìm gặp được Đấng Cứu Thế, bởi mang nặng thành kiến, thành kiến về địa danh Nazareth tầm thường nhỏ bé.

Không thể dùng thành kiến mà đánh giá con người hay vấn đề được, bởi vì thành kiến chỉ là một nhận định cục bộ từ một vài trường hợp cá biệt. Không phải vì đã có một vài trường hợp đã xảy ra như thế rồi kết luận rằng tất cả mọi trường hợp đều sẽ phải xảy ra như vậy. Thế nhưng con người lại rất dễ nhiễm thành kiến và thường xét đoán theo thành kiến.

  1. Cần có sự gặp gỡ với Chúa

Chúng ta thấy thái độ của Nathanael trước và sau cuộc gặp gỡ Chúa thì khác hẳn. Trước khi gặp Chúa, Nathanael vẫn mang trong mình cái biết và cái thành kiến của một xã hội đã nắn đúc lên trong tư tưởng Ngài và không thể thoát ra được. Ngồi dưới gốc cây vả, ông vẫn tìm kiếm trong vô vọng về những gì dân Do thái dựng nên trong đầu ông về một Đức Giêsu quyền lực và phải phát xuất ở một nơi danh giá, chứ không phải nơi một bác thợ mộc và quê nghèo Nazareth. Chính vì thế mà vừa nghe giới thiệu, ông phản kháng ngay: “Ở Nazareth có cái chi hay?” Tuy nhiên, ông vẫn dám bước ra khỏi cái thành kiến kia để đến gặp Chúa, và khi đã gặp Chúa rồi, ông đã tuyên xưng và được biến đổi trở nên người môn đệ.

Chúng ta cũng thế, khi chưa gặp Chúa, chúng ta vẫn mang trong mình những thành kiến, những tư tưởng không tốt. Chúng ta chắc chắn sẽ hành động sai khi chúng ta thiếu đi sự cầu nguyện gặp gỡ xin Chúa soi sáng (Mỗi ngày một tin vui).

  1. Giới thiệu có tính cách dây chuyền

Ông Philipphê đến gặp Nathanael và nói: “Đấng mà sách Luật và các tiên tri nói tới, chúng tôi đã gặp”. Tường thuật của Gioan về ơn gọi những môn đệ đầu tiên cho thấy Chúa thường gọi qua trung gian: Gioan và Anrê được gọi qua trung gian của Gioan Tẩy giả, Phêrô được gọi qua trung gian Anrê, và Nathanael qua trung gian Philipphê. Trung gian mà Chúa dùng có thể là một người, cũng có thể là một sự việc, một biến cố nào đó hay một Lời Chúa…

  1. Truyện: Thánh Phanxicô Borgia

Phanxicô Borgia (1510-1572) được cắt cử tháp tùng thi hài của hoàng hậu Isabelle, một mỹ nhân sắc nước hương trời, đến chỗ an táng của hoàng tộc. Trước khi hạ huyệt, quan tài được mở ra để được xác nhận. Cảnh tượng đã làm đảo lộn cuộc đời chàng. Phanxicô từ biệt triều đình, vào dòng Tên, trở nên vị thánh, thành Tổng quyền thứ ba của dòng. Ngài nói: “Từ nay mọi danh vọng và lạc thú trần gian chẳng dính dáng gì đến Phanxicô nữa”. Phanxicô Borgia đã nghe một tiếng gọi từ bên trong.

4. Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

 Cha S. Hodden thấy một đại úy đến xin học đạo. Khi ngài hỏi lý do, ông trả lời như sau:

“Trong đại đội tôi, có một binh nhì là Kitô hữu. Đêm nọ, anh đi gác về, mình mẩy ướt nhẹp, nhưng trước khi ngủ, anh còn quỳ gối đọc kinh. Ngứa mắt, tôi đá cho anh một cú vào đầu, ngã lăn ra. Nhưng anh ngồi dậy, không nói gì và tiếp tục cầu nguyện. Sáng hôm sau, tôi thấy đôi giày mà tối qua tôi đá anh được đánh bóng láng và xếp ngay ngắn bên giường ngủ. Điều đó làm tôi sững sờ, hổ thẹn và vì thế tôi quyết tâm học đạo”.

Suy niệm

Philipphê cùng quê quán với hai anh em Phêrô và Anrê, ở làng chài Bétsaiđa bên bờ biển Tibêriát. Ông là một trong những vị tông đồ đầu tiên được gọi theo Chúa như Tin Mừng Gioan ghi nhận ngay ở chương đầu (x. Ga 1,43-44).

Philipphê gặp Nathanaen cũng thường gọi Batôlômêô, giới thiệu về thầy của mình – Đức Giêsu: “Chúng tôi đã gặp thấy Con Người mà luật Môisê và các tiên tri đã nói đến: Đó chính là Giêsu, con trai ông Giuse làng Nadarét”. Cùng với Betsaiđa, Cana, Nadarét chỉ là những thị trấn nhỏ vùng quê. Trong Cựu ước không có một ngôn sứ nào nhắc đến Nadarét. Vì thế, Nathanaen, người Cana, nghi ngờ rằng thân thế của Thầy Giêsu: “Từ Nadarét làm sao có cái gì hay được”. Philipphê không cần mất thời giờ để tranh luận, nhưng thuyết phục bạn mình đến gặp Đức Giêsu để chính Nathanen tự mình khám phá ra Ngài: “Hãy đến mà xem”. Chỉ kinh nghiệm gặp và sống với Chúa Giêsu mới có thể giúp Nathanaen vượt qua được những giới hạn trần tục, che kín mầu nhiệm Con Thiên Chúa nhập thể. “Hãy đến mà xem”, là câu trả lời của Chúa Giêsu, khi hai ông Andrê và Gioan, những môn đệ của ông Gioan Tẩy giả hỏi Ngài: “Thưa Thầy, Thầy ở đâu ?” Chúa trả lời: “Hãy đến mà xem… đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người…” (Ga 1,35-42).

Vừa gặp Chúa Giêsu, Ngài đã nhận định về ông như một người Israel đích thực: “Lòng dạ không có gì gian dối”. Ông đã kinh ngạc trước nhận xét của Đức Giêsu, Đấng thấu suốt lòng dạ con người. Đức Giêsu biết rõ Nathanaen đang khao khát hiểu biết về Thiên Chúa, đang muốn gặp Thiên Chúa. Người đã đặt vào lòng Nathanaen lòng khao khát Đấng đã dựng nên con người vì tình yêu: “Trước khi Philipphê gặp anh, Thầy đã thấy anh dưới cây vả”. Nathanaen đã đến và nghe lời Chúa Cứu Thế, ông đã hết sức cảm phục” (x. Ga 1,43-51).

Từ đời đời, Thiên Chúa đã biết ta trong mọi bí ẩn của tâm hồn. Chúa dò thấu tường tận. Không có gì kín nhiệm mà Chúa không thông suốt. Chúa biết rõ tất cả nơi chúng ta.

Qua cuộc gặp gỡ Chúa đã biến đổi Nathanaen, tình gắn bó với Thầy bền vững. Cũng thế, người đến gặp gỡ Thiên Chúa là thân thiết với Ngài, là biết Người một cách thâm sâu hơn, là “kiểm nghiệm bằng mắt thấy tai nghe, bằng con người xương thịt, cái thực tại lịch sử sẽ làm nền tảng cho đức tin”(x: P.E Jacquemin, “Assemblées du Seigneur”, số 33, tr.57)

Ý lực sống

“Thiên Chúa đã muốn cho họ được biết bí nhiệm này phong phú và hiển hách biết bao giữa các dân ngoại: đó là chính Đức Kitô đang ở giữa anh em, Đấng ban cho chúng ta niềm hy vọng đạt tới vinh quang” (Cl 1,26-27).

Nguồn: WGPSG

Bài viết liên quan