Suy Niệm Hằng Ngày

Thứ Năm tuần 7 Phục sinh

BÀI ĐỌC I: Cv 22, 30; 23, 6-11

“Con phải làm chứng về Ta tại Rôma”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, toà án muốn biết đích xác người Do-thái tố cáo Phaolô về tội gì, nên cởi trói cho ngài, và truyền lệnh cho các thượng tế và toàn thể công nghị họp lại, rồi dẫn Phaolô đến đứng trước mặt họ. Phaolô biết có một số người thuộc phe Sađốc, và một số khác thuộc phe biệt phái, nên kêu lớn tiếng giữa công nghị rằng: “Thưa anh em, tôi là biệt phái, con của người biệt phái, tôi bị xét xử vì niềm hy vọng và vì sự sống lại của những người đã chết”. Ngài vừa nói thế, thì xảy ra sự bất đồng ý kiến giữa các người biệt phái và Sađốc, và hội đồng đâm ra chia rẽ. Vì các người Sađốc cho rằng không có sự sống lại, không có thiên thần và thần linh; còn các người biệt phái thì tin tất cả điều đó. Tiếng la lối inh ỏi, và có mấy người biệt phái đứng lên bênh vực rằng: “Chúng tôi không thấy người này có tội gì; và nếu thần linh hay thiên thần nói với người này thì sao ?” Cuộc tranh luận đã đến hồi gây cấn, viên quản cơ sợ Phaolô bị phân thây, nên sai lính xuống kéo ngài ra khỏi họ và dẫn về đồn.

Đêm sau, Chúa hiện đến cùng ngài và phán: “Hãy can đảm lên! Con đã làm chứng về Ta tại Giêrusalem thế nào, thì cũng phải làm chứng về Ta tại Rôma như vậy”.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 15, 1-2a và 5. 7-8. 9-10. 11

Đáp: Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa (c. 1).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa. Con thưa cùng Chúa: Ngài là chúa tể con; Chúa là phần gia nghiệp và phần chén của con, chính Ngài nắm giữ vận mạng của con. – Đáp.

2) Con chúc tụng Chúa vì đã ban cho con lời khuyên bảo, đó là điều lòng con tự nhủ, cả những lúc đêm khuya. Con luôn luôn đặt Chúa ở trước mặt con, vì Chúa ngự bên hữu con, con sẽ không nao núng. – Đáp.

3) Bởi thế, lòng con vui mừng và linh hồn con hoan hỉ, ngay cả đến xác thịt của con cũng nằm nghỉ an toàn, vì Chúa chẳng bỏ rơi linh hồn con trong Âm phủ, cũng không để thánh nhân của Ngài thấy điều hư nát. – Đáp.

4) Chúa sẽ chỉ cho con biết đường lối trường sinh, sự no đầy hoan hỉ ở trước thiên nhan, sự khoái lạc bên tay hữu Chúa, tới muôn muôn đời! – Đáp.

Tin Mừng: Ga 17,20-26

20 Khi ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời cầu nguyện rằng: “Con không cầu xin cho chúng mà thôi, nhưng còn cho tất cả những kẻ, nhờ lời chúng mà tin vào Con, 21 để mọi người nên một, cũng như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để cả chúng cũng nên một trong Ta, để thế gian tin rằng Cha đã sai Con. 22 Con đã ban cho chúng vinh hiển mà Cha đã ban cho Con, để chúng nên một như Chúng Ta là một. 23 Con ở trong chúng, và Cha ở trong Con, để chúng được hoàn toàn nên một và để thế gian biết rằng Cha đã sai Con, và Con đã yêu mến chúng như Cha đã yêu mến Con. 24 Lạy Cha, những kẻ Cha ban cho Con thì Con muốn rằng Con ở đâu, chúng cũng ở đấy với Con, để chúng chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho Con, vì Cha đã yêu mến Con trước khi tạo thành thế gian. 25 Lạy Cha công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng Con biết Cha, và những người này cũng biết rằng Cha đã sai Con. 26 Con đã tỏ cho chúng biết danh Cha, và Con sẽ còn tỏ cho chúng nữa, để tình Cha yêu Con ở trong chúng, và Con cũng ở trong chúng nữa”.

Suy niệm (Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho mọi người được hiệp nhất trong Thiên Chúa. Muốn trở nên thành phần trong gia đình của Chúa, chúng ta cần biểu lộ tinh thần hiệp nhất: hiệp nhất với Chúa và hiệp nhất với nhau.

Cầu nguyện: Lạy Chúa là Cha đầy lòng yêu thương, chúng con muốn tiếp nối lời Chúa Giêsu Con Cha, để dâng lên Cha lời cầu nguyện cho thế giới, cho Giáo Hội, cho gia đình con  và cho tất cả chúng con được hiệp nhất.

Cha đã tác tạo chúng con trong tình yêu. Mãi mãi  Cha vẫn hằng yêu thương chúng con và mong muốn chúng con sống yêu thương nhau, hiệp nhất trong tình yêu của Cha. Nhưng vì tội lỗi, chúng con đã xa cách Cha và xa cách nhau. Dù vậy, Cha vẫn không bỏ chúng con, vẫn kêu gọi chúng con trở về với tình yêu của Cha. Qua dòng lịch sử, từng bước từng bước một, Cha đã hàn gắn sự đổ vỡ và kêu gọi chúng con sống tinh thần hiệp nhất. Sau cùng, chính Chúa Giêsu Con Cha đã xuống thế gian để trở thành mối dây liên kết chúng con với Cha và với nhau. Và hôm nay, Giáo Hội vẫn đang nỗ lực duy trì và phát triển sự hiệp nhất ấy.

Nhưng lạy Cha, công việc của Giáo Hội còn bề bộn lắm. Trong lòng Giáo Hội còn nhiều khó khăn làm cản trở sự hiệp nhất. Là những người sống trong Giáo Hội, chúng con đã cảm nhận được điều ấy. Chính trong giáo xứ, trong gia đình chúng con, vẫn còn nhiều nỗi bất hòa. Xin cho mỗi người chúng con biết nỗ lực thông cảm với nhau, tha thứ cho nhau, biết gạt bỏ ra bên ngoài những ý riêng để đi tới hiệp nhất. Xin Cha giúp mỗi người chúng con biết quên mình, biết hãm dẹp tự ái và kiêu ngạo, để cùng nhau sống hiệp nhất trong tình yêu Cha. Và qua dấu chỉ đó, chúng con làm chứng cho tình yêu của Cha. Amen.

Ghi nhớ : “Xin cho chúng nên một”.

Suy niệm 1: (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A- Phân tích (Hạt giống…)

Chúa Giêsu cầu cho các tín hữu đã nghe lời giảng của các môn đệ mà tin vào Ngài:

“Con không chỉ cầu xin cho chúng mà thôi, mà cho tất cả những kẻ nhờ lời chúng mà tin vào Con”.

“Để cả chúng cũng nên một trong Ta”.

“Con muốn rằng, Con ở đâu thì chúng cũng ở đó với Con”.

“Để tình yêu Cha yêu Con ở trong chúng và Con cũng ở trong chúng nữa”.

B- Suy gẫm (…nẩy mầm)

1. “Để cả chúng cũng nên một trong Ta”: “Nên một” là một điều hết sức quan trọng, nên khi cầu nguyện cho bất cứ thành phần nào trong Giáo Hội, Chúa Giêsu cũng cầu xin cho họ được điều ấy.

Lạy Cha, xin giữ chúng con trong tình hiệp nhất. Không phải thứ hiệp nhất rẻ tiền: cố nhịn nói, cố nhịn tránh va chạm để người ngoài nhìn vào không biết chúng con đang chia rẽ.

Mà sự hiệp nhất dám chấp nhận những dị biệt và những lời góp ý thẳng thắn.

Một sự hiệp nhất được thúc đẩy bởi một ước muốn duy nhất trong lòng mọi người là sống theo chân lý của Cha.

2. Nhạc trưởng Michael Costa đang diễn tập với dàn hợp xướng gồm cả trăm nhạc cụ và nhạc công. Bỗng có tiếng sáo ré lên. Chắc người thổi sáo sợ rằng nhạc trưởng không nghe thấy tiếng sáo của mình. Nhạc trưởng cáu kỉnh quát: “Tiếng sáo nào kì vậy ?” Và phải tập lại từ đầu.

3. “Con muốn rằng Con ở đâu thì chúng cũng ở đó với Con”. Chúa Giêsu ở đâu ? Ở trong tình yêu Chúa Cha; ở trong sự thật; ở trong Thánh Ý Chúa Cha; Ở trên Thập Giá và ở trên thiên đàng.

4. Chính Cha đã sai Con và yêu thương họ như đã yêu thương Con”.

Mỗi lần nói đến cuộc đời Chúa Giêsu, tôi rất dễ dâng lời cảm tạ, ngợi khen, tri ân trước những hy sinh lớn lao của Ngài. Và tôi thường lý luận nông cạn rằng vì Chúa Giêsu được Chúa Cha yêu thương cách đặc biệt nên Người có thể làm mọi sự.

Nhưng hôm nay, trước khi về trời, Chúa Giêsu lại khẳng định với tôi rằng Chúa Cha đã yêu thương tôi như đã yêu thương Chúa Giêsu.

Như vậy, Chúa Giêsu Nadarét ngày nào cũng như tôi hôm nay, và cũng được Chúa Cha yêu thương bằng một tình Cha thật gần gũi. Nhưng khác một điều Ngài đã nhận ra tình yêu của Thiên Chúa dành cho mình, dù trong những lúc đau thương nhất của cuộc sống. Còn tôi, tôi cũng tin vào tình yêu của Thiên Chúa, nhưng không mấy xác tín rằng Chúa Cha đã yêu thương tôi như đã yêu thương Chúa Giêsu.

Cha ơi, xin cho con cảm nghiệm được Cha yêu con và học biết nơi Đức Kitô cách đáp lại trọn vẹn tình Cha.

Suy niệm 2 (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Một người kia có ba người con trai, trước khi qua đời ông muốn dạy các con bài học hiệp nhất: “Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”, ông gọi các con đến và nói: Vàng bạc thì cha không có, cha có một gia tài quý giá hơn cả vàng và muốn để lại cho các con. Nói xong, ông lấy ra ba chiếc đũa tre trao cho ba người con mỗi người một chiếc và bảo: “Các con hãy bẻ gãy chiếc đũa cho cha xem”. Ba người con vâng lời cha bẻ gãy chiếc đũa dễ dàng.

Sau đó, người cha trao cho ba người con mỗi người một bó đũa và nói: “Các con hãy bẻ gãy bó đũa này cho cha xem”. Lúc này ba người con dùng hết sức vẫn không sao bẻ gãy được. Bấy giờ, người cha mới nói: “Nếu các con biết đoàn kết yêu thương nhau thì các con giống như bó đũa kia sẽ không có sức mạnh nào làm gãy được các con. Ngược lại, nếu các con không đoàn kết yêu thương nhau mỗi người một nơi thì các con sẽ như chiếc đũa kia bị bẻ gãy một cách dễ dàng, hiệp nhất: “Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”.

Nói xong, người cha ra đi trong vòng tay yêu thương của các con.

Suy niệm

Chúa Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ và những ai đã cùng chia sẻ với Ngài trong bữa tiệc ly trước khi bước vào cuộc thương khó. Tin Mừng Gioan17,20-26 là những tâm tình cuối cùng trong lời cầu nguyện hướng về Chúa Cha trước khi Ngài bị bắt và kết án trên thập tự. Đó là thời điểm khó khăn khủng hoảng nhất và là thời điểm ly biệt. Chúa Giêsu sống trong thế giới, với kinh nghiệm nhân loại mà Ngài mang lấy, Ngài đã thấy trước được những gì khó khăn liên quan đến đời sống đức tin, Ngài hiểu được sự khó khăn của các tông đồ khi chứng kiến và bước vào cuộc thương khó. Trái tim của Thầy luôn nghĩ đến các môn sinh và những người đã đón tiếp Lời Ngài qua các tông đồ nên Ngài tha thiết cầu nguyện với Cha: “Con không cầu xin cho chúng mà thôi, nhưng còn cho tất cả những kẻ, nhờ lời chúng mà tin vào Con” (Ga 17,20).

Lời cầu với một lòng tha thiết với Chúa Cha cho chúng ta, những người tin vào Ngài, đang sống đức tin ấy giữa lòng thế giới, luôn trung thành với Lời Ngài và hiệp nhất trong tình yêu. Mặc dù chính Ngài còn mang trong mình những lo âu của cuộc thương khó nhưng Ngài vẫn dành trọn lời cầu tha thiết của Ngài cho sự hiện diện của thân phận con người.

Ngài đã nhìn thấy trước những khó khăn của việc giữ đức tin và của sự hiệp nhất với những tương quan của thực tế thế giới trong mọi thời đại. Đó là sự chia rẽ: Chia rẽ giữa các quốc gia, giữa các chủng tộc, giữa các tôn giáo…. Chính sự chia rẽ đào sâu trong lòng con người một vực thẳm của sự ngăn cách và với thời gian, nó sinh ra hận thù, chiến tranh… như chúng ta thấy ở châu Phi và Trung Đông. Sự chia rẽ còn xuất hiện giữa những người cùng chung một niềm tin Kitô. Sự chia rẽ trong Giáo hội đã không biểu lộ được tình yêu Thiên Chúa hiện diện giữa con người trong thế giới mà Đức Kitô mong muốn và đã loan báo cho trần gian. Không chỉ trên bình diện quốc tế, sự chia rẽ còn xảy ra nơi phạm vi nhỏ hơn như trong cộng đoàn, trong công sở và ngay cả trong gia đình. Nó bào mòn hạnh phúc và gây nên sự đổ vỡ trong các mối quan hệ gia đình và xã hội… Trong thế giới hôm nay, sự chia rẽ xảy ra từng ngày, nối tiếp từng năm và kéo dài từ thế kỷ này qua thế thế kỷ kia. Chính vì thế, trái tim của Chúa vẫn tiếp tục rỉ máu và lời cầu nguyện của Ngài vẫn vang vọng và thắm thiết bên Chúa Cha: “Để mọi người nên một, cũng như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để cả chúng cũng nên một trong Ta, để thế gian tin rằng Cha đã sai Con” (Ga 17,21).

Chúa Giêsu cầu nguyện vì sự hiệp nhất trước hết là quà tặng ân sủng từ Thiên Chúa, ân ban này sẽ được tìm thấy gốc rễ nơi trái tim của Ba Ngôi mà Chúa Giêsu đã chia sẻ với chúng ta qua vinh quang của Ngài trong tư cách là Con Thiên Chúa. Với ân sủng này, chúng ta cùng Ngài đi vào sự hiệp nhất với Chúa Cha trong Thánh Thần: “Con đã ban cho chúng vinh hiển mà Cha đã ban cho Con, để chúng nên một như Chúng Ta là một. Con ở trong chúng, và Cha ở trong Con, để chúng được hoàn toàn nên một và để thế gian biết rằng Cha đã sai Con, và Con đã yêu mến chúng như Cha đã yêu mến Con” (Ga 17,22-23).

Tin Mừng của thánh Gioan hôm nay đặt chúng ta, những người đón tiếp và tin vào Lời, trong trái tim và lời cầu nguyện của Chúa Giêsu. Ngài còn tiếp tục cầu nguyện cho chúng ta ở bên Cha để hiệp nhất giữa những chi thể thánh được hoàn thiện. Hiệp nhất nơi gia đình, cộng đoàn, trong Giáo hội với tình yêu chính là hình ảnh của Ngài hiệp nhất với Cha trong Thánh Thần. Chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn để chúng ta khiêm tốn luôn sống trung thành với ân sủng mà Ngài ân ban. Trong tình huynh đệ, hãy đón nhận sự khác biệt của anh em để tìm về một mối hiệp nhất trong tình yêu.

     Ý lực sống

“Xin hiệp nhất chúng con nên một trong tình yêu Chúa…”.

Nguồn: WGPSG

 

Bài viết liên quan