Suy Niệm Hằng Ngày

Thứ Bảy tuần 13 Thường niên

BÀI ĐỌC I (năm II): Am 9, 11-15

Ta sẽ đem dân Ta bị lưu đày trở về, và sẽ trồng họ trên đất của họ”.

Trích sách Tiên tri Amos.

Ðây Chúa phán: “Trong ngày ấy, Ta sẽ dựng lại nhà xếp của Ðavít đã xiêu đổ, Ta sẽ lấp những lỗ hổng nơi tường, trùng tu lại những gì đổ nát. Ta sẽ xây dựng lại như ngày xưa, để chúng chiếm hữu những gì còn sót của Êđom và tất cả các dân tộc, vì chúng đã xưng tụng danh Ta”.

Chúa hoàn thành những việc Chúa đã phán như thế. Và Chúa còn phán: “Ðây đã đến những ngày mà người cày ruộng tiếp nối người thợ gặt, kẻ ép nho tiếp nối người gieo giống. Từ các núi non, rượu nho mới sẽ chảy tuôn tràn, và từ các đồi, rượu sẽ vọt ra lai láng. Ta sẽ đem Israel dân Ta bị lưu đày trở về. Họ sẽ xây lại các thành phố bị bỏ hoang và cư ngụ tại đó. Họ sẽ trồng nho và sẽ uống rượu nho. Họ sẽ lập vườn, và sẽ ăn quả sinh ra ở nơi ấy. Ta sẽ trồng họ trên đất của họ, và không khi nào họ bị nhổ ra khỏi đất Ta đã ban cho họ. Chúa là Thiên Chúa của ngươi phán như thế”.

Ðó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 84, 9. 11-12. 13-14

Ðáp: Chúa phán bảo về sự bình an cho dân tộc của Người (c. 9).

Xướng: Tôi sẽ nghe Chúa là Thiên Chúa của tôi phán bảo điều chi? Chắc hẳn Người sẽ phán bảo về sự bình an, bình an cho dân tộc và các tín đồ của Chúa, và cho những ai thành tâm trở lại với Người.

Xướng: Lòng nhân hậu và trung thành gặp gỡ nhau; đức công minh và sự bình an hôn nhau âu yếm. Từ mặt đất, đức trung thành sẽ nở ra, và đức công minh tự trời nhìn xuống.

Xướng: Vâng, Chúa sẽ ban cho mọi điều thiện hảo, và đất nước chúng tôi sẽ sinh bông trái. Ðức công minh sẽ đi trước thiên nhan Chúa, và ơn cứu độ theo sau lối bước của Người.

Tin mừng: Mt 9, 14-17

14 Khi ấy, Chúa Giêsu sang miền Giêsarênô, các môn đệ Gioan đến gặp Người mà hỏi: “Tại sao chúng tôi và những người biệt phái thì giữ chay, còn môn đệ của Ngài lại không ?”

15 Chúa Giêsu nói với họ rằng: “Làm sao các khách dự tiệc cưới có thể buồn rầu khi tân lang đang còn ở với họ ? Rồi sẽ có ngày tân lang ra đi, bấy giờ họ mới giữ chay.

16 Không ai lấy vải mới mà vá vào áo cũ, vì miếng vải mới làm áo dúm lại, và chỗ rách lại càng tệ hơn.

17 Người ta cũng không đổ rượu mới vào bầu da cũ, chẳng vậy, bầu da vỡ, rượu đổ ra, và bầu da hư mất. Nhưng rượu mới thì đổ vào bầu da mới, và cả hai được nguyên vẹn”.

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Đi vào giao ước mới thì phải mang lấy tinh thần mới. Đối với Chúa Giêsu, giữ đạo chỉ có giá trị thực sự khi lấy Chúa làm trung tâm và hết lòng yêu mến Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, qua Tin Mừng, con biết Chúa khó chịu lắm khi thấy người Do Thái giữ đạo kiểu hình thức. Chúa thấy họ quên mất rồi những mục đích của luật lệ. Chúa ban luật lệ để nhờ đó con người biết lối biểu lộ lòng mến yêu và trung tín với Chúa. Nhưng họ đã bóp méo đạo Chúa: điều chính hóa ra phụ và điều phụ thành ra chính. Phương tiện trở nên mục đích, còn mục đích lại bị coi thường.

Lạy Chúa, Chúa đã đến uốn nắn lại những sai lầm trong việc giữ đạo. Chúa thiết lập giao ước mới để kiện toàn giao ước cũ. Chúa muốn chắp lại đôi cánh cho lề luật, để lề luật thật sự trở thành phương tiện chở con đi về với Chúa. Lòng yêu mến chính là đôi cánh cho lề luật. Xin dạy con giữ luật với lòng yêu mến, để luật lệ khỏi biến thành cái ách nặng nề làm khổ con và kéo con đi trệch đường. Xin dạy con đừng bao giờ tự bằng lòng với chính mình trong cách sống đạo chỉ có hình thức bên ngoài, nhưng biết giữ đạo vì lòng mến Chúa chân thành.

Tuy thế, lạy Chúa, tự nhiên con khó mến Chúa. Đức mến là một ân huệ. Nếu Chúa không ban cho, thì con chẳng thể mến Chúa. Xin Chúa tăng thêm lòng mến cho con để con cảm thấy niềm vui được sống trong lề luật của Chúa. Chúa đã ban rượu mới là giao ước mới cho con, thì xin Chúa cũng giúp con biến đổi tâm hồn mình thành bình da mới đầy tình yêu mới, để đời con mỗi ngày mỗi đẹp lòng Chúa hơn. Amen.

Ghi nhớ : “Làm sao các phù rể có thể buồn rầu khi tân lang còn đang ở với họ”.

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A- Phân tích (Hạt giống…)

Nhân dịp trả lời cho các môn đệ của Gioan Tẩy giả về việc ăn chay, Chúa Giêsu cho biết ý nghĩa và tinh thần đạo đức này:

Ăn chay không phải chỉ để chu toàn quy định của luật, mà là để bày tỏ nỗi buồn khi phải xa cách “chàng rể”, nghĩa là do tội mà phải xa cách Chúa.

Tâm tình căn bản của người môn đệ trong thời Tân Ước là tâm tình vui mừng vì được sống với “chàng rể”.

B- Suy gẫm (…nẩy mầm)

1. Thánh Phaolô đã kêu gọi “Anh em hãy vui lên. Tôi xin nhắc lại một lần nữa, anh em hãy vui luôn trong Chúa”. Kitô giáo là đạo của niềm vui vì là đạo của ơn cứu thoát và là đạo của Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô. Tâm tình thường xuyên của tôi phải là vui mừng trong Chúa. Và niềm vui của tôi còn phải lan toả sang cho những người sống chung quanh tôi nữa.

2. Cho dù cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu có là trọng tâm của Kitô giáo, cho dù hy sinh khổ chế có là con đường tu đức của các Kitô hữu, thì Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô vẫn là tên gọi của đạo Chúa. Tôn giáo thiết yếu là một Tin Mừng, một Tin Mừng để đón nhận, để sống và để loan báo. Mà nói đến Tin Mừng là nói đến hân hoan. (Trích: Chờ đợi Chúa)

3. Người Ai Cập ăn chay để được trẻ trung hơn.

Người Hy Lạp ăn chay để tinh thần được nhanh nhẹn hơn.

Người thổ dân Nam Mỹ ăn chay để bày tỏ lòng can đảm.

Người vẽ tượng Thánh ăn chay để vẽ cho đẹp hơn.

Người Do Thái ăn chay để ăn năn tội, để thương tiếc kẻ chết, để xin Chúa đặc biệt trợ giúp, để chuẩn bị đón Chúa đến.

Kitô hữu không ăn chay vì những lý do trên, bởi Chúa đã đến rồi, nhưng ăn chay để đón chờ Chúa lại đến, để Danh Chúa hiển sáng, Nước Chúa trị đến và ý Chúa được thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

Như thế, ăn chay đối với Kitô hữu cũng có ý nghĩa dấn thân cho một thế giới mới, xây dựng một trật tự và một nếp sống mới trong những tương quan mới với Chúa và với anh em.

Xin cho con biết chết đi trong tội lỗi, để sống lại với Chúa và cho Chúa. (Hosanna)

4. Sau mấy ngày hội thảo đầy căng thẳng, hai nhà truyền giáo Theodore Cuyler và Charler Spurgeon đi ra ngoài xả hơi. Họ chạy nhảy giữa cánh đồng như thể các học sinh được nghỉ học, vui chơi thoả trí. Cuyler kể một câu chuyện vui làm Spurgeon bật cười sảng khoái. Rồi thình lình Ngài nói:

Này bạn Theodore, chúng ta hãy quỳ gối cám ơn Chúa đã ban cho chúng ta tiếng cười vui vẻ vừa rồi.

Và rồi cả hai nhà truyền giáo vĩ đại đó đã thản nhiên quỳ trên bãi cỏ xanh tươi để cám ơn Chúa trước quà tặng là tiếng cười đó.

Đâu có gì mâu thuẫn giữa cầu nguyện và cười vui vì một đàng là biểu hiện của sức khỏe tâm linh, một đàng là biểu hiện sức khỏe của thể xác. (Góp nhặt).

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Tranh luận về việc ăn chay (Mt 9, 14-17)

  1. Môn đệ ông Gioan thấy môn đệ Chúa Giêsu không ăn chay thì hỏi: sao môn đệ Ngài không ăn chay? Chúa đáp: Trong tiệc cưới, bao lâu chàng rể còn ở lại thì bạn bè vẫn vui mừng, chừng nào chàng rể đi rồi thì họ mới buồn rầu chay tịnh. Qua bài Tin mừng, Chúa Giêsu dùng hình ảnh tiệc cưới, trong đó chính Ngài là chàng rể, còn các môn đệ là phù rể. Vậy nên chỉ sau khi chàng rể bị đem đi, nghĩa là sau cái chết của Chúa Giêsu, thì lúc đó các môn đệ mới giữ chay: giữ chay vì thương nhớ, và để đón chờ Chúa trở lại.
  2. Ăn chay, cầu nguyện, làm phúc bố thí là ba sinh hoạt chính trong đời sống đạo đức của Do thái giáo. Họ có một cuộc “đại chay” bắt buộc nhân ngày lễ xá tội. Đồng thời họ cũng có những cuộc chay tịnh khác mang tính cách tập thể, chẳng hạn gặp ngày tổ quốc gặp hoạn nạn. Ngoài ra, những người đạo đức còn ăn chay vì lòng sốt sắng, như các môn đệ của Gioan Tẩy giả và những người Biệt phái, họ thường ăn chay mỗi tuần hai lần vào ngày thứ hai và thứ năm. Chung quy lại, ăn chay đối với Do thái giáo bao gồm ba ý nghĩa chính:

– Để tỏ lòng sám hối và xin ơn.

– Để chờ đợi Đấng Cứu Thế đến giải phóng dân khỏi ách đô hộ ngoại bang.

– Lòng đạo đức nhiệt thành.

  1. Ý nghĩa việc ăn chay

Theo truyền thống Do thái giáo, việc giữ chay được liên kết chặt chẽ với việc chờ đợi Đấng Cứu Thế. Ăn chay có nghĩa là nói lên niềm trông đợi Đấng Cứu Thế. Căn cứ trên ý nghĩa và mục đích của việc giữ chay như thế, Chúa Giêsu muốn cho mọi người thấy rằng Ngài chính là Đấng Cứu Thế, do đó các môn đệ không cần giữ chay, bởi vì họ không cần trông đợi nữa. Đó là thái độ hợp thời và hợp lý; họ đang sống bên Chúa Giêsu: thái độ của họ không phải là thái độ buồn sầu, khóc lóc. Thời của Đấng Cứu Thế không phải là thời của tang chế, ủ dột, mà là thời của hân hoan (Mỗi ngày một tin vui).

  1. “Rượu mới thì đổ vào bầu da mới”

Chúa đến khai mạc một luật mới, một hiến chương mới của Nước trời. Luật mới này đòi hỏi con người, cụ thể là người Do thái thời đó, phải thay đổi hoàn toàn đời sống, hay nói một cách gợi hình hơn “phải lột xác”. Việc ăn chay, do đó, sẽ chẳng giống như luật cũ. Hai thí dụ Chúa dùng để giải thích cho đòi hỏi đó rất linh động và gợi hình, là không nên lấy vải mới vá vào áo cũ, không đổ rượu mới vào bầu da cũ. Tức là Chúa quyết liệt khẳng định: bây giờ là lúc phải theo luật mới của Tân ước.

Chúng ta có thể đưa ra một số chứng từ cụ thể trong Tin mừng để thấy bản chất luật mới của Chúa Giêsu: thương yêu là căn bản trong tương quan của mỗi người đối với Thiên Chúa và với tha nhân – tôn trọng sự thật, chân lý, lẽ phải ngay từ trong thâm tâm – không trình diễn, khoe khoang những việc đạo đức, chỉ cần chính tâm, thành ý, làm hơn là nói – không nệ luật cứng nhắc, máy móc, nhưng phải uyển chuyển trên tiêu chuẩn bác ái v.v…(Lm. Phạm Văn Phượng).

  1. Ngoài ra, ăn chay đối với người Kitô hữu cũng có nghĩa là “dấn thân” cho một thế giới mới, xây dựng một trật tự và một nếp sống mới trong những mối tương quan mới về hiệp nhất, yêu thương với Chúa và với anh chị em chung quanh ta.

Trong bài giáo huấn hồi tháng 3 năm 1979, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói đến ý nghĩa của sự chay tịnh như sau: “Chay tịnh là khước từ khoái cảm, các kích thích lạc thú và ngay cả thức ăn của uống, tự nó không phải là mục đích, nhưng nó phải mở đường cho những giá trị sâu xa hơn mà con người nội tâm cần phải được nuôi dưỡng. Một sự khước từ, một sự hãm dẹp thân xác như thế, phải giúp tạo nên trong con người những điều kiện, để có thể sống những giá trị cao cả mà nó hằng khao khát”.

  1. TruyệnÝ nghĩa việc ăn chay

Có một đan sĩ nọ, trong một phút yếu lòng, đã phạm một tội rất nặng. Thầy cảm thấy hối hận sâu xa và quyết định bỏ ba năm để đền tội. Ngày kia, thầy đến hỏi Đức Viện phụ:

– Thưa cha, ba năm trời có đủ để khóc than và đền bù tội lỗi của con không?

– Ba năm nhiều quá! Viện phụ đáp.

– Vậy thưa cha, chỉ cần một năm thôi cũng đủ hay sao?

– Cha nghĩ một năm cũng quá nhiều!

– Vậy con nghĩ 40 ngày ăn chay đánh tội nhiệm nhặt là đủ rồi, hay cha vẫn thấy còn quá nhiều?

Bấy giờ Viện phụ mới kết luận: “Cha tin chắc rằng khi một người thành tâm thống hối tội lỗi của mình đã phạm và quyết chí từ nay không tái phạm tội ấy nữa, thì chỉ cần một ngày đau buồn đền tội và một ngày hôm sau, khi bình minh trở lại, người ấy phải vui mừng đón nhận cuộc sống mới!”

Sự trưởng thành thực sự mà con người có thể đạt được qua sự chay tịnh không chỉ là thắng vượt được những dục vọng và đam mê thấp hèn của bản thân, mà chính là biết xa lánh tội lỗi và đưa con người đến gần Chúa và tha nhân hơn.

Nguồn: WGPSG

You may also like