THÁNH PHÊRÔ NGUYỄN KHẮC TỰ VÀ
ANTÔN NGUYỄN HỮU QUỲNH
Cuộc tử đạo của thánh Phêrô Nguyễn Khắc Tự là một biểu hiện sâu xa môi tình Thầy trò, mối tình cha con tinh thần trong Giáo Hội. Ngày 31.7.1839 sau khi quân lính bắt được linh mục thừa sai Borie Cao, các tín hữu sợ liên luỵ nên làm ngơ như không quen biết nhưng thầy giảng Phêrô Nguyễn Khắc Tự lẽo đẽo đi theo vừa khóc vừa xin theo gót thầy. Quân lính thấy thế sinh nghi, bắt thầy đem đến trước mặt vị thừa sai. Cha Cao vì không muốn thầy liên luỵ, liền giả bộ không biết “người thanh niên” này là ai, sau lại tình nguyện bỏ tiền ra để chuộc tự do cho anh ta. Nhưng thầy Tự đã quyết tâm nên nói: “Xin cha cho con theo cha đến cùng”. Trước thái độ chí tình ấy, vị linh mục xúc động, tháo chiếc khăn quàng, xé làm đôi trao một phần cho người môn sinh và nói: “Cầm lấy, thầy hãy giữ nó làm bằng chứng cho lời thầy đã hứa”. Và thầy Tự đã giữ miếng khăn đó suốt 2 năm tù cho tới ngày cùng với người cha yêu quý theo chân Chúa Kitô đến đỉnh đồi Calvê.
Theo Chúa là tự nguyện “bỏ mình vác thập giá hằng ngày”. Chúa Giêsu tuyên bố rõ ràng như thế. Người nói trước cho các môn đệ: “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình,vác thập giá hằng ngày mà theo”. “Hãy coi chừng người đời: Họ sẽ bắt nộp anh em và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Anh. em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho các dần ngoại được biết. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng kẻ ấy sẽ được cứu thoát” (Mt 10,17-29).
Bị thử thách, bách hại là số phận của người môn đệ Chúa, vì nhờ đó họ có dịp làm chứng cho Chúa, và cũng nhờ đó mà Nước Trời mới đến được trần gian. Điều quan trọng là phải kiên trì bền đỗ đến cùng, vì chỉ những kẻ bền chí đến cùng mới được cứu thoát, như trường hợp của hai thánh Phêrô Tự và Antôn Quỳnh tử đạo hôm nay Các ngài đã bị bắt vì Chúa, bị gông cùm, tù ngục, khổ hình ròng rã hai năm trời, để được lãnh triều thiên tử đạc vinh hiển muôn đời…
Phêrô Nguyễn Khắc Tự sinh năm 1808, tại Ninh Bình thời vua Gia Long. Cậu dâng mình cho Chúa ngay từ lúc nhỏ, và sau thời gian tu học, đã được Bề trên cho làm thầy giảng, sai đi giúp việc giảng đạo với cha già Quế. Sau khi cha già qua đời, thầy được cử đến giúp cha Domounlin Borie Cao là Linh mục thừa sai người Pháp.
Trong thời gian giúp cha Cao, thầy được cha và giáo dân quý mến, vì thầy nhiệt thành chăm lo việc Chúa, và sẵn sàng thương yêu giúp đỡ mọi người. Thầy chỉ giúp được bốn năm thì cha Cao bị bắt, bốn năm làm việc tuy không lâu nhưng phát sinh một mối thân tình giữa 2 người, khiến thầy Tự vào vòng lao lý khi muốn theo vị linh mục đến cùng.
Vì có người chỉ điểm, ngày 31.7.1838, quân lính đến bắt cha Cao. Trong lúc họ dẫn cha đi, thầy chạy theo xưng mình là thầy giảng, là đệ tử của Cha và xin cho được cùng sống chết với cha. Thật là một cử chỉ anh hùng, một lòng trung thành rất đáng khâm phục. Lúc Chúa Giêsu bị bắt, các tông đồ môn đệ khiếp sợ chạy trốn; còn thầy thì khi cha mình bị bắt, đã can đảm quyết chí theo ngài, để cùng chịu gian khổ chịu chết với ngài. Thế là quan lính bắt thầy cùng với cha Cao, giải về Đồng Hới, giam chung với cha Khoa, cha Điểm và Năm Quỳnh là ông trùm họ đạo Mỹ Lương. Hai lần cha Ngôn đã khéo léo cải trang vào ngục thăm viếng và cho thầy rước lễ.
Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh (quen gọi là Năm Quỳnh) sinh năm 1768, tại Mỹ Hương, tỉnh Quảng Bình, là cháu 15 đời của đệ nhất công thần Nguyễn Trãi. Thời niên thiếu, cậu xin làm đệ tử Đức cha Lambert Bình có ý học làm linh mục. Nhưng vì 2 người anh trai đi tu, nên gia đình gọi cậu về để nối dõi tông đường.
Năm 32 tuổi, theo sự cắt cử của làng xã, cậu gia nhập đội quân của Nguyễn Ánh, chống lại Tây Sơn, được thăng chức Vệ Úy. Nhưng vì thấy cuộc sống trong quân ngũ cản trở việc thờ Chúa, nên cậu xin giải ngủ, về học thuốc và trở nên lương y nổi tiếng. Nhờ đó, cậu được khá giả.
Càng làm ăn khá giả, ông Quỳnh càng thương giúp người nghèo, vì ông nghĩ của cải Chúa ban là để phục vụ mọi người, để làm sáng Danh Chúa, chớ không phải chỉ để lo cho bản thân, cho gia đình. Vợ con thấy ông giúp đỡ người nghèo rộng rãi thì than phiền trách móc. Ông bảo: “Tôi có tiêu xài phung phí, ăn chơi đâu; tôi làm việc bác ái mà. Nếu bà và các con không đồng ý cho tôi lấy của nhà giúp người, tôi sẽ đi vay mượn, hoặc làm thuê kiếm tiền giúp họ”. Nhưng rồi ông cũng cắt nghĩa cho họ: Chúa dạy phải thương giúp mọi người, nhất là những người nghèo khó. Thương giúp người nghèo khó là thương giúp Chúa và Chúa sẽ thưởng, vì Chúa đã nói: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).
Ngoài đức bác ái sâu xa, ông Năm Quỳnh còn nhiệt thành giúp việc tông đồ. Con gái lớn của ông sau cũng là bà nhất dòng Mến Thánh giá địa phận. Ông phụ với Đức cha Bình dạy giáo lý trong hạt và làm trùm trưởng họ đạo Mỹ Lương. Trong thời vua Minh Mạng bắt đạo, truy nã các Linh mục thừa sai, ông rời bỏ gia đình vợ con, đến Kim Sen, một trang trại cũ của tổ tiên, ông đào một hầm trú ẩn trong đất để che giấu các nhà truyền giáo. Năm 1838, thấy ông vắng mặt lâu ngày, các quan bắt các gia nhân của ông điều tra. Bà Quỳnh và 2 con gái của ông bị đánh đập và cưỡng ép bước qua Thánh giá nhưng không ai tuân lệnh. Quan không giấu được sự thán phục lòng son sắt và đã tha cho cả 3 mẹ con. Còn các gia nhân vì bị đòn đau đớn quá chịu không nổi, họ đã khai chỗ ông ở. Thế là quân lính đã đến bắt ông, giải về Đồng Hới.
Ở trại giam Đồng Hới, ông vui mừng gặp được cha Cao, cha Điểm, cha Khoa và thầy Tự. Nhiều lần các ngài bị đánh đập tra tấn dã man, nhưng tất cả đều can đảm trung thành với Chúa, nhất định không quá khóa, không đạp lên Thánh Giá. Các quan thấy cực hình không lay chuyển nổi các vị anh hùng đức tin thì xoay qua dỗ dành, khuyên nhủ, song cũng vô hiệu.
Đối với các ngài, Chúa là trên hết; các ngài sẵn sàng hy sinh tất cả vì Chúa, kể cả mạng sống. Thật vậy, ngày 24.11.1838, các quan kết án trảm quyết (chặt đầu) cha Cao, xử giảo (xiết cổ chết) cha Điểm, cha Khoa, thầy Tự và ông trùm Quỳnh; nhưng vua hoãn lại việc thi hành án cho thầy Tự và ông trùm Quỳnh.
Vì ông trùm là người nhân đức, được nhiều kính nể, đã từng chữa bệnh cho nhiều vị quan.
Do đó thái độ của ông có tầm ảnh hưởng lớn trong dân. Vua hy vọng kéo dài thời gian có thể ông nản lòng bỏ đạo thì có lợi hơn, nhà vua phê án như sau: “Tuy không phải là đạo trưởng, nhưng hai kẻ này cũng mù quáng, cố chấp không kém, nên cũng thuộc vào số những kẻ đáng cho Trẫm ghét bỏ. Do đó cả hai bị kết án xử giảo nhưng chưa xử ngay”- Song thời gian ròng rã hai năm trời tù ngục sở mà ông vẫn trung thành giữ vững đức tin, nên ngày 10.7.1840, vua ra lệnh xử giảo ông và thầy Tự tại Đồng Hới. Đến nơi, 2 vị hỏi chỗ xử Đức cha Cao và 2 linh mục năm trước ở chỗ nào rồi dừng lại đúng chỗ đó mà cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin tạ ơn Chúa cho chúng con ân phúc được như các ngài”. Nguyện cầu xong, ngồi xuống ông Quỳnh bình tĩnh chậm rãi hút hết điếu thuốc được quan trao cho. Hai người con ông đến từ giã, ông nhắc họ qua giã biệt thầy Tự và xin thầy khẩn cầu cho, rồi ông nói: “Cha gởi lời chào các chức sắc và anh chị em giáo hữu Mỹ Hương, cầu chúc mọi người bình an trung thành giữ đạo. Hãy yêu thương nhau và sống đạo đức, các con sẽ gặp lại cha trên Thiên Đàng.” Nói xong, ông nằm xuống trên chiếu trải sẵn, giang tay ra, ông nói: “Xưa Chúa cũng phải giang tay thế này để chịu đóng đinh”.
Đức Thánh Cha Piô XIII phong Chân Phước cho ông và thầy Tự ngày 7.5.1900. Và ngày 19.6.1988, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã suy tôn các ngài lên bậc Hiển Thánh. Noi gương thánh Phê rô Tư và Antôn Quỳnh tử đạo, nhiệt thành lâm tôi Chúa giúp việc Chúa, hết lòng thương yêu giúp đỡ mọi người phần hồn phần xác, và trung thành bền đỗ theo Chúa đến cùng.
Ngày nay trên mộ bia ông còn khắc:
Nghĩa khí nêu cao trên đất nước,
Oai linh phù hộ khắp non sông.