Nhà văn, nhà báo người Belarus, Svetlana Alexievich, đã giành giải Nobel Văn học 2015.
Ủy ban trao giải nói những gì bà viết “thể hiện lòng can đảm và đau khổ của thời đại chúng ta”.
Giải thưởng trị giá khoảng 691 nghìn bảng Anh.
Alexievich là cây bút chính trị, phê phán chính phủ nước bà.
Một số tác phẩm của bà được dịch sang tiếng Anh như Voices From Chernobyl, lịch sử về thảm họa hạt nhân, và Boys In Zink, viết về cuộc chiến của Liên Xô tại Afghanistan.
Nhưng tại chính Belarus thì sách của bà, viết bằng tiếng Nga không được xuất bản.
Bà từng gọi Tổng thống Belarus, ông Alexander Lukashenko là “kẻ kiểm duyệt lạnh tanh”, theo tờ Telegraph ở Anh.
Bà sinh năm 1948 tại thị trấn Ivano-Frankivsk của Ukraine, có bố người Belarus và mẹ người Ukraine.
Gia đình sang sống ở Belarus sau khi bố rời quân đội, và bà học báo chí tại Đại học Minsk từ 1967 đến 1972.
Bà từng phải sống lưu vong 10 năm từ năm 2000, ở Ý, Pháp, Đức, Thuỵ Điển và một số nơi khác trước khi quay trở về trú ngụ tại Minsk.
Tác phẩm đầu tay của bà (The Unwomanly Face of the War), in năm 1985, dựa trên phỏng vấn với hàng trăm phụ nữ từng tham gia Thế chiến Hai.
Trong cuốn sách về cuộc chiến của Liên Xô ở Afghanistan, bà muốn “mô tả lại cuộc đấu súng giữa Đông và Tây, vừa tàn khốc, vừa vô vọng”.
Trên trang web riêng, bà viết:
“Tôi không chỉ ghi nhận lại các sự kiện khô khan của lịch sử. Tôi viết về lịch sử của cảm xúc con người. Những gì con người nghĩ, hiểu và nhớ về những sự kiện. Những gì họ tin vào, hay đã đặt sự tin cậy sai chỗ, những ảo tưởng, hy vọng và cả những nỗi sợ mà họ trải nghiệm.”
(bbc.com)