Tên Người là thương xót
Thánh Gioan định nghĩa: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8). Tình yêu đó đã trở thành thương xót khi Thiên Chúa tạo dựng và cứu độ loài người. Xuyên qua lịch sự, Thiên Chúa mạc khải Người là vị Thiên Chúa thương xót qua danh thánh Giavê, qua danh thánh Giêsu và qua Giáo Hội.
1- Tên “Giavê”, vị Thiên Chúa thương xót
Cựu Ước đã nhiều lần ghi lại kinh nghiệm gặp gỡ với vị Thiên Chúa thương xót, trong đó đặc biệt là kinh nghiệm của Môisê gặp gỡ vị Thiên Chúa tại núi Sinai. Sách Xuất Hành kể lại cuộc đàm đạo giữa Môisê với vị Thiên Chúa mà ông chưa biết tên Người. Ông hỏi tên Người là gì? Thiên Chúa mạc khải cho ông biết tên Người là Giavê, Đấng Tự Hiện Hữu, là “Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông anh em, Thiên Chúa của Apraham, Thiên Chúa của Isaác, Thiên Chúa của Giacóp” (x. Xh 3,1-15).
Trong tiếng Do Thái, “Giavê” là vị Thiên Chúa sống động và hiện diện bên cạnh các ngươi để giải phóng các ngươi; đó là Thiên Chúa gần gũi và sẵn sàng đáp cứu con người gặp cảnh khó khăn.
Khi Thiên Chúa mạc khải tên chính là lúc Người mạc khải bản tính Thiên Chúa. Đó là “Thiên Chúa nhân từ và đầy thương xót, chậm bất bình, giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34,6).
Lịch sử cứu độ là lịch sử của lòng thương xót mà Thiên Chúa thể hiện đối với con người, hơn là lịch sử của một vị Thiên Chúa nghiêm khắc, thích phạt và hủy diệt loài người.
Vì Thiên Chúa thương xót nên Người luôn sẵn sàng tha thứ mọi sự xúc phạm và tội lỗi của loài người. Thánh Vịnh gia nói: “Người tha thứ cho tất cả tội lỗi của bạn, Người chữa lành mọi bệnh tật của bạn, Người cứu chuộc bạn khỏi hố sâu, Người trao vương miện cho bạn với tình yêu kiên định và lòng thương xót” (Tv 103,3-4).
Như thế, trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã mạc khải chính mình như là Đấng giàu thương xót. Đó chính là dung mạo đích thực của Thiên Chúa được mạc khải cho chúng ta.
2- Tên “Giêsu”, hiện thân lòng thương xót Chúa Cha
Với mầu nhiệm nhập thể làm người, lòng thương xót của Thiên Chúa có một dung mạo cụ thể và rõ ràng qua dung mạo của Đức Kitô.
Bởi thế, bắt đầu Tông Chiếu Misericordiae vultus, Đức Giáo Hoàng Phanxicô có những lời rất ý nghĩa: “Chúa Giêsu Kitô chính là dung mạo lòng thương xót của Chúa Cha. Mầu nhiệm Kitô giáo được tóm tắt đầy đủ trong mệnh đề này. Lòng thương xót đã trở nên sống động và hữu hình nơi Ðức Giêsu thành Nazareth, và đạt đến đỉnh cao nơi Người. Chúa Cha, Đấng “giàu lòng thương xót” (Eph 2,4) … đã sai Người Con duy nhất đến thế gian… để mạc khải cho chúng ta biết trọn vẹn tình yêu của Người. Ai thấy Đức Giêsu là thấy Cha (Ga 14,9). Đức Giêsu Nazarét đã mạc khải lòng thương xót của Thiên Chúa bằng lời nói, hành động và bằng cả bạn thân Người (Misericordiae vultus, số 1).
Trong suốt cuộc đời tại thế, Đức Giêsu xuất hiện như một một sứ giả của lòng thương xót Chúa Cha: khi thấy đám đông dân chúng bơ vơ không người chăn dắt, Người chạnh lòng thương xót họ cách sâu xa (x. Mt 9,36); khi thấy những những đau yếu bệnh hoạn tật nguyền, bị quỷ ám, Người thương xót họ và chữa lành cho họ (x. Mt 14,14 tt; Mc 5,19); khi thấy những người tội lỗi cần hoán cải, Người chủ động đến gặp gỡ và giúp họ hoán cải như trường hợp của Matthêu của Giakêu hay của Mađalêna v.v…
Tuy nhiên, nghĩa cử thương xót ấy đạt tới sự tột đỉnh và viên mãn nơi biến cố Chết và Phục Sinh của Đức Kitô. Tại đây, Con Thiên Chúa đã tự hạ mình cho đến cùng, trở thành người Tôi Tớ đau khổ, chịu chết trên thập giá, đổ máu đào để cứu độ loài người. Nơi thập giá, Người mặc khải lòng thương xót Thiên Chúa một cách tuyệt vời nhất: Thiên Chúa cùng chịu đau khổ với chúng ta; Thiên Chúa chịu chết thay cho chúng ta để chúng ta được sống dồi dào. Và sự phục sinh của Đức Kitô là chiến thắng của lòng thương xót Chúa trên tội lỗi và oán thù.
Như thế, Đức Giêsu chính là hiện thân của lòng thương xót Thiên Chúa. Người đến không để hủy diệt nhưng để cứu chữa, và tìm lại những gì đã mất.
3- Để đón nhận lòng thương xót Chúa
Điều kiện 1: nhận biết mình có tội và cần đến lòng thương xót: để đón hận ơn tha thứ và thương xót, chúng ta phải thực sự có lòng sám hối. Nhìn nhận mình có tội và xin Chúa tha thứ. Đức Giáo Hoàng Phanxicô khuyên: “Phải mở lòng với lòng thương xót, mở tâm hồn và bản thân ra, để Chúa Giêsu đến với mình bắc cách đi xưng tội trong đức tin”.
Tất cả chúng ta đều là tội nhân cần đến lòng thương xót Chúa, chúng hãy thưa với Chúa: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội” (Lc 18,13). Chỉ cần chúng ta hoán cải, Thiên Chúa sẽ sẵn sàng tha thứ cho chúng ta.
Điều kiện 2: Hoán cải và thay đổi đời sống
Thiên Chúa hay thương xót nhưng không vì thế mà chúng ta muốn làm gì thì làm, sống thế nào thì sống. Để đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta phải sám hối và hoán cải đời sống mình.
Nếu thiếu hoán cải đời sống, chúng ta biến ân sủng quý giá của Thiên Chúa thành một thứ ân sủng “rẻ tiền”. Như Đức Hồng Y Kasper cảnh báo:
“Sự nguy hiểm của những việc như thế là biến ơn thánh quí báu của Thiên Chúa, vốn phải mua bằng giá máu của Người trên thập giá, thành thứ ơn phúc rẻ tiền, biến ơn thánh thành món hàng bán rẻ ở tầng hầm”.
4- Nơi để đón nhận lòng thương xót Chúa
Nơi 1: Bí tích Hòa Giải là tòa của lòng thương xót. Chúng ta hãy đến đó và xưng tội. Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đi xưng tội một cách công khai dù ngài là giáo hoàng. Ngài làm gương cho chúng ta.
Nơi 2: Thánh Thể, nguồn mạch của lòng thương xót Chúa. Tại đây, Đức Giêsu trở thành lương thực cho chúng ta. Chúa ban sự sống thần linh của chúng ta. Hãy đến tham dự Thánh Lễ hằng ngày và hằng tuần. Nơi đó, chúng ta sẽ gặp lòng thương xót Chúa.
5- Kitô hữu, tên của lòng thương xót
Logo năm Thánh có đề câu khẩu hiệu: “Thương xót như Chúa Cha” (Lc 6,36). Đây là thông điệp gửi đến cho chúng ta hôm nay.
Nếu tên của Chúa là thương xót thì tên của chúng ta cũng phải phản ánh lòng thương xót Chúa. Chúng ta được mời gọi hãy sống và thực thi lòng thương xót Chúa trong môi trường sống của mình. Noi gương Đức Giêsu, chúng ta thực thi lòng thương xót đối với tha nhân bằng thái độ tôn trọng kẻ khác, biết cảm thương và chia sẻ những nỗi đau của tha nhân, sống hiền hòa, bao dung và hành xử theo đức ái kitô giáo đối với những người xung quanh.
Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hương