Thế là một năm đã thấm thoát trôi nhanh, nhìn lại thời khoảng 365 ngày có những điểm nhấn và những điểm cần suy nghĩ.
- Những điểm nhấn : khi nói đến điểm nhấn là nói đến điểm quan trọng và đang được thực hiện, nó có thể thành công hoặc đang trên đường đến thành công, chứ không thể thất bại, hoặc chưa thực hiện ….
- Một năm cải cách giáo dục : rất nhiều những thông tin, những tranh luận và những bài viết bàn và nói đến phương cách đổi mới giáo dục, mặc dù đã được đưa ra nhiều năm về trước, nhưng năm nay thực sự đã bắt đầu và có nhiều khởi sắc; đây là một điểm nhấn thật tốt đẹp, hy vọng sẽ giữ mãi và tốt hơn trong đào tạo và giáo dục của một tương lai cho đất nước và cho con người trẻ VN chúng ta.
- Một năm có nhiều bản ký kết hợp đồng trong kinh tế và xã hội của nhà nước VN: đây là một năm nhiều điểm son, để cho đất nước chúng ta hội nhập nền kinh tế thế giới, và cùng hòa nhập với mọi nền xã hội hoàn cầu, không còn lạc hậu, không bị chèn ép, lại có thêm một cái nhìn tổng thể trên mọi khía cạnh để cùng sánh vai với bạn bè năm Châu, đem lại những tích cực cho dân tộc và đất nước.
- Một năm có nhiều điều luật thực hiện tốt hơn : mặc dù đã nhiêu năm qua, luật đi đường, luật đội mũ bao hiểm, luật bảo hộ lao động, luật thuế má, luật bảo hiểm xã hội và y tế …. đã từng được chỉ thị, nhưng tính đâu lại hoàn đó, thì năm nay trước mắt có hai điều luật đã thực sự được triệt để thi hành, và người dân cũng chấp hành tốt hơn, mà ai ai cũng nhận rõ, đó là luật đội mũ bảo hiểm và luật đi đường; một điểm son, hy vọng sẽ bền vững và sẽ không còn ai phải đội mũ nữa khi mọi người đều đi xe hơi; ha.ha.
- Một năm kinh tế tăng, GDP cũng tăng cho người dân VN chúng ta, (báo cáo của CP vào những ngày cuối năm của tháng 12) một điểm sáng, dân sẽ bớt đói bớt khổ!
- Một năm có nhiều công trình được xây dựng tầm cỡ quốc gia và quốc tế, đã, đang và sẽ hoàn thành trong tương lai gần.
- Một năm có nhiều thành tích trong công tác xóa và diệt những ổ dịch lây lan nguy hiểm cho con người.
Tuy còn rất nhiều những điểm nhấn chiến lược, hẹn bài sau vậy.
- Những điều cần suy nghĩ : Xã hội phát triển phải được song hành với con người văn minh, lúc đó mới đem lại sự hài hòa và cân đối trong cuộc sông của con người.
Trong khi xã hội đang trên con đường phát triển không ngừng về mọi phương diện, đặc biệt về công nghiệp và công nghệ hoá, thì con người dường như cứ chay theo, chứ chưa làm chủ tình hình, chưa làm chủ vận mệnh, chưa khẳng định được chính mình phải làm gì và làm như thế nào.
Trong giảng dậy, các nhà giáo học trước để cập nhật những kiến thức, những phương pháp sư phạm, những đổi mới cấp thời rồi về lớp, thực hành những gì mới nạp tải lại cho những học trò của mình, như những bữa ăn chạy vội, bởi vậy mà, nhà giáo ngày nay cũng thật khổ, vừa dạy lại vừa hành như chong chóng hoặc thoi đưa. Có vài lần tôi điện thăm một vài thầy cô giáo quen biết trong những ngày nghỉ, họ đều trả lời mắc học chuyên đề, mắc học phụ đạo trong phương pháp giảng dậy của cái thời mở cửa nhìn ra quốc tế này. Những cực nhọc, những ngao ngán cả thầy lẫn trò, vì trò ngày nay không học thêm nữa bởi bị cấm, nhưng lại buộc phải học phụ đạo; một phương pháp mới đổi từ khỏi bị vi phạm luật cấm dậy thêm.
Trong nhà tôi có 58 em học trò, hầu như bữa nào cũng có gần phân nửa đi học phụ đạo, thời gian không ổn định dẫn đến cộng đoàn cũng không ổn định trong đào tạo, thế là cả một dây chuyền mất ổn định, và chắc chắn, những nhà đào tạo cho các giáo viên cũng phải đi học thêm để nắm bắt được những nhu cầu cấp thiết về truyền đạt lại cho học trò của thầy, cô giáo tương lai nơi các con em…
Thực mà suy, thà phải bắt đầu dù có khốn khổ thế nào đi nữa, đó cũng là điểm son, bước thành công trong giáo dục, vì nhà nước cho 3 năm để thực hiện cải cách cơ mà; nhưng theo tôi, 3 năm chưa thể hoàn thành được, mà phải mất 3 đời cơ; để những dòng máu cơ chế, cơ cầu, cầu cạnh, cầu cơ, thời cơ không còn chảy nữa, thì lúc đó dòng máu cơ bản mới có thể phát triển được, học trò sẽ bớt khổ hơn, thầy cô thoải mái hơn trong những phương pháp của mình, vì cơ bản đã thực sự ăn sâu vào trái tim của người thầy rồi.
Đối với kinh tế, sự thành công hay thất bại cũng phải được đặt nền trên kiến thức và kinh nghiệm. Anh hai lúa, nếu kiến thức về phân bón, đất phèn hay không phèn không có, thì làm sao anh hai lúa có thể thu lượm những mùa gặt bội thu. Trong lãnh đạo kinh tế cũng vậy, một nhà lãnh đạo chuyên về bộ kinh tế mà không biết làm kinh tế chút nào, thì bộ ấy sẽ trở thành cái bô để đi đổ những phần được thải ra.
Kiến thức phải gắn liền với kinh nghiệm nữa. Một bác sĩ vừa ra trường ở bên Mỹ phải có môi trường thực tập ít là 3 năm mới có thể trở thành BS thực thụ.
Năm nay đất nức ta có nhiều bản ký kết kinh tế song phương với những nức đàn anh, nói đúng hơn là sư phụ! không một bản ký kết hợp đồng kinh tế nào lại có thể vì lòng nhân đạo, hoặc từ thiện mà ký, tất cả nền tảng là có lợi cả hai bên.Chính sự có lợi đó mà đòi buộc phải có trình độ kiến thức và kinh nghiệm thì làm kinh tế mới đem lại những lợi nhuận nhất định, bằng ngược lại sẽ trở thành cái bô, phương tiện đổ những chất thải….
Nay tôi lại có dịp tiếp tục những suy tư của tờ liên lạc số trước.
365 ngày đã hết, và lại một năm học nữa kết thúc, những suy tư trước lại đặt tôi phải suy gẫm.
Gẫm về những điều tưởng như đã thành đạt êm xuôi?!, gẫm về những biến động trong xã hội cũng như những dây chuyền của khủng hoảng kinh tế, chính trị; đặc biệt những biến động của địa cầu và môi trường sống của nhân loại!
Những điểm nhấn đã được diễn tiến khá trôi chảy và thành công trong lãnh vực quản lý nhà nước VN. Nhưng “Trời” đâu muốn để yên cho con người nhàn cư vi bất thiện đâu! Mùa đông lại đến, cái lạnh của năm nay khác mọi năm, miền bắc lạnh tới âm độ, làm cho những người chưa kinh nghiệm sống lạnh phải khốn khổ, những súc vật vì lạnh đã phải kiệt sức và chết hàng loạt…. cái lạnh chưa qua, những ổ dịch lại bộc phát cho cả người và súc vật; nạn dịch hoành hành trẻ em bị tả, người lớn cũng tả, làm hao tốn biết bao những sinh lực của con người;
Nỗi bàng hoàng chưa chấm dứt, lại bục phát dịch heo tai xanh, cướp đi biết bao những tài sản của con người, phía nhà nước lại thêm mối lo bù lỗ để diệt những tai biến đáng sợ này. Nguyên nhân bởi vô ý thức của con người đã làm cho môi trường bị ô nhiễm, mặt luật pháp chưa nghiêm làm tha hóa những con người có trách nhiệm! thế là những hàng rào luật pháp lại phải được củng cố chặt hơn, kỹ hơn, bởi những con người lãnh đạo thật vô trách nhiệm, làm biến loạn từ đơn giản thành phức tạp, từ tiết kiệm thành lãng phí, từ cái dễ thành khó khăn, tiêu hao ngân quỹ không đáng xảy ra, nếu như họ biết phải làm gì khi nạn dịch vừa mới phát hiện! thật đáng buồn chỉ vì cái chữ nghèo! Nghèo tài, nghèo trí và nghèo cả đức nữa.
GDP theo báo cáo của số liên lạc trước tăng trưởng thật đáng mừng. Nhưng chưa kịp mừng lại thêm lo! Bởi cái tăng GDP không đáng kể, thì nền kinh tế lại rơi vào nỗi khủng hoảng, lạm phát đáng sợ, tất cả mọi mặt hàng đều tăng từ gấp 3 lần; nhưng điều đáng nói ở đây; lương người lao động lại không tăng! một nỗi khốn khổ. Khốn khổ cho người lao động, khổ cho các doanh nghiệp và khổ cho các nhà quản lý đất nước….nhưng lại sung sướng cho các tay buôn lành nghề, một thời cơ nắm bắt để làm giàu. Còn chúng ta, những người lao động hãy lấy tình thương mà an ủi nhau vậy!
Những biến động địa cầu thật đáng lo ngại khi bản tin buổi sáng ngày 12/4/08 cảnh báo: tình hình khí hậu năm nay rất phức tạp, sẽ có nhiều cơn bão hơn, khí hậu khắc nghiệt hơn … .Nói đến đây, tôi liên tưởng đến TM thánh Gioan trình bày ngày tận thế đến sẽ được báo trước bằng những tai ương khủng khiếp.…Đúng thực; ngày tân thế nhân loại đến lúc nào thì cả Con Người cũng không biết trước, huống chi nhân loại. Nhưng tận thế của một đời người ai cũng có thể dự phóng, vì có ai sống mãi mà không phải chết đâu.
Mới chỉ đầu mùa mưa đã có 2 cơn bão ảnh hưởng đến VN, một cơn bão tại Myanmar có tên là Nargis đã làm cho hàng trăm ngàn người phải từ giã cõi đời, hàng triệu người đang sống trong hoàn cảnh khắc nghiệt; họ sẽ ra sao? và còn biết bao người sống trong cô đơn lạnh lẽo, khi mà người thân không còn nữa. Thế giới lo chưa hết, cơn động đất tại Trung Quốc thuộc tỉnh Đông Long Yển đã xóa sổ cả một thị trấn cũng làm hàng trăm ngàn người phải chết chỉ trong vòng vài giây.
Có lẽ rằng, không ai không bàng hoàng trước những nỗi khốn khổ của bao con người khi tin hung đến với những người còn may mắn; hãy dừng lại ít phút để cầu nguyện cho họ.
Còn ở quê hương VN ta, ngày đại lễ Phật Đản đang được tổ chức thật quy mô hoành tráng, nhưng gẫm cho cùng hai cụm từ “Lễ Hội Phật Đản” và “Liên Hiệp Quốc Phật Đản” đã làm méo mó phần nào chất linh thiêng của đạo Phật, vì đạo không thể đồng hóa như là lễ hội truyền thống. Ta ví lễ hội truyền thống như lễ hội đâm trâu, lễ hội đua thuyền… .nó chỉ mang tính cách văn hóa, không mang tính tôn giáo; như vậy là lễ hội Phật Đản phải được đổi lại cụm từ “đạo Phật” cho đúng với bản chất của một tôn giáo lớn trên thế giới, không thể dùng cụm từ “lễ hội” đó là suy tư của cá nhân tôi, phần này tôi dành lại cho các chuyên gia nghiên cứu . Còn cụm từ “Liên Hiệp Quốc” cụm từ này đã được xử dụng trong xã hội lâu năm, hoàn toàn mang tính chính tri của thế giới; vậy có nên đổi lại cụm từ khác cho đúng với một đại lễ Phật như: “Đại lễ Phật Đản Thế Giới”….cũng là những suy tư của tôi, xin để cho các nhà chuyên môn nghiên cứu.
Những suy gẫm này tiếp nối suy gẫm kia, tuy không mang tính logic nhưng có thể cũng để lại cho tôi, cho những ai thích gẫm làm bài học để suy gẫm về chính mình. Chúc các em học sinh những ngày hè thật vui, và cùng với chú tiếp tục suy gẫm cho cuộc đời, cho con người và cho sự thăng tiến tâm linh của chính mình. Amen.
Louis Phạm Thế Nhung