Chưa được phân loại

ĐÓN NHẬN và CHẤP NHẬN trong ĐỜI TU

ĐÓN NHẬN và CHẤP NHẬN

trong

ĐỜI TU

 

Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy

Ta có thêm ngày nữa để yêu thương

Thật vậy, cuộc sống muôn màu muôn vẻ. Bên cạnh những hạnh phúc, vẫn có những bất hạnh. Trong dòng đời vẫn có những nét mặt vui tươi nhưng không thiếu những giọt nước mắt của kẻ đau khổ và hối hận muộn màng. Trong cuộc sống, ngoài những đoạn đường đầy ắp tiếng cười của sự thành công, vẫn còn những tiếng gào thét ai oán, hận thù trong thất vọng tràn trề. Con người hình như có xu hướng dễ đón nhận những niềm vui hơn là đau khổ, dễ đón nhận hạnh phúc hơn là bất hạnh, dễ đón nhận những điều thuận ý hơn là trái ý. Như vậy, nhìn chung đón nhận thì dễ; còn chấp nhận thì khó hơn. Tuy nhiên, trong cuộc sống gia đình cũng như tu trì, luôn cần phải có cả hai: đón nhận và chấp nhận.

Đón nhận

Khi nói tới đón nhận là bao hàm việc đón nhận một điều gì đó từ bên ngoài vào trong. Nó mang nghĩa chủ động. Chẳng hạn, đón nhận một con người mới, một lối sống mới trong một địa điểm mới. Hôm nay, hội dòng hân hoan đón mừng anh chị là thành viên chính thức của nhà dòng. Tôi cảm thấy vui mừng và hãnh diện vì được đón nhận để cùng chia sẻ đời sống tu trì trong một nhà dòng nào đó. Đây là mức độ đón nhận căn bản nhất trong đời sống tu trì. Đón nhận có thể theo từng cấp độ, từng thời gian và từng trách nhiệm. Khi tôi được đón nhận như là một thành viên của gia đình hội dòng, tôi cũng phải sống làm sao cho xứng với vai trò và trách nhiệm của mình được đón nhận. Khi tôi được đón nhận với tư cách là một bề trên của một hội dòng hay cộng đoàn, thì tôi phải chu toàn trách vụ cao hơn là một thành viên trong cộng đoàn. Cho nên, việc đón nhận không chỉ bao hàm việc sống trong mái nhà đó nhưng còn phải chấp nhận những anh em mình sống chung trong một cộng đoàn và dám trao ban cả số phận mình nữa. Căn bản của đời sống cộng đoàn tu trì là đón nhận lẫn nhau.

Mới nhìn qua, đón nhận xem ra dễ thực hiện nhưng trong thực tế thì không mấy dễ dàng. Thật vậy, trong thực tế bề dưới có khi không muốn chấp nhận quyền bính của bề trên và bề trên cũng đôi khi không đón nhận hay tôn trọng ý kiến của bề dưới với nhiều lý do khác nhau. Thậm chí ngay cả trong những bề trên với nhau cũng không muốn chấp nhận nhau, muốn cắt đứt liên hệ với nhau để tự do hành động ý riêng của mình chứ không phải phục vụ cho công ích. Đây là một điều rất phương hại cho cộng đoàn và nhà dòng. Còn hơn thế nữa, khi mà những bề trên khó đón nhận nhau trong quan điểm, cách làm việc, có thể nói rằng bề dưới chịu thiệt thòi khá nhiều. Thật vậy, chính điều bất đồng này sẽ làm cho bề dưới mất đi nhiệt huyết trong việc đáp trả ơn gọi. Nếu thời gian này kéo dài, bề dưới có nguy cơ mất ơn gọi của mình. Ngoài ra, nếu chúng ta để ý một chút thì sẽ thấy trong cộng đoàn tu trì có những người này thân thiện với người kia hơn. Đây là điều thường tình của con người vì có nhiều lý do như: hợp tính tình, hợp sở thích, cùng đồng hương,… Nhưng một thực tế mà không ai muốn là trong cộng đoàn tu trì vẫn có một vài người không bao giờ nói chuyện với nhau, thậm chí “không đội trời chung”. Họ như mặt trời và mặt trăng với nhau không bao giờ gặp nhau trong đối thoại, quan điểm. Họ vẫn sống chung trong một mái nhà linh đạo, trong cùng một cộng đoàn nhưng hình như lại không ý thức sự hiện diện của nhau. Điều tệ hại hơn là nếu gặp những anh chị em khác, họ thích bàn luận và dư luận về những người mà mình thực sự không sẵn sàng hoặc không thể đón nhận. Và như chúng ta biết, cũng chỉ vì “dư luận”, nên đôi khi cao hứng quá mà những người trong cuộc “luận dư” (luận quá dư) so với những gì đang xảy ra hoặc đang có. Hậu quả của điều này, như chúng ta biết, là gây mất tinh thần hiệp thông trong cộng đoàn và gây gương mù gương xấu cho những đàn em trong hội dòng.

Thật vậy, cuộc sống con người là một hành trình mà trong đó niềm vui và nỗi khổ luôn đan xen lẫn nhau. Cũng vậy, đời sống tu trì là một hành trình trên trần gian để đi tìm hạnh phúc cho đời này và đời sau. Trên đoạn đường này sẽ có những lúc thật khó khăn để đón nhận: đón nhận ý Chúa, đón nhận ý của bề trên, và đón nhận anh chị em mình trong một hội dòng, cộng đoàn. Trong những lúc này, chúng ta cần phải chấp nhận, chấp nhận sự thực, chấp nhận với những gì đã và đang đón nhận từ Chúa và hội dòng.

 

 

Chấp nhận

Chấp nhận xem ra mang nghĩa bị động. Điều này có nghĩa là: một khi trong đời tu tôi tạm không còn khả năng để đón nhận anh chị em mình trong cùng một cộng đoàn, hoặc những điều xảy ra không có lợi cho hội dòng, tôi tạm chấp nhận mọi chuyện như vậy. Tuy nhiên, chấp nhận ở đây không có nghĩa tiêu cực là chấp nhận mọi thứ như vậy rồi bỏ mặc phó thác mọi sự muốn làm sao thì làm. Nhưng chấp nhận là dám nhìn nhận thực tế vào chính mình, vào hoàn cảnh thực tế của hội dòng mà mình đã và đang đón nhận. Chấp nhận có thể khởi đi từ bên trong ra ngoài.

Chấp nhận trước tiên là khởi đi từ chính mình. Chấp nhận chính mình. Có chuyện kể thế này: có người khi được bầu làm bề trên, khóc như mưa và quyết không chịu nhận. Nhưng khi mọi người trong hội dòng năn nỉ và phân tích thì chấp nhận. Tuy nhiên, sau mấy nhiệm kỳ tới lúc không còn được anh chị em mình tín nhiệm nữa, thì vị bề trên ấy lại không chịu chấp nhận nghi thức ‘tiễn cựu nghinh tân”! Hoặc có người không còn làm bề trên nữa nhưng sống trong tư tưởng mình vẫn còn là bề trên. Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là vị này không có đức vâng lời nhưng hình như họ chưa sẵn sàng chấp nhận sự thực mình đã không còn là bề trên nữa. Hầu như trong một số lời nói, chia sẻ, bài viết vẫn còn mang tính giáo huấn của một người bề trên. Thực tế này không chỉ gây khó khăn cho vị bề trên đương nhiệm trong việc điều hành và quản trị hội dòng nhưng đôi khi gây phản chứng cho các anh chị em trẻ về tinh thần lời khấn vâng lời. Dĩ nhiên, đó chỉ là một vài trường hợp cá biệt trong số nhiều những tấm gương hy sinh và khiêm nhường của những bậc bề trên tiền nhân trong việc phục vụ anh em và công ích cho nhà dòng.

Kế tiếp, chấp nhận là biện biệt về mối tương quan giữa vai trò và trách nhiệm của mình với những anh em khác trong hội dòng cũng như nhìn nhận thực tế và thực trạng hội dòng mình đã và đang đón nhận. Vào những tháng năm mùa xuân của đời sống tu trì, chúng ta rất dễ dàng đón nhận và chấp nhận: dễ đón nhận thuận ý và chấp nhận trái ý. Tuy nhiên, khi thời gian qua đi với những “cuộc chạm chán nảy lửa” vì bất đồng quan điểm trong cách làm việc, trong cuộc sống, chúng ta bắt đầu cảm thấy khó chấp nhận nhau. Khi mà đi tới đoạn đường gồ ghề với những đố kỵ, ghen tương, toan tính của con người mà thiếu đi sự tác động của Thần Khí, chúng ta dễ loại bỏ nhau và thật khó chấp nhận nhau. Khi mà thời điểm mùa xuân của đời tu nhường chỗ cho mùa thu của tuổi đời xế bóng, chúng ta không đủ nghị lực để nhìn nhận và chấp nhận. Trong giai đoạn này, người tu sĩ thực sự cần đến sự từ bỏ tận căn để dám chấp nhận những thực tế mà mình đang có. Có như vậy, người tu sĩ, đặc biệt những tu sĩ lớn tuổi mới thanh thản và vui vẻ chấp nhận về hưu an dưỡng tuổi già. Có như vậy, những người đã từng làm bề trên nhưng nay không còn nữa sẽ vui vẻ chấp nhận và nhường “sân khấu” cho những đàn em của mình có cơ hội chia sẻ và gánh vác những cộng việc chung của hội dòng.

Trong cuộc sống ngoài đời hay tu trì không phải lúc nào cũng bằng phẳng lặng im nhưng không ít đôi lần chúng ta phải chạm chán với những đoạn đường lên đồi Gôn-gô-tha. Tuy nhiên, “Ví phỏng đời bằng phẳng cả…anh hùng hào kiệt có hơn ai”, phải có sóng gió mới biết ai là anh hùng đích thực. Nếu chỉ là những điều thuận ý ai mà chẳng đón nhận được nhưng cũng cần phải có những điều trái ý để giúp chúng ta có cơ hội xác quyết hơn với những gì mình đã chọn và từ bỏ. Đời tu cần cả hai: đón nhận và chấp nhận. Dám buông rơi để đón nhận và dám chấp nhận để đón nhận những gì mà chúng ta chưa thể buông rơi được.

Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì chúng con đã được kêu gọi và được đón nhận vào đời sống tu trì để đi theo Chúa cách mật thiết hơn. Chúng con được mời gọi đón nhận nhau, đón nhận ý Chúa qua những người có trách nhiệm. Xin Chúa ban cho chúng con sống sao cho xứng đáng với những gì mà chúng con đã được đón nhận. Ngoài ra, cũng xin Chúa ban cho chúng con đủ mọi nghị lực để dám chấp nhận nhau, chấp nhận chính mình, và chấp nhận thực tế của hội dòng nơi chúng con đang đón nhận để chúng con sẵn sàng từ bỏ và vui vẻ trong đời tận hiến.

Kỷ niệm 5 năm khấn trọn (15.8.2011 – 15.8. 2016)

Bertrand Nguyễn Thanh Hoài

Bài viết liên quan