Thông Tin

Thư mục vụ của Đức Giám mục Giáo phận tháng 02 năm 2017

NGƯỜI CAO TUỔI

CÙNG MẸ TIẾN BƯỚC

VÀ ĐỒNG HÀNH VỚI ĐÀN CON CHÁU

***

Anh chị em thân mến,

Theo thống kê từ đại hội lần V của người cao tuổi vào tháng 11 năm 2016 vừa qua, thì hiện trạng xã hội Việt Nam ngày nay về người cao tuổi chiếm 10,9% dân số, và tình trạng già hóa dân số nước ta đang diễn ra với tốc độ nhanh so với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Có những thuận lợi nhưng xuất hiện nhiều khó khăn, thách thức mới trong hiện trạng này.

Đàng khác, trong một xã hội thực dụng và chạy theo lợi nhuận vật chất, thì chỗ đứng của những người cao tuổi trong xã hội có nguy cơ bị coi thường, bị coi là ăn bám xã hội, bị coi là gây trở ngại cho những tiến bộ của xã hội. Riêng tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, hiện trạng di dân của thành phần trẻ vì lý do kinh tế và học hành đang để lại hậu quả là những người cao tuổi ở lại vùng quê vất vả hơn, cô đơn hơn, và ít được chăm sóc trực tiếp của con cháu.

Từ tình trạng xã hội này, và được gợi ý từ bầu khí gia đình trong Phúc Âm của lễ Đức Mẹ Dâng Con Trong Đền Thờ (ngày 2/2) trong năm kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, xin gửi đến anh chị em thư mục vụ tháng Hai có chủ đề “Người cao tuổi cùng Mẹ Tiến Bước và Đồng Hành Với Con Cháu”.

Tiên vàn, Đạo hiếu đối với bậc lão thành là một giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam. Theo truyền thống đạo đức này, hiếu thảo trong gia đình bao hàm những yêu cầu sau đây:

Trước hết, trong gia đình, con cháu hiếu thảo có trách nhiệm phụng dưỡng ông bà cha mẹ khi còn sống cũng như khi đã qua đời. Thứ hai, con cháu hiếu thảo còn phải có lòng tôn kính bậc tiền bối, cụ thể là biết vâng lời tổ tiên ông bà cha mẹ. Cuối cùng, con cháu hiếu thảo phải trở thành niềm tự hào và niềm hy vọng cho bậc tiền bối. Như vậy, chúng ta có bổn phận thực hiện đạo hiếu đối với bậc lão thành. Đồng thời, ta cũng truyền lại cho thế hệ con cháu của ta về triết lý sống “Kính Lão Đắc Thọ”.

Ngoài ra, là người Kitô hữu, với hình ảnh của Cụ Ông Simêon và Cụ Bà Anna trong bài Phúc Âm của ngày lễ Đức Mẹ Dâng Con (Lc 2, 22-40), giáo phận được mời gọi suy tư, cầu nguyện và đề ra những sinh hoạt cho cá nhân và cộng đoàn trong tương quan với người cao tuổi trong gia đình, trong cộng đoàn và trong xã hội. Xin đề nghị một vài gợi ý suy tư:

1- Sự hiện diện của Cụ Ông Simêon và Cụ Bà Anna làm thành một bầu khí cộng đoàn nhân sinh bao gồm 3 thế hệ; Cụ Ông Simêon và Cụ Bà Anna là đại diện cho thế hệ ông bà; Thánh Giuse và Đức Mẹ đại diện cho thế hệ cha mẹ; và Chúa Giêsu là đại diện cho thế hệ con cháu. Trong bầu khí cộng đoàn này, Hài Nhi Giêsu là thế hệ con cháu trở thành niềm vui mừng và hy vọng cho thế hệ cha ông. Ông Simêon ẵm lấy hài nhi trên tay và chúc tụng Thiên Chúa: “Giờ đây xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ” (c.29-30).

2- Sự có mặt của Cụ Ông Simêon và Cụ Bà Anna làm cho cộng đoàn nhân sinh thêm phong phú. “Bà đã nhiều tuổi lắm, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa”(c.36-37). Phong phú vì yếu tố cao niên; cao niên trong Kinh Thánh là dấu chỉ phúc lành của Thiên Chúa. Phong phú vì đời sống đạo đức của bậc tiền bối “đêm ngày thờ phượng Thiên Chúa”do “không rời Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện”. Phong phú nhờ sự từng trải trong cuộc sống. Và phong phú còn nhờ sứ vụ ngôn sứ của thế hệ trước đối với thế hệ con cháu.

3- Trong bầu khí đại gia đình này, mọi thành viên cùng nhau đồng hành với Chúa Giêsu. Thật vậy, trong câu chuyện Phúc Âm, Mẹ Maria đã trao Chúa Giêsu cho Cụ Ông Simêon và Cụ Bà Anna. Đáp trả lại, Cụ Ông Simêon đã chúc phúc cho Đức Mẹ và Thánh Giuse, đồng thời với ơn Chúa Thánh Thần, Cụ Ông đã nói tiên tri về định mệnh của Chúa Giêsu và Mẹ Maria, “Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.” (c.35). Còn Cụ Bà Anna, “Cảm tạ Thiên Chúa và nói về Hài Nhi cho hết thẩy những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giêrusalem” (c. 38).

Như vậy, sự hiện diện của người cao tuổi trong gia đình, trong Giáo Hội, trong xã hội là có giá trị theo truyền thống văn hóa Việt Nam, vừa một ân huệ của Thiên Chúa, đồng thời cũng là trách nhiệm Chúa trao. Chính vì thế, xin đề xuất một vài hướng dẫn mục vụ cụ thể:

1-     Cần dành sự quan tâm để nhận ra và đáp ứng những nhu cầu của những bậc tiền bối; không chỉ nhu cầu tự nhiên như chăm sóc về sức khỏe, ăn uống, thuốc men, mà còn là những nhu cầu tinh thần như sự an toàn, tình liên đới và nhất là nhu cầu tâm linh như sự an ủi, cầu nguyện.

2-      Các con cháu trong gia đình cần dành thời gian ở bên cha mẹ già và ông bà nội ngoại để lắng nghe, học hỏi kinh nghiệm, để chia sẻ và cảm thông.

3-     Khi con cháu không cùng ở với cha mẹ già và ông bà, cần thực hiện các cuộc thăm viếng và phục vụ, đặc biệt là khi các ngài lâm cảnh thiếu thốn vật chất, tinh thần, tình liên đới, khi các ngài vì tuổi tác và bệnh tật đang phải chịu sự suy giảm về trí tuệ, trí nhớ.

4-     Các linh mục, tu sĩ, chủng sinh cần thể hiện đức ái mục tử đặc biệt đối với những người cao tuổi trong cộng đoàn bằng sự thăm viếng, hỏi thăm, trao Mình Thánh Chúa. Các linh mục được khích lệ năng ngồi tòa, và khi hội đủ điều kiện, có thể dâng lễ tại gia.

5-      Trong năm Fatima, chúng ta cổ vũ cho những người cao tuổi lần chuỗi Mân Côi để cầu nguyện cho mình, và cho con cháu. Rất có ý nghĩa và đem lại lợi ích thiêng liêng, khi có dịp, chúng ta dành thời gian cùng lần chuỗi với các cụ ông cụ bà trong cộng đoàn.

Các Đức giám mục giáo phận ưu ái cầu xin phép lành của Thiên Chúa và của Mẹ Fatima, xuống trên các vị cao tuổi, là linh mục, là tu sĩ, là giáo dân trong giáo phận. Cũng xin các vị cầu nguyện cho giáo phận được bình an và hiệp nhất.

+ Giuse Trần Văn Toản        + Giuse Trần XuânTiếu

Giám Mục Phụ Tá              Giám Mục Giáo Phận Long Xuyên

You may also like