Trong cuộc họp báo trên không trên đường từ Dublin trở về Vatican, ngài bình thản cho hay đã đọc hết 11 trang lời tố cáo ngài che đậy vụ cựu Hồng Y McCarrick, nhưng ngài không có gì để nói cả và rất mong được nghe phản ứng của báo chí và mọi người về lời tố cáo này.
Phản Ứng của Hàng Giáo Phẩm
Trước nhất, ta thấy phản ứng của một giám mục Hoa Kỳ. Đức Cha Joseph Strickland của Tyler, Texas. Chỉ vài giờ sau khi có lời tố cáo trên, vị giám mục này đã quyết định cho đăng tải và phổ biến rộng rãi lời tố cáo này trong giáo phận của ngài, vì cho rằng tuy đây mới chỉ là những lời tố cáo mà thôi, nhưng chúng đáng tin (credible) và đáng được điều tra thấu đáo “giống như các cuộc điều tra được tiến hành bất cứ lúc nào lời tố cáo được coi là đáng tin cậy”.
Vị giám mục trên cho hay ngài không có thẩm quyền mở cuộc điều tra ấy, nhưng sẽ “góp tiếng nói bằng bất cứ cách nào cần để kêu gọi mở cuộc điều tra này và thúc đẩy để các khám phá của nó buộc những người vi phạm nhận trách nhiệm dù ở những cấp bậc cao nhất trong Giáo Hội”.
Quan điểm của Đức Cha Strickland phù hợp với quan điểm của Đức Hồng Y DiNardo, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ. Vị này vốn kêu gọi một cuộc điều tra thấu đáo, trước nhất, trong khả năng của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, và nếu cần, nhờ đến thẩm quyền cao hơn, tức Tòa Thánh. Nên nhớ, ngày 16 tháng Tám, Đức Hồng Y DiNardo đã kêu gọi một Cuộc Thanh Tra Tông Tòa (Apostolic Visitation) làm việc với 1 Ủy Ban Giáo Dân Toàn Quốc Hoa Kỳ để tìm ra sự thật ngọn ngành của biến cố McCarrick.
Sau lá thư của Đức Tổng Giám Mục Viganò, Đức Hồng Y DiNardo cho triệu tập khẩn cấp Ủy Ban Chấp Hành và Ủy Ban này đã tái khẳng định lời kêu gọi “một cuộc khảo sát nhanh chóng và thấu đáo việc làm thế nào những sai phạm luân lý trầm trọng của một hiền huynh giám mục lại có thể được dung túng quá lâu như thế và chứng tỏ không một trở ngại nào ngăn được việc thăng tiến của vị này”.
Đức Hồng Y DiNardo rõ ràng coi nội dung lá thư của Đức Tổng Giám Mục Viganò là đáng tin, ngài viết: “Lá thư gần đây của Đức Tổng Giám Mục Carlo Viganò mang lại một tập chú và khẩn trương đặc biệt cần có cuộc khảo sát trên. Các câu hỏi nêu lên xứng đáng nhận được các câu trả lời có tính kết luận và dựa trên chứng cớ. Không có các câu trả lời này, những người vô tội có thể bị nhuốc nhơ bởi các lời tố cáo sai lạc và kẻ có tội được để mặc phạm lại các tội của quá khứ”.
Quan điểm của hai vị giáo phẩm Hoa Kỳ được sự củng cố của một cựu viên chức Tòa Sứ Thần Vatican tại Hoa Kỳ. Thực vậy, theo Ed Condon của CNA, Đức Cha Jean-Francois Lantheaume, cựu đệ nhất tham vụ tại toà sứ thần Tòa Thánh ở Washington D.C., nói rằng cựu sứ thần, Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò, nói “sự thật” trong lá thư công bố cho báo chí ngày 25 tháng Tám.
Tưởng nên nhắc lại Đức Cha Lantheaume không những chỉ là đệ nhất tham vụ mà còn xử lý thường vụ tòa sứ thần khi đức sứ thần Pietro Sambi qua đời đột ngột, ít lâu sau mới được Đức Tổng Giám Mục Viganò kế nhiệm năm 2011. Được CNA tiếp xúc để phỏng vấn, Đức Cha Lantheaume, hiện phục vụ tại Pháp, từ chối, chỉ viết lại rằng “Đức Tổng Giám Mục Viganò nói sự thật. Thế thôi”.
Nói tóm lại, trong hàng ngũ giáo phẩm Công Giáo, lá thư của Đức Tổng Giám Mục Viganò được coi là khả tín. Có người cho rằng việc xử lý vụ tai tiếng che đậy lạm dụng tình dục ở Chile có đóng một vai trò trong việc thay đổi tâm thức lần này: hồi đó, hình như mọi trách nhiệm được gán nguyên con cho hàng giám mục địa phương, vị đại diện của Vatican tại Chile không hề lên tiếng và cũng không ai lên tiếng yêu cầu ngài chia sẻ trách nhiệm, và phản ứng của các giám mục Chile là từ chức tập thể. Lần này, Vatican khó có thể thoát khỏi “búa rìu” công luận.
Phản ứng báo chí phần đời và báo chí đời
Nhưng không, đại đa số báo chí phần đời hay thế tục trăm phần trăm, có phản ứng khác hẳn. Ta hãy nghe một số sau đây:
Tạp chí Crux, khi đưa tin trên, không nhận định chi về Vatican, mà nhận định nhiều về người tố cáo, Đức Tổng Giám Mục Viganò, như sau: “Mặc dù những lời tố cáo mạnh mẽ trong bản tuyên bố, chính (Đức Tổng Giám Mục) Viganò cũng bị tố cáo đã xử lý không đúng nhiều lời tố cáo lạm dụng tình dục. Theo một văn thư năm 2014, được công bố lần đầu năm 2016, trong tư cách sứ thần, ngài đã dẹp bỏ một cuộc điều tra (yêu cầu tiêu hủy chứng cớ) trong vụ Đức Tổng Giám Mục John Nienstedt của St. Paul và Minneapolis bị điều tra vì có hành vi xấu với các chủng sinh cũng như che đậy các lạm dụng tình dục. Năm 2015, Đức Cha Nienstedt phải từ chức”.
Theo tạp chí này, đây không phải là lần đầu tiên Đức Tổng Giám Mục Viganò đóng vai “người thổi còi” ở Vatican. Năm 2012, các lá thư của ngài gửi cho Đức Bênêđíctô XVI và Đức Hồng Y Bertone là tâm điểm của tai tiếng “Vatileaks” hồi đầu. Trong các lá thư này, Đức Tổng Giám Mục Viganò phản đối việc ngài bị cử qua Hoa Kỳ, cho rằng mình bị trừng phạt vì “mưu toan thanh tẩy nạn tham nhũng tài chánh trong vai trò trước đây của ngài làm nhân vật số hai trong chính quyền của Thị Quốc Vatican”.
Các tố cáo trên, theo Crux, đã bị Vatican bác bỏ ngay lúc đó, cho rằng chúng là “kết quả của các lượng định lầm lạc hoặc sợ sệt dựa trên chứng cớ không được chứng minh, thậm chí công khai mâu thuẫn với các nhân vật chính được nại ra làm chứng nhân”.
Edward Pentin của National Catholic Register thì cho rằng tờ báo của ông xác nhận một cách độc lập rằng các lời tố cáo chống nguyên Hồng Y McCarrick chắc chắn tới mắt Đức Bênêđíctô XVI và vị Giáo Hoàng Hưu Trí có nhớ đã ra lệnh cho Đức Hồng Y Bertone áp đặt các biện pháp nhưng không thể nhớ bản chất chính xác của các biện pháp này.
Tờ New York Times, khi tường thuật các lời tố cáo, cho rằng “lời tố cáo gây ngỡ ngàng của vị tổng giám mục không hẳn là một ngạc nhiên hoàn toàn đối với các quan sát viên Vatican, vì ngài vốn là thành phần của phe bảo thủ luôn đổ lỗi cho các nhà cấp tiến, như Đức Giáo Hoàng, đã cho phép chuyện đồng tính luyến ái có mặt trong Giáo Hội”.
Vả lại, cũng theo New York Times, vị tổng giám mục bảo thủ này vốn can dự vào “cuộc đấu tranh quyền lực” ở Vatican trước đây. Chính ngài đã dàn xếp để Đức Phanxicô gặp Kim Davis, người thư ký ở tiểu bang Kentucky, nổi danh vì đã không chịu cấp chứng chỉ hôn phối cho một cặp đồng tính. Cuộc gặp gỡ này, theo New York Times, bị một số dư luận lên án, cho rằng Đức Phanxicô đã “đứng hẳn” về một phe trong cuộc tranh luận nóng bỏng này. Và vì vậy, có người cho rằng năm 2016, Đức Phanxicô đã cách chức sứ thần của Đức Tổng Giám Mục Viganò.
New York Times cho rằng Đức Tổng Giám Mục Viganò thuộc một nhóm bảo thủ tại Vatican nhằm chống lại khuynh hướng phò đồng tính mà các ngài coi là đáng quan ngại nơi các giáo phẩm cao cấp và có ảnh hưởng lớn nhất tại đấy.
Trong khi ấy, Hãng Reuters thì cho đây là một “cuộc tấn công đồng loạt mạnh mẽ chưa từng thấy chống lại vị giáo hoàng bởi một người trong cuộc của Giáo Hội”.
Hãng trên cho rằng lời tố cáo của Đức Tổng Giám Mục Viganò, tuy không kèm một tài liệu nâng đỡ nào, nhưng là “cú đấm mới nhất vào tính khả tín của Giáo Hội Hoa Kỳ” nơi vừa phải đối đầu với Phúc Trình của đại bồi thẩm đoàn Pennsylvania tố cáo hơn 300 linh mục lạm dụng tình dục trong 70 năm qua tại 6 giáo phận.
Tờ Irish Times cho rằng lời tố cáo chống Đức Giáo Hoàng Phanxicô là “một dấu hiệu nữa cho thấy sự hiềm thù và chia rẽ gia tăng bên trong Vatican và tầng lớp cao nhất của Giáo Hội về triều giáo hoàng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô”.
Tờ USA Today thuật lại phản ứng của John Thavis, cựu phóng viên của hãng tin Catholic News Service và là tác giả của The Vatican Diaries.Tác giả này cho rằng lá thư của Đức Tổng Giám Mục Viganò không giải thích việc làm thế nào nguyên Hồng Y McCarrick có khả năng hoạt động rộng dài trong Giáo Hội về cuối triều giáo hoàng của Đức Bênêđíctô XVI nếu quả vị giáo hoàng này áp dụng kỷ luật đối với ngài. Ông cho rằng Đức Tổng Giám Mục Viganò đã dựa vào nguồn tin hạng hai.
Tuy nhiên, tờ National Catholic Reporter, một tờ báo Công Giáo cấp tiến có thiện cảm với nguyên Hồng Y McCarrick, năm 2014 xác nhận việc giảm thiện cảm của Đức Bênêđíctô XVI đối với vị nguyên Hồng Y này, người từ lúc Đức Phanxicô lên ngôi giáo hoàng, đã được tự do hơn và còn đi khắp đó đây, kể cả Trung Hoa và Iran.
Thavis cũng cho rằng “giọng điệu của bức thư và nội dung của nó giống như một bản văn tấn công chính trị nhắm vào vị giáo hoàng. Đáng buồn thay, cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục bị sử dụng như một thứ đòn bẩy chính trị bởi một số phe phái trong Giáo Hội”.
Tác giả này nhận định rằng “tôi chưa hề biết có trường hợp khác thời hiện đại trong đó, một vị cựu viên chức ao cấp của Giáo Hội lại công khai kêu gọi vị giáo hoàng từ chức”.
Tờ Wall Street Journal cho rằng lời tố cáo “làm sâu thêm cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục đang càng ngày càng phủ bóng lên triều giáo hoàng Phanxicô”.
Tờ báo cũng cho hay đây là lần đầu tiên Đức Phanxicô “đích thân bị tố cáo che đậy tác phong xấu về tình dục ở bình diện cao nhất của Giáo Hội”. Và nếu các tố cáo này là thật, thì “sẽ cực kỳ có hại cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người vốn bị tố cáo là không đáp ứng hữu hiệu hay cương quyết trước cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục của Giáo Hội”.
Tờ báo nhận định thêm: việc người ta chú ý và tin nhiều vào các lời tố cáo là dấu chỉ tính khả tín của Đức Phanxicô đã bị giảm, không chỉ nơi người bảo thủ mà thôi.
Tạp chí của Dòng Tên Hoa Kỳ, America, trong một bài báo dài tỏ ra hoài nghi đối với nội dung lá thư của Đức Tổng Giám Mục Viganò, điều này dễ hiểu, vì tờ báo hết lòng ủng hộ Đức Phanxicô về mọi phương diện. Theo tờ này, các nạn nhân bị lạm dụng tình dục nổi tiếng xưa nay không ai ủng hộ việc kêu gọi Đức Phanxicô từ chức, coi động lực của lá thư là chính trị, đấu tranh giành quyền lực ở Vatican.
John Allen, quan sát viên Vatican kỳ cựu, có cái nhìn “dè dặt” hơn đối với các lời tố cáo của Đức Tổng Giám Mục Viganò, vì 4 lý do sau đây:
*Một lúc tố cáo đến hơn 32 giáo phẩm cao cấp “mà trong phần lớn trường hợp chính [Đức Tổng Giám Mục] Viganò nhận rằng các nhận định của ngài chỉ dựa vào giả định và/hoặc trám vào chỗ trống (connecting the dots). Allen cho rằng “khi một ai đó tung ra những lời tố cáo một cách khinh suất như thế, thì khó biết phải coi trọng họ như thế nào”.
*Thứ đến, [Đức Tổng Giám Mục] Viganò vốn là người có chuyện. Ngài đóng vai chủ chốt trong vụ tai tiếng “Vatileaks” (rò rỉ) thời Đức Bênêđíctô XVI tức vụ người quản gia của Đức Giáo Hoàng đánh cắp các tài liệu mật và rò rỉ cho báo chí. Trong số các tài liệu mật này có hai lá thư của Đức Tổng Giám Mục Viganò gửi cho Đức Bênêđíctô XVI và Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Bertone, phản đối việc ngài bị phái qua Hoa Kỳ trong khi đang thanh lọc các bê bối tài chánh tại Thị Quốc Vatican. Allen cho rằng cũng như nay, các lá thư đó pha trộn cả sự kiện lẫn suy đoán (innuendo) và thuyết âm mưu, khiến khó lòng tách biệt được lúa ra khỏi trấu.
*Thứ ba, chính [Đức Tổng Giám Mục] Viganò xử lý không tốt vấn đề lạm dụng tình dục: đã hủy bỏ 1 cuộc điều tra, bằng cách hủy bằng chứng, vụ Đức Tổng Giám Mục John Nienstedt của St. Paul and Minneapolis lạm dụng tình dục một số chủng sinh dưới quyền. Năm 2015, Tổng Giám Mục này đã từ chức.
*Thứ tư, nhiều quan sát viên khó có thể không coi việc tố cáo này được dàn dựng theo một nghị trình chính trị. Đó là nghị trình phản đồng tính. Đức Tổng Giám Mục Viganò nổi tiếng là người phê phán, chế giễu các giáo phẩm có cảm tình với đồng tính luyến ái như Đức Hồng Y Francesco Coccopalmerio và Tổng Giám Mục Vincenzo Paglia. Lá thư của ngài được công bố lúc Đức Phanxicô đang vất vả giải quyết tai tiếng lạm dụng tình dục ở Ái Nhĩ Lan.
Kết luận của Allen: “thòi gian mới cho biết các kết luận nào sẽ đạt tới, nhưng khởi điểm tỉnh táo ngay lúc này có lẽ pha trộn cả tò mò chân chính lẫn hoài nghi lành mạnh”.