Trong buổi tiếp kiến đầu năm 2019, ĐTC Phanxicô tiếp tục loạt bài giáo lý về Kinh Lạy Cha. Đặt Kinh lạy Cha trong ngữ cảnh của bài giảng trên núi, ĐTC nói đến cuộc cách mạng của Tin mừng và nhắc nhở các tín hữu tránh thái độ giả hình và nhiều lời khi cầu nguyện.
Trong buổi tiếp kiến chung sáng ngày 02/01, ĐTC tiếp tục loạt bài giáo lý về Kinh Lạy Cha. Giải thích Kinh Lạy Cha trong khung cảnh của bài giảng trên núi, ĐTC mời gọi các tín hữu hãy cầu nguyện từ trái tim, không giả hình, nhiều lời; hãy sống như người con của Chúa bằng chứng tá yêu thương, không thù ghét hay nói xấu người khác.
Cuộc cách mạng của Tin mừng
Bắt đầu bài giáo lý, ĐTC xác định tầm quan trọng của Kinh Lạy Cha. Như chúng ta đọc thấy trong Tin mừng thánh Mátthêu, Kinh Lạy Cha được đặt ở một vị trí chiến lược, đó là ở trung tâm của diễn từ trên núi (x. 6,9-13). Việc đặt Kinh Lạy Cha ở trung tâm bài giảng trên núi, như được kể trong Tin mừng, có nhiều ý nghĩa; bởi vì trong bài giáo huấn dài này, được gọi với tên “diễn từ trên núi” (x. Mt 5,1-7,27), Chúa Giêsu cô đọng những chiều kích căn bản trong sứ điệp của Người. Đoạn mở đầu – “Các Mối Phúc” – giống như một cánh cổng trang trí cho buổi lễ.
Trong Các Mối Phúc, Chúa Giêsu xem một số hạng người trong thời đại của Người – nhưng cũng trong thời đại chúng ta! – là hạnh phúc, những người mà không được quan tâm coi trọng lắm. Phúc cho những người nghèo khó, người khiêm nhường, người có lòng thương xót, những người có tâm hồn khiêm nhường… Đây là cuộc cách mạng của Tin mừng. Nơi nào có Tin mừng, nơi đó có cách mạng. Tin mừng không để chúng ta yên hàn nhưng nó thúc đẩy chúng ta. Tất cả những người có khả năng yêu thương, những người kiến tạo hòa bình, những người mà cho đến khi đó là những người kết thúc ở bên lề lịch sử, ngược lại họ là những người xây dựng Vương quốc Thiên Chúa. Dường như là Chúa Giêsu nói rằng: anh chị em, những người mang trong tâm hồn mầu nhiệm của một Thiên Chúa đã mạc khải sự toàn năng của tình yêu và tha thứ, hãy tiến bước!
Cần một cách chú giải mới về Lề Luật
Tiếp tục bài giáo lý, ĐTC giải thích vài trò của Các Mối Phúc trong việc hiểu Kinh lạy Cha, ĐTC nói rằng: Từ cánh cửa đi vào này, cánh cửa đảo lộn những giá trị của lịch sử, sự mới mẻ của Tin mừng xuất hiện. Lề luật không phải bị hủy bỏ nhưng cần một cách chú giải mới để đưa nó trở về với ý nghĩa nguyên thủy của nó. Nếu một người có tâm địa ngay lành, thiên hướng về tình yêu, thì anh ta hiểu rằng mỗi lời của Thiên Chúa phải được nhập thể cho đến kết quả cuối cùng. Tình yêu không có biên giới: chúng ta có thể yêu người bạn đời của mình, bạn hữu của mình và ngay cả kẻ thù của mình với một chiều kích hoàn toàn mới mẻ. Chúa Giêsu nói: “Nhưng tôi nói với anh em: hãy yêu kẻ thù của anh em và cầu nguyện cho những người bắt bớ anh em, để anh em trở thành con cái của Cha anh em, Đấng ở trên trời; Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương” (Mt 5,44-45).
Bí mật nền tảng của bài giảng trên núi: trở nên con của Cha trên trời
ĐTC xác định điều quan trọng căn bản, bí mật lớn nhất ở nền tảng của tất cả bài diễn từ trên núi: để anh em trở nên con cái của Cha anh em Đấng ở trên trời. Có vẻ là những chương này của Tin mừng thánh Mátthêu dường như là một diễn từ luân lý, dường như là gợi lên một nền đạo đức học quá đòi hỏi và xem ra không thể thực hiện được; nhưng ngược lại, chúng ta khám phá rằng trên hết nó là một diễn từ thần học. Kitô hữu không phải là một người nỗ lực để trở nên tốt hơn người khác nhưng là người biết mình tội lỗi như tất cả mọi người. Kitô hữu đơn giản là người dừng lại trước Bụi Gai Đang Cháy, trước mặc khải của một Thiên Chúa không mang một danh xưng bí ẩn mà không ai được phép gọi tên, nhưng là Đấng muốn con cái của Người kêu cầu mình với tên gọi “Cha”, muốn họ để cho mình được đổi mới nhờ quyền năng của Người và phản chiếu ánh sáng lòng thiện hảo của Người cho thế giới này, vừa đang khao khát thiện hảo vừa đang chờ đợi những tin tốt lành.
Tiếp đến ĐTC nhắc rằng Chúa Giêsu giới thiệu giáo huấn về “Kinh Lạy Cha” bằng cách tách biệt khỏi hai nhóm người trong thời đó, với thái độ cầu nguyện không đúng đắn của họ.
Thái độ thứ nhất cản trở cầu nguyện: giả hình
Trước hết là những kẻ đạo đức giả. Chúa Giêsu nói: “Anh em đừng làm như những kẻ đạo đức giả, thích đứng cầu nguyện trong các hội đường và ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy” (Mt 6,5). Có những người có thể thêu dệt nên những lời cầu nguyện vô thần, không có Chúa: họ cầu nguyện để được người ta ngưỡng mộ. ĐTC nhận xét: Bao nhiêu lần chúng ta thấy xì căng đan khi những người đến và ở lại trong nhà thờ suốt cả ngày hoặc đi nhà thờ mỗi ngày nhưng rồi ghét bỏ người khác hay nói xấu người ta. Đây đúng là một gương xấu”! Tốt hơn là đừng đi nhà thờ! Sống như thế thì như người vô thần. Nhưng nếu anh đi nhà thờ, anh sống như người con, như anh em và làm chứng thật, chứ không phải là phản chứng. Ngược lại, lời cầu nguyện của Kitô hữu không có chứng tá nào đáng tin hơn là chính lương tâm, nơi đó cuộc đối thoại liên tục với Chúa Cha gắn kết chặt chẽ: “Khi anh cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại và cầu nguyện cùng Cha của anh Đấng hiện diện nơi kín đáo” (Mt 6,6).
Thái độ thứ hai cản trở cầu nguyện: nhiều lời
Rồi Chúa Giêsu cũng tránh xa cách cầu nguyện của người dân ngoại: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng cứ nói nhiều là được nhận lời.” (Mt 6,7). Ở đây, có lẽ Chúa Giêsu ám chỉ đến lời mở đầu cần thiết trong nhiều kinh nguyện cổ xưa: thần linh phải được làm mềm lòng bằng một loạt những lời khen ngợi và cả cầu nguyện. Chúng ta nghĩ đến khung cảnh trên núi Carmen, khi ngôn sứ Elia thách thức các tư tế của thần Baal. Họ la hét, nhảy múa, cầu xin nhiều điều để thần của họ nghe lời họ. Ngược lại, ngôn sứ Elia im lặng và Chúa đã tỏ mình với ông. Những dân ngoại nghĩ rằng họ nói, họ nói nhiều là họ cầu nguyện. Và tôi cũng nghĩ đến nhiều Kitô hữu tin rằng, xin lỗi anh chị em, nhưng họ nghĩ cầu nguyện là “nói với Chúa như một con vẹt!” Không! Cầu nguyện là từ trái tim, từ nội tâm. Chúa Giêsu nói, anh em thì ngược lại, khi cầu nguyện, hãy thưa với Thiên Chúa như một người con với cha của mình, là người biết rõ những gì đứa con cần trước khi anh ta cầu xin ông (x. Mt 6,8). Có thể là một lời cầu nguyện thinh lặng, “Kinh Lạy Cha”: chỉ cần tận đáy lòng chúng ta đặt mình trước cái nhìn của Thiên Chúa, nhớ đến tình yêu của Chúa Cha và điều này là đủ để lời cầu nguyện được Người lắng nghe.
Thiên Chúa không cần lễ vật
Cuối cùng ĐTC khẳng định rằng Thiên Chúa của chúng ta không cần những lễ hy sinh để được lòng Người! Thiên Chúa của chúng ta không cần bất cứ thứ gì: khi cầu nguyện, chỉ xin rằng chúng ta biết mở rộng cách thông tin liên lạc với Người để luôn luôn khám phá ra chúng ta là những người con yêu dấu của Người. Và Chúa yêu thương tất cả chúng ta.
Hồng Thủy – Vatican