Giáo Hội Toàn Cầu VIDEO

Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 03/01/2019: Tiễn năm cũ và đón đầu năm mới với Đức Thánh Cha Phanxicô

1. Phản ứng của Đức Thánh Cha trước vụ tấn công khủng bố tại Ai Cập giết chết 3 du khách người Việt Nam

Một quả bom bên vệ đường đã phát nổ vào lúc 18g15 ngày 28/12, theo giờ địa phương, khi chiếc xe chở 15 khách du lịch Việt Nam và 3 người Ai Cập đi qua quận Al-Haram, cách quần thể kim tự tháp Giza chưa đến 4 km. Bộ Nội vụ Ai Cập cho biết quả bom được giấu sau một bức tường, cách chiếc xe 5 hay 6 mét. Trong số 4 người thiệt mạng có 3 du khách Việt Nam và một hướng dẫn viên người Ai Cập. Các du khách được tường thuật là đang trên đường đến một nhà hàng để ăn tối.

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã thay mặt Đức Thánh Cha Phanxicô gởi điện chia buồn cho tổng thống Abdel Fattah Al Sisi của Cộng hòa Ả Rập Ai Cập.

Điện văn viết như sau:

Thưa ngài Abdel Fattah Al Sisi

Tổng thống Cộng hòa Ả Rập Ai Cập

Cairo

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã vô cùng đau buồn khi biết tin về vụ tấn công bằng bom hôm qua ở gần Giza. Đức Thánh Cha lên án hành động hoạt động vô nghĩa và tàn bạo này, và cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình của họ, cho những người bị thương và cho nhân viên cứu cấp đã quảng đại chạy đến giúp đỡ họ. Trong niềm tín thác rằng tất cả mọi người sẽ hoạt động để vượt qua bạo lực bằng tình liên đới và hòa bình, Đức Giáo Hoàng Phanxicô khẩn xin các phước lành của Thiên Chúa trên đất nước và nhân dân Ai Cập.

Đức Hồng Y Pietro Parolin

Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh

2. Quân Ai Cập giết chết 40 chiến binh Hồi Giáo để trả thù vụ đánh bom xe buýt chở du khách Việt Nam

Một ngày sau khi một chiếc xe buýt chở du khách Việt Nam bị tấn công bằng bom gần kim tự tháp Giza, quân đội Ai Cập đã tung ra các cuộc hành quân trả đũa giết chết ít nhất 40 chiến binh Hồi Giáo bị nghi ngờ có dính líu ít nhiều đến vụ đặt bom.

Tuyên bố của Bộ Quốc Phòng Ai Cập nói 30 chiến binh Hồi Giáo bị giết gần Giza, trong khi 10 người khác bị giết gần Bắc Sinai

Lực lượng an ninh tin rằng các nghi phạm đang âm mưu tấn công ngành du lịch Ai Cập.

Bộ Quốc phòng Ai Cập cho biết 30 chiến binh bị nghi ngờ đã thiệt mạng trong các cuộc đột kích vào nơi ẩn náu của họ ở Giza, nơi quân đội tin rằng “các phần tử khủng bố” đang lên kế hoạch tấn công các tổ chức nhà nước và ngành du lịch.

10 cái chết khác xảy ra ở Bắc Sinai, nơi lực lượng an ninh Ai Cập đang phải vất vả chiến đấu với các tổ chức khủng bố chịu ảnh hưởng của bọn khủng bố Hồi Giáo IS.

Hai cuộc hành quân của quân đội tại Giza và Bắc Sinai đã diễn ra đồng thời. Các bức ảnh của Bộ Quốc Phòng Ai Cập cho thấy nhiều vũ khí và đạn dược đã bị tịch thu và được đặt bên cạnh thi thể của những chiến binh Hồi Giáo.

3. Buổi hát Kinh Chiều Tạ Ơn Te Deum Giao Thừa 2018 tại Vatican

Vào lúc 5g chiều 31 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự buổi hát kinh chiều tạ ơn Te Deum bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô cùng với tất cả các vị trong giáo triều Rôma trong đó có 36 Hồng Y, đặc biệt là Đức Tổng Giám Mục Angelo De Donatis, Giám Quản Rôma, 7 Giám Mục Phụ Tá và 40 Giám Mục khác, 150 linh mục và khoảng 8 ngàn tín hữu. Hiện diện trong buổi lễ cũng có đông đảo các vị trong Ngoại Giao Đoàn cạnh Tòa Thánh.

Đây là một truyền thống đã được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 giải thích như sau: “Giáo Hội gợi ý rằng chúng ta không nên kết thúc năm cũ mà không bày tỏ lời cám tạ Chúa, vì những ơn lành Ngài ban cho chúng ta”.

Phụng Vụ ngày hôm nay nhắc nhớ chúng ta những lời của Thánh Gioan Tông đồ: “Hỡi các con, giờ đã tận” (1 Ga 2:18), và lời của Thánh Phaolô về “sự viên mãn của thời gian” (Gl 4: 4). Và tất cả điều này khiến chúng ta suy tư về sự kết thúc của cuộc hành trình dương thế, sự kết thúc cuộc lữ hành của chúng ta. Đã có bắt đầu tất sẽ có hồi kết thúc, “một thời để được sinh ra và một thời để chết đi” (Quoleth 3: 2). Sự thật này rất đơn giản và cơ bản nhưng lại thường bị lờ đi và lãng quên, Mẹ Thánh Giáo Hội dạy chúng ta kết thúc một năm và mỗi ngày trong đời chúng ta với một sự tự vấn lương tâm, trong đó chúng ta nhìn lại những gì đã xảy ra: chúng ta cảm ơn Chúa vì mọi điều thiện hảo chúng ta đã nhận được hay đã có thể làm được, đồng thời chúng ta cũng suy nghĩ về những thất bại và tội lỗi của chúng ta – để biết ơn Chúa và cầu xin sự tha thứ của Ngài.

Đó cũng là những gì chúng ta làm hôm nay vào ngày cuối năm này. Chúng ta ca ngợi Chúa với Thánh Thi Te Deum và đồng thời chúng ta cầu xin Ngài tha thứ. Thái độ tạ ơn của chúng ta dẫn chúng ta đến tấm lòng khiêm cung, để nhận biết và đón nhận ân sủng của Thiên Chúa.

Trong bài giảng Đức Thánh Cha nói:

Vào ngày cuối năm, Lời Chúa đồng hành cùng chúng ta với hai câu của Thánh Phaolô (x. Gal 4: 4-5). Hai câu này là những cách diễn đạt chính xác và hàm xúc, là một bản tóm lược của Tân Ước, đem lại ý nghĩa cho một thời điểm “quan trọng”, như sự chuyển đổi từ năm cũ sang năm mới này.

Thành ngữ đầu tiên gợi sự chú ý của chúng ta là “sự viên mãn của thời gian”. Trong những giờ khắc cuối cùng của năm dương lịch này, khi chúng ta cảm thấy cần nhiều hơn nữa một điều gì đó nói lên ý nghĩa cho sự qua đi của thời gian, một thành ngữ như thế có một âm vang đặc biệt.

Một điều gì đó, hay rõ hơn nữa là một ai đó – và “ai đó này đã đến, Thiên Chúa đã sai Ngài đến: đó là Con của Ngài”, Chúa Giêsu.

Chúng ta vừa cử mừng ngày sinh của Ngài: Ngài được sinh ra bởi một người phụ nữ, là Đức Trinh Nữ Maria; Ngài được sinh ra dưới Lề Luật, một cậu bé Do Thái, tuân theo Luật của Chúa. Nhưng, chuyện ấy làm sao có thể được? Làm thế nào đây có thể là dấu chỉ của “sự viên mãn của thời gian”? Đúng là vào thời điểm đó Chúa Giêsu gần như vô danh tiểu tốt, nhưng chỉ trong vòng hơn ba mươi năm sau, Ngài sẽ tung ra một lực lượng chưa từng có, một lực lượng đến nay vẫn còn và sẽ tồn tại mãi trong suốt lịch sử. Lực lượng này được gọi là Tình yêu. Tình yêu mang lại sự phong phú cho mọi thứ, kể cả thời gian và Chúa Giêsu là Đấng trên đó tất cả tình yêu của Thiên Chúa được “cô đặc” trong một con người trần thế.

Thánh Phaolô nói rõ ràng lý do tại sao Con Thiên Chúa được sinh ra đúng lúc, và sứ mệnh mà Thiên Chúa đã trao phó cho Ngài là gì: Ngài được sinh ra để “giải thoát”. Đó là từ ngữ thứ hai khơi gợi sự chú ý của chúng ta: giải thoát nghĩa là đưa chúng ta ra khỏi tình trạng nô lệ và đem trở lại cho chúng ta tự do và phẩm giá xứng hợp với tư cách của những con cái Chúa. Tình trạng nô lệ mà Thánh Tông Đồ đề cập đến là sự nô lệ “Lề Luật”, được hiểu như một tập hợp những giới răn phải tuân theo, Lề Luật chắc chắn giáo dục con người, và có tính sư phạm, nhưng không giải thoát con người khỏi tình trạng tội lỗi, nhưng một cách nào đó, “đẩy” anh ta vào tình trạng này, cản trở con người vươn đến tự do của một người con. Chúa Cha đã sai Người Con Duy Nhất của Người đến trong thế gian để xóa bỏ khỏi tâm hồn con người tình trạng nô lệ tội lỗi cũ và do đó phục hồi phẩm giá của con người. Thật vậy, như Chúa Giêsu phán trong Tin Mừng (Mc 7: 21-23) từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định đồi trụy, xấu xa làm xấu đi đời sống và các mối quan hệ. Và chúng ta phải ngưng lại ở đây, ngưng lại để suy ngẫm với nỗi buồn và lòng ăn năn hối lỗi, bởi vì trong năm sắp kết thúc này, nhiều người nam nữ đã từng sống và tiếp tục sống trong những điều kiện nô lệ, không xứng đáng với phẩm giá con người.

Ở thành phố Rôma của chúng ta cũng vậy, có những anh chị em, vì những lý do khác nhau, thấy mình trong tình huống này. Tôi đang nghĩ cách riêng đến là nhiều người vô gia cư. Hơn 10,000 người như vậy. Tình cảnh của họ đặc biệt khó khăn trong những tháng mùa đông. Tất cả đều là con cái nam nữ của Thiên Chúa, nhưng các hình thái nô lệ đa dạng, đôi khi rất phức tạp, khiến họ phải sống bên lề phẩm giá con người. Chúa Giêsu cũng đã chào đời trong một hoàn cảnh tương tự, nhưng không phải vì tình cờ hay vì gặp chuyện chẳng may: Ngài muốn được sinh ra như thế để tỏ lộ tình yêu Thiên Chúa dành cho những người bé mọn và người nghèo, và qua đó gieo rắc hạt giống Nước Trời trên thế giới. Vương quốc Công lý, tình yêu và hòa bình, nơi không ai là nô lệ, nhưng tất cả đều là anh chị em là con của cùng một Cha.

Giáo hội tại Rôma không muốn trở nên thờ ơ với những hình thái nô lệ trong thời đại chúng ta, cũng không muốn chỉ đơn thuần là bàng quang ghi nhận và giúp đỡ họ, nhưng Giáo Hội muốn gần gũi với những người đó và với những tình huống đó.

Khi tôn vinh tình mẫu tử chí thánh của Đức Trinh Nữ Maria, tôi muốn khích lệ dạng thức mẫu tử đó của Giáo hội. Khi suy ngẫm về mầu nhiệm này, chúng ta nhận ra rằng Thiên Chúa đã được “sinh ra bởi người phụ nữ “ để chúng ta có thể nhận được sự viên mãn nhân bản của chúng ta, là được ơn làm “nghĩa tử.” Nhờ sự hạ mình của Ngài, chúng ta được nâng lên. Sự cao trọng của chúng ta đã đến từ sự nhỏ bé của Ngài, sức mạnh của chúng ta đến từ sự mong manh của Ngài, và tự do của chúng ta đến từ việc Ngài tự hiến mình thành một người nô lệ.

Điều này còn có thể gọi là gì khác hơn là tình yêu? Tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, là những Đấng mà chiều nay Mẹ Giáo Hội Thánh Thiện, trên khắp thế giới, dâng lên lời tụng ca và tạ ơn.

4. Buổi hát kinh Te Deum

Cuối kinh chiều, có nghi thức đặt Mình Thánh Chúa và hát kinh Te Deum tạ ơn Thiên Chúa. Thánh thi Te Deum, nghĩa là Lạy Thiên Chúa, chúng con xin ca ngợi hát mừng, tuyên xưng Ngài là Ðức Chúa, là một bài thánh thi Latinh cổ xưa bằng văn xuôi có nhịp điệu tương tự như nhịp điệu của bài Gloria in Excelsis Deo, tức là Kinh Vinh Danh: Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời.

Nội dung thánh thi Te Deum như sau:

Lạy Thiên Chúa, / Chúng con xin ca ngợi hát mừng, / Tuyên xưng Ngài là Ðức Chúa. / Chúa là Cha, Ðấng trường tồn vạn đại, / Hoàn vũ này kính cẩn suy tôn. / Trước nhan Chúa, các tổng thần phủ phục, / Mọi thiên thần và đạo binh thiên quốc, / Ðều cảm tạ và cung chúc tôn thờ, / Chẳng khi ngừng vang dậy tiếng tung hô: / Thánh! Thánh! Chí Thánh! / Chúa tể càn khôn là Ðấng Thánh! / Trời đất rạng ngời vinh quang Chúa uy linh. / Bậc Tông Ðồ đồng thanh ca ngợi Chúa, / Bao vị ngôn sứ tán tụng Ngài. / Ðoàn tử đạo quang huy hùng dũng, / Máu đào đổ ra minh chứng về Ngài, / Và trải rộng khắp nơi trần thế, / Hội Thánh Ngài hoan hỷ tuyên xưng: / Chúa là Cha lẫm liệt uy hùng, / Và Con Một Ngài chí tôn chí ái, / Cùng Thánh Thần, Ðấng an ủi yêu thương.

“Lạy Ðức Kitô, Con Chúa Trời hằng sống, / Ngài là Chúa hiển vinh / Ðã chẳng nề mặc lấy xác phàm / Nơi cung lòng Trinh Nữ / Hầu giải phóng nhân loại lầm than. / Ngài đã ra tay chiến thắng tử thần, / Mở cửa trời cho những ai tin tưởng. / Ngài hiển trị bên hữu Chúa Cha, / Ngày cuối cùng sẽ giáng lâm thẩm phán. / Cúi lạy Chúa, xin phù hộ bề tôi / Ngài cứu chuộc bằng bửu huyết tuôn tràn. / Xin được hợp đoàn cùng muôn thần thánh, / Phúc miên trường vui hưởng ánh vinh quang.”

Sau khi kết thúc các nghi lễ, Đức Thánh Cha đã ra quảng trường Thánh Phêrô để kính viếng Hang Đá Giáng Sinh.

5. Số nhà truyền giáo bị giết trong năm 2018 gần gấp đôi con số năm 2017

Trong năm 2018, 40 nhà truyền giáo đã bị giết trên khắp thế giới, gần gấp đôi con số 23 người của năm trước 2017. Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc đã cho biết như trên trong bản tin đánh đi hôm 29 tháng 12.

Fides lưu ý rằng hầu hết các nạn nhân là các linh mục: 35 vị trong tổng số 40 vị là các linh mục. Sau tám năm liên tiếp Mỹ Châu đứng đầu về số lượng những nhà truyền giáo bị giết, trong năm 2018 vừa kết thúc, Phi châu chiếm vị trí đầu tiên trong danh sách bi thảm này.

Trong 40 nhà truyền giáo đã bị giết trong năm 2018: 35 vị là linh mục, 1 vị là chủng sinh và 4 vị là giáo dân. Phân chia theo địa dư Phi Châu có 19 linh mục, 1 chủng sinh và 1 phụ nữ giáo dân đã bị giết; ở Mỹ Châu, 12 linh mục và 3 giáo dân bị giết; ở Á Châu, 3 linh mục đã bị giết; ở Âu châu, 1 linh mục đã bị giết.

Thông tấn xã Fides sử dụng thuật ngữ “nhà truyền giáo” để chỉ tất cả những ai đã được rửa tội, có một nhận thức rõ ràng rằng, qua Bí tích Rửa tội, mọi thành viên của dân Chúa trở thành các môn đệ truyền giáo. Mỗi người được rửa tội, bất kể chức năng của người ấy trong Giáo hội và mức độ đào tạo về tín lý đã được lãnh nhận, đều là những tác nhân tích cực trong việc loan báo Tin Mừng. Vì thế, danh sách các nhà truyền giáo bị giết do Fides đưa ra hàng năm, đôi khi không chỉ tính đến những nhà truyền giáo theo nghĩa hẹp, mà còn cố gắng ghi lại tất cả những người được rửa tội tham gia tích cực vào sứ vụ truyền giáo của Giáo hội và đã chết một cách bạo lực, dù cái chết ấy có thể không phát xuất từ lòng căm thù đức tin. Vì lý do này, Fides tránh sử dụng thuật ngữ tử đạo, nếu cái chết của nhà truyền giáo tự bản chất không có ý nghĩa làm chứng cho đức tin, để tránh gây ra các vấn nạn liên quan đến phán xét cuối cùng mà Giáo hội có thể đưa ra đối với một số trường hợp.

Nhiều nhà truyền giáo đã bị giết trong năm 2018 là do các vụ cướp, và trong một số trường hợp các vị bị giết rất dã man. Đó là dấu chỉ của sự suy đồi đạo đức, sự gia tăng nghèo đói cả về kinh tế lẫn văn hóa, dẫn đến các hình thái bạo lực coi thường tính mạng con người.

Trong nhiều trường hợp khác, các linh mục, nữ tu và giáo dân đã bị giết, nằm trong số những người lớn tiếng lên án bất công, tham nhũng, nghèo đói, nhân danh Tin Mừng.

Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã từng nói hôm 26/12/2016, ngày lễ kính thánh Stêphanô, vị tử đạo tiên khởi, “thế gian ghét các Kitô hữu vì cùng một lý do như nó đã từng ghét Chúa Giêsu vì Ngài đã mang ánh sáng của Thiên Chúa đến, nhưng thế gian lại thích bóng tối để che giấu những hành động gian ác của mình”.

Tất cả những vị bị giết đều sống trong những hoàn cảnh bình thường của con người và xã hội, ban phát các phép bí tích, giúp đỡ người nghèo, chăm sóc trẻ mồ côi và người nghiện ma túy, tham gia vào các dự án phát triển, và mở cửa nhà mình cho bất cứ ai cần đến sự giúp đỡ của các ngài. Và một số vị đã bị giết bởi chính những người mà họ giúp đỡ.

Trong hầu hết các trường hợp, các cuộc điều tra được tiến hành bởi các nhà chức trách địa phương đều dẫn đến việc xác định thủ phạm, những kẻ chủ mưu của những vụ giết người này, và những lý do tại sao họ đã làm như thế.

6. Trường hợp các linh mục bị giết tại Mễ Tây Cơ

Trong năm 2018, có 3 linh mục bị giết tại Mễ Tây Cơ. Cha Rubén Alcántara Díaz, một thẩm phám của tòa án hôn phối của Giáo Phận Cuautitlán Izcalli, là nạn nhân đầu tiên. Ngài bị đâm chết vào ngày 18 tháng Tư trong nhà thờ Nuestra Señora del Carmen.

Chỉ hai ngày sau đó, tức là hôm 20/4, Cha Juan Miguel Contreras Garcia, 33 tuổi, đã chết vì những vết thương quá nặng do bị bắn nhiều phát bên trong nhà thờ Thánh Pio Năm Dấu Thánh tại Guadalajara, bang Jalisco.

Nạn nhân thứ ba là Cha Miguel Gerardo Flores Hernández. Ngài đã biến mất vào ngày 18 tháng 8, và ba ngày sau, tổng giáo phận Morelia đã chính thức tuyên bố ngài bị mất tích. Thi thể của ngài đã được tìm thấy 7 ngày sau tuyên bố này.

Trong 6 năm qua, 24 linh mục đã bị giết tại Mễ Tây Cơ. Đất nước này tiếp tục là quốc gia nguy hiểm nhất trên thế giới đối với các linh mục. Theo nhận định của của Cha Omar Sotelo, là Giám đốc Trung tâm Truyền thông Đa phương tiện Mễ Tây Cơ, “Bạo lực chống lại hàng giáo phẩm đã tăng lên trong những năm gần đây mà không thấy có những hành động cụ thể nào để ngăn chặn nó. Dân chúng luôn phải đối mặt với những tội ác, chúng ta biết rõ điều đó, nhưng bây giờ trên hết, chức tư tế đã trở thành một chức vụ nguy hiểm; trong chín năm qua, Mễ Tây Cơ là nước có nhiều linh mục bị giết nhất trên thế giới.”

7. Đức Thượng Phụ Kirill của Chính Thống Giáo Mạc Tư Khoa gởi thư cho Đức Thánh Cha chúc mừng Giáng Sinh

Chính Thống Giáo sử dụng lịch Giuliô nên sẽ mừng lễ Chúa Giáng Sinh vào ngày 7 tháng Giêng sắp tới. Tuy nhiên, vào ngày 25 tháng 12, Đức Thượng Phụ Kirill của Chính Thống Giáo Mạc Tư Khoa và toàn Nga đã gởi thư cho Đức Thánh Cha chúc mừng Giáng Sinh.

Trong thư, Đức Thượng Phụ viết:

Hơn hai ngàn năm đã trôi qua kể từ khi một phép lạ tuyệt vời và vinh quang nhất đã xảy ra tại hang Bêlem – nơi Thiên Chúa đã hoá thành nhục thể (I Ti-mô-thê 3:16). Lúng túng trong niềm tôn kính trước mầu nhiệm không thể hiểu được đối với tâm trí con người này, chúng ta chúc tụng ca khen Chúa Kitô, Đấng đã sinh ra và công bố chân lý Thiên Chúa và mở ra cho mọi người một con đường cứu độ và sống đời đời.

Trong dấu ấn long trọng của ngày lễ này, chúng ta nên nhớ đến ơn gọi cao trọng đã được tiền định cho các Kitô hữu là trở nên ánh sáng và nên muối cho thế gian (Mt. 5: 13-14), qua việc thực thi các công việc của tình yêu và đức ái, và qua việc làm chứng trước những người gần xa cho những lý tưởng vĩnh cửu của Tin Mừng.

Tôi chúc Ngài sức mạnh thể chất, sự mạnh mẽ và sự trợ giúp hào phóng của Chúa trong chức vụ cao cả của chúng ta.

Với tình yêu trong Chúa,

Đức Thượng Phụ Kirill

8. Tết Dương Lịch tại Vatican – Lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, Ngày Hòa Bình Thế Giới

Lúc 10h sáng thứ Ba mùng Một tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chào đón năm mới với thánh lễ trọng thể kính Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và Ngày Hoà Bình thế giới tại Đền Thờ Thánh Phêrô.

Cùng đồng tế với Đức Thánh Cha có đông đảo các vị trong giáo triều Rôma. Tham dự thánh lễ có các vị đại sứ trong ngoại giao đoàn và đông đảo các tín hữu ngồi chật bên trong đền thờ.

Giải thích ý nghĩa của ngày lễ này Đức Thánh Cha Phanxicô nói Phụng Vụ hôm nay mời gọi các tín hữu nhìn lên Đức Maria như một người Mẹ cho tất cả chúng ta và như một sứ giả của niềm hy vọng.

Trong năm Phụng Vụ “không có thời điểm nào có ý nghĩa hơn là ngày đầu một năm mới” để lắng nghe phúc lành của Thiên Chúa.

“Nguyện Chúa chúc lành và gìn giữ anh em!

Nguyện Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em và dủ lòng thương anh em!

Nguyện Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em!”

(Dân Số 6:24-26)

Những lời tràn trề sức mạnh, đầy can đảm và hy vọng này sẽ đồng hành với chúng ta trong cuộc hành trình trong Năm Mới. Đây không phải là một niềm hy vọng đầy ảo tưởng dựa trên những lời hứa yếu đuối của con người, hay một hy vọng ngây ngô giả định rằng tương lai sẽ tốt hơn hiện tại đơn giản chỉ vì nó là tương lai. Nhưng niềm hy vọng này có lý do của nó bắt nguồn từ phúc lành của Thiên Chúa, một phúc lành chứa đựng lời cầu chúc lớn nhất, lời cầu chúc của Giáo Hội gửi đến từng người trong chúng ta, tràn đầy tất cả sự chở che yêu thương của Chúa và sự trợ giúp quan phòng của Ngài.

Thông điệp của hy vọng trong phúc lành của Thiên Chúa, đã được thực hiện đầy đủ trong một người phụ nữ là Đức Maria, là người được chọn để trở thành Mẹ Thiên Chúa.

Giảng trong thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:

Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên (Lc 2:18). Ngạc nhiên là điều chúng ta được yêu cầu hôm nay, khi kết thúc Tuần Bát Nhật Lễ Giáng Sinh, khi chúng ta tiếp tục chiêm ngưỡng Hài Nhi được sinh ra cho chúng ta, thiếu thốn tất cả mọi thứ nhưng tràn đầy tình yêu. Kinh ngạc là điều chúng ta nên cảm thấy vào đầu mỗi năm, vì cuộc sống là một ân sủng liên tục trao ban cho chúng ta những cơ hội để thực hiện một khởi đầu mới, ngay cả từ những hoàn cảnh thê thảm nhất.

Hôm nay cũng là một ngày để Mẹ Thiên Chúa ngạc nhiên. Thiên Chúa tỏ hiện trong hình hài một trẻ nhỏ, được giữ trong vòng tay của một người phụ nữ đang nuôi nấng Đấng Tạo Hóa của mình. Bức tượng trước mắt chúng ta mô tả Mẹ và Con rất gần nhau như thể dường như là một. Đây là mầu nhiệm mà chúng ta cử hành ngày hôm nay, là điều làm phát sinh cơ man những kinh ngạc: Thiên Chúa đã nên một với nhân loại mãi mãi. Thiên Chúa và con người luôn luôn bên nhau, đó là tin tốt lành của năm mới này. Thiên Chúa không phải là một vị chúa tể xa xôi, sống trong một sự cô lập lộng lẫy trên thiên đàng, nhưng là tình yêu nhập thể, được sinh ra bởi một người mẹ như chúng ta, để trở thành anh em với mỗi người chúng ta, để gần gũi với chúng ta: Ngài là Thiên Chúa gần gũi. Ngài say ngủ trong lòng mẹ mình, cũng là mẹ của chúng ta, và từ đó Ngài tuôn đổ lên nhân loại một sự dịu dàng mới. Như thế, chúng ta hiểu rõ hơn về tình yêu của Thiên Chúa, cả tình phụ tử và mẫu tử, như tình yêu của người mẹ không bao giờ ngừng tin tưởng vào con cái và không bao giờ bỏ rơi chúng. Thiên Chúa-ở-cùng-chúng ta, Emmanuel, yêu thương chúng ta bất chấp những sai lầm, tội lỗi của chúng ta và cách thức chúng ta đối xử với thế giới. Thiên Chúa tin vào nhân loại, bởi vì thành viên đầu tiên và ưu việt của nhân loại chính là Mẹ Ngài.

Vào ngày đầu năm, chúng ta hãy cầu xin Đức Maria ân sủng để ngạc nhiên trước Thiên Chúa của những bất ngờ. Chúng ta hãy canh tân sự kinh ngạc mà chúng ta cảm thấy khi đức tin được sinh ra lần đầu tiên trong chúng ta. Mẹ của Thiên Chúa giúp chúng ta: Mẹ đã sinh ra Chúa, giờ đây Mẹ trình diện con người đã được tái sinh của chúng ta trước mặt Chúa. Mẹ là một người mẹ tạo ra nơi con cái mình sự kinh ngạc của đức tin, bởi vì đức tin là một cuộc gặp gỡ, chứ không phải là một tôn giáo. Không có sự ngạc nhiên, cuộc sống và cả niềm tin cũng trở nên buồn tẻ và nhàm chán. Giáo hội cũng cần phải canh tân sự kinh ngạc của mình khi được là nơi Thiên Chúa hằng sống ngự trị, khi được là Hiền thê của Chúa, và được là một người Mẹ sinh ra những đứa con của mình. Nếu không, Giáo Hội có nguy cơ biến thành một bảo tàng viện đẹp của quá khứ. Một “Giáo Hội bảo tàng”. Trái lại, Đức Mẹ ban cho Giáo hội cảm giác về một ngôi nhà, một ngôi nhà nơi Thiên Chúa của sự mới mẻ ngự trị. Chúng ta hãy đón nhận với sự kinh ngạc mầu nhiệm Mẹ Thiên Chúa, như cư dân thành Êphêsô đã làm vào thời gian xảy ra Công đồng. Giống như họ, chúng ta hãy tung hô “Mẹ Thánh của Thiên Chúa”. Từ Mẹ, chúng ta hãy để cho mình được nhìn trìu mến, được ôm ấp, được nắm lấy bằng tay.

Hãy để chúng ta cho phép mình được nhìn trìu mến. Đặc biệt là trong những lúc cần thiết, khi chúng ta vướng mắc vào những gút mắt của cuộc sống, chúng ta hãy ngước mắt lên nhìn Đức Mẹ, là Mẹ của chúng ta. Tuy nhiên, trước tiên, chúng ta nên để cho mình được Đức Mẹ nhìn trìu mến. Khi Mẹ dán mắt nhìn chúng ta, Mẹ không nhìn chúng ta như những tội nhân nhưng là con cái Mẹ. Người ta nói rằng đôi mắt là tấm gương của tâm hồn; đôi mắt của Đức Maria, đầy ân sủng, phản chiếu vẻ đẹp của Thiên Chúa, cho chúng ta thấy một phản chiếu của thiên đàng. Chính Chúa Giêsu đã nói rằng “đèn của thân thể là con mắt” (Mt 6:22): đôi mắt của Đức Mẹ có thể mang ánh sáng đến mọi góc tối; ở mọi nơi đôi mắt ấy nhen nhóm hy vọng. Khi Mẹ nhìn chúng ta, Mẹ nói: “Yên tâm đi, con cái thân yêu; Mẹ đây, Mẹ của các con đây!”

Ánh mắt từ mẫu này, cấy trong chúng ta sự tự tin và phó thác, giúp chúng ta tăng trưởng trong đức tin. Đức tin là một mối dây ràng buộc với Thiên Chúa liên quan đến toàn thể con người, được dành riêng cho Thiên Chúa, nó cần đến Mẹ Thiên Chúa. Ánh mắt từ mẫu của mẹ giúp chúng ta thấy mình là những đứa con đáng yêu trong dân trung tín của Chúa, và yêu thương nhau bất kể những giới hạn và những đường lối cá nhân của chúng ta. Đức Mẹ giữ cho chúng ta đâm rễ trong Giáo hội, nơi sự hiệp nhất được coi trọng hơn sự đa dạng; Mẹ khích lệ chúng ta quan tâm lẫn nhau. Ánh mắt của Đức Maria nhắc nhở chúng ta rằng đức tin đòi hỏi một sự dịu dàng có thể giải thoát chúng ta khỏi sự lạnh nhạt thờ ơ. Dịu dàng: Giáo hội của sự dịu dàng. Sự dịu dàng là một từ mà ngày nay nhiều người muốn loại bỏ khỏi từ điển. Khi đức tin có chỗ dành cho Mẹ Thiên Chúa, chúng ta không bao giờ đánh mất cái nhìn hướng về trung tâm: là Chúa, vì Đức Maria không bao giờ chỉ vào chính mình nhưng Mẹ chỉ chúng ta hướng về Chúa Giêsu; và anh chị em của chúng ta, vì Đức Maria là một người mẹ.

Ánh mắt của Đức Mẹ, và ánh mắt của mọi người mẹ. Một thế giới nhìn về tương lai mà không có ánh mắt của một người mẹ thì thật thiển cận. Nó vẫn có thể làm gia tăng lợi nhuận của nó, nhưng nó sẽ không còn xem những người khác là con cái. Nó sẽ kiếm ra tiền đấy, nhưng không phải cho tất cả mọi người. Tất cả chúng ta sẽ ở trong cùng một nhà, nhưng không phải là anh chị em với nhau. Gia đình nhân loại được xây dựng dựa trên các bà mẹ. Một thế giới, trong đó sự dịu dàng từ mẫu bị giản lược thành một thứ tình cảm đơn thuần, có thể giàu có về mặt vật chất, nhưng nghèo nàn khi bàn đến tương lai. Lạy Mẹ Thiên Chúa, xin dạy chúng con nhìn cuộc sống như Mẹ nhìn. Xin hãy hướng mắt nhìn đến chúng con, đến sự khốn khổ, nghèo đói của chúng con. Hãy hướng nhìn chúng con với đôi mắt thương xót của Mẹ.

Chúng ta hãy để cho mình được ôm ấp. Từ ánh mắt của Đức Maria, giờ đây chúng ta hướng về tâm hồn của Mẹ, trong đó, như bài Tin Mừng hôm nay kể lại, Mẹ hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng (Lc 2:19). Nói cách khác, Đức Mẹ đã giữ mọi điều trong trái tim; Mẹ đón nhận mọi thứ, mọi biến cố vui buồn. Và Mẹ suy đi nghĩ lại tất cả những điều này; Mẹ đã mang những điều ấy đến trước mặt Chúa. Đây là bí quyết của Mẹ. Cũng thế, giờ đây Mẹ sẽ ghi nhớ trong lòng cuộc sống của mỗi người chúng ta: Mẹ muốn đón nhận mọi tình huống của chúng ta và trình bày điều đó với Chúa.

Trong thế giới phân mảnh ngày hôm nay, nơi chúng ta có nguy cơ mất đi định hướng của mình, một vòng tay ôm của Mẹ là điều cần thiết. Có biết bao những phân tán và cô độc xung quanh chúng ta! Thế giới hoàn toàn kết nối, nhưng dường như ngày càng rời rạc. Chúng ta cần giao phó chính mình cho Mẹ của chúng ta. Trong Kinh thánh, Đức Mẹ chấp nhận bất kỳ tình huống cụ thể nào; Mẹ có mặt bất cứ nơi nào cần đến Mẹ. Mẹ đến thăm người chị họ Elizabeth; Mẹ giúp đỡ cặp vợ chồng mới cưới ở Cana; Mẹ khuyến khích các môn đệ trong Phòng Tiệc Ly, Đức Maria là một phương thuốc cho sự cô độc và phân tán. Mẹ là Mẹ của sự hợp nhất: Mẹ đứng chung với những người đang cô đơn. Mẹ biết rằng lời nói mà thôi thì không đủ để an ủi; sự hiện diện là cần thiết, và Mẹ hiện diện như một người mẹ. Chúng ta hãy để Mẹ ôm lấy cuộc đời của chúng ta. Trong Kinh Lạy Nữ Vương (Salve Regina), chúng ta gọi Mẹ là “cuộc sống” của chúng ta. Điều này có vẻ cường điệu, vì chính Chúa Kitô mới là “sự sống” (x. Ga 14: 6), nhưng Đức Maria hiệp nhất rất gần gũi với Chúa, và rất gần gũi với chúng ta, đến nỗi chúng ta không thể làm gì tốt hơn là đặt tay chúng ta vào trong tay Mẹ và nhìn nhận rằng Mẹ là cuộc sống của chúng ta, vui mừng và hy vọng của chúng ta.

Và trong hành trình của cuộc đời, chúng ta hãy để cho mình được nắm lấy bằng tay. Các bà mẹ bế con bằng tay và trìu mến đưa chúng vào cuộc sống. Nhưng có cơ man những con cái ngày nay đang lang thang và lạc lối. Khi nghĩ rằng họ mạnh mẽ, họ lạc đường; khi nghĩ rằng họ tự do, họ trở thành nô lệ. Có biết bao người, quên đi tình mẫu tử, sống trong giận dữ với chính mình và thờ ơ với mọi thứ! Thật đáng buồn khi nói rằng có biết bao nhiêu người phản ứng với mọi thứ và mọi người với một sự cay đắng và ác ý! Đời là thế. Tỏ ra thâm độc, thậm chí đôi khi dường như là một dấu chỉ của sức mạnh. Tuy nhiên, nó chẳng qua chỉ là yếu đuối. Chúng ta cần học hỏi từ các bà mẹ rằng chủ nghĩa anh hùng được thể hiện nơi sự tự hiến, sức mạnh cảm thông, và sự khôn ngoan trong hiền lành.

Chính Chúa cũng cần đến một người Mẹ thì chúng ta còn cần đến Mẹ biết ngần nào! Chính Chúa Giêsu đã ban Mẹ cho chúng ta, từ thập giá: “Đây là mẹ của anh” (Ga 19,27). Ngài nói điều này với người môn đệ yêu dấu và với mọi môn đệ. Đức Mẹ không phải là một yếu tố phụ tùy chọn: Mẹ phải được chào đón vào cuộc sống của chúng ta. Mẹ là Nữ vương Hòa bình, là Đấng chiến thắng cái ác và dẫn chúng ta đi dọc theo những nẻo đường thiện hảo, là Đấng khôi phục sự hiệp nhất cho con cái Mẹ, là Đấng dạy chúng ta lòng thương xót.

Lạy Đức Maria, xin nắm lấy tay chúng con. Khi bám vào Mẹ, chúng con sẽ vượt qua những eo biển của lịch sử một cách an toàn. Xin dắt chúng con đến chỗ tái khám phá những mối dây hiệp nhất chúng con. Xin tập hợp chúng con bên dưới lớp áo của Mẹ, trong sự dịu dàng của tình yêu đích thực, nơi gia đình nhân loại được tái sinh: “Chúng con trông cậy rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời”. Chúng ta hãy cùng nhau kêu cầu những lời này với Đức Mẹ: “Chúng con trông cậy rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời”.

9. Lịch sử Ngày Hòa bình Thế giới

Ngày 4 tháng 10 năm 1965, trong diễn văn lịch sử đọc trước Đại hội đồng Liên hiệp quốc nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập của tổ chức này, Đức Phaolô VI đã long trọng nhắc lại sứ vụ khó khăn, nhưng là sứ mệnh cao quý nhất của Liên hiệp quốc: đó là “Hành động để nối kết các quốc gia, để liên kết nước này với nước khác, là nhịp cầu, là mạng lưới tương giao giữa các dân tộc, là kiến tạo tình huynh đệ không phải chỉ cho một số, mà cho tất cả các dân tộc…” và ngài tha thiết kêu gọi: “Đừng bao giờ có chiến tranh! Hòa bình phải hướng dẫn vận mệnh các dân tộc và của toàn thể nhân loại”.

Để biểu lộ quyết tâm của Giáo Hội đối với vấn đề công lý và hòa bình, năm 1967, Đức Phaolô VI thiết lập Hội đồng Giáo hoàng “Công lý và Hòa bình”. Kể từ năm 1968, ngài thiết lập thêm ngày “Hoà bình Thế giới”. Hằng năm theo thông lệ, vào ngày 01 tháng Giêng, các vị Giáo hoàng công bố một sứ điệp hòa bình với một chủ đề rõ ràng.

Trong triều đại của ngài, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã có những sứ điệp hòa bình như sau: Chỉ trong sự thật mới có hòa bình; Nhân vị, trọng tâm của hòa bình; Gia đình nhân loại: cộng đồng hòa bình; Bài trừ nghèo đói, xây dựng hòa bình; Nếu bạn muốn xây dựng hòa bình, hãy bảo tồn thiên nhiên; Tự do tôn giáo, con đường dẫn đến hòa bình; Giáo dục người trẻ về công lý và hòa bình; Phúc cho những ai kiến tạo hòa bình

Cho đến nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có các sứ điệp hòa bình sau: Tình huynh đệ, nền tảng và con đường dẫn đến hòa bình; Không còn là nô lệ nhưng là anh chị em với nhau; Vượt thắng thờ ơ và giành lấy hòa bình; Bất bạo động: Một hình thái chính trị vì hòa bình; Di dân và tị nạn: những người nam nữ tìm kiếm hòa bình; Chính trị tốt phục vụ hòa bình.

10. Sứ Điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới: 1-1-2019

Ngày Hòa Bình Thế Giới năm nay là Ngày Hòa Bình Thế Giới lần thứ 52 với chủ đề là: “Chính trị tốt phục vụ hòa bình”.

Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã đưa ra lời bình luận sau:

“Trách nhiệm chính trị là điều thuộc về mỗi công dân và đặc biệt là những người đã nhận lãnh sứ mạng bảo vệ và cai quản. Sứ mạng này hệ tại bảo tồn luật pháp và khuyến khích đối thoại giữa các tác nhân trong xã hội, giữa các thế hệ và các nền văn hóa. Không có hòa bình nếu không có sự tín nhiệm nhau. Và lòng tín nhiệm đòi điều kiện đầu tiên là tôn trọng lời đã cam kết. Sự dấn thân chính trị, – vốn là một trong những biểu hiện cao cả nhất của đức bác ái – bao gồm mối quan tâm đối với tương lai của đời sống và của trái đất, những người trẻ và bé nhỏ nhất, trong niềm khao khát của họ được viên mãn.

Như thánh Gioan 23 đã nhắc nhở trong thông điệp “Hòa bình dưới thế” (Pacem in terris, 1963), khi một người được tôn trọng trong các quyền của họ, thì nơi họ cũng nảy sinh cảm thức về nghĩa vụ phải tôn trọng các quyền của người khác. Các quyền lợi và nghĩa vụ của con người làm gia tăng ý thức mình thuộc về cùng một cộng đồng, với tha nhân và với Thiên Chúa (Xc ivi, 45). Vì thế chúng ta được kêu gọi mang đến và loan báo hòa bình như một tin vui về một tương lai trong đó mỗi người được tôn trọng trong phẩm giá và các quyền của họ”.

Vietcatholic Network

You may also like