“Chúng ta là kẻ thù tồi tệ nhất của chính chúng ta”
Họa hiếm lắm mới có sự kiện Đức Giáo Hoàng không giảng trong các buổi phụng vụ do ngài chủ tọa. Nhưng việc họa hiếm này đã xẩy ra tại Hội Nghị Thượng Đỉnh bàn về việc bảo vệ trẻ em trong Giáo Hội. Không phải một lần mà là hai lần và là hai buổi phụng vụ duy nhất trong Hội Nghị này. Buổi phụng vụ đầu là buổi phụng vụ thống hối và Bài giảng là bài giảng của Đức Tổng Giám Mục Philip Naameh, thuộc tổng giáo phận Tamale, Ghana. Buổi phụng vụ thứ hai là Thánh Lễ bế mạc Hội Nghị, lần này là bài giảng của Đức Tổng Giám Mục Mark Coleridge, thuộc tổng giáo phận Brisbane, Australia. Chắc chắn, Đức Phanxicô cố ý nhấn mạnh tới một trong các chủ đề được tập chú trong hội nghị: tính đồng nghị (synodality).
Nhân dịp này, Rocco Palmo có làm nổi một số khía cạnh quanh con người của Đức Tổng Giám Mục Coleridge:
“Dù trở nên khá nổi tiếng trong thế giới nói tiếng Anh vì tính nói thẳng của ngài sau cuộc điều tra toàn quốc về việc lạm dụng trong Giáo Hội Úc, trước đây, Đức Tổng Giám Mục Mark Coleridge của Brisbane đã nằm trong bụng một “con quái vật” đã thành dã sử liên quan đến các tai tiếng lạm dụng: năm 2002, lúc còn là một đức ông, ngài được cử nhiệm làm việc tại phân bộ nói tiếng Anh của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh; sau này, ngài thừa nhận đã tận mắt thấy cách Tòa Thánh xử lý cuộc khủng hoảng ban đầu ở Hoa Kỳ có tính cách dè dặt (cautionary) ra sao hơn là có tính lịch sử.
Còn hiện thời, Đức Cha Coleridge đang thủ diễn vai trò lãnh đạo trong việc lên kế hoạch cho Công Đồng Toàn Thể khá hiếm hoi của Giáo Hội Úc vào năm 2020, một loại đáp ứng đồng nghị mà chính Hội Nghị đang diễn tiến tại Vatican có ý định trở thành. Palmo cho hay: ngay sau cuộc khủng hoảng 2002, một nhóm giám mục Hoa Kỳ từng kêu gọi một công đồng như thế, nhưng không được ban lãnh đạo chấp thuận.
Chúng tôi xin chuyển ngữ nguyên văn bài giảng của Đức Tổng Giám Mục Coleridge:
Trong Tin Mừng vừa được công bố, chỉ có một giọng nói được nghe thấy, đó là giọng nói của Chúa Giêsu. Trước đó chúng ta đã nghe giọng nói của Phaolô và vào cuối Thánh lễ, chúng ta sẽ nghe giọng nói của Phêrô, nhưng trong Tin mừng chỉ có giọng nói của Chúa Giêsu. Sau tất cả các lời lẽ của chúng ta, bây giờ, quả là tốt khi chỉ còn lại lời lẽ của Chúa Kitô: chỉ còn lại một mình Chúa Giêsu, như ở trên núi Hiển Dung (x. Lc 9:36).
Người nói với chúng ta về quyền lực, và Người làm như vậy trong Sala Regia lộng lẫy cũng đang nói về quyền lực này. Ở đây có những hình ảnh các trận chiến, các cuộc thảm sát tôn giáo, các cuộc đấu tranh giữa các hoàng đế và giáo hoàng. Đây là nơi mà các thế lực trần gian và thiên đàng gặp nhau, đôi khi cũng bị các thế lực hỏa ngục chạm vào. Trong Sala Regia này, lời Thiên Chúa mời gọi chúng ta suy ngắm quyền lực, khi chúng ta đã cùng nhau vượt qua những ngày này. Do đó, giữa cuộc gặp gỡ Sala và Kinh thánh, chúng ta có một hài hòa giọng nói tốt đẹp.
Đứng trước một vua Saul đang ngủ, David xuất hiện như một nhân vật đầy quyền lực, như Abishai thấy rất rõ: “Hôm nay, Chúa đã đặt kẻ thù vào tay ngài. Vì vậy, hãy để tôi đóng đinh hắn xuống đất bằng ngọn giáo. Nhưng David phản đối: Đừng giết ông ta! Có ai từng đặt tay lên người được Chúa xức dầu mà không bị trừng phạt đâu?” David chọn sử dụng quyền lực không phải để tiêu diệt mà là để cứu nhà vua, người được Chúa xức dầu.
Như David, các mục tử của Giáo hội đã nhận được hồng phúc quyền lực – tuy là quyền để phục vụ, để sáng tạo; một quyền hiện diện với và chochứ không trên (người khác); một quyền, như Thánh Phaolô từng nói, “được Chúa ban cho để xây dựng anh em chứ không phải để tiêu diệt anh em (2 Cr 10: 8). Quyền lực là điều nguy hiểm, vì nó có thể tiêu diệt; và trong những ngày này, chúng ta đã suy nghĩ việc trong Giáo hội, quyền lực có thể biến thành hủy diệt ra sao khi tách khỏi phục vụ, khi không còn là một cách yêu thương, khi nó trở thành quyền lực trên người khác.
Một đoàn người thánh hiến của Chúa đã được đặt trong tay chúng ta – và bởi chính Chúa. Thế nhưng, chúng ta có thể sử dụng quyền lực này không phải để tạo ra mà là để tiêu diệt, và thậm chí cuối cùng để sát hại. Trong việc lạm dụng tình dục, những kẻ đầy quyền lực đã đặt tay lên những người thánh hiến của Chúa, thậm chí cả những người yếu đuối nhất và dễ bị tổn thương nhất trong số họ. Họ nói “có” đối với sự thúc giục của Abishai; và họ nắm lấy ngọn giáo.
Trong việc lạm dụng và che giấu nó, những kẻ quyền lực tự tỏ mình ra không như những người thuộc trời mà là những người thuộc đất, như lời của Thánh Phaolô mà chúng ta vừa nghe. Trong Tin Mừng, Chúa truyền: “Hãy yêu kẻ thù của ngươi”. Nhưng kẻ thù là ai? Chắc chắn không phải những người đã thách thức Giáo hội nhìn việc lạm dụng và che giấu nó trong chính bản chất của chúng, trước hết, là các nạn nhân và những người sống sót, là những người đã dẫn chúng ta đến sự thật đau đớn bằng cách kể lại các câu chuyện của họ với một lòng can đảm đến thế. Tuy nhiên, đôi khi, chúng ta đã coi các nạn nhân và những người sống sót như kẻ thù, nhưng chúng ta không yêu thương họ, chúng ta đã không chúc phúc cho họ. Theo nghĩa đó, chúng ta là kẻ thù tồi tệ nhất của chính mình.
Chúa thúc giục chúng ta “có lòng thương xót như Cha của các con là Đấng giàu lòng thương xót”. Thế nhưng, đối với tất cả các ước nguyện của chúng ta muốn có một Giáo hội thực sự an toàn và đối với tất cả những gì chúng ta đã làm để bảo đảm việc này, chúng ta không luôn luôn chọn lòng thương xót của người thuộc trời. Đôi khi, chúng ta thích sự thờ ơ của người thuộc đất và chỉ muốn bảo vệ danh tiếng của Giáo Hội và thậm chí danh tiếng của chính chúng ta. Chúng ta đã biểu lộ quá ít lòng thương xót, và do đó chúng ta cũng sẽ nhận được như vậy, bởi vì đấu chúng ta cho đi sẽ là đấu chúng ta nhận được trở lại. Như David đã nói, chúng ta sẽ không thoát bị trừng phạt, và chúng ta quả đã nếm hình phạt.
Người thuộc đất phải chết để người thuộc trời được sinh ra; Adam cũ phải nhường chỗ cho Adam mới. Điều này sẽ đòi hỏi một sự hoán cải thực sự, mà nếu không có nó, chúng ta sẽ ở lại mãi ở bình diện “hành chính mà thôi” – như Đức Thánh Cha viết trong Evangelii Gaudium – “hành chính mà thôi” sẽ không đụng gì tới tâm điểm của cuộc khủng hoảng lạm dụng (25).
Chỉ có việc hoán cải này mới cho phép chúng ta thấy rằng các vết thương của những người bị lạm dụng là các vết thương của chúng ta, số phận của họ là số phận của chúng ta, họ không phải là kẻ thù của chúng ta mà là xương của xương ta, thịt của thịt ta (x. St 2:23 ). Họ là chúng ta, và chúng ta là họ.
Việc hoán cải này, trong thực tế, là một cuộc cách mạng kiểu Coperních. Coperních đã chứng minh rằng mặt trời không quay quanh trái đất mà trái đất quay quanh mặt trời. Đối với chúng ta, cuộc cách mạng Coperních là khám phá rằng những người bị lạm dụng không quay quanh Giáo hội mà là Giáo hội quay quanh họ. Khi khám phá ra điều này, chúng ta có thể bắt đầu nhìn bằng mắt và nghe bằng tai của họ; và một khi chúng ta làm điều này, thế giới và Giáo hội bắt đầu nhìn rất khác. Đây là sự hoán cải cần thiết, cuộc cách mạng thực sự và là ơn thánh lớn lao, có thể mở ra cho Giáo hội một mùa truyền giáo mới.
Lạy Chúa, khi nào chúng con thấy Chúa bị lạm dụng mà không đến giúp Chúa? Nhưng Người sẽ trả lời: Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy. (xem Mt 25: 44-45). Nơi họ, những người nhỏ bé nhất trong các anh chị em, các nạn nhân và người sống sót, chúng ta gặp Chúa Kitô bị đóng đinh, Đấng bất lực nhưng từ Người tuôn ra quyền lực của Đấng toàn năng, Đấng bất lực mà quanh Người, Giáo hội xoay quanh mãi mãi, Đấng bất lực mà các vết sẹo tỏa sáng như mặt trời.
Trong những ngày này, chúng ta đã ở trên Núi Sọ – ngay ở Vatican và trong Sala Regia, chúng ta vẫn đang ở trên núi tối tăm. Khi lắng nghe những người sống sót, chúng ta đã nghe Chúa Kitô khóc lớn trong bóng tối (x. Mc 15: 34). Và tiếng khóc này thậm chí đã trở thành âm nhạc. Nhưng ở đây hy vọng đã phát sinh từ trái tim bị tổn thương của anh, và hy vọng trở thành lời cầu nguyện, khi Giáo hội hoàn vũ tập hợp quanh chúng ta trong căn phòng trên lầu này: mong sao bóng tối Núi Sọ dẫn Giáo hội khắp thế giới tới ánh sáng Phục sinh, tới Chiên Con là mặt trời không bao giờ lặn (xem Kh 21: 23).
Cuối cùng, chỉ còn giọng nói của Chúa phục sinh, thúc giục chúng ta đừng đứng nhìn chằm chằm vào ngôi mộ trống, tự hỏi trong sự bối rối của chúng ta phải làm gì sau đó. Chúng ta cũng không thể ở lại trong phòng trên lầu nơi Người nói, “Bình an cho các con” (Ga 20: 19). Người thở hơi trên chúng ta (xem Ga 20: 22) và ngọn lửa của Lễ Ngũ tuần mới chạm vào chúng ta (xem Cv 2: 2). Đấng là bình an mở rộng cửa phòng trên lầu và các cánh cửa trái tim chúng ta. Từ sợ hãi, phát sinh một sự táo bạo tông đồ, từ chán nản sâu xa, phát sinh niềm vui Tin Mừng.
Một sứ vụ đang trải ra trước mắt chúng ta – một sứ vụ đòi hỏi không những lời nói mà là hành động cụ thể thực sự. Chúng ta sẽ làm tất cả những gì có thể để mang lại công lý và hàn gắn cho những người sống sót bị lạm dụng; chúng ta sẽ lắng nghe họ, tin họ và bước đi với họ; chúng ta sẽ đảm bảo rằng những kẻ lạm dụng sẽ không bao giờ có thể vi phạm nữa; chúng ta sẽ kêu gọi những người đã che giấu lạm dụng phải giải trình; chúng ta sẽ tăng cường các diễn trình tuyển dụng và đào tạo các nhà lãnh đạo của Giáo hội; chúng ta sẽ giáo dục tất cả mọi người về những gì việc bảo an đòi hỏi; chúng ta sẽ làm tất cả những gì trong quyền lực của mình để bảo đảm rằng những điều kinh hoàng trong quá khứ không lặp lại nữa và Giáo hội là nơi an toàn cho mọi người, một người mẹ yêu thương đặc biệt đối với người trẻ và người dễ bị tổn thương; chúng ta sẽ không hành động một mình mà sẽ làm việc với tất cả những người quan tâm đến lợi ích của người trẻ và người yếu thế; chúng ta sẽ tiếp tục đào sâu sự hiểu biết của chính mình về lạm dụng và ảnh hưởng của nó, về lý do tại sao nó đã xảy ra trong Giáo hội và những gì phải được thực hiện để xóa bỏ nó tận gốc. Tất cả những điều này sẽ cần đến thời gian, nhưng chúng ta không được kéo dài mãi mãi và chúng ta không được thất bại.
Nếu chúng ta có thể làm điều này và nhiều điều hơn thế nữa, không những chúng ta biết được sự bình an của Chúa Phục sinh mà chúng ta sẽ trở thành sự bình an của Người trong một sứ vụ đến tận cùng trái đất. Thế nhưng, chúng ta sẽ chỉ trở thành bình an khi chúng ta trở thành lễ hy sinh. Với lễ này, chúng ta đồng thanh nói “có” khi tại bàn thờ, chúng ta hòa lẫn các thất bại và phản bội, tất cả niềm tin, hy vọng và tình yêu của chúng ta vào lễ hy sinh của Chúa Giêsu, Nạn nhân và Đấng Chiến Thắng, Đấng “lau khô nước mắt khỏi mọi con mắt, và cái chết sẽ không còn nữa, sẽ không còn thương tiếc hay khóc lóc hay đau đớn nữa, vì những điều trước đây đã qua đi” (Kh 21: 4). Amen.
Vũ Văn An